Giải đáp thắc mắc về chăm sóc răng miệng ở người trung niên và người cao tuổi - Phần 3

PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa2 Tầm Soát Ung Thư Dạ Dày - Đại Tràng - Đại Trực Tràng - Ưu đãi tháng 112 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 112
Đặt lịch hẹn khám

Giải đáp thắc mắc về chăm sóc răng miệng ở người trung niên và người cao tuổi - Phần 3

Xin chào bác sĩ, Tôi năm nay 42 tuổi, bác sĩ cho tôi hỏi có nên lấy cao răng thường xuyên, nửa năm hoặc 1 năm 1 lần không? Tôi nghe nhiều ý kiến cho rằng lấy cao răng sẽ ảnh hưởng không tốt tới răng và lợi, càng lấy càng có cao răng. Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn!

    Nguyễn Văn Huy - huynguyen…@gmail.com
    Xin chào bác sĩ,
    Tôi năm nay 42 tuổi, bác sĩ cho tôi hỏi có nên lấy cao răng thường xuyên, nửa năm hoặc 1 năm 1 lần không? Tôi nghe nhiều ý kiến cho rằng lấy cao răng sẽ ảnh hưởng không tốt tới răng và lợi, càng lấy càng có cao răng. Mong bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn!

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Nguyên nhân chính của bệnh viêm nướu, viêm nha chu là do mảng bám vi khuẩn. Những vị trí chúng ta đánh răng không sạch sẽ hình thành những mảng bám mềm sau đó sẽ ngấm các chất vôi và cứng lại thành cao răng.

    Cao răng giống như ngôi nhà của vi khuẩn, các vi khuẩn sẽ tiết ra các độc tố gây viêm nướu, viêm nha chu. Tình trạng viêm lâu ngày sẽ phá hủy xương ổ răng dẫn đến trụt nướu răng làm cho răng bạn không còn được chộn chặt trong xương hàm dẫn đến lung lay răng.

     

    Bác sĩ Nguyễn Đức Trình - Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

     

    Việc lấy vôi răng thường xuyên 6 tháng 1 lần rất quan trọng để loại bỏ mảng bám vi khuẩn ngăn chặn tình trạng viêm, ngăn chặn tình trạng phá hủy xương ổ răng giúp răng bạn lành mạnh hơn và có thể sử dụng được lâu dài hơn.

    Quan niệm lấy vôi răng không tốt cho răng và lợi là sai lầm, phần lớn do vôi răng hình thành trong thời gian quá lâu, tình trạng viêm nướu quá nặng, các răng bị trụt nướu nhiều dẫn đến sau khi lấy vôi răng có một số khó chịu như: ê buốt, chảy máu nướu tạm thời, các răng bị hở. Nếu tình trạng này kéo dài hơn nữa sẽ dẫn đến các răng lung lay và mất răng.

    - Lê Văn Hạnh - Gò Vấp, TP.HCM

    Thưa bác sĩ,

    Gần đây tôi bị nổi một mụt nhỏ bằng hạt tiêu ở nướu răng cửa hàm trên, không đau rát và bị chảy máu khi có va chạm. Xin hỏi bác sĩ đó là dấu hiệu của bệnh gì ạ? Và cách chữa trị như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Mụn nước ở nướu răng có thể do nhiễm virut hay bệnh bóng nước hoặc có thể do tắc nghẽn tuyến nước bọt... Bạn cần phải đến khám nha sĩ sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

    - Mai Thùy - lethi…@yahoo.com.vn

    Chào BS Trình,

    Tôi đọc báo mạng thì thấy có lời khuyên là 3 tháng nên đổi kem đánh răng loại khác để vi khuẩn không bị “lờn” kem đánh răng đang dùng. Điều đó có đúng không ạ? Cho tôi hỏi thêm là trẻ nhỏ được bao nhiêu tuổi thì có thể dùng chung kem đánh răng với người lớn? Cảm ơn BS rất nhiều!

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Môi trường miệng khỏe mạnh vẫn tồn tại một số lượng vi khuẩn nhất định, các vi khuẩn này gọi là vi khuẩn thường trú, chúng hoàn toàn có lợi. Nhưng nếu số lượng vi khuẩn tăng đột biến có thể gây bệnh.

    Kem đánh răng cũng có một số chất diệt khuẩn, mục đích chỉ để kiểm soát số lượng vi khuẩn không vượt quá ngưỡng để gây bệnh chứ không phải diệt hết tất cả vi khuẩn trong miệng. Quan trọng nhất là cách đánh răng đúng cách để loại bỏ mảng bám, kem đánh răng chỉ hỗ trợ 1 phần.

    Kem đánh răng cho người lớn thì có flo, nếu trẻ sử dụng kem đánh răng có flo mà không kiểm soát được dẫn đến nuốt phải kem đánh răng thì flo có thể tác động lên các răng đang hình thành trong xương hàm dẫn đến tình trạng răng nhiễm flo. Vì vậy trẻ em cần được sử dụng kem đánh răng riêng với nồng độ flo rất ít hoặc không có.

    Trẻ em vẫn có thể sử dụng kem đánh răng của người lớn những với số lượng nhỏ có thể chỉ bằng hạt đậu thì nguy cơ nuốt phải kem đánh răng cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của mầm răng.

    - Bùi Thị Mưa - Q. Thủ Đức, TP.HCM

    Thưa bác sĩ,

    Tôi thường xuyên bị nhiệt miệng (loét miệng), uống thuốc lâu lành mà lại hay tái phát. Có người khuyên tôi đi khám răng, biết đâu sẽ trị dứt điểm bệnh nhiệt miệng. Xin hỏi, tại sao bị nhiệt miệng mà lại cần phải đi khám răng? Tôi xin cảm ơn!

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,  

    Nhiệt miệng hay còn gọi loét áp-tơ đó là một tình trạng bệnh lý liên quan đến miễn dịch. Các vết loét có thể đơn độc hoặc nhiều vết loét trong miệng. Bệnh lý này có thể gây đau rát khi ăn nhai.

    Thông thường các vết loét sẽ khỏi trong vòng từ 7-10 ngày. Việc điều trị thuốc chỉ khi các vết loét quá nhiều và hình thành liên tục, có thể sử dụng thuốc tê bôi tại chỗ để giảm đau rát. Bạn nên đến nha sĩ để kiểm tra đánh giá tình trạng để điều trị đúng.

    - Lê Văn Hùng - Đồng Nai

    Xin chào bác sĩ,

    Tôi bị sâu răng đi trám về thì cứ đau âm ỉ, tôi nghĩ mới trám răng nên đau là bình thường. Nhưng 2 tuần rồi tôi vẫn đau, ăn không được. Tôi  quay lại chỗ trám răng thì họ bảo tôi bị viêm lợi cho thuốc về uống và súc miệng bằng nước muối, nhưng uống thuốc đã được 2 ngày rồi chỗ trám còn đau nhẹ, dưới chân răng thì sưng. Xin bác sĩ tư vấn cách chữa trị như thế nào? Tôi cảm ơn nhiều BS ạ.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Một số trường hợp răng sâu quá lớn chỉ trám đơn thuần có thể làm răng bị viêm tủy và dẫn đến đau sau khi trám. Nếu viêm tủy không hồi phục thì cần phải điều trị tủy sau đó trám lại. Sưng chân răng, viêm nướu cũng có thể do nhiễm trùng từ tủy răng hoặc do bị viêm nha chu. Bạn nên đến nha sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị đúng.

    - Đình Toàn - Nam Định

    Xin chào Ongbachau.vn,

    Tôi 43 tuổi, bị đau răng khoảng 1 tuần nay ở răng cối thứ nhất khiến một bên má bị sưng to. Hôm nay có mủ chảy ra ở chân răng. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi về tình trạng này và cách điều trị như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Theo mô tả của bạn có thể bạn đã bị một nhiễm trùng, có thể do một răng bị sâu và chết tủy, các vi khuẩn xâm nhập vào xương hàm gây ra tình trạng viêm và chảy mủ ở chân răng.

    Nếu răng đã bị chết tủy gây ra nhiễm trùng thì cần điều trị tủy và phục hồi lại. Một số trường hợp răng sâu lâu ngày, nhiễm trùng quá nặng có thể phải nhổ răng. Bạn cần đến nha sĩ sớm để chụp phim và kiểm tra, xác định nguyên nhân.

    - Vũ Lâm - vuthanh…@gmail.com

    Chào bác sĩ,

    Tôi hiện tại bị sưng nướu răng nhưng không đau gì hết. Răng bị sưng nướu là cái răng nằm gần với răng cùng, răng này bị sâu lâu rồi. Mấy ngày đầu thì sưng nướu kèm theo mủ, sau đó thì hết mủ nhưng nướu vẫn không xẹp. Tôi có mua thuốc uống nhưng vẫn không giảm. Thử lấy kim đâm vào chỗ nướu bị sưng thì chỉ có máu chảy ra chứ không thấy mủ.

    Không biết tình trạng tôi như vậy có gì nguy hiểm không? Tôi rất ngại khi đi BS nha khoa. Xin hỏi tình trạng của tôi nếu tiếp tục uống thuốc và ngậm nước muối thì có hết sưng nướu không? Chân thành cảm ơn BS.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn Lâm,

    Có thể nướu răng của bạn đang bị nhiễm trùng, nhiễm trùng này có thể do một cái răng nào đó chết tủy hoặc nhiễm trùng do viêm nha chu. Việc sử dụng thuốc chỉ là tạm thời điều trị triệu chứng, quan trọng bạn cần đến nha sĩ để xác định nguyên nhân. Nếu do viêm nha chu thì sẽ cạo vôi răng, làm sạch răng, ngược lại nếu do răng sâu bị chết tủy thì cần điều trị tủy và trám lại. Bạn không nên để một nhiễm trùng quá lâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

    - Hoàng Văn Đức - Bình Dương

    Chào bác sĩ,

    Tôi năm nay 55 tuổi, tôi bị sâu răng hàm nhưng do không điều trị nên thỉnh thoảng lại vỡ một mảnh giờ thì gãy hết chỉ còn lại chân răng. Cái chân răng này hình như bị sâu, thỉnh thoảng lại đau nhức. Vậy bây giờ tôi nên điều trị như thế nào ạ? Tôi xin cảm ơn!

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Trường hợp của bạn nếu răng bị sâu quá mức không thể giữ lại được cần phải loại bỏ. Một số trường hợp sâu răng chỉ còn lại chân răng nhưng nếu chân răng cứng chắc bác sĩ còn có thể điều trị tủy và phục hình lại để có thể tiếp tục ăn nhai. Bạn nên đến nha sĩ sớm để kiểm tra.

    - Bích Hồng - Gia Lai

    Chào BS Trình,

    Khoảng một tuần nay, mẹ em bị đau ở xương hàm bên trái. Mỗi khi nhai, ngáp hay hắt xì hơi đều bị đau. Mẹ em đi khám, sau khi nghe kể triệu chứng bệnh, BS kết luận mẹ em bị loạn năng thái dương hàm mà không cần chụp phim hay xem xét gì hết. BS nói mẹ em chỉ cần tránh ăn đồ ăn dai và cứng bệnh sẽ tự khỏi. Em rất lo lắng. Mong BS tư vấn giúp, em cảm ơn.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Tình trạng loạn năng thái dương hàm là một bệnh lý phức tạp, việc điều trị phải cần chuyên gia được huấn luyện chuyên sâu. Nguyên nhân của loạn năng thái dương hàm có thể do nghiến răng, thói quen cắn chặt hàm răng, tình trạng răng mọc lệch lạc dẫn đến tiếp xúc không tốt giữa 2 hàm hay thói quen nhai 1 bên do mất răng...

    Việc chẩn đoán xác định nguyên nhân phải được đánh giá tỉ mỉ bao gồm khám răng, các cơ hàm, khám khớp thái dương hàm, có thể cần thiết phải chụp phim X-quang khớp, siêu âm khớp.

    Điều trị có thể tái lập lại tiếp xúc giữa các răng 2 hàm tốt hơn, tập thói quen nhai 2 bên, sử dụng máng thư giãn cơ. Thuốc chỉ làm giảm triệu chứng, bạn cần đến nha sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

    - Trung Kiên - Quảng Nam

    Chào bác sĩ,

    Răng tôi đều và khỏe nhưng giữa 2 chiếc răng cửa có khe hở lớn, khiến tôi không dám cười nhiều. Xin BS tư vấn cách khắc phục như thế nào? Ngoài ra, do uống trà nhiều năm nên răng tôi cũng bị vàng, nếu tẩy trắng răng thì chi phí khoảng bao nhiêu? Rất mong được BS tư vấn.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Tình trạng khe hở giữa 2 răng cửa có thể xử lý bằng cách trám, phục hình răng sứ, điều trị chỉnh nha. Tình trạng răng bị ố vàng có thể khắc phục bằng cách tẩy trắng răng. Chất tẩy sẽ ngấm vào men răng bằng phản ứng ô xi hóa sẽ loại bỏ các chất màu bên trong men răng. Tùy mức độ nhiễm màu nặng hay nhẹ, kết quả điều trị có thể thay đổi.


    Chi phí tẩy trắng răng tùy thuộc bạn chọn phương pháp tẩy trắng nhanh tại phòng hay sử dụng máng ngậm tại nhà. Chi phí tẩy có thể từ 1.500.000 - 3.000.000 tùy cơ sở.

    - Xuân Tân - Lâm Đồng


    Chào bác sĩ Trình,

    Tôi bị tai nạn giao thông gãy 2 cái răng, mất chân răng. Vậy bao lâu tôi mới trồng răng lại được? Nhờ BS giới thiệu những biện pháp trồng răng và ưu/nhược điểm của các phương pháp đó. Nếu làm răng sứ là bao nhiêu tiền mỗi cái? Cảm ơn BS rất nhiều!

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Việc trồng lại răng sau khi mất răng, thời gian có thể thay đổi tùy phương pháp điều trị. Mất răng có thể phục hồi lại bằng cách sử dụng hàm giả tháo lắp, thực hiện cầu răng sứ hay cấy ghép implant.

    Hàm giả tháo lắp thường khó thích nghi và có nhiều bất tiện, sức nhai kém. Phục hình implant được thực hiện bằng cách đặt vít implant vào xương hàm ngay vị trí mất răng. Sau thời gian lành thương sẽ tiến hành lắp thân răng giả lên trên implant. Ưu điểm của implant là không phải mài các răng kế bên khoảng mất răng như cầu răng sứ, bảo tồn răng hơn. Bạn có thể đến nha sĩ để được tư vấn kĩ hơn.

    - Hữu Dũng - dungmario…@gmail.com

    Thưa bác sĩ,

    Ông nội em bị sưng mộng răng bên má phải 2 ngày nay. Ông em tự pha nước muối để ngậm mà không thấy bớt. Tại sao đã ngậm nước muối rất mặn như vậy (mặn rát lưỡi) mà triệu chứng sưng mộng răng của ông em không giảm bớt?

    Như vậy ông của em có cần phải uống thuốc không thưa BS? BS có thể kê toa thuốc giảm đau cho ông em không? Ông 71 tuổi chỉ bị sưng mộng răng thôi chứ không có triệu chứng gì khác. Ông bị cao huyết áp nhưng uống thuốc mỗi ngày nên huyết áp ổn ạ. Cảm ơn BS rất nhiều!

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Nước muối chỉ hỗ trợ trong việc vệ sinh răng miệng, nồng độ nước muối cũng phải pha đúng tỷ lệ là 9/1.000. Nếu nước muối quá mặn cũng không tốt cho niêm mạc.

    Tình trạng viêm nướu cần được đánh giá xác định nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến viêm nướu là do vôi răng mảng bám vi khuẩn, chúng ta cần phải cạo vôi răng định kỳ 6 tháng 1 lần để loại bỏ vôi răng, mảng bám vi khuẩn.

    Ông của bạn nên đến nha sĩ sớm để xác định nguyên nhân, nếu ông bị cao huyết áp cần phải được khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để duy trì huyết áp ổn định. Nếu chỉ là cạo vôi răng làm sạch răng thì hoàn toàn an toàn, trường hợp phải nhổ răng cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân huyết áp ổn thì đủ điều kiện nhổ răng.

    - Lê Minh Nguyệt - minhnguyet…62@gmail.com

    Xin chào bác sĩ,

    Tôi bị sâu răng hàm nên đi nhổ và đang tính trồng răng. Nếu làm cầu răng thì sau một thời gian xương bị tiêu, vậy má có hóp lại nhiều không? Tôi rất sợ khuôn mặt mình bị hóp 1 bên má. Mong BS tư vấn giúp tôi, xin cảm ơn.

    BS Nguyễn Đức Trình, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Chào bạn,

    Mất răng lâu ngày sẽ làm xương ổ răng bị teo, tùy vị trí răng mất có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt. Thực hiện cầu răng sau 1 thời gian xương dưới nhịp cầu có thể bị teo đi gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng. Nếu như răng trước có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

    Hiện nay, giải pháp implant nha khoa có thể giúp xương ổ răng không bị teo, bạn có thể tham khảo nha sĩ giải pháp trồng răng này.

    Tham khảo một số bài viết liên quan:

    1. Giải Đáp Thắc Mắc Về Chăm Sóc Răng Miệng Ở Người Trung Niên Và Người Cao Tuổi - Phần 1

    2. Giải Đáp Thắc Mắc Về Chăm Sóc Răng Miệng Ở Người Trung Niên Và Người Cao Tuổi - Phần 2

    3. Mụn Nước Ở Miệng

    4. Loại Bỏ Hôi Miệng

    5. Tay Chân Miệng

    6. Ca 2: Lưu Ý Về Kỹ Thuật Khi Đặt Máy Soi Qua Miệng Thực Quản

    7. Trẻ Bị Tưa Miệng

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

    Zalo