Gan nhiễm mỡ là một bệnh khá phổ biến, nhất là từ khi siêu âm được sử dụng tràn lan tại các phòng khám ngoài giờ. Bạn nhậu gặp nhau thì hỏi thăm tình hình gan lúc này như thế nào. Quý bà đi tập gym thì than thở tập hoài sao mỡ chỉ càng ngày càng tăng. Âu cũng là điều tốt khi xã hội có sự e ngại với một chứng bệnh vốn rất âm thầm. Tuy nhiên, trong những lời bàn luận trà dư tử hậu, cũng như trong những thông tin từ các thông tấn xã vĩa hè còn tồn tại không ít nhầm lẫn hay ngộ nhận.
1. Muốn trị gan nhiễm mỡ thì chỉ cần cử mỡ.
Ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)
Suy nghĩ rất trực quan của người bệnh là mỡ ăn vào sẽ chạy thẳng lên gan. Do đó, chỉ cần không ăn mỡ thì tự động gan sẽ hết mỡ? Trên thực tế, gan nhiễm mỡ là tình trạng lắng đọng bất thường của Tricglyceride và nhiều loại mỡ khác. Các chất này có thể là nội sinh từ các chu trình tạo mỡ để dự trữ năng lượng cho cơ thể, một phần là từ các acid mỡ tự do ngoại sinh từ thức ăn. Bản thân quá trình tạo mỡ tại gan liên quan đến cân bằng năng lượng mỗi ngày. Khi số Calories hấp thu cao hơn quá mức cần thiết, số Calories dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ dự trữ dưới da và nội tạng, trong đó gan chiếm một phần lớn. Gan nhiễm mỡ là hậu quả của rối loạn chuyển hóa mỡ mà 3 “ông kẹ” thường đi chung với nhau là tiểu đường, béo phì và tăng Triglyceride máu. Việc cử mỡ nhưng bù lại bằng các thức ăn ngọt hoặc bia, thức ăn vặt sẽ không làm thay đổi đáng kể cân bằng năng lượng. Hậu quả là chẳng thể làm thay đổi gì tình trạng nhiễm mỡ ở gan. Nói cách khác, muốn điều trị gan nhiễm mỡ đúng cách, không phải chỉ cử mỡ mà cần có một chế độ ăn phù hợp, nhấn mạnh đến việc điều hòa cân bằng năng lượng - thường là phải cắt giảm.
2. Muốn biết gan nhiễm mỡ nặng hay nhẹ thì đi siêu âm
Thật vậy, việc chẩn đoán gan nhiễm mỡ ngày nay xem ra quá dễ dàng, chỉ bằng một cú chớp mắt của bác sĩ siêu âm. Trong đa số trường hợp, bác sĩ siêu âm chỉ cần phán một câu, nhu mô gan sáng hơn bình thường… là đủ để bạn mang cái án gan nhiễm mỡ. Có mấy ai để ý là khái niệm sáng đó cũng có nhiều tầng, nhiều nấc? Thế nào là sáng bình thường và thế nào là sáng hơn bình thường? Sáng như màn hình AMOLED của galaxy S7 hay trắng sáng như OMO? Mức chủ quan trong trường hợp này là rất cao vì nó phụ thuộc vào tình trạng mắt mũi của bác sĩ, các thông số cài đặt của máy siêu âm và thậm chí điều kiện ánh sáng chung quanh khi đang thăm khám. Hậu quả thường gặp là tình trạng gan nhiễm mỡ bị đánh giá quá mức và khá nhiều người được chẩn đoán gan nhiễm mỡ dù không hề có triệu chứng gì về lâm sàng và cận lâm sàng. Mặt khác, bác sĩ siêu âm cũng thường nhận định gan nhiễm mỡ nặng hay nhẹ tùy vào mức độ sáng nhiều hay sáng ít và điều này lại một lần vô cùng có tính chủ quan. Sự sáng tối trên siêu âm không tỷ lệ với các thay đổi về mô học và càng không tương xứng với lâm sàng. Tiêu chuẩn chính xác nhất để đánh giá nặng nhẹ là giải phẫu bệnh khi làm sinh thiết gan, tuy ít khi được làm. Trên thực tế, mức nặng nhẹ của gan nhiễm mỡ nên được ước đoán dựa trên các triệu chứng về tiêu hóa và sự thay đổi của các men gan.
3. Mập thì bị gan nhiễm mỡ, ốm thì không bị.
Đúng vậy, gan nhiễm mỡ là hậu quả của rối loạn chuyển hóa mỡ, vấn đề cân nặng cũng có liên quan đôi chút. Khá nhiều bệnh nhân hỏi bác sĩ một cách rất ngỡ ngàng, vì sao họ ốm còm nhom chẳng có chút mỡ ngoài da mà vẫn bị gan nhiễm mỡ. Sự thực là các chu trình chuyển hóa mỡ ở gan bị ngăn chận vì nhiều lý do, sự lắng đọng các chất mỡ vẫn có thể xảy ra dù bệnh nhân thiếu cân, hoặc hay cả khi đó chỉ là những đứa trẻ chưa hề biết nhậu nhẹt là gì. Nguyên nhân sinh bệnh trong trường hợp này có thể do bệnh tiểu đường, hoặc do di truyền.
Ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)
Các bà mẹ đang mang thai, cần chú ý: Gan nhiễm mỡ cấp có thể xuất hiện trong thay kỳ do rối loạn hormone. Bệnh có thể diễn tiến nặng. Các bà mẹ đang nuôi con cũng cần chú ý. Trẻ con mủm mĩm rất đáng yêu nhưng trẻ béo phì sẽ có rủi ro bị gan nhiễm mỡ tăng cao.
4. Uống rượu mới bị gan nhiễm mỡ, uống bia thì không sao.
Ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)
Các quý ông nếu tự an ủi mình là bia rất tốt cho sức khỏe, bia không phải là rượu, bia không thể làm xơ gan blah blah… Cần suy nghĩ lại: Gan nhiễm mỡ có 2 nhóm chính: do rượu (ALD = Alcoholic Liver Diseases) và không do rượu (NALD = Non Alcoholic Liver Diseases). Rượu gây gan nhiễm mỡ và xơ gan thông qua việc thay đổi các chu trình chuyển hóa mỡ nhưng bia làm tăng dự trữ mỡ qua việc làm nghiêng cán cân năng lượng. Một lon bia có khoảng 150 Calories. Một lon bia mỗi tối làm tăng khoảng 1000 Calories dư thừa, dẫn đến gánh nặng khoảng 7kg mỗi năm, chủ yếu tập trung ở vùng bụng - có phải vô cớ mà người ta gọi đó là “bụng bia” đâu chứ! Đáng tiếc là các quý ông ở nước ta có bao giờ uống một lon bia trong mỗi lần nhậu, và có bao giờ nhậu suông với nước đá? Không cần 1 năm, mà chỉ vài tuần hay vài tháng thì đã có thể thấy sự thay đổi dáng người, cân nặng và tất nhiên là số mỡ trong gan rồi.
5. Gan nhiễm mỡ là bệnh nhẹ, không trị cũng được
Điều này đa phần là đúng khi bệnh nhân chỉ bị gan nhiễm mỡ đơn thuần. Đáng tiếc, có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có căn bệnh tiến triển. Từ lúc đầu là một trạng thái bệnh lý có thể hồi phục (Non Alcoholic Fatty Liver), sau một thời gian và khi các yếu tố gây bệnh không được điều chỉnh, nhu mô gan xuất hiện hiện tượng viêm và hoại tử các tế bào gan. Đây là giai đoạn viêm gan hoại tử mỡ (Non Alcoholic Steatohepatitis) và đặc trưng bằng sự gia tăng các men gan. Tình trạng viêm gan mỡ kéo dài sẽ dẫn đến xơ hóa nhu mô gan và lan rộng dần. Đến giai đoạn này, tình trạng xơ gan có thể đã là không hồi phục (Non Alcoholic Cirrhosis).
Do đó, nếu Bác sĩ bảo là gan nhiễm mỡ nhưng bệnh nhân chẳng có triệu chứng gì, cần chú ý ăn uống. Nếu thấy không khỏe và men gan tăng, hãy quan tâm đến điều trị bệnh của mình một cách nghiêm túc.
6. Gan nhiễm mỡ liên quan đến cách dùng rượu bia
Uống bia tốt hơn uống rượu? Uống rượu tây tốt hơn rượu đế? Uống rượu cuối tuần thì không gây hại? Uống rượu bia kèm mồi đầy đủ thì không nguy hiểm? Đó là những ngộ nhận thường gặp. Sự thật là dù là rượu nào đi nữa và uống như thế nào đi nữa thì con số ý nghĩa cuối cùng vẫn là là tổng năng lượng đưa vào và số Ethanol gây ảnh hưởng trên gan.
Con số khuyến cáo hàng ngày ở Mỹ là 14g Ethanol, khoảng 98g mỗi tuần. Chuyển đổi ra bia thì là 1 chai bia 5% (375ml), với rượu nhẹ 12% thì là 1 ly cao uống rượu (150ml), ra rượu mạnh thì chỉ là 1 ly nhỏ (30ml) loại 40%. Trên con số đó, người uống không được lái xe vì đã có thể có ảnh hưởng hành vi.
Con số khuyến cáo về lâu dài không rõ ràng nhưng tác động trên gan và cân nặng là tích lũy theo thời gian tuy người uống không thực sự vi phạm pháp luật. Chỉ có một khuyến cáo: Càng uống nhiều thì rủi ro càng nhiều!
7. Khử độc gan để điều trị gan nhiễm mỡ.
Gần đây, phong trào khử độc cơ thể được khá nhiều người ủng hộ. Khử độc cơ thể (Detox) nhanh nhất thì bằng các dung dịch rửa ruột và chế độ ăn hà khắc. Khử độc gan thì cũng bằng đủ loại thuốc “bổ gan” và các thức ăn “lợi gan”. Đáng tiếc, lắng đọng mỡ trong gan là một quá trình kéo dài nhiều năm và chẳng có phép lạ nào trong vài ngày có thể hút đám mỡ bất trị này ra khỏi cơ thể.
Không thể chối cải là có một số thức ăn có lợi cho các hoạt động của gan và thúc đẩy quá trình lành bệnh. Các thức ăn thường được nhắc đến là tỏi, nghệ, bắp cải, bơ, cà rốt, trà xanh, táo, chanh và dầu olive. Tuy nhiên, hãy sử dụng chúng một cách thông minh trong bữa ăn hàng ngày thay vì bỏ tiền vào các đợt khử độc không hiệu quả.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Tham khảo một số bài viết liên quan:
3. Béo Phì Và Gan Nhiễm Mỡ - Mối Họa Tiềm Ẩn Cho Sức Khỏe Cộng Đồng
4. Gan Nhiễm Mỡ Không Do Rượu Và Ung Thư Gan Nguyên Phát
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com