A. Tóm tắt các khuyến cáo mới của ACP về tầm soát ung thư đại trực tràng:
1. Các nhà lâm sàng nên đánh giá nguy cơ ung thư đại trực tràng ở người trưởng thành theo từng cá nhân.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư đại trực tràng bao gồm: lớn tuổi, người da đen, có tiền sử bị polyp đại trực tràng, bệnh viêm ruột*, tiền sử bản thân và gia đình bị ung thư đại trực tràng.
* Ý nói đến bệnh viêm ruột đặc hiệu (bao gồm viêm loét đại trực tràng và Crohn)
2. Các nhà lâm sàng nên tầm soát ung thư đại trực tràng ở người trưởng thành.
Thời điểm bắt đầu tầm soát:
a. 50 tuổi đối với nhóm nguy cơ trung bình
b. 40 tuổi đối với nhóm nguy cơ cao
c. Nếu có người thân bị ung thư đại trực tràng, nên tầm soát từ 10 năm trước so với tuổi của người trẻ nhất bị ung thư trong gia đình.
Đối với những nhóm đối tượng này, lợi ích của việc giảm tỉ lệ tử vong do phát hiện sớm ung thư đại trực tràng lớn hơn những bất lợi do chương trình tầm soát gây ra.
3. Bệnh nhân với nguy cơ trung bình có thể được tầm soát bằng các xét nghiệm phân, nội soi đại tràng sigma hay nội soi toàn bộ đại tràng.
Bệnh nhân có nguy cơ cao nên tầm soát bằng nội soi toàn bộ đại tràng. Các yếu tố dùng cần nhắc khi chọn lựa phương pháp tầm soát bao gồm: các lợi ích và rủi ro, tính khả dụng của phương pháp tầm soát và kể cả sự lựa chọn của bệnh nhân. Đối với người trên 50 tuổi ở nhóm nguy cơ trung bình, nên thực hiện nội soi đại tràng mỗi 10 năm; nội soi đại tràng sigma, soi đại tràng ảo hoặc chụp đại tràng đối quang kép nên được thực hiện mỗi 5 năm; tìm máu ẩn trong phân mỗi năm.
4. Các nhà lâm sàng nên ngừng tầm soát ở những bệnh nhân trên 75 tuổi hay những bệnh nhân có thời gian sống thêm ít hơn 10 năm
vì những rủi ro tiềm ẩn do các phương tiện tầm soát sẽ nhiều hơn những lợi ích do nó mang lại. Những nguy cơ của nội soi đại tràng bao gồm: chảy máu, thủng đại tràng và những tác dụng phụ xảy ra trong quá trình rửa ruột chuẩn bị soi.
“Bệnh nhân nên tham gia vào quá trình chọn lựa phương pháp tầm soát, nhờ đó hiểu được những lợi ích và rủi ro của phương pháp được chọn. Sự thành công của mọi chương trình tầm soát đều phụ thuộc vào sự chọn lựa phương pháp phù hợp, sự theo dõi bệnh nhân có kết quả bất thường cũng như quyết định khoảng cách phù hợp cho những đối tượng cần thiết lập lại tầm soát.“
Dr Virginia L Hood- Chủ tịch của ACP
B.Ý kiến về hướng dẫn tầm soát ung thư đại trực tràng 2012 của ACP .
Trước hết, phải nói ngay là việc đánh giá các hướng dẫn này nên thuộc về những tổ chức học thuật mang tính quốc gia như Hội khoa học tiêu hoá Việt Nam. Việc sửa đổi các khuyến cáo cho phù hợp tình hình thực tế như thế nào cũng không phải là công việc tuỳ tiện của một người hay một nhóm người. Các khuyến cáo của Mỹ bao giờ cũng dựa trên cân nhắc rất kỹ về lợi ích/bất lợi và có những số liệu chứng minh cụ thể. Đáng tiếc, việc thực hiện số liệu và phân tích để đưa ra kết luận như thế chưa được phổ biến ở Việt Nam. Do đó, sau đây chỉ là một số ý kiến mang tính cá nhân, không phải là khuyến cáo hay hướng dẫn chính thức.
- Cần thấy đây là hướng dẫn cho các bác sĩ Mỹ áp dụng cho quần thể người dân trên lãnh thổ Mỹ. Do đó, việc áp dụng vào bất kỳ nơi nào khác cũng sẽ có những điểm không phù hợp. Cụ thể, vấn đề màu da đen là yếu tố nguy cơ cao... rõ ràng là không phù hợp khi áp dụng vào quần thể dân Việt Nam. Tuy viện ung thư Mỹ (NCI) chưa xác nhận yếu tố nguy cơ về màu da nhưng các số liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh (CDC) qua nhiều năm cho thấy có sự khác biệt khá rõ về màu da đen, trắng và vàng. Tuy các số liệu từ Việt Nam thấp hơn khá nhiều nhưng sự gia tăng các ung thư đại trực tràng trong những năm gần đây là điều mà bất cứ bác sĩ lâm sàng nào cũng thấy.
- Các thay đổi trong hướng dẫn: Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, việc tầm soát ung thư đại tràng thuần tuý dựa vào xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Từ khi kỹ thuật nội soi phát triển và được thực hiện ngày càng an toàn, việc tầm soát và phòng ngừa ung thư trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Ở giai đoạn đầu, nội soi đại tràng được chỉ định làm mỗi 5 năm. Tuy nhiên, các hướng dẫn mới đều đề nghị thực hiện mỗi 10 năm. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng việc tầm soát bằng nội soi ở Việt Nam nên được thực hiện mỗi 5 năm thay vì 10 năm. Các cơ sở của đề nghị này như sau:
*Cơ sở của tầm soát ung thư ở nước ngoài là dựa trên tìm máu ẩn trong phân với các test độ nhạy cao (High sensitivity fecal occult blood test) mà cơ sở là việc tìm Globin với phương pháp hoá miễn dịch FIT (Fecal Immunochemical test). Ngược lại, các test tìm máu ẩn phổ biến ở nước ta hiện nay thường dùng Guaic để tìm nhân Hem có độ nhạy thấp hơn.
*Chi phí soi đại tràng thấp hơn hàng chục lần so với nước ngoài. Việc chọn một cơ sở soi có kinh nghiệm và an toàn sẽ giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
*Nhìn từ góc độ người bệnh Việt Nam, họ muốn làm soi đại tràng ngay thay vì đi làm CT ảo với chi phí cao rồi sau đó vẫn phải đi làm nội soi thật khi nghi ngờ có tổn thương.
*Với tình hình vệ sinh thực phẩm và việc lạm dụng các hoá chất công nghiệp như hiện nay, đa phần bệnh nhân đến với biểu hiện rối loạn tiêu hoá kéo dài và điều này có xu hướng lập lại, hiếm khi có một bệnh nhân đến tầm soát với tình trạng “ hoàn toàn bình thường” trong khoảng thời gian 10 năm.
Một điểm mới trong tầm soát ung thư đại trực tràng là việc xác định thời điểm bắt đầu tầm soát 10 năm trước độ tuổi của người thân trẻ nhất bị mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Trên thực tế, chúng ta gặp không ít bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng ở lứa tuổi < 40. Vậy những người thân của họ nên được tầm soát ngay từ độ tuổi < 30. Đây thực sự là một vấn đề lớn.
HƯỚNG DẪN MỚI VỀ TẦM SOÁT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG CỦA ACP (American College of Physicians)
Ann Intern Med. 2012;156:378-386
Ngày 05-03-2012
Người biên soạn:
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang - Bác sĩ Trần Văn Huy
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
3. Cần Phải Nội Soi Tầm Soát Sớm Ung Thư Đại Trực Tràng
5. Thông Tin Về Ung Thư Đại Trực Tràng
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com