Mặt sán sứ - Nghệ thuật nha khoa thẩm mỹ (Phần 2)

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

Mặt sán sứ - Nghệ thuật nha khoa thẩm mỹ (Phần 2)

    Khoa học xâm lấn tối thiểu

    Với mặt dán sứ veneer, có thể "không mài răng" hoặc “mài răng tối thiểu” vì thường để thực hiện veneer không đòi hỏi các bác sĩ loại bỏ nhiều mô răng như khi thực hiện mão răng. Việc thực hiện veneer thường chỉ liên quan đến mặt ngoài răng không giống như thực hiện mão răng, cần phải mài hầu như tất cả các mặt răng. Vì vậy thực hiện veneer sứ cũng giúp tránh việc lấy tủy để bọc mão.

    Thông thường, gắn veneer không sửa soạn (không mài răng) có thể được thực hiện nhanh chóng hơn và ít khó chịu hơn. Nếu có mài răng để thực hiện veneer thì chỉ cần loại bỏ 1 lớp men răng rất mỏng mặt ngoài các răng (<1mm), để tạo chổ cho dán Veneer sau này.. Nó cũng là một lựa chọn tốt cho răng bị gãy, khoảng hở giữa các răng, và trong một số tình huống mà các răng bị tổn thương liên quan đến vết bể nhỏ. Trong những tình huống đối với một số người có vết nhuộn màu ngoại sinh không đáp ứng tốt với tẩy trắng răng, thực hiện veneer sứ có thể là lựa chọn tốt nhất.

    Veneer (hình trái) chỉ là lớp sứ men dán lên mặt ngoài răng, trong khi đó mão răng (hình phải) bao phủ toàn bộ các mặt răng nên mão răng cần mài nhiều mô răng hơn
     

    Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết liệu bạn có phải là một trường hợp tốt cho trường hợp ”mài răng tối thiểu“ hoặc "không mài răng" để làm Veneer hay không và lựa chọn này có phải là một kế hoạch điều trị hợp lý hay không. Một số bệnh nhân đang tìm kiếm sự lựa chọn veneer sứ để cải thiện thẩm mỹ mà vẫn bảo tồn răng, nhưng lưu ý rằng lựa chọn điều trị này là không thích hợp cho tất cả mọi trường hợp.

    ƯU ĐIỂM CỦA VENEERS SỨ

    veneer sứ được chế tạo riêng cho mỗi bệnh nhân, gần như không thể nhận biết được sự khác biệt giữa một veneer và răng tự nhiên bên cạnh. Không giống như răng tự nhiên, veneer có thể chống lại cà phê và các vết bẩn trà, khói thuốc lá vì chúng được làm bằng vật liệu công nghệ cao.

    Với veneer sứ trái ngược với thực hiện mão răng, răng tự nhiên của bạn phần lớn vẫn còn nguyên vẹn, chỉ một lượng tối thiểu men được lấy đi để gắn veneer (<1mm). Một số trường hợp mặt dán sứ Veneer không cần phải mài răng, bảo tồn mô răng và bảo tồn tủy răng.

    Đối với răng đề kháng với tẩy trắng răng, veneer có thể được thực hiện ngay cả với các răng tối màu nhất thành trắng sáng. Nha sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện veneer để khắc phục nhanh chóng răng hơi bị xoay, lệch, và hở kẽ (có khoảng trống nhỏ giữa 2 răng).

    NHƯỢC ĐIỂM CỦA VENEER SỨ

    Bởi vì một phần của men răng ban đầu được mài bỏ (dù rất ít <1mm), veneer không được coi là một điều trị có thể đảo ngược (tức là trở lại tình trạng răng ban đầu). Mặc dù có điều chỉnh và thậm chí veneer mới có thể được thực hiện, có thể không trở về tình trạng ban đầu của răng. Nhưng so với thực hiện mão răng, Veneer vẫn là giải pháp bảo tồn tủy răng, mô răng tối đa mà vẫn đạt được thẩm mỹ.

    Chế tạo veneer sứ đòi hỏi mất một thời gian trong phòng Lab trước khi chúng sẵn sàng để được gắn lên miệng.

    Nếu các veneer không được dán tốt lên răng của bạn, vết dính hoặc sâu răng có thể hình thành dưới veneer.

    Thường xuyên nghiến răng hoặc cắn chặt răng có thể làm veneer của bạn mẻ, sút hay vỡ.

