Chuyện riêng tư

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 - PKĐKQT YERSIN3 GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ GAN3 MỪNG XUÂN ẤT TỴ 20253 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN3
Đặt lịch hẹn khám

Chuyện riêng tư

    Cách đây rất nhiều năm, khi đang nhận một bệnh nhân từ cấp cứu và chưa xem bệnh án chuyển, chị hộ lý chuyển bệnh khều nhẹ và thầm thì, “Bác sĩ cẩn thận, nó bị SIDA đó”. Chị hộ lý đấy chỉ là người tốt bụng, muốn nhắc nhở đồng nghiệp cẩn thận, nhưng không biết là mình đã vi phạm một trong những quyền cơ bản nhất của người bệnh: quyền được giữ bí mật về tình hình bệnh của mình.

    Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư


    Luật khám chữa bệnh của chúng ta (điều 8, mục 1, chương II) quy định bệnh nhân được quyền giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Chỉ một dòng rất đơn giản nhưng nội dung mà nó chứa đựng thật phong phú, và có thể nói, vượt qua mức nhận thức của phần lớn người đang hành nghề y tế hiện nay ở nước ta.


    Trước hết, thông tin về tình trạng sức khỏe bệnh nhân là bao gồm tất cả tư liệu về hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, tường trình phẫu thuật, biên bản hội chẩn… Nói chung, tất tần tật.


    Kế đến, nội dung cần được bảo vệ bao gồm phương thức cổ điển (giấy tờ) lẫn hiện đại (các tập tin hình ảnh, các dữ liệu trên hệ thống thông tin y khoa, các kết quả x quang lưu giữ tại các máy chẩn đoán cận lâm sàng…)


    Mặt khác, không chỉ các dữ liệu y khoa mà các thông tin về đời tư (địa chỉ, số điện thoại, thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng…) cũng cần phải được bảo vệ.


    Cuối cùng, tuy trong luật không ghi rõ nhưng việc giữ bí mật áp dụng cho tất cả mọi người trừ những cá nhân trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân.

    Những vấn đề trên được chú ý một cách nghiêm túc ở các nước phát triển vì nó thường có liên quan rất lớn đến những vấn đề pháp lý xảy ra khi người bệnh nằm viện (mất khả năng điều khiển một doanh nghiệp hay một tài khoản ngân hàng chẳng hạn) hoặc nếu không may, bị tử vong (những vấn đề về thừa kế, tranh chấp tài sản). Ở các bệnh viện lớn, việc hồ sơ hoàn toàn quản lý bằng vi tính giúp cho việc phát hiện những truy cập thông tin trái phép hầu như tức thời. Ngay cả các nhân viên bệnh viện cũng không được phép truy cập hồ sơ của chính mình hoặc người thân trong gia đình (con cái, cha mẹ). Việc truy cập thông tin trái phép được coi là vi phạm ở mức nghiêm trọng và thường dẫn đến việc sa thải ngay lập tức.



    Bí mật của bệnh nhân ta: Thật đáng tiếc khi phải nói rằng đây lại là một trong những điều xa xỉ mà bệnh nhân ta không có được.


    Không có bí mật trong đào tạo y khoa


    Thật vậy, có nhiều hình thức đào tạo hoặc quản lý y khoa mà chúng ta đang áp dụng đang dẫm nát cái coi là “sự riêng tư của người bệnh”. Các lớp học lâm sàng thường có những buổi trình bệnh trong đó sinh viên trình bày các ca bệnh điển hình, khó  hoặc hay để các giảng viên phân tích và hướng dẫn cách chẩn đoán hay xử trí. Về nguyên tắc, đây là một phương pháp trực quan sinh động và rất có hiệu quả như cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, để tìm ra những ca bệnh này, các sinh viên phải sục sạo toàn bộ các hồ sơ bệnh án. Việc trình bệnh cũng phơi bày toàn bộ chi tiết về nhân thân, bệnh lý của người bệnh cho toàn bộ người dự. Một số ca để chứng minh “người thật việc thật”, sinh viên không ngần ngại đưa lên những hình ảnh rất cá nhân của bệnh nhân. Trong một số trường hợp khác, việc trình bệnh còn được thực hiện tại giường, bản thân bệnh nhân cũng như “các hàng xóm” cũng trở thành người nghe bất đắc dĩ. Ngay cả khi không có trình bệnh, việc sinh viên thực tập truyền tai nhau: Ông A bệnh B, Bà C bệnh D …. là rất bình thường, bình thường đến mức không ai cảm thấy là … trái luật.


