Nội soi tiêu hóa là một kỹ thuật hết sức cần thiết và hữu ích để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa mà cho đến hiện nay chưa có một phương tiện kỹ thuật nào có thể thay thế được. Người ta thường nói “bệnh từ đường miệng“ và:
“Dò sông dò biển dễ dò
Ai đâu lấy thước mà đo lòng người”
với ngụ ý rằng các bệnh lý đường tiêu hóa là rất thường gặp và hồi xưa là rất khó khăn trong việc tiếp cận để chẩn đoán chính xác. Hiện nay với sự quan sát rõ nét đến từng chi tiết, đến từng mi li mét, nội soi giúp các bác sĩ nhận định rõ tổn thương, lấy mẩu tổn thương làm giải phẫu bệnh để xác định tính chất lành, ác của tổn thương để từ đó đề ra các phương pháp điều trị và dự phòng thích hợp. Trong thực tế, nội soi là chưa phổ biến so với mức phổ biến của bệnh lý đường tiêu hóa. Người ta dường như cố tình lãng quên phương tiện hữu ích này. Lý do chính được đưa ra tức thời: hầu hết bệnh nhân đều rất e ngại nội soi. Những e ngại này xuất phát từ sự tưởng tượng khi một vật gì đó rất khó chịu - ở đây là máy soi – xâm nhập quá sâu vào cơ thể mình, từ những trải nghiệm và những câu chuyện khủng khiếp của các “tiền bối bệnh nhân“ đã trải qua: nào là bị quát tháo, bị đau đớn, chảy máu, nôn ọe đến “mật xanh, mật vàng“ thậm chí bị xỉu trên bàn soi …
Y học đã làm gì để trừ bỏ những e ngại đó để bệnh nhân không còn ám ảnh nội soi ?
- Về bác sĩ thực hiện nội soi: dĩ nhiên là theo theo thời gian các bác sĩ sẽ ngày càng được đào tạo bài bản, thuần thục, điêu luyện và mỉm cười nhiều hơn. Việc này, tự bản thân nó cũng đã giảm sự khó chịu cho bệnh nhân. Ở Việt Nam, số lượng bác sĩ thực hiện hơn 10 000 “phi vụ soi“ ngày càng nhiều hơn, và đã qua lâu rồi cái thời các bác sĩ soi đi mù, thô bạo.. và không biết mỉm cười.
- Về máy móc nội soi: những máy nội soi thế hệ ban đầu quả là đáng sợ thực: chúng vừa to, vừa cứng, vừa thô ráp và hình ảnh thì mờ mờ, ảo ảo. Có lẽ những ám ảnh khủng khiếp của những “bệnh nhân tiền bối“ nội soi cũng bắt đầu từ đây. Ngay cả các bác sĩ nội soi hiện nay khi nhìn những hình ảnh quá khứ cũng bị ám ảnh và mường tượng cái giá quá đắt mà bệnh nhân phải chịu đựng. Các máy nội soi hiện nay, ngày càng nhỏ, mềm mại, tinh tế hơn và hình ảnh rõ nét một cách đáng kinh ngạc. Máy nội soi hiện nay là một loại máy ảnh siêu hạng có hình ảnh full HD, không sợ nước, không sợ dịch, phân và ngay cả máu nữa … và chiều dài thì vô địch. Có một máy ảnh nào có thể so sánh được không? Kích thước máy là thay đổi dễ thấy nhất, nhất là đối với bệnh nhân. Đường kính dây máy nội soi thời kỳ đầu có thể từ 11-13 mm(cỡ ngón tay cái). Các máy soi nhỏ phổ biến hiện nay có thể có đường kính từ 5-9mm. Lưu ý công thức tính diện tính hình tròn: S= 3,14 xR2, ta thấy ngay diện tích máy soi giảm đến 4 lần. Với các máy soi này các bác sĩ có thể soi qua ngã mũi (vốn rất nhỏ so với qua ngã miệng) tránh đi “xộc” thẳng vào vùng hầu họng, và điều đặc biệt là bệnh nhân có thể vừa được soi vừa nói chuyện (kiểu soi tiêu chuẩn thì “cấm khẩu “) thậm chí … có thể hát nữa.
- Để không bị ám ảnh hay đau đớn trong lúc nội soi có cách gì làm cho tôi “không biết gì“ trong lúc nội soi hay không? Nếu soi mà không hề có cả giác đau, cảm giác khó chịu thì tốt đẹp biết bao! Có thể nào nội soi như một giấc ngủ nhẹ nhàng, mà khi thức dậy ta chỉ thấy như bao giấc ngủ nhẹ nhàng khác. Nếu bạn đã mơ ước thì các nhà khoa học cũng mơ ước như vậy. Thì đây, nếu không có cảm giác thì chúng ta tạm cắt cảm giác, hãy tạo một giấc ngủ nhẹ nhàng trong lúc soi. Sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành gây mê hồi sức đã góp phần một cách tích cực thực hiện ước mơ này. Ở các nước tiên tiến, có gần 75%-80% bệnh nhân được nội soi trong giấc ngủ. Riêng tôi, một bác sĩ nội soi, tôi vẫn có cảm giác hài lòng khi bệnh nhân đã được nội soi rồi “Bác sĩ ơi, sao bác sĩ chưa soi cho tôi”. Và thật hay biết bao khi những ý kiến dễ thương này càng ngày càng nhiều lên khi bệnh nhân được nội soi trong giấc ngủ nhẹ nhàng.
- Đã thật hết đau chưa, đặc biệt trong nội soi đại tràng? Câu trả lời thật đáng tiếc trong một số trường hợp là chưa? Bệnh nhân có thể không đau trong lúc nội soi, không đau 1 ít thời gian sau nội soi nhưng sau thời gian đó cảm giác đầy bụng, chướng hơi vẫn còn ở một số bệnh nhân. Sự tưng tức bụng thực sự không dễ chịu chút nào. Vấn đề là, trong lúc nội soi bác sĩ đã bơm hơi vào đại tràng. Việc bơm khí vào đại tràng nhiều hay ít đôi khi tùy thuộc nhiều vào tay nghề bác sĩ, vào độ khó của chính cuộc soi và các thủ thuật đi kèm (chẳng hạn cắt polyp). Sau khi soi xong, bác sĩ nội soi sẽ hút khí ra nhưng thực tế là không thể nào hút hết khí được. Chừng nào khí tồn đọng chưa được hấp thu, chưa thoát được ra ngoài thì bệnh nhân còn khó chịu. Vì vậy bệnh nhân sau khi nội soi xong thường được chỉ dẫn xoa bụng hoặc “đi cầu” để thoát khí ra. Công việc thủ công này đôi lúc may rủi, và khi rủi bệnh nhân vẫn có thể khó chịu một thời gian nữa (mặc dù không dài lắm). Có thể nào hấp thu nhanh lẹ các khí đã đưa vào hay không ? Vấn đề này lập tức đưa chúng ta đến câu hỏi: Khí đưa vào là khí gì? Dĩ nhiên là khí trời ! Và thưa đây là thành phần của khí trời theo thể tích:
- Khí Ni-tơ (N2): 79%
- Khí O-xy (O2): 21 %
- Khí Cac-bô-níc (CO2): 0,03%
Độ hấp thụ của các khí là rất khác nhau. Độ hấp thụ của khí Cac-bô-níc (CO2) là rất lớn: nhanh gấp 13 lần với khí O-xy và gấp khoảng 160 lần với khí Ni-tơ. Một tính toán nhỏ: hiệu quả hấp thu khi sử dụng toàn bộ khí CO2 thay khí trời = 21x13/0,03+ 160x79/0,03 = 40433 lần. Một con số quá ấn tượng. Nghĩa là, khí CO2 được hấp thu cực nhanh. Nếu thay thế khí trời bằng khí CO2 thì khí đưa vào đại tràng sẽ được hấp thu cực nhanh và gần như biến mất trong lòng ruột khi soi xong và khi đó bệnh nhân sẽ không đau do đầy bụng chướng hơi nữa. Thực sự các bác sĩ đã làm như vậy để làm giảm đau cho bệnh nhân nội soi. Vấn đề là, máy nội soi không có sẳn thiết bị bơm khí CO2 và khí CO2 cũng không có sẳn như khí trời. Tất cả đều phải mua và dĩ nhiên là khá đắt tiền. Đây là sự sự hy sinh lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là không làm tăng giá thành. Việc cân nhắc giữa hiệu quả đầu tư và sự hài lòng của khách hàng là việc luôn được tính đến. Trong trường hợp này, sự hài lòng của khách hàng ý nghĩa hơn rất nhiều, không chỉ trong cuộc soi mà còn là việc tầm soát có hiệu quả bệnh lý đường tiêu hóa bằng nội soi, một việc rất quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe nhưng khách hàng thường né tránh do lo ngại. Đối với một nhà đầu tư y tế việc cân nhắc này luôn ưu tiên hướng đến việc chăm sóc sức khỏe, lợi ích của khách hàng.
Như vậy, với ba mũi giáp công chủ lực:
- Trình độ bác sĩ và máy móc nội soi ngày càng tiến bộ.
- Sự kết hợp hoàn hảo giữa nội soi và an thần
- Sử dụng khí CO2 thay thế khí trời trong thiết bị nội soi
Thực sự đã làm cuộc soi trở nên hoàn toàn dễ chịu đối với bệnh nhân. Đã đến thời mà bệnh nhân không còn phải lo lắng, e ngại về chướng hơi, phình bụng và đau trong và sau khi nội soi.
Với nguồn nhân lực, thiết bị và văn hóa của mình, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin có thể tự hào khẳng định: “Đã đến thời nội soi dễ chịu“.
Vấn đề của các bạn là hãy quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của chính mình.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Tham khảo những bài viết liên quan:
1. Nội Soi Đại Tràng Thật Sự Không Đau
3. Lây Nhiễm Qua Nội Soi. Những Chuyện Cần Giật Mình
4. Thông Tin Về Nội Soi Dạ Dày - PKĐK QUỐC TẾ YERSIN
5. Cần Phải Nội Soi Tầm Soát Sớm Ung Thư Đại Trực Tràng
6. Tầm Quan Trọng Của Nội Soi Đại Tràng
7. Nội Soi Đại Tràng - Tiêu Chuẩn Vàng Trong Tầm Soát Ung Thư
8. Nội Soi Dạ Dày Tại Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com