CÁI NHÌN XUYÊN THẤU

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

CÁI NHÌN XUYÊN THẤU

    Phần đông quý ông thường khá tham lam. Nhìn một cô gái đẹp, đôi khi họ bất giác ước ao có thể có cái nhìn… xuyên thấu. Bác sĩ thậm chí còn tham lam hơn. Bạn không tin ư?

    Tham lam thật, vì thấy một người vật vã vì đau lưng, đau khớp, bác sĩ chỉ muốn nhìn được vào tận xương cốt người bệnh. Và rất may, khoa học đã cung cấp cho các bác sĩ cơ hội có cái nhìn xuyên thấu ấy.

     

    Phát hiện tình cờ

    Lịch sử ngành Chẩn đoán Hình ảnh sẽ không bao giờ quên được buổi tối kỳ diệu đó, buổi tối ươm mầm cho một phát hiện tình cờ nhưng vĩ đại của nhân loại…

     

    Tối 8/11/1895, thầy hiệu trưởng Wilhelm Conrad Roentgen trở về nhà sau một ngày làm việc miệt mài tại phòng thí nghiệm vật lý của trường Đại học Würzburg, đông nam nước Đức. Đi được vài bước, sực nhớ quên chưa ngắt cầu dao điện cao thế dẫn vào ống tia catod, ông quay lại phòng và thấy một vệt sáng màu xanh lục trên bàn tuy trong phòng tối om. Đây chính là thời khắc lịch sử mở đầu cho những phát kiến vĩ đại làm thay đổi bộ mặt của khoa học…

     

    Vệt sáng kỳ lạ đã lôi cuốn ông và suốt 6 tuần sau đó, ông ở lì trong phòng thí nghiệm, cơm nước do vợ tiếp tế, mỗi ngày ông chỉ ngừng ít phút để ăn uống, vệ sinh và chợp mắt nghỉ ngơi vài giờ… Ba ngày trước giáng sinh, ông tìm ra tính chất của thứ tia bí mật ấy, ông đặt tên là tia X!

     

    Ẩn số X

    Tia X như một ẩn số “bí hiểm”, nhưng ngày nay, chúng ta đã biết khá rõ bản chất tia X là bức xạ điện từ, một loại sóng trong “gia đình” gồm 7 thành viên được phân loại từ thấp đến cao theo tần số dao động, có thể tạm phân thành 3 nhóm lớn:

     

    • Nhóm “ánh sáng khả kiến”: đây là nhóm gần gũi và dễ cảm nhận với chúng ta nhất, đó là hiện thân của bảy sắc cầu vồng “đỏ cam vàng lục lam chàm tím”.

     

    • Nhóm có tần số thấp hơn nhóm khả kiến, được xem là lành tính, ít gây hại đến sức khỏe con người, bao gồm 3 thành viên từ thấp đến cao là sóng vô tuyến, vi ba và hồng ngoại.

     

    • Nhóm có tần số cao hơn nhóm khả kiến: có độ xuyên thấu mạnh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người tùy theo mức độ và thời gian tiếp xúc, bao gồm tia tử ngoại, tia X và tia gamma.

     

    Như vậy, tia X được xếp vào nhóm bức xạ điện từ có tần số cao và đủ uy lực xuyên qua nhiều vật liệu, nhiều môi trường như các mô mềm, đặc biệt là các khoang cơ thể của sinh vật.

     

    Vì tính chất “xuyên thấu” của mình nên tia X được ứng dụng rất rộng rãi trong y học, từ chẩn đoán đến can thiệp điều trị. Kinh điển và lâu đời nhất là chụp X quang chẩn đoán. Ngành chẩn đoán hình ảnh trước những năm 1970 là sự thống trị tuyệt đối của kỹ thuật này. Người ta có thể khảo sát từ đầu đến chân bằng chụp X quang.

     

    Hiện nay tia X còn được sử dụng nhiều trong các kỹ thuật hình ảnh hiện đại hơn như CT, DSA với mức độ cung cấp thông tin đa chiều, toàn diện và “xuyên thấu” hơn, nhưng vai trò của chụp X quang, đặc biệt đối với các tuyến cơ sở, những tuyến đầu chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, vẫn luôn còn giá trị nhất định.

     

    X quang thời đại số hóa

    Giới trẻ thời nay coi máy chụp hình dùng phim là “đồ cổ”, có em còn chưa từng thấy mặt mũi chiếc máy chụp phim bao giờ. Cũng phải thôi, bởi chúng ta đang ở thời đại số hóa, số hóa trong mọi lĩnh vực, X quang cũng vậy!

    Hệ thống máy X quang thường quy bao gồm đầu đèn phát tia X, bàn chụp hoặc giá đỡ, hộp đựng cassette đặt sau bàn hoặc giá đỡ để đón nhận phần tia X còn lại sau khi xuyên thấu qua cơ thể bệnh nhân.

     

    Đối với X quang truyền thống, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh phải “ôm” hộp casstte chứa phim vào phòng tối, tráng rửa y như rửa hình ngày xưa. Tất nhiên hệ thống máy rửa này càng lúc càng hiện đại để giảm bớt công việc thủ công, nhưng vẫn còn môi trường độc hại do hóa chất trong phòng tối. Phim rửa ra là “phim ướt”, phải hong khô trước khi chuyển cho bác sĩ đọc phim. Mặt khác, nếu phim chụp chưa đạt do cân chỉnh liều lượng tia chưa phù hợp, kỹ thuật viên có thể phải chụp tới chụp lui nhiều lần.

     

    X quang kỹ thuật số ra đời từ những năm 1970 với kỹ thuật số hóa sơ khai, lưu trữ thủ công. Ngày nay, chúng ta đã có những thiết bị số hóa hiện đại, khắc phục tất cả những nhược điểm gây khó khăn cho kỹ thuật viên lẫn bệnh nhân. Có 2 hệ thống chính đang được sử dụng, đó là CR và DR.

     

    CR viết tắt từ Computed Radiography, hiểu nôm na đây là kỹ thuật X quang có nhờ đến hỗ trợ của vi tính. Hệ thống này sẽ thay đổi hộp cassette đựng phim bằng những tấm IP (Imaging Plate) hay còn gọi là tấm nhận hình ảnh, bên trong có chứa những chất có thể tiếp nhận được các mức độ khác nhau của tia X còn lại sau khi xuyên qua người bệnh nhân.

     

    Sau khi chụp, các tấm IP được đưa vào một máy quét xử lý tín hiệu, từ đây có thể chuyển ra màn hình máy tính, điều chỉnh các thông số tương phản, sáng tối, đo đạc và phát lệnh in hoặc lưu trữ dưới dạng các tập tin hình ảnh.

    Hệ thống này giúp kỹ thuật viên thoát khỏi hóa chất độc hại từ phòng tối, giúp bệnh nhân không phải chụp lại nếu có sai sót về liều lượng tia vì có thể chỉnh sửa ngay trên máy tính. Ngoài ra, X quang số hóa còn giúp bác sĩ lưu trữ thông tin dễ dàng và lâu dài trên máy tính hoặc thẻ nhớ.

     

    Hệ thống thứ hai là DR, loại X quang kỹ thuật số “chính danh”, không lai tạp, viết tắt của Direct Radiography – Chụp X quang số hóa trực tiếp. Hệ thống này không có máy quét cho các tấm IP, tín hiệu thu nhận lúc này được xử lý trực tiếp và truyền ngay về máy tính bằng các đường cáp hoặc thậm chí bằng wifi.

     

    Ưu điểm lớn của DR là có thể chụp liên tục mà không cần đợi thay thế các tấm IP đem đi “quét” sau mỗi lần chụp như CR, thời gian xử lý tín hiệu cũng nhanh gấp 5-10 lần so với CR. Ngoài ra, chất lượng hình ảnh DR cũng hơn hẳn CR do không phải qua nhiều tầng trung gian để xử lý các tín hiệu.

     

    Hiện nay, ở Việt Nam, chúng ta đã trang bị khá nhiều hệ thống X quang kỹ thuật số, CR đã có thể về đến tuyến huyện và DR đã có mặt hầu hết trong các bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ứng dụng X quang số hóa giúp cho việc tương tác dữ liệu của bệnh nhân giữa các tuyến cơ sở đến trung ương thuận lợi hơn, khả năng lưu trữ lâu dài và không thay đổi như phim ướt trước đây cũng giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi được diễn tiến bệnh qua nhiều năm một cách chính xác hơn.

     

    Một ngày nào đó, với X quang, chẳng ai còn nhớ đến những tấm phim ướt phải rửa trong những phòng tối ẩm thấp và độc hại. Một chút hoài niệm để nhớ về những người anh, người thầy đã từng có một thời hy sinh, vất vả với công việc thầm lặng này… Cám ơn thời đại số hóa!

     

    Ngay khi tìm ra tia X, Roentgen đưa vợ đến phòng thí nghiệm và thực hiện bức ảnh lịch sử, bức ảnh “xuyên thấu” đầu tiên trên thế giới với hình ảnh xương bàn tay và chiếc nhẫn cưới của người phụ nữ Roentgen yêu thương nhất.

     

    Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Hoàng Phương

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Nghề Đoán Bệnh Qua Ảnh

    2. Gan Nhiễm Mỡ Và Siêu Âm

    3. Siêu Âm

    4. Máy Siêu Âm Siemens Acuson Juniper

    5. Em Rờ Ai?

    6. Khi Nào Nên Sử Dụng MRI?

    7. Cắt Lát ... Cơ Thể

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo