Vaccine cho người lớn - Những điều bạn nên biết

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 - PKĐKQT YERSIN3 GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ GAN3 MỪNG XUÂN ẤT TỴ 20253 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN3
Đặt lịch hẹn khám

Vaccine cho người lớn - Những điều bạn nên biết

    Hầu hết mọi người thường có suy nghĩ chỉ có trẻ nhỏ mới cần được tiêm vaccine, ít ai nghĩ rằng vaccine cũng cần thiết cho người lớn. Ở Việt Nam, bạn thường thấy các điểm tiêm chủng cho trẻ em rất nhiều. Trẻ em có thể được tiêm chủng ở bệnh viện, phòng khám, hay trung tâm y tế ngay tại phường, xã. Và phác đồ tiêm chủng của trẻ cũng được phổ biến khá rộng rãi, thậm chí lịch tiêm chủng của trẻ còn được thông báo trên các báo đài. Ngược lại, vấn đề tiêm ngừa cho người lớn hình như ít được quan tâm hơn. Do đó, có một số trường hợp bệnh nặng ở người lớn đã để lại di chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong do không được tiêm ngừa trước đó. Qua đó, mới thấy được tầm quan trọng của tiêm chủng và thật sự người lớn cũng cần được tiêm ngừa để phòng bệnh.

    1. Tiêm vaccine cúm

    Ở Mỹ vaccine này phổ biến đến nổi bạn có thể được tiêm ở các điểm mua sắm. CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ) và các chuyên gia về cúm đề nghị, mỗi người nên tiêm ngừa 1 liều vaccine cúm mỗi năm. Tại sao? Vì vaccine mỗi năm được dựa trên 3 hoặc 4 chủng virus cúm có nguy cơ lây lan vào mùa đó. Rất tiện lợi và nhanh chóng vì tiêm ngừa cúm có thể thực hiện tại các siêu thị, nhà thuốc, trường học và nhà thờ cũng như phòng khám. Bạn có thể tiêm vaccine cúm bất cứ lúc nào trong suốt mùa cúm. Rất dễ dàng đúng không?


    2. Vaccine uốn ván, không chỉ cho trẻ

     

     

    Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở. Bệnh uốn ván gây ra hiện tượng co cứng cơ dữ dội và cứng hàm làm mất khả năng há miệng hoặc nuốt. Một mũi vaccine 3 trong 1 như Tdap (uốn ván, bạch hầu, ho gà) hay vaccine 2 trong 1 Td (uốn ván, bạch hầu) tiêm nhắc mỗi 10 năm sẽ phòng bệnh uốn ván rất tốt.


    3. Vaccine trái rạ (thủy đậu)

     

    Cho đến thời điểm này, bạn chưa bị mắc bệnh trái rạ, đừng quá chủ quan nhé. Bởi vì bạn vẫn có khả năng bị nhiễm bởi những người bạn cùng phòng đang bị bệnh. Người lớn bị trái rạ có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng, nhập viện và tử vong. Ví dụ, viêm phổi do trái rạ xảy ra ở phụ nữ mang thai sẽ rất nghiêm trọng và là trường hợp cấp cứu. Nếu không điều trị, hầu hết phân nửa trong số họ sẽ tử vong. Bởi vì nếu bị trái rạ bạn sẽ có nguy cơ bị zona, do đó, vaccine trái rạ có thể giúp bạn phòng bệnh zona phần nào. Vaccine cũng giúp làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt ở những người có cơ địa dễ mắc bệnh nhưng không thể tiêm vaccine như phụ nữ mang thai. Từ 13 tuổi trở lên, nên tiêm hai liều vaccine cách nhau từ 4 đến 8 tuần.


    4. Vaccine zona cho người trên 60 tuổi

    Virus gây bệnh trái rạ cho bạn khi còn nhỏ, có thể tấn công bạn lần nữa và gây bệnh zona hay “giời leo” khi bạn lớn tuổi. Thông thường nhất là sau 60 tuổi, những mảng mụn nước zona đau có thể gây nguy hiểm cho mắt và gây ra những cơn đau kéo dài gọi là đau thần kinh sau zona. Những mảng này có thể lây nhiễm gây bệnh trái rạ cho người khác. Nếu bạn ở độ tuổi từ 60 trở lên, một mũi vaccine trái rạ rất cần để giúp phòng bệnh zona.


    5. Vaccine HPV cho một vài nam giới và phụ nữ

     

    Vaccine HPV bảo vệ bạn chống lại một vài chủng virus gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và một số ung thư họng ở phái nam. Một trong những lợi ích của vaccine HPV là bảo vệ bạn khỏi bệnh sùi mào gà ở bộ phận sinh dục. HPV (human papilloma virus) lây nhiễm qua đường tình dục. Vaccine có thể tiêm sớm cho trẻ lúc 9 tuổi. Tuy nhiên, trẻ lớn hơn hay các thanh thiếu niên chưa quan hệ tình dục cũng có thể tiêm vaccine này. Vaccine HPV tiêm được cho cả nam và nữ đến 26 tuổi.


    6. Vaccine ngừa viêm màng não

     

     

    Các bạn thanh niên sống ở các doanh trại quân đội hoặc ký túc xá, du khách và những người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng nên đuợc tiêm vaccine viêm màng não. Nguyên nhân dẫn đầu của viêm màng não là do vi khuẩn gây viêm màng não. Mỗi năm ở Mỹ, có khoảng 1/10 người bị nhiễm bệnh này bị chết. Một số khác bị tổn thương não hoặc mất thính lực. Hãy tư vấn với bác sĩ về nguy cơ của bạn.


    7. Vaccine ngừa viêm gan

    Bạn có thể bị nhiễm một trong các virus viêm gan mà không hề biết. Những yếu tố nguy cơ lây nhiễm viêm gan A là qua đường ăn uống hoặc qua đường tình dục đồng giới ở phái nam. Một người bị nhiễm viêm gan A cũng có thể lây cho người khác nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh.


    Viêm gan B lây nhiễm qua tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người bị nhiễm virus viêm gan B như, quan hệ tình dục không an toàn hay dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu. Sử dụng lại kim tiêm của những người nhiễm virus viêm gan B sẽ làm lây lan bệnh.


    Viêm gan, đặc biệt là viêm gan B, có thể dẫn đến tổn thương gan nặng thậm chí tử vong. Hãy tư vấn với bác sĩ về tiêm ngừa viêm gan A hoặc B.


    8. Tiêm vaccine khi đi du lịch nước ngoài

    Tiêm vaccine khi đi du lịch không chỉ là ý kiến hay, một vài quốc gia có yêu cầu tiêm vaccine khi nhập cảnh. Tốt hơn là bạn nên tiếp tục tiêm vaccine theo phác đồ tiêm chủng của bạn. CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ) có đề nghị hoặc yêu cầu những vaccine khác tùy thuộc vào điểm du lịch bạn đến. Hãy lên kế hoạch tiêm vaccine 4 - 6 tuần trước chuyến đi. Tuy nhiên, nếu chuyến đi của bạn đã cận kề không đến 4 tuần, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để tư vấn về vaccine hoặc thuốc phù hợp giúp ích cho bạn trong chuyến đi.


    9. Vaccine ngừa viêm phổi

    Vaccine ngừa viêm phổi cho người lớn tuổi sẽ bảo vệ bạn chống lại hầu hết các vi khuẩn phế cầu gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết, và viêm màng não. Bệnh viêm phổi do phế cầu có thể nặng và gây tử vong. Hàng năm có khoảng 50.000 người chết do bệnh này. Vaccine này được đề nghị tiêm cho người lớn tuổi trên 65. Tuy nhiên, những người trong lứa tuổi từ 2 - 64 nếu có hút thuốc, hen suyễn, bệnh mãn tính hoặc suy yếu hệ miễn dịch cũng được đề nghị tiêm vaccine này. Nếu bạn trên 50 tuổi và sống ở vùng có nguy cơ bệnh viêm phổi do phế cầu cao thì bác sĩ sẽ đề nghị bạn nên tiêm vaccine.


    10. Vaccine 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella)

    3 bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ: sởi, quai bị, rubella (viết tắt là MMR) có thể diễn tiến nặng ở người lớn tuổi. Chỉ 1 mũi vaccine MMR sẽ ngừa được cả 3 bệnh đó. Hầu hết người Mỹ lớn tuổi đều đã bị mắc bệnh sởi hoặc đã chủng ngừa bệnh này. Nếu bạn chưa từng trải qua, bạn vẫn có nguy cơ cao nhiễm virus bệnh này. Thậm chí sẽ rất tồi tệ, nếu có những biến chứng nặng như viêm phổi và viêm não.


    11. Quai bị và biến chứng

    Vaccine ngừa quai bị có trong mũi tiêm 3 trong 1 MMR. Quai bị là bệnh lây lan, biểu hiện qua sự sưng phù tuyến nước bọt. Ở người lớn, quai bị thường gây biến chứng như viêm màng não, đau, viêm tinh hoàn hay buồng trứng. Những ai sinh sau năm 1956, chưa từng bị 3 bệnh trên hoặc không có chống chỉ định tiêm chủng thì nên tiêm ngừa vaccine MMR.


    12. Ngừa rubella

    Vaccine ngừa rubella cũng là một phần trong vaccine MMR. Lây lan qua không khí, rubella đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai vì nó có thể gây sẩy thai, sinh non, hội chứng rubella bẩm sinh – một nhóm các dị tật thai nhi nghiêm trọng. Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tiêm vaccine MMR. Nếu bạn chưa tiêm vaccine nhưng bạn đang có kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vaccine và chờ sau 4 tuần rồi mới bắt đầu mang thai. Nếu bạn đã mang thai và chưa tiêm vaccine rubella, hãy chờ sau khi sinh con rồi mới tiêm vaccine.


    Biên dịch từ nguồn WebMD

    Nhóm biên dịch Y khoa, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Tham khảo những bài viết bên dưới:

    1. Vaccine Ngừa Zona

    2. Vaccine Cúm Và Phản Ứng Phụ

    3. Mẫn Cảm Với Vaccine Là Thế Nào?

    4. 10 Bệnh Hàng Đầu Có Thể Ngừa Bằng Vaccine

    5. Thế Giới Đã Có Vaccine Ngừa Sốt Xuất Huyết

    6. Vaccin Và Lịch Tiêm Chủng Cho Người Lớn

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo