Thông Tin Về Nội Soi Đại Tràng

MIỄN PHÍ 100% PHÍ KHÁM TẠI YERSIN - MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/20243 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa3 Tầm Soát Ung Thư Dạ Dày - Đại Tràng - Đại Trực Tràng - Ưu đãi tháng 113 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 113
Đặt lịch hẹn khám

Thông Tin Về Nội Soi Đại Tràng

    Nội soi đại tràng là gì? Tại sao phải nội noi? Những ai cần nội soi đại tràng... là những câu hỏi được đặt ra khi đề cập đến nội soi đại tràng. Sau đây Trung tâm Nội soi - Phòng khám ĐKQT Yersin xin giới thiệu đến quý vị những thông tin hữu ích này.

    1. Nội soi đại tràng là gì?

    Đây là một phương pháp thăm khám trực tiếp phần đại tràng (ruột già) nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đường kính khoảng 1 cm, đưa vào qua hậu môn. Nhờ quan sát hình ảnh trên máy soi, Bác sĩ có thể biết được các bất thường đang xảy ra bên trong ruột. Từ đó, có được chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp.

    Kỹ thuật nội soi đại tràng

    2. Tại sao phải nội soi đại tràng?

    Ống tiêu hóa là một cơ quan rất khó chẩn đoán bệnh lý. Các phương pháp hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) dù rất đắt tiền nhưng vẫn không có giá trị chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa. X quang đại tràng bằng cách bơm baryt có thể dùng trong một số trường hợp nhưng vẫn không chính xác bằng nội soi. Qua máy nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương rất nhỏ chỉ vài milimet, có thể sinh thiết để tìm ung thư. Ngoài ra, soi đại tràng có thể dùng để cắt polyp (polyp là nguyên nhân rất thường gặp gây ra tiêu ra máu và hóa thành ung thư) hay cắt ung thư sớm.

    3. Những ai phải soi đại tràng?

    Chỉ định soi đại tràng tương đối rộng rãi. Hầu hết các bệnh nhân nghi ngờ có vấn đề ở đường tiêu hóa dưới đều được chỉ định soi đại tràng. Ngay cả khi chẩn đoán đã rõ ràng (viêm, loét hay u, v.v...) bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi trực tràng để lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh hay tìm tế bào ung thư. Trong trường hợp rối loạn chức năng đại tràng, viêm đại tràng mãn.. dù không nghĩ đến ung thư nhưng các bác sĩ vẫn chỉ định soi đại tràng để chắc chắn loại trừ khả năng này. Cuối cùng, do tỷ lệ bị ung thư đại tràng khá cao ở nước ta, tất cả những người trên 45 tuổi đều nên soi tầm soát ung thư từ 1 - 3 năm một lần. Các bệnh nhân có lớn tuổi và kèm yếu tố nguy cơ cao như có tiền căn polyp, tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng nên soi mỗi năm một lần. Nói chung chỉ định soi đại tràng cần phải chặt chẽ và cần có sự cân nhắc cẩn thận của bác sĩ điều trị.

    4. Nội soi đại tràng có nguy hiểm không?

    Nội soi đại tràng là một thủ thuật tương đối an toàn, ít tai biến. Do đại tràng dài và gập góc hoặc xoắn, nên khi soi bệnh nhân cảm thấy đau.

    Nội soi đại tràng có thể có biến chứng sau:

    • Thường gặp là cảm giác đầy bụng sau soi, Nguyên nhân là do bác sĩ phải bơm hơi vào trong ruột để quan sát rõ tổn thương. Cảm giác này sẽ hết nhanh chóng sau soi 1 giờ.
    • Tuy ít gặp nhưng thủng ruột cũng có thể xảy ra do đại tràng bị xoắn vặn hoặc khi có tình trạng viêm nhiễm nặng làm vách ruột mỏng đi. Trong trường hợp này bệnh nhân được theo dõi, điều trị bảo tồn bằng nội khoa hoặc phẫu thuật khâu chỗ thủng.

    Do tính chất an toàn của thủ thuật, nội soi đại tràng có thể được thực hiện cho cả bệnh nhân ngoại trú mà không cần phải nhập viện.

    5. Nội soi đại tràng cần chuẩn bị như thế nào?

    Việc chuẩn bị nội soi đại tràng là rất quan trọng để đảm bảo cho lòng ruột thật sạch và bác sĩ không bỏ sót tổn thương khi soi.

