Ê buốt - Mòn răng Phần 3

GÓI KHÁM KIỂM TRA TIM MẠCH TỔNG QUÁT5 GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ VÚ VÀ PHỤ KHOA5 KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO DOANH NGHIỆP TẠI PKĐKQT YERSIN5 Bảo Lãnh Viện Phí Tại PKĐKQT YERSIN5 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN5 PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN - BIỂU TƯỢNG CỦA NỤ CƯỜI5
Đặt lịch hẹn khám

Ê buốt - Mòn răng Phần 3

    PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT MÒN RĂNG:

    Trong các nguyên nhân gây mòn răng, xói mòn răng là nguyên nhân quan trọng nhất chúng ta cần phải phát hiện và điều trị sớm. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả ở giai đoạn đầu, kết quả cuối cùng của sự mòn răng là mất chất nghiêm trọng mô cứng của răng và ảnh hưởng xấu đến chức năng và thẩm mỹ.

    Ở những bệnh nhân có bộc lộ ngà răng bên dưới, thoáng đau và đau dai dẳng do nhạy cảm ngà răng và bệnh lý tủy có thể kéo theo làm giảm chất lượng cuộc sống. Xói mòn răng trầm trọng có thể được kiểm soát bằng phục hồi. Trám compositephục hồi sứ có thể được sử dụng để khôi phục lại tính thẩm mỹ và chức năng của răng. Những trường hợp mất răng cần phải trồng lại răng, cần tập nhai 2 bên để tránh quá tải lực lên những răng còn lại.

     

    Tuy nhiên, nếu răng lại tiếp tục phải chịu đựng những tình huống xói mòn nghiêm trọng, phục hồi có thể thất bại do hư hỏng bờ phục hồi và tiếp tục mất các mô cứng răng xung quanh phục hồi. Do đó, các biện pháp phòng ngừa đối với xói mòn răng không chỉ cần thiết để can thiệp sớm và phòng ngừa ban đầu, mà cũng rất quan trọng cho việc phòng ngừa thứ cấp sự xói mòn xung quanh các phục hồi. Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa chung cho sự xói mòn răng, rất hữu ích để xem xét các quá trình hóa học liên quan đến xói mòn răng. Mô cứng răng chủ yếu bao gồm các tinh thể khoáng chất hydroxyapatite với công thức Ca10 (PO4) 6 (OH) 2. Hydroxyapatite của răng thường bị "thiếu canxi" và "carbonate hóa", vì một số ion canxi có thể bị thay thế bởi natri, magiê và kali, và một số phốt phát (PO4) bị thay bởi cacbonate  (CO3), điều này làm cho khoáng chất của răng dễ bị hòa tan trong axit. Ngược lại, một số nhóm hydroxyl (OH-) có thể được thay thế bằng các ion florua (F-) để tạo thành fluorapatite (Ca10 (PO4)6F2), làm tăng ổn định tinh thể và giảm tính nhạy cảm với axit, so với hydroxyapatite.

     

     

    Acid phân giải mô cứng của răng có thể được thể hiện bằng phương trình sau đây:


    Ca10 (PO4) 6 (OH) 2 + 20H+ = 10Ca + 2 + 6H3PO4 + 2H2O


    Từ kiến thức trên, chúng ta biết rằng hydroxyapatite ít có khả năng hòa tan trong các điều kiện sau đây:

    1. Không có tiếp xúc trực tiếp với axit (không cung cấp H +)
    2 . Hydroxyapatite được thay thế bằng fluorapatite  Ca10 (PO4)6F2
    3. Môi trường đang bão hòa với canxi và phốt phát (cung cấp quá mức của Ca+ 2 and  PO4-3).

    Do đó, chiến lược hiệu quả cho công tác phòng chống mòn răng có thể được xây dựng tương ứng như sau:

    1. Tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với các acid thông qua các can thiệp hành vi thói quen và lâm sàng.
    2. Tăng sức đề kháng của mô cứng răng chống lại sự nhạy cảm với acid thông qua liệu pháp florua.
    3. Tăng cường sức đề kháng sự phân rã hydroxyapatite thông qua việc cung cấp canxi và phốt phát. Ngoài ra, có đầy đủ bằng chứng để kết luận rằng khả năng mài mòn do đánh răng có thể là một yếu tố góp phần quan trọng để làm mòn răng.

    Mất mô cứng của răng liên quan với xói mòn răng có thể được xem như là một quá trình bị làm mềm hóa học ban đầu và theo sau là do loại bỏ các mô răng đã bị làm mềm bằng tác động cơ học. Do đó, một chiến lược thứ 4 bao gồm việc giảm mòn cơ học của răng thông qua hướng dẫn đánh răng đúng cách, ăn uống hợp lý, trồng lại các răng bị mất, tập nhai 2 bên hàm, điều trị cắn khớp loại bỏ các cản trở vận động hàm sang bên:

    Chiến lược  1:

    Tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với axit

    Can thiệp hành vi:

    1. Giảm số lần ăn với chế độ ăn uống, đồ uống và thực phẩm có tính acid: Tần số và thời gian tiếp xúc trực tiếp giữa răng và acid là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển các tổn thương xói mòn. Nhấm nháp kéo dài các loại đồ uống có tính acid sẽ làm tăng nguy cơ xói mòn, trong khi nuốt từng ngụm nhỏ hay uống nhanh sẽ giảm thiểu rủi ro.

    2. Thay đổi thói quen ăn uống để hạn chế thời gian tiếp xúc acid với răng như: Sử dụng một ống hút sẽ làm giảm thời gian tiếp xúc giữa răng và các đồ uống có tính axit. Làm sạch bằng cách uống lại với nước lọc hoặc uống sữa ngay lập tức sau khi uống đồ uống có tính axit sẽ đẩy nhanh việc loại bỏ các axit và giúp trả lại pH môi trường miệng trung tính.

    3. Tránh lạm dụng các loại thuốc có tính axit, trong đó có vitamin C, aspirin: Nhai các loại thuốc này làm tăng nguy cơ xói mòn răng. Thuốc có tính axit nếu có thể, nên nuốt.

    4. Sử dụng cách bảo vệ thích hợp để tránh rủi ro nghề nghiệp: Mặt nạ, máng bảo vệ răng và chất trung hòa nên được sử dụng để làm giảm tiếp xúc với hơi và các chất lỏng có tính axit.

    Can thiệp lâm sàng:

    1. Áp dụng bôi gel florua trên những mặt răng dễ bị xói mòn: Một màng mỏng bảo vệ có chứa fluoride sẽ giảm tiếp xúc trực tiếp giữa bề mặt răng và axit, cung cấp fluoride để tăng cường bề mặt men răng.

    2. Điều trị các bệnh liên quan đến sự hiện diện của acid dạ dày: Bao gồm các bệnh trào ngược và thường xuyên nôn ói. Thường cần thiết để thiết lập thông tin chặt chẽ với các bác sĩ y khoa của bệnh nhân khi nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến sự xói mòn do acid dạ dày.

    3. Tình trạng giảm tiết nước bọt: Khi tốc độ dòng chảy nước bọt thấp, như là một yếu tố nguy cơ cho sự xói mòn ở bệnh nhân, cần có biện pháp để cải thiện lưu lượng nước bọt, nếu có thể. Điều này có thể bao gồm tham khảo ý kiến với các bác sĩ y khoa của bệnh nhân về điều chỉnh các thuốc hiện tại có thể gây khô miệng, và điều trị các bệnh tự miễn như Hội chứng Sjogren.

    Chiến lược 2: Tăng sức đề kháng với sự hòa tan của acid thông qua liệu pháp Floride, nó đã được chứng minh rằng fluoride có thể giảm thiểu những tác động xói mòn của nước ngọt khi Floride sử dụng ở các dạng như:  varnish, nước súc miệng, bôi gel, hay kem đánh răng.

    Chiến lược 3: Tăng sức đề kháng đối với sự hòa tan của axit nhờ sử dụng canxi và phosphate. Việc bổ sung canxi và phosphate với đồ uống có tính acid có thể làm giảm đáng kể khả năng ăn mòn răng của chúng. Tăng cường sử dụng các sản phẩm từ sữa.

    Chiến lược 4: Giảm thiểu mài mòn men răng do đánh răng. Nhiều báo cáo đã chứng minh rằng thời gian của việc đánh răng, lông bàn chải đánh răng cứng và tất cả các chất mài mòn có trong kem đánh răng có thể ảnh hưởng đến mòn răng do mài mòn. Những bệnh nhân có nguy cơ xói mòn răng, nên sử dụng kem đánh răng có chất mài mòn thấp với một bàn chải đánh răng lông mềm. Đánh răng nên được thực hiện trước tình huống có thể gây xói mòn răng và tránh đánh răng ngay sau khi tiêu thụ thức ăn có khả năng xói mòn( thực phẩm chứa acid) hoặc sau mỗi lần nôn ói( dịch dạ dày chứa HCl). Chúng ta có thể súc miệng bằng nước lọc. Nếu cần đánh răng thì nên thực hiện sau tình huống gây xói mòn 30 phút để nước bọt tái khoáng men răng, thời gian chờ đợi nên càng lâu càng tốt.

    Ngoài ra chúng ta cũng cần phải hạn chế các thực phẩm quá cứng như thói quen nhai xương, sụn. Điều trị tật nghiến răng nếu có để tránh tình trạng nhai mòn. Nên tập thói quen nhai 2 bên hàm, cũng như điều trị cắn khớp nếu có những múi răng cản trở vận động hàm.

     

    Bác sĩ Nguyễn Đức Trình

    Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Ê buốt - Mòn răng Phần 1

    2. Mặt Sán Sứ - Nghệ Thuật Nha Khoa Thẩm Mỹ (Phần 1)

    3. Mặt Sán Sứ - Nghệ Thuật Nha Khoa Thẩm Mỹ (Phần 2)

    4. Nhiễm Trùng Xoang Hàm Có Thể Bị Gây Ra Bởi Bệnh Lý Do Răng?

    5. Giải Đáp Thắc Mắc Về Chăm Sóc Răng Miệng Ở Người Trung Niên Và Người Cao Tuổi - Phần 1

    6. Ê Buốt - Mòn Răng Phần 2

    7. Tẩy Trắng Răng

    8. Tầm Quan Trọng Của Bộ Răng Sữa

     

     

    Tham khảo:

    1.Clark DC, Woo G, Silver JG, Sweet D, Grisdale JC. The influence of frequent ingestion of acids in the diet on treatment for dentin sensitivity. J Can Dent Assoc. 1990 Dec;56(12):1101-3
    2. Jain P, Nihill P, Sobkowski J, Agustin MZ. Commercial soft drinks: pH and in vitro dissolution of enamel. Gen Dent. 2007 2007 Mar-Apr;55(2):150-4; quiz 5
    3. Lussi A, Jaeggi T. Chemical factors. Monographs Oral Sci. 2006;20:77-87
    4. Dental Erosion: Etiology, Diagnosis and Prevention, A Peer-Reviewed Publication Written by Yan-Fang Ren DDS, PhD, MPH, Publication date: April 2011
    Expiry date: March 2014

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo