Giải Đáp Thắc Mắc Về Bệnh Tim Mạch

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự4 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin4 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI4 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa4 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN4
Đặt lịch hẹn khám

Giải Đáp Thắc Mắc Về Bệnh Tim Mạch

Đến tuổi trung niên, chúng ta thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Cholesterol cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não,…

    Được giải đáp bởi - Bác sĩ CKI. Nguyễn Tuấn Nghĩa

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Đến tuổi trung niên, chúng ta thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Cholesterol cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não,….

    Câu 1: Chẩn đoán suy tim

    Chào Bác sĩ, năm nay tôi 49 tuổi, tôi vừa được chẩn đoán suy tim, mong BS tư vấn giúp, tôi nên ăn uống và nghỉ ngơi như thế nào để tốt cho bệnh của mình. Chân thành cảm ơn BS.

    (Minh Hưng - TP.HCM)

    Trả lời:

    Chào bạn,

    Có nhiều nguyên nhân gây suy tim như bệnh mạch vành, bệnh van tim hoặc bệnh cơ tim, tùy theo mỗi nhóm bệnh lý nguyên nhân có thể có những chế độ ăn uống và nghỉ ngơi thêm ví dụ như giảm thuốc lá, ăn bớt mỡ,...

    Từng bệnh nhân cụ thể sẽ có chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho phù hợp nhất. Chế độ này thường có được sau quá trình theo dõi, trao đổi lâu dài giữa bác sĩ và bệnh nhân chứ không thể trong vòng 1 buổi hoặc 1 lần khám mà có thể có được.

    Bệnh nhân suy tim nói chung nên ăn giảm muối và tránh gắng sức. giảm muối cụ thể là không nêm nếm nhiều muối vào thức ăn, tránh các thức ăn chế biến sẵn hoặc đóng hộp vì những loại thức ăn đó thường cho nhiều muối để bảo quản. Bạn nên ăn đồ luộc, tránh đồ xào.

    Tránh gắng sức, không có nghĩa là nằm nghỉ 1 chỗ mà nên vận động nhẹ, vừa sức, nếu mệt thì nên nghỉ ngơi ngay. Bạn cũng có thể tập 1 số môn thể dục, tuy nhiên nên có sự tư vấn của bác sĩ. Bệnh nhân suy tim nên tuân thủ chế độ điều trị và theo dõi của bác sĩ. Nói cách khác là nên uống đúng liều, đủ thuốc và tái khám đúng hẹn.

    Câu 2: Nhịp tim thế nào là nhịp tim bình thường

    Chào Bác sĩ, Ba em năm nay 65 tuổi, nhịp tim 90 lần/ phút, như vậy thì có bình thường không? Với người già thì nhịp tim thế nào là bình thường thưa BS? Rất cảm ơn BS. 

    (Hồng Hạnh - Cần Thơ)

    Trả lời:

    Chào bạn Hạnh, Nhịp tim của 1 người bình thường nằm trong khoảng 60-100lần/phút. Dưới 60/lần là nhịp tim chậm, trên 60 lần là nhịp tim nhanh, thường người già trên 65 tuổi, nhịp tim tối ưu có thể từ 60-80 lần/phút.

    Ba của bạn có nhịp tim 90 lần/phút thì vẫn có thể xem là bình thường. Quan trọng là ba của bạn có triệu chứng gì không, ví dụ như đau ngực, hồi hộp hoặc có bệnh lý tim mạch gì không. Bạn nên đưa ba của bạn đi khám tim mạch hoặc tư vấn với bác sĩ tổng quát để có câu trả lời cụ thể nhé.

    Câu 3: Nguy cơ bệnh tim mạch

    Chào Bác sĩ, Tôi năm nay 41 tuổi, cao 1m55, nặng 81kg, bị béo phì độ 1, nguy cơ bị bệnh tim mạch của tôi có cao không BS? Tôi đã cố gắng giảm cân nhiều năm nhưng không được, xin BS tư vấn giúp làm thế nào để người béo phì không bị bệnh tim? Mong nhận được hồi âm từ BS.

    (Mỹ Duyên - TP.HCM)

    Trả lời:

    Chào bạn, Béo phì là 1 nguyên nhân của bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên nếu như bạn không có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tiểu đường, coa huyết áp, rối loạn chuyến hóa mỡ máu thì nguy cơ tim mạch của bạn không phải là quá cao.

