Con giun đi lạc

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

Con giun đi lạc

    Trong các cách giáo dục trẻ, việc cho trẻ cùng chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương động vật cũng là một cách rất hay để xây dựng lòng nhân ái của trẻ. Tuy vậy, nếu không chú ý kỹ thì bạn có thể đang chuốc thêm một nguy cơ cho trẻ với bệnh giun đũa chó.

    Nhà chị Dung (Phú Nhuận) nuôi rất nhiều chó. Chị thương chó như con, cho ăn nhiều loại thực phẩm cao cấp, tắm rửa sạch sẽ cho từng chú chó, cho chúng ngủ chung...

    Thịnh, đứa con 6 tuổi của chị cũng rất thương chó. Thịnh thường chơi đùa với những chú cún con, ẵm bồng, hôn hít chúng. Cho đến một ngày, Thịnh bị dị ứng kéo dài, bé cũng xanh xao, gầy yếu hơn. Đi khám bệnh, bác sĩ nghi bé bị nhiễm giun đũa chó và kết quả xét nghiệm đã khẳng định lời bác sĩ.

    Khi ấu trùng giun “du lịch”

    Ở nước ta, trẻ em là đối tượng nhiễm ký sinh trùng đường ruột khá phổ biến. Có đủ mọi loại động vật ký sinh đe dọa sức khỏe trẻ em, từ sán lãi đến giun kim, giun lươn, giun đũa... Nhiễm giun đũa người đã đành, các bé còn có nguy cơ bị nhiễm loại giun đũa từ chó, mèo (toxocaracanis).

    Không khác người, chó, mèo cũng có một loại ký sinh trùng hình ống dài giống như giun đũa ở người, nhưng nhỏ hơn. Loại giun này cũng có vòng đời như giun đũa ở người. Chúng sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo. Khi chó, mèo phóng uế, ấu trùng giun theo phân ra ngoài và phát tán trong môi trường, vương vãi vào đất cát, đồ chơi vật dụng và thực phẩm như rau sống.

    Nếu chó mèo bị nhiễm trứng giun, những trái trứng này tiếp tục vòng đời của nó, sinh sôi, nảy nở trong ruột vật chủ. Nhưng nếu lạc vào cơ thể con người, trứng giun lại nở thành ấu trùng và không phát triển thành con giun trưởng thành mà xuyên qua thành ruột non, theo những tuyến đường máu “đi du lịch” khắp nơi trong cơ thể con người và hầu như đến đâu, chúng gây “náo loạn” hoặc “kẹt xe” đến đó tạo nên những triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì dị ứng như bé Thịnh kể trên, còn nặng có thể có các triệu chứng ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi kẽ...) hoặc triệu chứng thần kinh trung ương (nhức đầu, động kinh, liệt nửa người, viêm màng não, viêm cơ tim), thậm chí gây tử vong.

    Một số trường hợp dù nhiễm giun đũa chó nhưng người bệnh không có triệu chứng gì, bệnh tiến triển âm thầm cho đến ngày bùng phát. Các trường hợp còn lại có những biểu hiện rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì thế, có thể chậm xử lý hoặc điều trị không đúng cách.

    Khi trẻ em có triệu chứng ho kéo dài, đau đầu, động kinh, đau vùng gan, gan to,bầm da... nên để ý tới nhiễm toxocaracanis. Muốn có chẩn đoán xác định phải làm huyết thanh chẩn đoán miễn dịch ở các trung tâm y tế (không xét nghiệm phân vì ấu trùng giun chó không nở trứng ở đường ruột) và có hướng điều trị sớm với thuốc đặc hiệu là zentel.

    Phòng ngừa giun đũa chó

    Cách phòng ngừa trước hết là trừ “tận gốc”. Nếu có nuôi chó mèo, bạn nên cho chúng tẩy giun định kỳ. Chó mèo con từ 2 tuần tuổi đã có thể tẩy giun, sau đó lặp lại lúc 4 tuần, 6 tuần và 8 tuần tuổi rồi tiếp tục tẩy giun 1 tháng một lần cho đến 6 tháng tuổi. Chó mèo trưởng thành nên tẩy từ 3-6 tháng một lần, tùy môi trường có dễ tái nhiễm hay không.

    Tuy nhiên, cũng khó khẳng định rằng việc tẩy giun chó mèo luôn hiệu quả 100%. Đó là chưa kể chó mèo nhà bạn, dù tẩy giun cũng có thể tái lây nhiễm với chó mèo hàng xóm. Vì thế, nếu có nuôi chó mèo, bạn phải luôn vệ sinh môi trường sạch sẽ, xử lý chất thải của chó mèo triệt để và luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy sau khi dọn dẹp vệ sinh chất thải vật nuôi.

    Chó - mèo có thói quen tự vệ sinh sau khi phóng uế, sau đó lại tự “tắm” bằng cách... liếm lông. Vì thế, nên tắm cho chó - mèo thường xuyên để phòng ngừa trứng giun dính trên lông chó mèo.

    Tốt nhất, không cho trẻ ôm ấp và tuyệt đối không để trẻ hôn hít chó mèo. Nếu không thể cấm trẻ thì sau khi trẻ ẵm bồng chó, mèo, phải nhắc trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Cả gia đình phải nâng cao ý thức vệ sinh, thường xuyên rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn hay chuẩn bị thức ăn. Rau sống, hoa quả trước khi ăn phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy để trứng giun (nếu có) sẽ trôi đi.

    Nếu bé nhà bạn lỡ bị nhiễm giun chó, bé cần được điều trị sớm theo phác đồ chuẩn ở các cơ sở tế chuyên khoa nhi.

     

    BS CKI NGUYỄN THỊ HỒNG THÊ

    Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    >>>Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. HỆ THỐNG XÉT NGHIỆM VI KHUẨN HP 13C (BREATHID) QUA HƠI THỞ VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI

    2. Giải Đáp Thắc Mắc Về Điều Trị HP

    3. Viêm Hang Vị Dạ Dày, Nhiễm Vi Khuẩn HP (+)

    4. Dạ Dày Nhiễm HP, Viêm Họng, Mề Đay

    5. Đũa Và HP

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.com
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo