Bệnh thủy đậu và thai kỳ

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự2 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI2 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin2
Đặt lịch hẹn khám

Bệnh thủy đậu và thai kỳ

    Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh Trái rạ, do vi rút Varicella Zoster gây ra, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính.

    Bệnh thường xảy ra từ tháng giêng đến tháng năm. Đường lây chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh, một số ít lây qua do tiếp xúc trực tiếp với bóng nước (tổn thương da điển hình của bệnh thủy đậu). Bệnh rất hay lây, 90% tiếp xúc trực tiếp có khả năng lây bệnh. Thủy đậu gây miễn dịch vĩnh viễn sau khi nhiễm virut lần đầu, số rất ít  có thể bị lại lần hai nhưng thường là nhẹ.


    Sau khi tiếp xúc nguồn bệnh từ 10-21 ngày, bệnh khởi phát đột ngột vớí sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn và phát ban. Sau khoảng 24 giờ xuất hiện các bóng nước trên các ban, đầu tiên ở thân mình sau đó lan đến mặt và tứ chi, bóng nước càng nhiều bệnh càng nặng. Sau khoảng 07 ngày các bóng nước khô dần, đóng mày, bong vảy, thâm da và không để lại sẹo. Ngoài ra bóng nước còn có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, âm đạo, gây triệu chứng nuốt đau, khó thở, tiểu rát, tiểu máu.
    Bệnh thường lành tính và phát triển có giới hạn ở những người khỏe mạnh, tuy nhiên lại nặng nề hơn ở những người suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh, trẻ vị thành niên, người lớn và phụ nữ có thai bởi các biến chứng của nó như: 
    - Nhiễm trùng các nốt phỏng sẽ để lại seo xấu sau này. Viêm mô tế bào, áp xe dưới da, viêm hạch ngoại biên.
    - Viêm phổi thủy đậu: Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể xảy ra trong thời kì xuất hiện bóng nước với sốt cao, khó thở, tím tái, đau ngực và ho ra máu.
    - Tổn thương khác: viêm não (nhức đầu, co giật , rối loạn ý thức)  tổn thương thần kinh (liệt thần kinh) và hội chứng Reye (kết hợp tổn thương gan và não, có khả năng gây tử vong)…


    Phụ nữ mang thai bị bệnh thủy đậu lần đầu và chưa được tiêm ngừa trước đó sẽ nguy hiểm hơn vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi chiếm tỷ lệ  cao 10-20%, trong số đó tỷ lệ tử vong đến 40%. Mặc khác, còn có thể lây truyền cho thai qua nhau thai. Tùy vào giai đoạn tuổi thai mà thai có những nguy cơ khác nhau :

    • Ba tháng đầu: nguy cơ sẩy thai, hư thai, nguy cơ thai bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh 0,4%. Hội chứng thủy đậu bẩm sinh biểu hiện thường gặp nhất là sẹo ở da, các biểu hiện khác như tật đầu nhỏ, bại não, đục thủy tinh thể, biến dạng chi, teo cơ, co giật…
    • Ba tháng giữa (13-20 tuần): nguy cơ thai bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh khoảng 2%.
    • Sau tuần lễ thứ 20 của thai kì, hầu như không ảnh hưởng trên thai .
    • Nếu mẹ bị bệnh thủy đậu trong vòng 05 ngày trước và 02 ngày sau sinh: trẻ sơ sinh dễ bị mắc bệnh thủy đậu lan tỏa, bệnh sẽ rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm não. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh khoảng 25-30% số trường hợp bị nhiễm.

     

    Đối với những phụ nữ đã bị bệnh thủy đậu hoặc đã tiêm phòng bệnh thủy đậu thì sẽ được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể sẽ có kháng thể chống lại bệnh. Do đó khi mang thai không phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ hay thai nhi.


    Phụ nữ mang thai bị thủy đậu cần được:

    • Cách ly đề phòng lây lan (cho đến khi tất cả bóng nước đều đã đóng vảy)
    • Săn sóc: cần ở phòng sạch sẽ, thoáng mát, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đủ chất, nhiều vitamin, thức ăn lỏng dễ tiêu hóa.. Giữ vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý, vệ sinh tai mũi họng, giữ da khô sạch, hạn chế gãi, tránh làm vỡ các bọng nước để tránh nguy cơ bội nhiễm .
    • Điều trị triệu chứng: Hạ sốt, chống ngứa
    • Điều trị biến chứng: Kháng sinh nếu có bội nhiễm. Tùy theo biến chứng mà có điều trị hổ trợ
    • Thuốc chống virut: Nếu thai phụ bị thủy đậu diễn tiến nặng có nguy cơ viêm phổi nên được tư vấn dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai.

     

    Đối với những thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu lần đầu, chưa được tiêm ngừa trước đó, nên dùng Varicella Zoster immunoglobulin (VZIG) trong vòng 72 giờ đầu sau khi phơi nhiễm với bệnh. Việc dùng VZIG không phòng ngừa được nhiễm trùng bào thai, hội chứng thủy đậu bẩm sinh, cũng như bệnh thủy đậu sơ sinh mà chỉ phòng ngừa biến chứng nặng ở mẹ. Đối với trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị thủy đậu trong vòng 05 ngày trước hoặc 02 ngày sau sinh cũng nên dùng VZIG để dự phòng biến chứng nặng.


    Phòng bệnh  bằng cách chủng ngừa thủy đậu là tốt nhất:

    • Nên tiêm ngừa thủy đậu từ khi còn bé (từ 12 tháng tuổi) hoặc ít nhất một tháng trước khi mang thai. Nếu đã từng bị thủy đậu thì không cần tiêm ngừa nữa vì cơ thể đã có miễn dịch
    • Đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Những người mẫn cảm với các thành phần của vaccine; Các đối tượng bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; Phụ nữ đang mang thai … thì không nên tiêm ngừa thủy đậu.
    • Hiện có hai loại vaccine thủy đậu OKAVAX và VARILRIX: virut giảm độc lực, đối tượng tiêm 12 tháng tuổi trở lên, 01 lều ( okavax ) hay 02 liếu ( varilrix), cách nhau ít nhất 06 tuần.


    Bác sĩ  CKI Trần Thị Anh Lan
    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin


    Tham khảo bài viết liên quan:

    - PHÒNG NGỪA BỆNH THỦY ĐẬU

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
     

     

    Zalo