    Mặt khác, không những sinh viên, bản thân các bác sĩ đang hành nghề cũng ít chú ý việc này. Theo quy chế của Bộ Y tế, các khoa lâm sàng thường tổ chức “đi buồng” để các bác sĩ nắm tình hình chung của bệnh nhân trong khoa. Trong các buổi đi buồng này, các chi tiết bệnh tiết riêng của bệnh nhân thường được trình bày công khai dù có mặt những người xa lạ chung quanh.


    Không có bí mật giữa những người mặc áo trắng


    Một thông lệ khá phổ biến và khá đặc trưng của Y tế Việt Nam là việc “gửi gấm, nhờ vả“ khá nhiều. Cùng với nó là việc cung cấp thông tin bệnh nhân một cách dễ dàng và rộng rãi cho bất cứ ai mang tính chất quen biết. Để biết thông tin về một người xa lạ nào đó đang nằm viện, chỉ cần gọi điện cho BẤT CỨ nhân viên nào của bệnh viện đó. Họ có thể lấy thông tin nhanh chóng bằng cách hỏi điều dưỡng, hỏi bác sĩ hoặc chỉ cần đến tận nơi để xem hồ sơ bệnh án.


    Cũng như vậy, hồ sơ bệnh án thường đặt ở các ngăn tủ mà BẤT CỨ ai mặc áo trắng (nhân viên bệnh viện, bác sĩ thực tập, sinh viện thực tập…. hoặc một kẻ gian nào đấy khoác trên mình chiếc áo trắng). Không ít trường hợp lừa gạt đã xảy ra ở ta khi kẻ lừa đảo mặc áo trắng vào xem hồ sơ bệnh nhân rồi sau đó đặt điều để kiếm tiền với bệnh nhân.


    Việc áp dụng các phần mềm quản lý đưa cho chúng ta một công cụ để giúp bảo vệ dữ liệu bệnh nhân. Tuy nhiên, có thể do nhà lập trình hoặc nhà quản lý ít quan tâm mà việc cài đặt và kiểm soát mức độ truy cập của người dùng là rất hạn chế. Ngược lại, hệ thống quản lý vi tính lại trở thành công cụ truy cập thông tin “bất hợp pháp” một cách nhanh chóng và tiện lợi.


    Không có bí mật giữa những người “trong gia đình”


    Tiếng Việt ta có một khái niệm rất hay là “người nhà”. Mỗi khi bác sĩ có việc cần thảo luận thì việc đưa ra một ai đó đại diện, gọi là người nhà. Chúng ta lại ít khi quan tâm đến khía cạnh pháp lý mà thường chỉ muốn công việc trôi chảy, như có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm. Vì thế, người nhà nhiều khi không chỉ là chồng vợ con cháu, mà có thể là ông hàng xóm, hoặc bạn nhậu chẳng hạn. Cũng vì thế, thông tin bệnh lý được phân phát tràn lan. Còn chưa kể khi bệnh nhân nằm viện thì bà con, bạn bè, lãnh đạo vào thăm. Ai cũng muốn …”hỏi thăm bác sĩ xem bị bệnh gì”. Dân ta vô tư thật đấy!


    Vấn đề đạo đức và pháp lý


    Trước hết, việc giữ kín thông tin bệnh nhân là một điều cần thiết trong đạo đức y khoa. Có nhiều lý do để người bệnh muốn tình trạng bệnh của mình được giữ kín. Có thể đó là bệnh nặng giai đoạn cuối và họ muốn chia sẻ khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi với người thân. Có thể đó là một bệnh truyền nhiễm và họ mặc cảm sợ mọi người xa lánh (viêm gan chẳng hạn). Cũng có thể những thông tin bệnh này có thể ảnh hưởng đến việc thăng tiến trong nghề nghiệp hay chức vụ? Nói cho cùng, bản thân bệnh nhân là người duy nhất có quyền tiết lộ thông tin của mình cho những ai cần biết. Việc bộc lộ thông tin một cách thô bạo nhiều khi là một vết thương tâm lý  hoặc càng làm bệnh nhân khó khăn hơn. Ở ta, việc lộ thông tin về nhiễm HIV đã dẫn đến không ít trường hợp đau lòng do bệnh nhân bị kỳ thị và xa lánh. Ở các nước phát triển, những trường hợp lộ thông tin như thế có thể lập tức đưa khiếu nại lên cấp cao nhất  về việc  sự riêng tư của mình bị vi phạm.


    Mặt khác, tính pháp lý của việc bảo mật thông tin đang ngày càng trở nên quan trọng. Không chỉ về mặt chuyên môn mà các hồ sơ y khoa ngày nay thường kèm với thông tin về tài chính và là miếng mồi ngon cho kẻ xấu. Nhiều vụ việc tai tiếng được ghi nhận như việc mất cắp  thông tin y khoa của 90.000 bệnh nhân của UW Medical center, Washington, Mỹ vào tháng 10/2013 hay vụ mất thông tin 5400 bệnh nhân của Valley View Hospital, Colorado, Mỹ vào tháng 3/2014. Giới chuyên môn báo động là việc tấn công vào các phòng khám và bệnh viện sẽ ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn. Lý do đơn giản là các nơi này thường có “hệ thống phòng thủ“ yếu hơn.

    Luật nói thế nào?


    Không phải là ta không có luật hoặc các nhà quản lý không biết về vấn đề này. Ngược lại luật nói rất rõ: thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư của bệnh nhân“ …chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.” (Khoản 2, Điều 8, Mục 1, Chương II).


    Nói một cách đơn giản, hồ sơ bệnh nhân là tài sản của bệnh nhân nhưng hiện nay chúng ta đang hành xử như thể nó là tài sản của mình, những cán bộ Y tế. Chúng ta muốn dùng thế nào là dùng, bệnh nhân không được phép có ý kiến.


    Thật ra, việc trình bệnh không phải là hiếm ở nơi khác nhưng những người phụ trách, sinh viên cần cho bệnh nhân biết và được sự đồng ý của họ. Mọi sự chia sẻ thông tin, ngay cả giữa các cơ sở ý tế với nhau, bệnh nhân cũng cần được biết và đồng ý. Một loại văn bản rất phổ biến trong hồ sơ y khoa là các phiếu chia sẻ thông tin, luôn cần có chữ ký của bệnh nhân.

    Vai trò của nhà quản lý là then chốt


    Tất nhiên, thái độ đối với sự riêng tư của bệnh nhân như thế nào là còn tùy thuộc vào cái nhìn của nhà quản lý. Luật thì có nhưng các văn bản dưới luật thì thưa thớt. Ở cấp cơ sở, hầu như cán bộ y tế không còn quan tâm chút nào. Sự tác động của thực tế khó khăn là không thể chối cãi vì  ngay cả “sự riêng tư về thể chất” nhiều khi còn chưa có được (phải nằm chung giường) thì việc đòi hỏi riêng tư về thông tin có vẻ thật xa vời. Tuy nhiên, khi hội nhập vào thế giới, có những quy định mà bắt buộc chúng ta phải tôn trọng. Về mặt y tế mà nói, sự bảo mật về thông tin bệnh nhân chính là một trong những điều đó. Khi một cơ sở y tế ý thức về vấn đề này và triển khai đúng mức, sẽ có rất nhiều thay đổi về nhận thức và hành vi của các nhân viên. Trong khi chờ đợi, việc tìm hiểu và triển khai những bước cơ bản trong việc bảo mật thông tin cũng là điều nên làm.

     

    TS.BS Võ Xuân Quang

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin


     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
     

     

    Zalo