Đau nhức cơ thể là những biểu hiện hay gặp trong cuộc sống hàng ngày, thường là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các triệu chứng đó cần phải được kiểm tra. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có biểu hiện của bất kỳ các triệu chứng sau:
1. Yếu vùng cánh tay hoặc chân
Nếu bạn bị yếu hoặc tê vùng cánh tay, chân hoặc mặt, có thể là dấu hiệu của bệnh đột quỵ, đặc biệt nếu bạn bị tê hoặc yếu chỉ ở một bên cơ thể.
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
Mặt khác, nếu có kèm những biểu hiện mất thăng bằng, cảm thấy chóng mặt hoặc đi đứng khó khăn đó cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
Hãy gọi ngay cấp cứu nếu bạn đột ngột bị giảm thị lực, đau đầu dữ dội, cảm thấy lơ mơ, hoặc có triệu chứng nói khó hoặc hiểu khó.
Bác sĩ Jacob Teitelbaum cho biết, khi phát hiện sớm, cơn đột quỵ sẽ đáp ứng tốt với điều trị.
Khi rơi vào tình huống đó, bạn đừng chờ đến cuộc hẹn gặp bác sĩ mà hãy gọi ngay cấp cứu 115. Nếu bạn được điều trị bằng thuốc làm tan máu đông trong vòng 4 tiếng rưỡi ngay khi có biểu hiện đầu tiên, bạn sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị các tổn thương lâu dài do đột quỵ gây ra.
2. Đau ngực
Khi bị đau ngực, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì thà là nhầm còn hơn là để bỏ sót một cơn bệnh nặng.
Bác sĩ Agarwal cho biết, bất kỳ triệu chứng đau ngực nào, đặc biệt nếu kèm theo vã mồ hôi, nặng ngực, khó thở hoặc buồn nôn, đều nên được đánh giá ngay bởi một bác sĩ.
Cảm giác đau, nặng ngực có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim, đặc biệt nếu nó xuất hiện sau khi làm việc, vận động nặng. Một khả năng khác nữa là có cục máu đông gây thuyên tắc phổi, theo Bs Teitelbaum.
Cũng vậy, nếu bạn bị đau thắt ngực hoặc nặng ngực kéo dài hơn vài phút hoặc triệu chứng này biến mất xong lại xuất hiện trở lại. Bạn đừng làm ngơ, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.
3. Đau nhức mặt sau cẳng chân
Đây có khả năng là triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch chân, trong y khoa gọi là thuyên tắc tĩnh mạch sâu, viết tắt là DVT. Bệnh thường xảy ra sau khi bạn đứng quá lâu, ngồi lâu như sau một chuyến bay dài, hoặc do bạn bị ốm và phải nằm lâu trên giường. Hầu như bạn sẽ bị đau khi đi đứng, có thể có kèm phù chân.
Trường hợp bạn bị đau sau khi tập thể dục, bạn đừng lo ngại vì đó là biểu hiện bình thường. Nhưng nếu bạn thấy vùng chân bị sưng nề có dấu hiệu nóng, đỏ hoặc đau hãy đi khám để được điều trị sớm.
Theo bác sĩ Teitelbaum, bạn có thể tự kiểm tra bằng dấu hiệu Homans. Cách thực hiện như sau: bạn uốn cong nhẹ ngón chân lên trên, nếu bị đau thì có thể chân bạn bị tình trạng huyết khối. Tuy nhiên, dấu hiệu Homans chỉ mang tính tương đối. Quan trọng là bạn cần đến gặp bác sĩ nếu thấy cẳng chân một bên bị sưng, nóng, đỏ.
Huyết khối cần được điều trị sớm để tránh trường hợp nó bong ra gây thuyên tắc mạch xa.
4. Có máu trong nước tiểu
Một vài nguyên nhân dẫn đến có máu trong nước tiểu.
Nếu bạn thấy nước tiểu có máu và bị đau nhiều ở đường tiểu hoặc vùng thắt lưng/sau lưng, có thể đó là biểu hiện của sỏi thận. Sỏi thận hình thành từ các chất khoáng và muối tại thận và theo nước tiểu di chuyển xuống niệu quản.
Bác sĩ có thể đề nghị bạn chụp X-quang hoặc siêu âm để kiểm tra sỏi. X-quang sử dụng bức xạ nhẹ để chụp lại hình ảnh của cấu trúc bên trong cơ thể bạn. Siêu âm tạo ra hình ảnh từ sóng âm.
Có trường hợp viên sỏi sẽ theo đường tiểu ra ngoài khi bạn đi tiểu. Đôi lúc, sỏi không tự thoát mà cần có sự can thiệp của bác sĩ để lấy ra.
Nếu bạn thấy có máu trong nước tiểu và có cảm giác buồn tiểu liên tục, tiểu lắt nhắt hoặc cảm thấy nóng rát khi đi tiểu thì có thể bạn gặp vấn đề về bàng quang khá nghiêm trọng hoặc có thể bị nhiễm trùng thận. Đặc biệt nếu có sốt bạn cần đi khám ngay.
Trường hợp bạn thấy có máu trong nước tiểu nhưng không kèm bất kỳ cảm giác đau nào, có thể đó là biểu hiện của ung thư thận hay bàng quang. Do đó bạn cũng cần đi khám để được điều trị.
5. Khò khè
Vấn đề về đường hô hấp cần được điều trị sớm. Nếu bạn thở khò khè hay thở rít, tình trạng khó thở có thể sẽ diễn tiến xấu hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị ngay, theo Bác sĩ Agarwal.
Khò khè có thể là biểu hiện của hen suyễn, một bệnh lý ở phổi, một tình trạng dị ứng nặng hoặc do tiếp xúc với hóa chất. Các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và biện pháp điều trị cho bạn. Khi bạn bị hen suyễn, bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa lập phác đồ điều trị để giúp bạn kiểm soát và hạn chế cơn hen bộc phát.
Ngoài ra khò khè cũng có thể là biểu hiện của viêm phổi hoặc viêm phế quản. Bạn ho có đàm xanh hoặc vàng không? Bạn có bị sốt hay khó thở không? Nếu có, thì có thể bạn đang bị viêm phế quản và dẫn đến viêm phổi. Đừng do dự, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị, Bác sĩ Teitelbaum cho biết.
6. Ý nghĩ tự tử
Nếu bạn cảm thấy thất vọng, bị bế tắc hoặc nghĩ rằng cuộc đời không đáng sống nữa, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ sẽ giúp bạn vượt qua cơn khủng hoảng.
Bạn có thể đến bệnh viện hoặc một phòng khám tâm lý nào đó. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa sẽ trò chuyện với bạn, giữ an toàn cho bạn và giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn này.
Bài viết dịch từ webmd.com
Nhóm biên dịch y khoa - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
3. 10 Lời Khuyên Vàng Cho Những Ai Bị Viêm Xương Khớp
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com