Cắt amidan cũng như nạo VA là điều rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, bởi hầu như trẻ nào cũng bị viêm amidan một vài lần trong đời. Nhưng “cục” amidan coi vậy mà rắc rối, không phải muốn cắt là cắt, muốn giữ là giữ.
Chị Tiên (Quận 6) điếng người khi nghe bác sĩ kết luận, bé nhà chị bị viêm cầu thận cấp, một biến chứng của căn bệnh viêm amidan mà bé thường xuyên gặp. Chị than thở, biết vậy cắt sớm như bác sĩ đã khuyên từ trước. Nhưng nghe đến “dao kéo” là hãi hùng nên chị đã kéo con về, chỉ điều trị cho dứt đợt amidan lần trước.
Ngược lại với chị Tiên, anh Quân (Thủ Đức) lại khăng khăng đòi cắt amidan cho nhà mình với lý do “nói còi dí còi dị, nuôi hoài mà lớn không nổi. Cắt đi cho nó mập ra một chút”.
Nhưng cái “cục” amidan coi vậy mà rắc rối, không phải muốn cắt là cắt, muốn giữ là giữ. Chuyện cắt amidan cũng như nạo VA là điều rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, bởi hầu như trẻ nào cũng đều bị viêm amidan một vài lần trong đời. Thế nên, câu hỏi khi nào cần cắt amidan, khi nào cần nạo VA, những ông bố bà mẹ trẻ thường xuyên đêm ra hỏi thầy thuốc.
“Lính biên phòng”
Có thể xem VA – amidan là những người “lính biên phòng” cho cơ thể. Người lính tốt có thể bắt và xử lý khi kẻ địch tấn công. Nhưng một khi người lính bị biến chất, tha hóa, chính họ sẽ đưa kẻ địch vào bờ cõi. Chỉ khi không thể cải hóa “người lính” ấy nữa, chúng ta mới nên “sa thải” họ. Đó là cách chúng ta đối xử với amidan và VA khi chúng không còn chức năng bảo vệ cho cơ thể.
(ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Một số ông bố bà mẹ vẫn còn rất mơ hồ về amidan và VA, có khi coi chúng là một. Trên thực tế, cả VA và amidan đều là những khối tế bào lympho. VA nằm ở vòm (V.A – Vegetation adénoide), thường chỉ thấy khi nội soi mũi họng. Amidan là hai khối lympho nằm hai bên họng miệng- còn gọi là amidan khẩu cái, có thể thấy rất rõ khi há to miệng, đặc biệt là lúc amidan bị sưng viêm.
Viêm VA, viêm họng, viêm Amidan là bệnh lý thường gặp trong tai mũi họng ở lứa tuổi trẻ mẫu giáo (1-6 tuổi). Trong quá trình phát triển, trẻ luôn phải đối mặt với các vi sinh vật gây bệnh, các yếu tố dị nguyên, môi trường, … Ngay từ 6 tháng tui trở đi, cơ thể trẻ đã phải tự tạo ra khả năng đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh đột nhập vào cơ thể. Amidan và VA là một trong các vị trí lý tưởng giúp cơ thể kiểm soát thức ăn trước khi vào dạ dày cũng như hít thở trước khi đưa vào phổi để chống lại tác nhân gây bệnh đi theo. Khi các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể, các chú “lính biên phòng” amidan sẽ bắt giữ chúng, tiêu diệt và phân tích miễn dịch sau đó gửi mẫu phân tích này về cơ quan miễn dịch trung ương. Nhờ đó, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể phù hợp chống lại các virus cùng loại trong những lần xâm nhập sau.
Do vậy, những năm đầu đời, thỉnh thoảng trẻ sốt nhẹ, hắt hơi, chảy mũi, …, trẻ vẫn chơi bình thường thì đây là quá trình thích nghi học tập miễn dịch của cơ thể trẻ. Những lúc này, cha mẹ chỉ cần theo dõi, chăm sóc, điều trị hỗ trợ triệu chứng.
Nhưng khi trẻ sốt cao, đau họng nhiều, biếng ăn, khó ngủ, chảy mũi thường xuyên … thì quá trình học tập thích nghi miễn dịch đã vượt qua ngưỡng sinh lý của trẻ. Khi đó, khả năng biến chứng do viêm VA cũng như viêm họng, viêm amidan rất cao. Trẻ dễ bị viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa cấp, viêm xoang, áp xe thành sau viêm họng, viêm thanh quản … Nếu biến chứng do viêm họng – amidan, trẻ dễ bị viêm xoang, áp xe quanh amidan … Nghiêm trọng nhất là viêm họng – viêm amidan do liên cầu khuẩn nhóm A tan huyết beta(có thể phết họng tìm nguyên nhân gây bệnh, xét nghiệm máu ASO – antistreptolysin O) gây biến chứng xa như viêm cầu thận cấp, sốt tháp khớp cấp ảnh hưởng nhiều di chứng đến van tim do hậu cấp. Khi đó, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đóng vai trò rất cao trong việc quyết định chỉ định phẫu thuật hay không phẫu thuật cho bệnh nhân.
Cục thịt thừa?
Tạo hóa luôn có cái lý riêng của mình khi tạo ra những bộ phận khác nhau trong cơ thể. Ngay đến “ruột thừa” cũng đã được chứng minh chúng chẳng thừa, thì amidan và VA cũng thế. Việc cắt amidan bừa bãi đồng thời cũng tiêu diệt luôn”lính biên phòng”, nên đôi khi không những bé không hết bệnh mà còn bị viêm họng nhiều hơn trước. Chưa kể, sau khoảng 6-12 tháng, cò thể có một số lympho phát triển vô tổ chức ở họng để thay thế những bộ phận đã bị cắt bỏ vô cớ.
(Ảnh minh họa: Internet)
Việc chỉnh định nạo VA cũng như cắt amidan nên do bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng đảm nhận, sau khi đã thăm khám cụ thể, làm đầy đủ các xét nghiệm và cân nhắc trên lứa tuổi, thể trạng, tình trạng hiện tại của bé. Lứa tuổi có thể cắt amidan cho trẻ là từ 6 tuổi trở lên, trừ những trường hợp đặc biệt được chỉ định.
Nói chung, việc nạo VA hay cắt amidan đều phải dựa trên “sức khỏe” của các anh “lính biên phòng” này. Không thể “triệt tiêu” các anh ấy để đề phòng sưng viêm, cũng không thể tiếc nuối mà níu kéo khi không còn giá trị sử dụng. Nếu muốn chích ngừa viêm họng – amidan, nên giữ ấm cho trẻ, hạn chế trẻ uống nước đá lạnh và giúp trẻ giữ gìn vệ sinh răng miệng.
Chỉ định cắt amidan khi nào ?
- Viêm amidan trên 4 lần/năm
- Amidan quá phát gây rối loạn giấc ngủ
- Viêm amidan kèm theo sốt, thấp khớp, bệnh van tim
- Amidan quá phát một bên.
Bác sĩ CKI Lữ Thị Hoàng Oanh
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
1. Sự Thật Về Viêm Mũi Xoang
4. Giải Đáp Thắc Mắc Về Viêm Mũi Do Dị Ứng Phấn Hoa
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com