    Quan trọng hơn nữa, béo phì là 1 nguy cơ tim mạch có thể điều chỉnh được, nghĩa là nếu như bạn giảm cân về mức độ bình thường thì nguy cơ tim mạch của bạn sẽ giảm đi.

    Nguyên lý của việc giảm cân là hạn chế calo (tiết thực) và tập vận động hàng ngày. Quá trình này phải thực hiện trong 1 thời gian lâu dài. Bạn chưa giảm cân được có thể có nhiều nguyên nhân từ thói quen sinh hoạt chưa đúng cho tới có thể có 1 số bệnh lý đi kèm. Bạn nên gặp bác sĩ để được khám, tầm soát và tư vấn cụ thể.

    Câu 4: Dùng thuốc điều trị tiền đình có ảnh hưởng đến tim mạch

    Chào BS Nghĩa, Tôi bị hở van 2 lá, hạ huyết áp và rối loạn tiền đình. Hiện nay tôi dùng thuốc Flunarizine để điều trị rối loạn tiền đình, nếu dùng lâu dài thuốc này có làm ảnh hưởng đến tim mạch không ạ? Năm nay tôi 49 tuổi. Cảm ơn BS. 

    (Kim Oanh - tranthi…@gmail.com)

    Trả lời:

    Chào chị, Rối loạn tiền đình là bệnh lý lành tính, không gây ra di chứng hoặc biến chứng nguy hiểm, việc dùng thuốc Flunarizine để điều trị triệu chứng chóng mặt. Do vậy khi hết triệu chứng có thể ngưng thuốc chứ không cần điều trị liên tục lâu dài.

    Nếu như chị chỉ điều trị từng đợt khi có triệu chứng mà không uống liên tục lâu dài thì thường không ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, chị nên kiểm tra lại tình trạng hạ huyết áp vì đó có thể là nguyên nhân làm cho bệnh rối loạn tiền đình hay tái phát.

    Câu 5: Môn thể thao phù hợp với người bệnh tim mạch

    Xin chào Bác sĩ Nghĩa, Tôi 50 tuổi, bị tim đã 2 năm nay, chỉ uống thuốc chứ không cần phẫu thuật. Giờ tôi muốn vận động để nâng cao sức khỏe. Xin hỏi BS, tôi có vận động được không và môn thể thao nào phù hợp với người bị bệnh tim?

    (Văn Thắng, thangnguyen…@gmail.com)

    Trả lời:

    Chào anh,

    Anh bị bệnh tim đã 2 năm nay chỉ uống thuốc chứ không phẫu thuật, nay anh muốn vận động để nâng cao sức khỏe là điều rất đáng hoan nghênh.

    Tuy vậy, nếu anh muốn biết có thể vận động được không và môn thể thao nào phù hợp thì cần tùy thuộc vào bệnh tim cụ thể của anh là bệnh gì, mức độ bệnh lý đến đâu, đang điều trị thế nào.

    Không có một môn thể thao nào phù hợp cho tất cả mọi người bị bệnh tim. Nói chung nguyên lý đối với người bệnh tim là nên tập vừa sức, khi tự bản thân thấy mệt hay có triệu chứng như khó thở, đau ngực là phải nghỉ ngay. Anh nên đến gặp bác sĩ tim mạch của mình để có thể có lời khuyên cụ thể hơn.

    Câu 6: Siêu âm động mạch cảnh

    Kính chào Bác sĩ,

    Mẹ em 56 tuổi, hay bị chóng mặt nhức đầu. Đi khám tổng quát thì kết quả mỡ máu cao, được kê thuốc uống để hạ mỡ máu, đồng thời BS tuyến huyện khuyên đi siêu âm động mạch cảnh.

    BS cho em hỏi, tại sao đau đầu chóng mặt mà lại siêu âm động mạch cảnh? Mẹ em có nhất thiết phải làm xét nghiệm này không? Vì làm cái này phải lên thành phố, mà mẹ em đi xa hay mệt. Mong BS tư vấn giúp em, cảm ơn BS!

    (Tuyết Hoa - Gia Lai)

    Trả lời:

    Chào em,

    Mẹ em hay bị chóng mặt nhức đầu có thể do bệnh lý của mạch máu. Động mạch cảnh là một trong những động mạch chính cấp máu cho não, việc siêu âm động mạch cảnh có thể phát hiện bệnh lý xơ vữa mạch máu là nguyên nhân đưa đến các bệnh lý mạch máu của não.

    Nếu mẹ em hay bị chóng mặt nhức đầu, điều trị nhiều lần không bớt hoặc bệnh cứ tái đi tái lại thì việc làm các xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm mạch cảnh hoặc MRI sọ não chẳng hạn, sẽ giúp ích cho việc xác định nguyên nhân từ đó có hướng điều trị thích hợp.

    Câu 7: Bệnh hở van tim

    Chào Bác sĩ ạ,

    Bà nội của cháu bị hở van tim, đã phẫu thuật nhiều năm trước và hiện tại uống thuốc chống đông máu. Gần đây bà nội cháu hay đi chùa và quyết định sẽ ăn chay trường. BS cho cháu hỏi, ăn chay có tốt cho tình trạng hiện tại của bà cháu không thưa BS? Cháu lo ngại bà cháu sẽ bị thiếu chất. Bà cháu 75 tuổi, hiện tại sức khỏe khá ổn, chỉ hay ho vào mùa lạnh thôi ạ.

    (Lê Đức Tuấn - tuanle…@gmail.com)

    Trả lời:

    Chào em Tuấn,

    Việc ăn chay trường và bệnh van tim đang điều trị thuốc chống đông nói chung là độc lập với nhau. Có nhiều chế độ ăn chay mà vẫn bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Song song đó, tình trạng bệnh tim đã phẫu thuật đang uống thuốc chống đông có ổn định hay không phụ thuốc vào việc uống thuốc và theo dõi các xét nghiệm đông máu định kỳ nhiều hơn là chế độ ăn chay hay ăn mặn.

    Việc bà của em quyết định ăn chay trường đôi khi liên quan đến những yếu tố ngoài y học và có lẽ nên được tôn trọng.  Gia đình nên theo dõi sức khỏe của bà 1 thời gian rồi có thể có sự góp ý cho bà nếu cần thiết.

    Câu 8: Bệnh cao huyết áp có ảnh hưởng đến bệnh tim mạch

    Thưa Bác sĩ,

    Ba em 64 tuổi, có bệnh cao huyết áp nhưng uống thuốc thì huyết áp ổn định, thường ở mức 140/90mmHg. Cách đây 2 tuần tầm 4-5h sáng, ba em bị đau ở vùng giữa ngực, khoảng 2-3 phút là hết. Ba em nói bị đau như vầy mấy tháng rồi nhưng ông giấu vì mấy lần trước chỉ đau nhẹ nhẹ, lần này đau hơn nhiều.

    Em nghĩ chắc ba em bị bệnh tim mạch vì người cao huyết áp dễ bị tim mạch. Xin BS cho biết khi thấy những dấu hiệu nào thì phải đưa ba em đi bệnh viện liền? Em cảm ơn BS!

    (Ánh Dương - Q.12, TP.HCM)

    Trả lời:

    Chào bạn,

    Ba em có bệnh cao huyết áp và lớn tuổi là 2 yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Thời gian gần đây ba em lại có triệu chứng đau ngực đấy là dấu hiệu báo động cần phải đi khám chuyên khoa tim mạch và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân.

    Nếu như cơn đau kéo dài hơn hoặc tái đi tái lại nhiều lần trong ngày ngay cả khi ông nghỉ ngơi thì đó có thể là dấu hiệu báo động nhồi máu cơ tim và cần đưa ông đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

    Câu 9: Nhồi máu cơ tim

    Chào Bác sĩ,

    Xin BS tư vấn giúp tình trạng của mẹ tôi. Mẹ tôi bị nhồi máu cơ tim, nếu đặt stent thì chi phí đặt cao không? Mà mẹ tôi đã 72 tuổi rồi thì có nên đặt stent hay không? Xin Bác sĩ tư vấn giúp, tôi cảm ơn!

    (Hoàng Hải - haile…@gmail.com)

    Trả lời:

    Mẹ của bạn bị nhồi máu cơ tim nghĩa là một động mạch nuôi quả tim đã bị tắc. Việc đặt stent sẽ giúp cho mạch máu đó được thông suốt và không bị tắc lại giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống của mẹ bạn.

    Tất cả những người bị nhồi máu cơ tim nên được tái lưu thông động mạch bị tắc, có thể bằng cách đặt stent, phẫu thuật hoặc bằng thuốc. Chi phí đặt stent sẽ phù thuộc vào loại stent, số lượng stent đặt và các chi phí liên quan khác (bóng nong, dây dẫn). Nói chung bạn cần tư vấn cụ thể với Bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp.

    Câu 10: Nhịp xoang

    Kính chào Bác sĩ,

    Mẹ em 58 tuổi, vừa rồi khám bệnh có đo điện tim nhịp tim là 101/phút, BS chẩn đoán nhịp nhanh xoang.

    Tháng sau chị dâu em ở Hà Nội sẽ sinh em bé nên mẹ em tính đi chăm. Nhưng ngoài Bắc sắp vào mùa đông nên em lo ngại trời lạnh sẽ nguy hiểm cho mẹ. Xin BS cho lời khuyên: bị nhịp nhanh xoang thì có nên ra Bắc vào mùa đông không? Nếu mẹ em vẫn nhất quyết đi thì cần chuẩn bị những gì để đảm bảo an toàn?

    (Nguyễn Thanh Bình - Nha Trang, Khánh Hòa)

    Trả lời:

    Chào bạn,

    Nhịp xoang là nhịp bình thường của cơ thể, nhịp nhanh xoang có thể có 1 số nguyên nhân khác nhau như bệnh tim, cường giáp, thiếu máu... Mẹ bạn nên kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể của nhịp xoang là gì từ đó có cách theo dõi và điều trị thích hợp. Một khi đã xác định được nguyên nhân và cách điều trị phù hợp thì người nhịp nhanh xoang có thể đi lại du lịch một cách an toàn.

    Câu 11: Triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh và khó thở có phải bị bệnh tim hay không

    Tôi hay hồi hộp, tim đập nhanh và khó thở, có phải tôi bị bệnh tim không BS? Nếu có thì tôi cần khám những gì? Dự trù 1 lần khám tim như vậy khoảng bao nhiêu tiền ạ? Xin cảm ơn.

    (Thanh Tuấn, Hà Nội)

    Trả lời:

    Triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh và khó thở có thể là triệu chứng của bệnh tim hoặc là một số bệnh lý khác như thiếu máu, cường giáp... Bạn nên đi khám bệnh tổng quát hoặc tư vấn bác sĩ để có hướng theo dõi và làm các xét nghiệm riêng biệt cho từng nguyên nhân. Tùy theo các xét nghiệm cần thiết mà chi phí có thể thay đổi rất nhiều.

    Câu 12: Bệnh tim có di truyền hay không

    Chào Bác sĩ, tôi 41 tuổi, tôi hay khó thở, có cảm giác tim đập khá mạnh, nghe rõ tiếng đập của tim. Ông nội và bố tôi đều bị bệnh tim, tôi rất lo lắng. Xin hỏi BS bệnh tim có di truyền không ạ? Cảm ơn BS.

    (Tiến Hùng, Bình Dương)

    Trả lời:

    Có 1 số bệnh tim là di truyền, tuy nhiên những bệnh này chỉ là thiểu số. Tuy vậy bệnh tim có thể có yếu tố gia đình, nghĩa là những người trong cùng 1 gia đình thì khả năng bệnh tim cao hơn. Hay nói cách khác tiền căn gia đình là 1 yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

    Triệu chứng của bạn không đặc hiệu nghĩa là có thể gặp trong bệnh tim cũng như ở người bình thường. Bạn nên làm các xét nghiệm chuyên sâu để biết rõ nguyên nhân.

    Câu 13: Cơn đau thắt ngực theo từng cơn

    Thưa Bác sĩ,

    Chồng tôi hay bị đau thắt ngực theo từng cơn, khi nằm xuống co người lại thì cơn đau giảm, những cơn đau này đến bất ngờ, có khi đang ngồi ăn cơm chồng tôi cũng bị. Xin hỏi BS đây bị bệnh gì, có nguy hiểm không? Cảm ơn BS.

    (Minh Hòa - Bình Thuận)

    Trả lời:

    Đau ngực từng cơn có thể gặp trong bệnh lý mạch vành. Đây là bệnh có thể đưa đến nguy hiểm tính mạng hoặc để lại các di chứng sau này. Bạn nên đưa chồng đi khám và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân tình trạng đau ngực từng cơn của anh ấy.

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo