Giải đáp thắc mắc "Phòng ngừa tầm soát ung thư đại trực tràng và các phương pháp nội soi tiêu hoá"

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 - PKĐKQT YERSIN3 GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ GAN3 MỪNG XUÂN ẤT TỴ 20253 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN3
Đặt lịch hẹn khám

Giải đáp thắc mắc "Phòng ngừa tầm soát ung thư đại trực tràng và các phương pháp nội soi tiêu hoá"

Buổi tư vấn sức khỏe miễn phí với chủ đề “Phòng ngừa, tầm soát ung thư đại trực tràng” và “Các phương pháp nội soi tiêu hóa” diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 13/3/2013, tại Hội trường Lầu 9, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin, số 10 Trương Định, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM vừa qua đã thu hút đông đảo sự quan tâm của khách mời và bệnh nhân bằng những vấn đề thắc mắc và cần sự tư vấn gửi tới các Bác sĩ.

    Buổi tư vấn sức khỏe miễn phí với chủ đề “Phòng ngừa, tầm soát ung thư đại trực tràng” và “Các phương pháp nội soi tiêu hóa” diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 13/3/2013, tại Hội trường Lầu 9, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin, số 10 Trương Định, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM vừa qua đã thu hút đông đảo sự quan tâm của khách mời và bệnh nhân bằng những vấn đề thắc mắc và cần sự tư vấn gửi tới các Bác sĩ.

    Dưới đây là một số câu hỏi điển hình và những vấn đề được nhiều người quan tâm:

    Câu 1Những dấu hiệu nào để người bệnh phát hiện sớm ung thư đại trực tràng? Có cách phòng ngừa thế nào?

    Trả lời:

    - Trên lâm sàng, dấu hiện báo động ung thư đại trực tràng là tình trạng thay đổi các thói quen đường ruột kéo dài, các triệu chứng có thể kể ra bao gồm:

    - Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài nhiều tuần

    - Đau bụng mãn tính

    - Cảm giác có khối u vùng bụng

    - Cảm giác đi tiêu không hết, phân dẹt

    Các triệu chứng báo động nặng hơn bao gồm

    - Có máu trong phân

    - Sụt cân đáng kể, không rõ nguyên do

    - Thiếu máu thiếu sắt

    Biện pháp phòng ngừa duy nhất có giá trị là tầm soát sớm với thời điểm phù hợp và nội soi cắt bỏ các polyp trước khi chúng chuyển thành ung thư.

    Câu 2Tôi năm nay 71 tuổi, từ nhỏ tới giờ thường xuyên hay bị dị ứng với ớt và các đồ nóng như rượu, gừng, quế, cafe đen, thường xuyên ăn nhiều rau củ quả, trái cây hoặc uống sắn dây thì việc tiêu hoá mới được dễ dàng? Vậy có cần phải tầm soát không?

    Trả lời:

    -Cao hay không cao thì bác đều có chỉ định soi tầm soát ở lứa tuổi này. Các dấu ấn ung thư không đặc hiện và có thể tăng nhẹ vì nhiều lý do khác nên hiện tại cũng không cần phải lo lắng quá mức.

    -Việc tầm soát ung thư là nhằm phát hiện sớm các tổn thương để việc điều trị có hiệu quả. Các chế độ ăn và sinh hoạt dẫn đến những mức độ rủi ro khác nhau nhưng các khuyến cáo về tầm soát ung thư hiện nay không dựa vào chế độ ăn mà chỉ dựa vào độ tuổi và những nguy cơ mang tính gia đình, di truyền.

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

    Câu 3: Các xét nghiệm mà giáo sư để cập tới có thể làm tại các bệnh viện nào?

    Trả lời:

    -Các xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng không cần máy móc quá cao cấp và có thể thực hiện được ở hầu như tất cả các bệnh viện tại TPHCM.

    Câu 4Tôi nội soi cách đây 5 tháng ở BV Đại học Y dược (kết quả hội chứng nhu động ruột). Xin hỏi BS bệnh này có nguy hiểm không? có thời gian nội soi, mấy năm lại nội soi nữa? (Vũ Thị Vinh, 70 tuổi, quận 12).

    Trả lời:

    Hội chứng đại tràng kích thích, khác với các bệnh viêm đại tràng đặc hiệu, vì nó không phải là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Bệnh không nguy hiểm nhưng khó chịu và khó điều trị khỏi hẳn. Mặt khác, do bệnh có kèm các rối loạn tiêu hóa kéo dài nên có thể làm người bệnh chủ quan, bỏ lỡ việc tầm soát ung thư.

    Về nguyên tắc, một người bình thường không có triệu chứng đại tràng nên được tầm soát bằng nội soi mỗi 7-10 năm. Tuy nhiên, bạn chắc chắc là không rơi vào nhóm này vì thường xuyên có rối loạn tiêu hóa. Chúng tôi cho là bạn nên soi kiểm tra mỗi 5 năm nếu bệnh không có diễn tiến đặc biệt và nên soi mỗi khi có triệu chứng mới xuất hiện hoặc thay đổi theo chiều hướng xấu.

    Câu 5: Tôi bị táo bón lâu năm càng ngày càng nặng, hiện giờ trong bụng nó bị nổi cục, xin bác sĩ cho tôi biết tình trạng hiện tại đại tràng tôi bị sao và phương pháp chữa trị?

    Trả lời:

    Táo bón là một hội chứng gây ra do rất nhiều nguyên nhân, có thể do rối loạn nhu động của đại tràng, cũng có thể do bất thường thần kinh cơ của hệ thống cơ thắt –cơ vòng vùng hậu môn trực tràng. Táo bón đơn giản và mới có thể điều chỉnh dễ dàng bằng chế độ ăn nhiều chất xơ và các thuốc nhuận tràng. Táo bón kéo dài và kháng trị (các cục mà bạn mô tả nhiều khả năng là các khối phân tồn đọng trong đại tràng) cần được đánh giá và tìm nguyên nhân mới có thể điều trị chính xác.

    Bạn nên đến những trung tâm có chuyên khoa hậu môn trực tràng để được tư vấn cụ thể.

    Câu 6:Tôi đi phân có chất nhầy trong phân. Có phải là triệu chứng đại tràng không?

    Trả lời:

    -Chất nhày trong phân là biểu hiện tiết dịch bất thường, liên quan đến tổn thương viêm hay khối u. Tùy theo tính chất và diễn tiến của triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị theo kinh nghiệm hoặc cần thêm xét nghiệm phân, nội soi đại tràng sinh thiết để có chẩn đoán chính xác trước khi điều trị.

    Câu 7: Viêm loét đại tràng uống thuốc có hết hay không?

    Trả lời:

    Nếu bạn đang nói về bệnh viêm loét đại tràng đặc hiệu (UC=Ulcerative Colitis/RCH=Rectocolite hemorragique) thì rất tiếc là bệnh không thể điều trị khỏi hẳn được. Mục đích của việc điều trị bao gồm :

    -Giữ bệnh nhân ở trạng thái lui bệnh càng lâu càng tốt để có một cuộc sống khỏe mạnh

    -Ngăn ngừa những đợt bùng phát

    -Hạn chế các biến chứng

    Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ, có thể do các rối loạn về miễn dịch nên việc điều trị hiện nay chủ yếu là kháng viêm và điều hòa miễn dịch.

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

    Câu 8 : Tầm soát viêm nang đại tràng có tác hại hay phản ứng phụ không? Tầm soát viêm nang có kết hợp cắt Polup luôn không?

    Trả lời:

    Viên nang hiện nay không được dùng để tầm soát ung thư đại tràng vì lòng đại tràng khá rộng và sự di chuyển thụ động của viên nang có thể gây sót tổn thương. Hơn nữa, hình ảnh cũng như chi phí của viên nang không thể so sánh được với soi đại tràng theo phương pháp truyền thông. Hơn nữa viên nang cũng không dùng cắt polyp được.

    Câu 9: Tôi tên Thanh Mai, tôi bị viêm đại tràng mãn từ hơn 20 năm. Hiện nay tôi đã 52 tuổi. bệnh tình ngày càng tiến triển nặng. Mỗi ngày tôi đều đi cầu ra máu, bụng đau lâm râm, đã khám tại Chợ Rẫy. Bác sĩ Trần Ngọc Bảo nói rằng bệnh tôi ở nước ngoài trị được, nhưng Việt Nam chưa có điều kiện, vậy tôi phải làm sao?

    Trả lời:

    Nếu bạn thừơng xuyên đi ra máu, có lẽ là bạn đang nói về bệnh viêm loét đại tràng hoặc có tên gọi khác là viêm đại trực tràng xuất huyết. Bệnh khó điều trị khỏi hoàn toàn và hiện chỉ có thể dùng các loại thuốc kháng viêm. Ở nước ngoài, bệnh có thể điều trị tốt hơn nhờ có sự xuất hiện các kháng viêm thế hệ mới mạnh hơn và ít biến chứng hơn. Nếu có điều kiện, chị có thể xin điều trị tại Singapore hay Thái lan để giảm bớt chi phí nhưng chúng tôi cho rằng chế độ điều trị và theo dõi chung cũng không khác nhiều so với các bác sĩ ở Việt Nam mà chị đang điều trị.

    Câu 10Năm 2003, tôi được BS tại Nhật tôi có một Polype dày 3mm và cần thiết cắt bỏ ngay khi nội soi và chẩn đoán tôi bị Crohn.

    Năm 2004, BS tại Nhật yêu cầu tôi nội soi lại vì không thấy Polype.

    Năm 2007, BS nói nếu bị bệnh Crohn có khả năng phát triển ung thư và khuyên không ăn dồ chiên, xào nhiều dầu mỡ.

    Năm 2010 tôi về Việt Nam và chưa đi nội soi bao giờ. Mong bác sĩ cho lời khuyên.

    Trả lời:

    -Nếu bạn thực sự bị bệnh Crohn, một dạng bệnh viêm ruột đặc hiệu, thì nguy cơ bị ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc chỉ định nội soi tầm soát từ khi nào và mức độ thường xuyên ra sao tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

    * Bệnh đã tiến triển được bao lâu?

    * Bệnh của toàn thể đại tràng hay chỉ một phần đại tràng, trực tràng hay hồi tràng

    * Bệnh ở trạng thái ổn định hay thường xuyên tiến triển

    * Có dấu hiệu loạn sản khi soi lần trước hay không và mức độ nặng hay nhẹ

    -Nói chung, các hiệp hội tiêu hóa và nội soi khuyến cáo nên bắt đầu soi tầm soát khoảng 8-10 năm sau khi bệnh xuất hiện và nên soi mỗi 1-2 năm.

    -Trong trường hợp của bạn, bệnh xuất hiện từ 2003, đến nay đã 10 năm. Chúng tôi khuyên bạn nên đi soi trong năm nay và căn cứ vào kết quả soi mà sẽ quyết định lần soi tới cách mấy năm.

    Câu 11: Trường hợp đã cắt Polyp được 3 năm, 67 tuổi, trước lúc cắt đã nội soi toàn phần đại tràng, vậy nếu tiếp tục bị tiêu chảy, thì có tiếp tục nội soi toàn phần? (dù mời 3 năm sau khi nội soi toàn phần lần đầu)

    Trả lời:

    -Câu trả lời tùy thuộc vào kết quả cắt polyp lần trước , bao gồm kích thước-loại giải phẫu bệnh-mức độ loạn sản nếu có. Nói chung, có tiền căn cắt polyp, có triệu chứng rối loạn tiêu hóa mới, 3 năm đủ để chỉ định thực hiện việc nội soi kiểm tra.

    Câu 12: Nếu phát hiện Polyp >= 1cm thì tốt nhất là cắt luôn không cần sinh thiết? có đúng không ah?

    Trả lời:

    Đúng vậy. Việc cắt polyp ngay khi phát hiện giúp giảm chi phí cho bệnh nhân vì không cần soi hai lần. Mặt khác, mẫu bệnh phẩm là cả khối sinh thiết giúp đọc kết quả chính xác hơn là một mẫu sinh thiết nhỏ hơn 10 lần ( 1mm). Việc cắt polyp ngay không được khuyến cáo nếu bệnh nhân có tiền sử rối loạn đông cầm máu hoặc đang dùng các thuốc kháng đông.

    Câu 13: Kính mong bác sĩ tư vấn giúp, Nam 55 tuổi đã mổ K sigma cách đây 3 năm, hoá trị 6 đợt.

    Tháng 8/2012, nội soi đến manh tràng. CEA 5,32, CA 19,9 – 5,73.

    Trả lời:

    - Sau khi mổ cắt ung thư đại trực tràng, bạn nên được nội soi theo dõi theo lịch trình 1-3-5: Lần đầu tiên trong vòng 1 năm sau mổ, nếu bình thường thì lần 2 sau đó 3 năm, nếu bình thường thì lập lại mỗi 5 năm.

    Nếu lần soi tháng 8 năm 2012 là bình thường, bạn có thể chờ đến năm 2015 để soi kiểm tra.

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

    Câu 14Mẹ tôi năm nay 76 tuổi, chẩn đoán bị ung thư trực tràng nhưng thể trạng mẹ tôi hiện chỉ có 35 kg và bác sĩ nói không đủ sức khoẻ để mổ. Vậy tôi xin hỏi là nếu không mổ thì có sao không? Và có cần dùng thuốc hỗ trợ gì không?

    Trả lời:

    -Xin thành thật chia buồn với bạn. Tình trạng của cụ, do tuổi cao sức yếu nên phần nhiều khó có thể chịu được cuộc mổ. Nếu không mổ, bệnh thường sẽ diễn tiến theo hướng nặng dần. Diễn tiến cuối cùng thường là các biến chứng :

    *Tắc ruột

    *Xuất huyết tiêu hóa

    *Di căn các cơ quan khác

    Việc điều trị ở giai đoạn này thuần túy là điều trị triệu chứng và nâng đỡ tổng trạng. Các thuốc thường không có tác dụng gì trừ các thuốc giảm đau có thể làm bệnh nhân thấy dễ chịu hơn. Một số bệnh nhân có thể phải dùng đến các thuốc giảm đau dạng morphin. Các dung dịch nuôi ăn chất lượng cao như Ensure có thể dùng thay thế một phần bữa ăn hàng ngày. Việc bổ sung chất sắt có thể giúp hạn chế tình trạng thiếu máu do mất máu rỉ rả.

    Câu 15: Tôi bị K trực tràng T3N1MO0 đã được cắt đoạn đại trực tràng – xạ trị 8/2012. Tôi muốn hỏi khả năng tái phát và cách phòng ngừa?

    Trả lời:

    Bất cứ bệnh nhân nào mổ vì ung thư đại trực tràng đều có nguy cơ cao bị tái phát các polyp ở vị trí khác và ung thư ngay tại vết mổ. Do đó, mức độ nội soi kiểm tra cần sát sao hơn người bình thường để có thể phát hiện kịp thời. Ở người lớn tuổi không có triệu chứng, nội soi có thể lập lại mỗi 7-10 năm tùy theo mức độ rủi ro.

    Tỷ lệ sống sót và tái phát lệ thuộc vào từng giai đoạn bệnh, ở giai đoạn sớm cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng là 5 năm là 75 - 90%. Ở giai đoạn 2 cơ hội là 60%, và giai đoạn 3 là 30 - 45%. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát giảm đáng kể nếu bệnh nhân có xạ trị và hóa trị sau mổ. Để phát hiện sớm tái phát và xử trí kịp thời, bạn nên được soi kiểm tra trong vòng 1 năm, sau 3 năm kế và sau đó là mỗi 5 năm.

    Câu 16: Tôi đã phẫu thuật trực tràng cách đây 5 năm. Polyp 12mm, không hoá trị và xạ trị. Nói chung là ổn định. Tuy nhiên có một số biến chứng sau mổ như:

    Thoát vị thành bụng.

    Xơ hoá đoạn nối stapfer nên đưa đến tình trạng phân khó thoátkhi đi qua đoạn xơ hoá. Xin hỏi:

    Có thể điều trị và chữa trị tình trạng xơ hoá không? Cách thức điều trị.

    Thoát vị thành bụng có đưa tới nguy hiểm không? Biến chứng?

    Trả lời:

    -Các trường hợp hẹp miệng nối dẫn đến triệu chứng có thể điều trị bằng cách nong qua nội soi hoặc mổ tái tạo lại miệng nối. Thoát vị thành bụng sau mổ thường không nguy hiểm lắm vì ít khi dẫn đến tình trạng nghẹt khối thoát vị, có thể dùng các đai tăng cường thành bụng để giảm bớt triệu chứng hoặc mổ tái tạo lại thành ụng.

    Câu 17Thỉnh thoảng sau khi đi ngoài ra máu tươi, máu không lẫn trong phân thì có nguy hiểm về ung thư đại trực tràng hay không? Và tầm soát như thế nào? Người này có bệnh trĩ nhưng tiền sử không bị bón.

    Trả lời:

    Người bị bệnh trĩ cũng vẫn có rủi ro bị ung thư. Nếu chỉ khăng khăng cho là triệu chứng tiêu ra máu liên quan đến trĩ thì có thể bỏ sót ung thư khi không tầm soát đúng lúc. Việc xác định máu từ đâu, và có nên tầm soát hay không- bạn nên nhờ một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hay nội soi tư vấn thay vì tự quyết định.

     

    Câu 18 : Tại sao lúc đi vệ sinh khi lau bằng giấy bị rát, phải rửa bằng nước. Có phải có vấn đề về đại tràng hay không?

    Trả lời:

    Về nguyên tắc, khi vệ sinh chung quanh vùng hậu môn trực tràng thì không đau. Nếu bạn có đau, chứng tỏ niêm mạc vùng này có dấu hiệu bất thường.

    Nguyên nhân thường gặp nhất là do niêm mạc bị viêm, bị kích thích do tiêu chảy nhiều lần, do sử dụng một số thuốc hoặc hóa chất gây dị ứng. Cũng có thể có tình trạng nứt niêm mạc hậu môn và gây đau khi chạm đến. Một nguyên nhân khác cũng hay gặp là do có một búi trĩ nào đó bị tắc mạch và gây sưng đau.

    Đây không phải là triệu chứng đại tràng mà thuộc về bệnh lý của hậu môn. Trong đa số trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán dễ dàng bằng cách quan sát trực tiếp.

    Câu 19: Tôi thường bị táo bón cho nên phần hậu môn bị lồi ra có nội soi ở Hoà Hảo cách đây 10 năm, chẩn đoán là trĩ và viêm đại tràng. Xin hỏi trong thời gian sau này không đau đớn nhưng mỗi lần táo bón là bị sưng đỏ như vậy có bị ung thư không? Thời gian qua tôi không tầm soát.

    Trả lời:

    Xin chào bạn, đây không phải là triệu chứng ung thư nhưng nhiều khả năng là bệnh trĩ. Bạn nên đi khám để điều trị sớm vì tình trạng đau thường là chỉ điểm của biến chứng trĩ tắc mạch.

    Câu 20 : Trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng trên 60 tuổi, người thân có cần đi tầm soát bằng các phương pháp nội soi tiêu hoá không? Khi không có phát hiện triệu chứng gì.

    Trả lời:

    Về nguyên tắc, khi trong có gia đình có người bị ung thư đại trực tràng thì các thân nhân trực hệ (con cái, anh chị em) nên được tầm soát ung thư ở độ tuổi trước đó 10 năm, dù không có triệu chứng. Người thân của bạn bị bệnh ở tuổi 60, khá trễ nhưng do yếu tố nguy cơ cao, bạn cũng nên bắt đầu tầm soát từ độ tuổi 50.

    Câu 21: Vào ngày 22/02/2013, tôi có đưa mẹ tôi 80 tuổi đến bệnh viện khám – khi bị táo bón 3 tuần. Sau khi khám chụp phát hiện có polyp, nay gia đình tôi đang rất phân vân không biết có nên cắt bỏ polyp hay không, vì sợ bà không đủ sức khoẻ, hay hoang mang lo lắng (bị cao huyết áp và tiểu đường). Tôi có mang theo hình ảnh chụp và khám của mẹ tôi.

    Trả lời:

    Polyp đại tràng thường có chỉ định cắt và cắt ngay trong quá trình soi (sau khi đã tìm hiểu cẩn thận các vấn đề về đông máu, cầm máu và sự đồng ý của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân). Hình và ảnh chụp cho thấy có 1 polyp cách bờ hậu môn # 15cm, có d# 1cm, phần trên (từ đại tràng sigma) còn quá nhiều phân cục, không soi được nên không biết có tổn thương sì hay không. Vấn đề ở đây là

    - Tổn thương polyp nằm ở đoạn thấp (#15cm) nên có thể tiến hành nội soi trực tràng cắt dễ dàng.

    - Do cụ đã 80 tuổi (được coi là tuổi giới hạn của nội soi đại tràng) và đã soi 1 lần không được (do có quá nhiều phân và có lẽ là rất khó chịu khi soi), nên có lẽ không cần thiết phải nội soi đại tràng toàn phần. Nếu có thể mẹ bạn có thể chụp đối quang kép đại tràng để xác định thêm chẩn đoán.

    GS BS Trịnh Đình Hỷ

    Cố vấn chuyên môn, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Nội Soi Đại Tràng Thật Sự Không Đau

    2. Phát Hiện Sớm Ung Thư Đại Trực Tràng Dễ Dàng, Hiệu Quả Và Chính Xác Hơn Với Nội Soi Đại Tràng Có An Thần

    3. Lây Nhiễm Qua Nội Soi. Những Chuyện Cần Giật Mình

    4. Cơn Ác Mộng Mới Của Nội Soi

    5. Đã Đến Thời Nội Soi Dễ Chịu Chưa?

    6. Nội Soi Với Bệnh Lý Đường Tiêu Hóa

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

    Zalo