    Quá trình chuẩn bị như sau:

    Ngày hôm trước khi soi: Ăn nhẹ, ít chất xơ

    • Đối với bệnh nhân sử dụng Fortran: buổi chiều uống hết 3 gói Fortran pha trong 3 lít nước.
    • Đối với bệnh nhân sử dụng Fleet Phospho - Soda: Hòa chai thuốc trong 1 ly nước lớn (300ml) và uống. Trong khoảng thời gian 3 giờ tiếp theo phải uống đủ 3 lít nước (có thể dùng các nước giải khát không màu, không uống sữa).

    Từ lúc uống thuốc đến khi soi bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. Chỉ uống nước đường nếu thấy đói.

    Với cách chuẩn bị như trên, bệnh nhân sẽ đi tiêu nhiều lần ra nước trong cho đến khi ruột hoàn toàn sạch. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không thể dùng được Fortran (vd: bệnh tim mạch, rối loạn nước điện giải, nghi tắc ruột,...) bác sĩ sẽ có cách chuẩn bị đặc biệt khác phù hợp.

    Trong các trường hợp có cắt polyp, bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ về các rối loạn đông máu, các thuốc đang dùng nếu có.

    6. Nội soi đại tràng thực hiện ra sao?

    Nội soi được tiến hành ở phòng soi với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng. Trước khi soi, bệnh nhân sẽ được thăm khám để đánh giá các tổn thương ở thấp nếu có. Thuốc tê được bôi một ít để làm bớt khó chịu khi đưa ống soi vào.

    Lúc đầu, bệnh nhân soi ở tư thế nằm nghiêng bên trái. Máy soi được đưa qua hậu môn và dần dần đi sâu qua các đoạn ruột. Từng lúc bệnh nhân có thể thấy khó chịu, trướng bụng hay đau do ống soi làm căng ruột. hãy thông báo cho điều dưỡng hay bác sĩ để điều chỉnh ngay. Khi cần sinh thiết, bác sĩ sẽ thực hiện nhanh và bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau. Toàn bộ quá trình soi kéo dài từ 15 đến 30 phút, nhanh nhất nếu được sự hợp tác tốt của bệnh nhân. Đối với một số trường hợp khó, bệnh nhân có thể được tiêm thêm thuốc an thần hay dãn cơ để bớt khó chịu.

    7. Nội soi đại tràng gây mê:

    Để giảm bớt sự khó chịu của bệnh nhân trong lúc soi, ngày nay việc soi gây mê được chấp nhận rộng rãi. Với thời gian gây mê ngắn 10 - 15 phút, thời gian tỉnh nhanh từ 3 - 5 phút sau khi soi, bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy đau. Thủ thuật gây mê tương đối an toàn nhưng vẫn cần có bác sĩ gây mê khám trước khi soi để đảm bảo không có tai biến xảy ra.

    8. Cần chú ý gì sau khi soi đại tràng?

    Bệnh nhân có thể nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về.

    Bệnh nhân có thể ghi nhận một số vấn đề thường gặp sau khi soi trực tràng:

    • Cảm giác đau bụng ít hay cảm giác mót rặn.
    • Bụng có cảm giác chướng hơi nhẹ.

    Cảm giác này là bình thường và biến mất nhanh. Nếu bệnh nhân thấy đau nhiều hay rất khó chịu, cần báo ngay cho điều dưỡng hay bác sĩ biết. Bác sĩ soi sẽ giải thích về các tổn thương ghi nhận và điều dưỡng sẽ hẹn ngày lấy kết quả sinh thiết nếu có. Cần lấy kết quả sinh thiết sớm vì nó rất quan trọng để có chẩn đoán chính xác.

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Nội Soi Đại Tràng Thật Sự Không Đau

    2. Phát Hiện Sớm Ung Thư Đại Trực Tràng Dễ Dàng, Hiệu Quả Và Chính Xác Hơn Với Nội Soi Đại Tràng Có An Thần

    3. Lây Nhiễm Qua Nội Soi. Những Chuyện Cần Giật Mình

    4. Thông Tin Về Nội Soi Dạ Dày - PKĐK QUỐC TẾ YERSIN

    5. Cần Phải Nội Soi Tầm Soát Sớm Ung Thư Đại Trực Tràng

    6. Giải Đáp Thắc Mắc "Phòng Ngừa Tầm Soát Ung Thư Đại Trực Tràng Và Các Phương Pháp Nội Soi Tiêu Hoá"

    7. Cơn Ác Mộng Mới Của Nội Soi

    8. Đã Đến Thời Nội Soi Dễ Chịu Chưa?

    9. Nội Soi Với Bệnh Lý Đường Tiêu Hóa

    10. Nội Soi Dạ Dày Tại Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo