Helicobacter Pylori – Cơn Đại Dịch Của Nhân Loại

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự2 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI2 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin2
Đặt lịch hẹn khám

Helicobacter Pylori – Cơn Đại Dịch Của Nhân Loại

    Nghe một vài người than thở về chứng bệnh đau dạ dày, bạn có thể khuyên nhủ: đừng uống rượu nữa, đừng hút thuốc nữa, đừng lo lắng nữa … Những lời khuyên đó không sai nhưng thật ra đã bỏ sót một vấn đề rất lớn nhất: Bản chất bệnh dạ dày là do nhiễm một loại vi khuẩn đặc biệt: Helicobacter Pylori (HP).

    Con số 2/3 dân số thế giới bị nhiễm Helicobacter Pylori đủ để thuyết phục bất cứ ai về tầm quan trọng của nó. Đó cũng là lý do một số người đã gọi nhiễm HP là cơn đại dịch của nhân loại. Chỗ đáng sợ là cơn đại dịch này là nó không thể hiện rầm rộ mà yên lặng phá hủy sức khỏe của từng nạn nhân, đưa đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội.

    Helicobacoter là một loại xoắn khuẩn có khả năng sinh sống và phát triển trong môi trường có độ acid cao của dạ dày. Tuy tình trạng nhiễm HP phổ biến là thế nhưng cho đến nay, cơ chế và cách lây của HP vẫn chưa được khẳng định. Những điều người ta đã biết bao gồm: HP có thể sống trong dạ dày, HP được tìm thấy trong phân và nước bọt, HP không phát triển hay lây lan qua đường máu. Thí nghiệm nội tiếng của Barry Marshall tự gây bệnh cho mình bằng cách uống dung dịch nuôi cấy có HP đã chứng minh HP lây lan qua đường miệng. Kết hợp những sự kiện trên, hiện nay cơ chế lây của HP được coi là do hai đường: miệng – miệng và phân – miệng.

    Công thần hay tội đồ

    Số bệnh nhân khổng lồ bị nhiễm HP cho đến nay không thật sự gây hoang mang lớn trong cộng đồng vì không phải ai nhiễm HP cũng đều bị bệnh dạ dày. Ước tính có khoảng 80% số người bị nhiễm không thể hiện ra các triệu chứng của bệnh viêm hay loét. Do đó, không phải ai bị nhiễm HP cũng điều trị tiệt trừ.

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

    Do số lượng bệnh nhân quá lớn, mỗi chủ trương hay khuyến cáo liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị đều có thể khiến tiêu phí nguồn lực, tài nguyên trong ngành y và của cải toàn xã hội ở mức trên trời. Cho đến nay, việc chẩn đoán và điều trị HP đều khuyến cáo chỉ áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng. Do đó, nếu bạn tình cờ phát hiện có HP thì không cần hoảng sợ vì ít nhất cũng có vài ba tỷ người khác giống như bạn, và không biết chừng con HP trong người bạn chỉ là anh hàng xóm tốt bụng mà bạn không cần nhắm mắt nhắm mũi xua đuổi.

    Phạm tội và “truy nã”

    Nói đi cũng phải nói lại, ít ai đang yên lành mà lại đi nghĩ đến chuyện truy tầm HP. Khi bạn tìm đến bác sĩ thì thường đã có chuyện gì đó: đau thượng vị, ăn không tiêu hay ói mửa …, tức là lúc chàng HP đã “phạm tội”. Do đó, nếu bạn tình cờ phát hiện có HP là hợp lý. Thật vậy, trong số 20% bệnh nhân nhiễm HP có triệu chứng, phần lớn tổn thương trên nội soi là viêm dạ dày. Một số ít bệnh nhân diễn tiến lâu ngày có thể dẫn đến loét dạ dày hay loét tá tràng.

    Khi tình trạng nhiễm HPtổn thương niêm mạc tiến triển kéo dài không được kiểm soát, các thay đổi cấu trúc tế bào sẽ dẫn đến ung thư. Nguy cơ bị ung thư ở người nhiễm HP có triệu chứng cao hơn từ 2-6 lần so với người bình thường. Việc tiệt trừ HP không chỉ giúp cải thiện triệu chứng , phục hồi khả năng lao động mà còn giúp khôi phục tính toàn vẹn của niêm mạc cũng như giảm nguy cơ ung thư.

    Có khá nhiều biện pháp giúp “truy nã” – chẩn đoán HP. Việc thử máu tìm kháng thể chống HP cho phép xác định đã bị nhiễm HP (nhưng không biết có còn đang bị nhiễm HP hay không?), nên chỉ thích hợp với trẻ em. Test hơi thở (dùng carbon C13 hay C14) có chẩn đoán nhiễm HP chính xác nhưng không đánh giá được tình trạng tổn thương của dạ dày, nên hay dùng để theo dõi sau điều trị hay khi bệnh nhân từ chối nội soi. Test tìm kháng nguyên HP trong phân có giá trị gần tương đương với test hơi thở nhưng cần có máy xét nghiệm miễn dịch với bộ kít phù hợp. Nội soi là phương pháp có giá trị nhất vì vừa cung cấp thông tin về tình trạng dạ dày vừa giúp đánh giá có nhiễm HP hay không. Tuy nhiên, nội soi có chi phí cao, gây khó chịu và làm tiêu phí nguồn lực nhiều nhất.

    (Ảnh minh họa: Nguồn wikiHow)

    Lưu ý khi điều trị nhiễm HP

    Nếu chẳng may bạn bị nhiễm HP, và không may hơn nữa nhiễm nhằm nhóm hung dữ, thì bạn cần được điều trị. Có một điều bạn nên biết để kết quả điều trị được đảm bảo. Trước hết, HP là một loại vi khuẩn. Điều trị HP cơ bản là điều trị kháng khuẩn, nên cần tuân theo những nguyên tắc khá chặt chẽ như uống thuốc đủ liều, đúng thời gian, đủ số ngày. Các thuốc điều trị HP không phải là thuốc bổ (lâu lâu uống một viên) hay là thuốc cảm sốt (Chỉ cần hết sốt là ngưng thuốc) hay là thuốc giảm đau (chỉ cần hết đau là ngừng). Việc uống thuốc sai không chỉ làm điều trị thất bại mà còn khiến xuất hiện tình trạng kháng thuốc.

    Việc điều trị HP cũng có thể dùng nhiều loại kháng sinh (hay phối hợp kháng sinh) khác nhau gọi là các phác đồ. Có nhiều loại nhưng không có phác đồ nào tỷ lệ thành công 100%. Đặc biệt, thực trạng dùng kháng sinh tràn lan không cần kê toa dẫn đến tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc cao và hậu quả là tỷ lệ điều trị thất bại cao. Do đó, việc kiểm tra sau khi điều trị cũng rất cần thiết. Một số ca kháng thuốc có thể uống nhiều phác đồ mà vẫn thất bại và bắt buộc phải dùng các loại thuốc hiếm ít khi dùng.

    Việc chẩn đoán HP nên dựa vào những nguyên tắc sau

    • Không nên tầm soát mà chỉ tìm HP nếu đã có triệu chứng
    • Việc chọn lựa phương pháp cần do bác sĩ chuyên khoa chỉ định;
    • Trong đa số trường hợp, nên ngưng uống các thuốc trị bệnh dạ dày trong vòng 4 tuần để test chính xác.

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Xem thêm về những bài viết liên quan:

    1. Giải Đáp Thắc Mắc Về Điều Trị HP

    2. Viêm Hang Vị Dạ Dày, Nhiễm Vi Khuẩn HP (+)

    3. Đũa Và HP

    4. Dạ Dày Nhiễm HP, Viêm Họng, Mề Đay

    5. Đọc Thêm Về Helicobacter Pylori

    6. HỆ THỐNG XÉT NGHIỆM VI KHUẨN HP 13C (BREATHID) QUA HƠI THỞ VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo