Giải Đáp Thắc Mắc Về Điều Trị HP

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 - PKĐKQT YERSIN3 GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ GAN3 MỪNG XUÂN ẤT TỴ 20253 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN3
Đặt lịch hẹn khám

Giải Đáp Thắc Mắc Về Điều Trị HP

Việc trào ngược dịch mật có thể xác định khi quan sát trong quá trình nội soi. Dịch mật nói chung chỉ tồn tại ở ruột. Nếu quan sát thấy dịch mật hoặc thấy nhu động đẩy dịch mật vào trong dạ dày, thì việc xác định trào ngược dịch mật là đúng. Chẩn đoán này có thể xem lại được bằng các hình chụp nội soi hoặc xem DVD quay phim quá trình soi.

    Kính thưa Bác sỹ! Tôi hay đau âm ỉ vùng bụng, không muốn ăn vì toàn bị ợ hơi, bụng nóng cồn cào, cổ họng thì lúc nào cũng đau, ngứa rất khó chịu! Tôi đi nội soi dạ dày và được kết quả là viêm dạ dày do tràn ngược dịch mật, HP âm tính, BS có kê đơn điều trị một tuần nhưng tôi thấy ngày càng nặng hơn, tôi ăn được rất ít và rất khổ sở, khó ở sau khi ăn! Sau đó tôi lại đi đến một nơi uy tín khác để khám lại, kết quả nội soi tôi dương tính với HP và nấm ở dạ dày và thực quản, không nói gì đến tràn ngược dịch mật! Tôi thực sự băn khoăn vì hai kết quả nội soi cách nhau đúng 1 tuần lại khác hẳn nhau! Sau đó BS cho tôi điều trị HP trước trong 2 tuần rồi nghỉ 3 tuần mới điều trị nấm! Thực sự tôi thấy hoang mang không hiểu mình đã điều trị đúng hướng chưa? Hiện tôi đã xong hai tuần điều trị HP, người rất mệt mỏi, tình trạng cơ thể vẫn vậy! Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của Bác sỹ về ba vấn đề:

    1. Vì sao có thể có hai kết quả khác nhau như vậy trong một tuần ạ?
    2. Sau 3 tuần này thì tôi có cần nội soi lại không, và điều trị nấm cơ thể có mệt không ạ?
    3. Tôi ăn chất đạm vào thì rất buồn nôn, người nhức nhối nhưng không bị nôn, sau vài tiếng đi lai nhẹ nhàng cảm giác đó hết dần vậy thì tôi có nên cố ăn không ạ?

    Tôi rất mong sớm được BS trả lời! Cảm ơn BS rất nhiều!

    TRẢ LỜI

    Xin chào bạn,

    Chúng tôi rất tiếc vì những gì bạn đã trải qua. Tuy khó tin, nhưng những trường hợp như bạn không phải là hiếm và việc chậm chẩn đoán hay sót chẩn đoán là có, tuy có những lý do của nó.

    1. Vì sao có thể có hai kết quả khác nhau như vậy trong một tuần?

    Một người bình thường sẽ khẳng định ngay là không thể và chắc chắn là có một trong hai bác sĩ đã chẩn đoán sai. Trên thực tế, vấn đề không đơn giản như vậy và có nhiều khả năng có thể xảy ra.

    a. Về vấn đề HP:

    Bạn có thể có nhiễm HP trong lần soi đầu tiên. Bác sĩ soi đã không phát hiện được HP. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và không phải lỗi hoàn toàn do bác sĩ . Một số lý do thường gặp:

    Trước lần soi thứ nhất, bạn đã có dùng thuốc. Các thuốc như ức chế bơm proton, các thuốc kháng sinh có đặc tính tạm thời ức chế hoạt động của vi khuẩn HP, gây kết quả âm tính giả khi làm thử nghiệm urease nhanh để phát hiện HP qua nội soi. Vì thế, trước khi nội soi, các bác sĩ thường hỏi bệnh nhân đã uống thuốc gì. Đáng tiếc, nhiều bệnh nhân vì ngại hoặc vì không nhớ mà không thông báo cfho bác sĩ. Trong những trường hợp này, kết quả HP âm tính là không chính xác. Thông thường, sau khi ngưng kháng tiết khoảng 2 tuần, kháng sinh khoảng 4 tuần thì test sẽ dương tính trở lại. Có thể thời gian này trùng hợp với lần nội soi thứ 2 nên bác sĩ xác định là có HP.

    Một số trường hợp khác, HP chỉ phát triển từng khúm ở niêm mạc. Việc sinh thiết không đúng chỗ có thể đem lại kết quả âm tính giả. Cần biết là độ nhạy của test urease nhanh chỉ khoảng 90%, tức là có 10% số bệnh nhân bị chẩn đoán sót như bạn.

    Một khả năng khác cũng hiếm gặp nhưng là thực tế ở nước ta. Có thể lần soi đầu tiên bạn đúng là không bị nhiễm HP nhưng do việc khử khuẩn thiết bị không đảm bảo, bạn có thể bị nhiễm HP từ bệnh nhân soi trước đó. Chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần, việc soi lại và làm test nhanh urease sẽ cho thấy dương tính như trong lần soi thứ 2.

    b. Về vấn đề dịch mật:

    Việc trào ngược dịch mật có thể xác định khi quan sát trong quá trình nội soi. Dịch mật nói chung chỉ tồn tại ở ruột. Nếu quan sát thấy dịch mật hoặc thấy nhu động đẩy dịch mật vào trong dạ dày, thì việc xác định trào ngược dịch mật là đúng. Chẩn đoán này có thể xem lại được bằng các hình chụp nội soi hoặc xem DVD quay phim quá trình soi. Ở đây có 2 điểm chúng tôi cần lưu ý với bạn. Trước hết, việc trào ngược dịch mật không phải liên tục mà chỉ xảy ra từng đợt. Trong nhiều trường hợp, nếu bác sĩ soi không thấy dịch mật và không thấy nhu động bất thường thì hoàn toàn có thể bỏ sót chẩn đoán này. Chúng tôi cho rằng lần soi thứ hai đã bỏ sót vấn đề này, vì nó không xảy ra trong lúc soi. Mặt khác, trào ngược dịch mật tuy có nhưng chưa hẳn là tác nhân chính gây ra viêm dạ dày. Khi có sự hiện diện của HP, rất có thể HP là nguyên nhân chính còn dịch mật chỉ có vai trò phụ.

    c. Về vấn đề nấm:

    Tổn thương nấm trong thực quản thường rõ ràng và ít khi bị bỏ sót. Việc bác sĩ soi lần 1 không thấy có thể do tổn thương không rõ ràng và trở nên nặng hơn sau đó. Chúng tôi không rõ khoảng cách giữa hai lần soi là bao lâu nhưng 3 tuần đủ để có khá nhiều thay đổi xảy ra. Một lần nữa, việc xem lại các hình ảnh có thể giúp đánh giá quá trình thay đổi này. Cũng cần lưu ý là việc chẩn đoán nấm thường dựa vào xét nghiệm tìm nấm qua sinh thiết. Nếu bác sĩ soi thiếu kinh nghiệm, có thể nhầm một vài gel , giả mạc là tổn thương nấm.

    Đánh giá chung của chúng tôi là tổn thương được đánh giá qua hai lần nội soi là phù hợp với nhau, cũng như phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng : viêm dạ dày. Vấn đề ở đây là hai bác sĩ soi không thông nhất với nhau về nguyên nhân gây ra bệnh lý viêm này. Với các thông tin mà bạn cung cấp, không có khả năng xác định được sai sót xảy ra ở khâu nào tuy vi khuẩn HP nhiều khả năng là tác nhân gây bệnh chủ yếu.

    2. Sau 3 tuần này thì tôi có cần nội soi lại không, và điều trị nấm cơ thể có mệt không ạ?

    Về nguyên tắc, không có chỉ định soi để đánh giá kết quả điều trị trừ khi có lý do tin rằng lần nội soi trước cung cấp kết quả không phù hợp. Riêng cho trường hợp, chúng tôi cũng không cho là nên soi lại.

    Việc đánh giá kết quả điều trị HP nên được thực hiện bằng test hơi thở. Đánh giá điều trị nấm có thể bằng cách tìm nấm trong phân.Thuốc điều trị nấm thường dùng là Fluconazol không gây mệt mỏi, có thể gây nhức đầu, buồn ói, đau bụng hay tiêu chảy.

    3. Có thể là trùng hợp nhưng bạn chú ý là đạm có thể có nhiều nguồn gốc từ động vật, thực vật hay thức ăn tổn hợp. Đạm động vật cũng có thể có nhiều nguồn từ thịt cá các loại. Việc cung cấp đạm thiết yếu là một phần cơ bản trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày và bạn nên cố gắng giữ. Vấn đề ở đây chưa chắc là do bản chất đạm mà có thể do vấn đề khẩu vị và cách chế biến, đặc biệt ở người bệnh viêm dạ dày. Hy vọng là sau khi điều trị khỏi viêm dạ dày thì tình trạng buồn nôn này sẽ cải thiện theo.

    Chúc bạn mau khỏe!

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. HỆ THỐNG XÉT NGHIỆM VI KHUẨN HP 13C (BREATHID) QUA HƠI THỞ VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI

    2. Viêm Hang Vị Dạ Dày, Nhiễm Vi Khuẩn HP (+)

    3. Đũa Và HP

    4. Dạ Dày Nhiễm HP, Viêm Họng, Mề Đay

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

    Zalo