    Sau khi veneer sứ được gắn có thể bạn sẽ có nhạy cảm một ít với nhiệt độ nónglạnh do việc loại bỏ lớp mỏng men răng, điều này cũng là do thực hiện veneers là bảo tồn tủy răng( không lấy tủy). Thông thường chúng sẽ biến mất trong vòng một vài ngày. Trong trường hợp được điều trị đúng chỉ định với veneer sứ và các lực có hại được giảm thiểu hoặc loại bỏ, bệnh nhân có thể sử dụng veneer sứ giống như răng tự nhiên của mình. Mặc dù chúng rất cứng, nhưng veneer lại giòn. Bạn nên tránh những lực quá mức lên veneer cũng giống như bạn cần tránh với những răng thật của mình: không cắn móng tay, nhai đá, hoặc mở nắp chai bia với veneer của bạn.

    CÓ CÁC LỰA CHỌN NÀO KHÁC THAY THẾ?

    Vật liệu trám composite giống màu răng có thể được sử dụng để sửa chữa vết hư hỏng nhỏ cho các răng trước. Điều này thật là tuyệt vời khi các răng có thể được nâng đỡ bởi một máng trám, nhưng miếng trám có thể không chắc chắn đối với các vị trí răng bị bể ở vùng góc cạnh của răng. Qua thời gian ranh giới giữa miếng trám và mô răng có thể đổi màu, và các miếng trám nhựa composite dễ bắt màu hơn qua thời gian. Mão răng nên được sử dụng cho các răng cần được tăng cường gia cố  hoặc vì chúng đã bị gãy vỡ nhiều, đã bị suy yếu do một miếng trám quá lớn, hoặc đã điều trị tủy răng.

    TRƯỜNG HỢP NÀO CÓ THỂ ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH VENEER?

    Không phải ai cũng là một trường hợp tốt cho veneer. Veneer sứ giúp cải thiện thẩm mỹ cho các trường hợp muốn thay đổi màu sắc, hình dạng, góc độ răng bị xoay lệch hoặc khoảng hở giữa các răng. Nhưng nếu các răng bị xoay quá mức thì nên lựa chọn chỉnh nha hoặc mão răng.

    Veneer đáp ứng tốt với trường hợp muốn thay đổi màu sắc răng, răng lệch lạc ít, hay vết gãy vỡ nhỏ, khớp cắn tốt… Dưới đây là một số lý do tại sao bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị khác hơn là veneer:

    • Nếu răng bị có bệnh nha chu (viêm nướu). Những vấn đề này phải được điều trị trước, sau đó mới đánh giá lại.

    • Nếu một chiếc răng chỉ còn lại ít mô men răng, veneer sẽ không dính chắc chắn được.

    • Nếu quá nhiều mô răng bị mất, một mão răng có thể là lựa chọn thay thế.

    • Nếu một người có nghiến răng hoặc siết chặt hàm răng của mình. Thói quen này được gọi là bệnh nghiến răng và có thể làm mẻ hoặc phá vỡ veneer sứ, cần cân nhắc chỉ định hoặc điều trị kèm theo máng nhai mang vào ban đêm bảo vệ Veneer.

    CHĂM SÓC GIỮ GÌN CHO VENEER SỨ

    Duy trì chăm sóc veneer sứ thực sự là khá đơn giản: Hãy chăm sóc chúng như răng tự nhiên của bạn, với việc đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa. Một tuần sau khi veneer của bạn được gắn, bạn cần quay lại tái khám và đánh giá theo dõi để các bác sĩ có thể thấy hàm răng của bạn đáp ứng như thế nào với các veneer. Ngay cả khi bạn cảm thấy các veneer rất tốt, cuộc hẹn này vẫn rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng trong tương lai của bạn.

    Nếu bạn có thói quen nghiến răng hoặc siết chặt răng, bác sĩ của bạn có thể làm một máng nhai mang vào ban đêm để tránh làm hư hỏng veneer. Bạn cũng nên tái khám răng định kỳ để bảo dưỡng thường xuyên vì veneer sứ nên được đánh bóng với một chất đặc biệt, không mài mòn, và bác sĩ cũng cần phải kiểm tra răng của bạn xem có bất kỳ dấu hiệu của sự tiềm ẩn nguy cơ gì khác.

    Bác sĩ Nguyễn Đức Trình

    Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Mặt Sán Sứ - Nghệ Thuật Nha Khoa Thẩm Mỹ (Phần 1)

    2. Nhiễm Trùng Xoang Hàm Có Thể Bị Gây Ra Bởi Bệnh Lý Do Răng?

    3. Giải Đáp Thắc Mắc Về Chăm Sóc Răng Miệng Ở Người Trung Niên Và Người Cao Tuổi - Phần 1

    4. Ê Buốt - Mòn Răng Phần 2

    5. Tẩy Trắng Răng

    6. Tầm Quan Trọng Của Bộ Răng Sữa

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo