Cúm

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

Cúm

    1) Cúm là gì?

    Cúm là một bệnh “siêu lây nhiễm” gây ra do Influenza Virus. Tình trạng này bác sĩ gọi là nhiễm cúm.

    Cảm lạnh thông thường thì chỉ có hắt hơi nghẹt mũi, ngược lại các triệu chứng của cúm thì thường nặng hơn nhiều.

    2) Triệu chứng của cúm

    Bệnh cúm điển hình có triệu chứng bùng phát nhanh chóng. Bạn cảm giác sức khỏe suy yếu và mệt, có thể kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, ho, viêm họng. Bên cạnh đó, có thể kèm sổ mũi, nghẹt mũi, lạnh run, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn.


    3) Bệnh kéo dài bao lâu?

    Thông thường, các triệu chứng của cúm sẽ giảm sau 5 ngày. Tuy nhiên, đôi lúc cũng kéo dài cả tuần hoặc hơn. Ngay cả khi bạn hết sốt và hết đau, có thể bạn vẫn cảm thấy kiệt sức trong vài tuần sau đó.

    4) Sự lây lan


    Cúm lây bằng đường hô hấp qua không khí. Khi một người bị nhiễm cúm hắt xì hoặc ho, họ phóng thích nhiều giọt li ti chứa virus và lây cho người khác khi họ hít vào. Bạn cũng có thể nhiễm cúm nếu bạn sờ vào một nơi nào đó có virus và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình. Cúm phổ biến vào mùa đông vì mọi người hay tụ họp với nhau và tạo điều kiện cho virus lan truyền dễ dàng hơn.


    5) Điều trị tại nhà


    Nên nghỉ ngơi nhiều. Uống nhiều nước để không bị thiếu nước. Nếu bị nghẹt mũi, bạn có thể dùng các dung dịch làm ẩm hoặc nước muối xịt. Súc miệng bằng nước muối giúp cải thiện được tình trạng viêm họng.


    6) Thuốc kháng virus


    Nếu bạn bị cúm trong 48 giờ đầu, khi đi khám bệnh bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng virus cho bạn. Thuốc sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng nặng và phục hồi nhanh hơn trước khoảng 1 ngày. Thuốc kháng virus có thể là oseltamivir (Tamiflu), peramivir (Rapivab), or zanamivir (Relenza).


    7) Các thuốc khác


    Các thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen, hay naproxen ngoài tác dụng giảm đau còn giúp bạn hạ sốt. Các thuốc chống nghẹt mũi sẽ giúp giảm triệu chứng ở mũi. Thuốc ho dạng viên hay nước đều giúp giảm cơn ho. Tuy nhiên, bạn cần tư vấn bác sĩ để đảm bảo dùng thuốc phù hợp và đúng liều. Mặc khác, bạn cần lưu ý, thuốc kháng sinh không diệt được virus cúm. Thuốc chỉ có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kèm theo như viêm xoang, viêm phổi hay viêm tai.


    8) Tiêm vaccine


    Tiêm vaccine là cách tốt nhất ngăn ngừa bệnh cúm. Vaccine tạo miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm. Tuy nhiên, chủng virus có sự biến đổi hàng năm, nên bạn cần tiêm hay xịt vaccine mới trước khi mùa cúm mỗi năm, thường là vào thu. Vaccine không gây bệnh mà nó giúp bạn phòng bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng trong trường hợp bạn nhiễm cúm.


    9) Ngừa cúm


    Bạn có thể áp dụng vài cách đơn giản để phòng bệnh. Cố gắng đừng dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng, vì vi khuẩn dễ xâm nhập qua đường này. Thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng. Hoặc dùng các loại dung dịch sát khuẩn có cồn để làm sạch tay khi không có nước và xà phòng kế bên.


    Nếu bị cúm, bạn cần tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Hạn chế tiếp xúc nếu không cần thiết. Hãy che mũi miệng khi ho hoặc hắt xì hơi. Nếu không có khăn giấy, bạn có thể gập khuỷu tay để che mũi miệng. Cách này sẽ hạn chế được vi khuẩn bám vào tay bạn.


    10) Tránh lây nhiễm cho trẻ


    Người lớn bị cúm thì rất mệt nhưng trẻ em bị cúm thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Trẻ con sẽ có triệu chứng nặng hơn khi bị cúm tấn công, do sức đề kháng kém nên trẻ dễ bị bội nhiễm và bị nhiều vấn đề khác. Hãy đến tư vấn với bác sĩ về vaccine cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Đối với trẻ em, cúm nguy hiểm hơn bệnh cảm lạnh rất nhiều.


    11) Biến chứng

    Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục sau vài ngày và không có biến chứng. Tuy vậy, một vài trường hợp diễn tiến nặng dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, hay viêm xoang và nhiễm trùng tai. Những người có tiền căn hen suyễn, suy tim có thể gặp những triệu chứng nặng hơn.


    12) Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
     

    Hãy nhanh chóng đến bệnh viện ngay khi bạn có các triệu chứng sau:
    -    Thấy khó thở hoặc thở dốc.
    -    Đau nặng ngực hoặc dạ dày.
    -    Mất nước.
    -    Lơ mơ
    -    Nôn ói liên tục.



    Biên dịch từ nguồn WebMD
    (Nhóm biên dịch Y khoa, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)

     

    Xem thêm những bài viết bên dưới:

    1. Vaccine Cúm Và Phản Ứng Phụ

    2. Đừng Xem Thường Bệnh Cảm Cúm

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

     

    Zalo