1. Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu là khối máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu, thường xuất hiện ở chân. Mỗi năm, có khoảng 500 người Mỹ bị mắc bệnh này và có khoảng 100.000 trường hợp tử vong. Nguy hiểm đe dọa khi cục huyết khối này bong ra, di chuyển theo máu và gây tắc động mạch phổi dẫn đến các cơ quan bị tổn thương hoặc tử vong.
2. Triệu chứng
Bạn cần lưu ý tình trạng phù dưới đầu gối cẳng chân. Thường đó là triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu. Phần cẳng chân bị huyết khối thường có dấu hiệu đỏ, cứng đờ hoặc đau. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng nhận thấy cả ba triệu chứng đó. Thật không may, khoảng một nửa trong số người bị huyết khối tĩnh mạch lại không có dấu hiệu cảnh báo.
3. Thuyên tắc phổi
Nguyên nhân là do cục máu đông di chuyển đến phổi của bạn gây tắc nghẽn mạch máu. Hậu quả là bạn bị khó thở, tụt huyết áp, ngất xỉu, nhịp tim nhanh, đau ngực và ho ra máu. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như thế, nhanh chóng gọi ngay cấp cứu.
4. Nguyên nhân tình trạng huyết khối tĩnh mạch
Bất kỳ tác nhân nào gây tổn thương bên trong mạch máu cũng có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu như: tình trạng phẫu thuật, chấn thương hay do hệ miễn dịch của cơ thể. Tình trạng máu bị cô đặc, di chuyển chậm dễ hình thành huyết khối, nhất là khi mạch máu bị tổn thương. Những người có mang gen bệnh hay lượng estrogen cao cũng có nguy cơ hình thành huyết khối cao hơn.
5. Người nào có khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu?
Là những người:
- Mắc bệnh ung thư.
- Đã từng phẩu thuật.
- Nằm lâu trên giường.
- Người già.
- Hút thuốc.
- Thừa cân béo phì.
- Ngồi lâu, như tình trạng ngồi lâu trên chuyến bay.
6. Thai sản
Trong suốt thai kỳ và giai đoạn từ 4 đến 6 tuần sau sanh phụ nữ dường như dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Do khi estrogen tăng cao sẽ dễ gây tình trạng huyết khối. Ngoài ra, tử cung to ra gây chèn ép có thể làm máu tĩnh mạch lưu thông chậm và làm tăng nguy cơ tạo huyết khối nhiều hơn.
7. Hormone liệu pháp
Tương tư như thời kỳ mang thai, các thuốc ngừa thai và các phương pháp điều trị cho các triệu chứng sau mãn kinh sẽ làm tăng lượng estrogen trong máu. Điều này dẫn đến tăng yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu, thậm chí với những người không có rối loạn đông máu.
8. Ngồi lâu
Thật thú vị, khi du lịch đến những nơi xa xôi mới lạ, nhưng phải ngồi lâu trên một chuyến bay dài thì không vui tí nào. Các nghiên cứu cho thấy, những chuyến du lịch xa phải ngồi lâu kéo dài hơn 4 tiếng làm tăng gấp đôi nguy cơ bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Dù đi bằng máy bay, xe buýt, xe lửa hoặc xe hơi cũng không khác nhau vì vấn đề nằm ở chỗ ngồi chật hẹp làm bạn không cử động được, dẫn đến tuần hoàn máu giảm.
9. Hãy đi khám để có chẩn đoán chính xác
Bác sĩ sẽ khám để phát hiện các dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu. Có thể, bác sĩ sẽ tìm hiểu thêm về tiền sử bệnh của bạn, thuốc đang dùng, tiền sử gia đình và các tác nhân làm tăng yếu tố nguy cơ. Siêu âm là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất. Sóng siêu âm giúp bác sĩ thấy được dòng máu lưu thông và phát hiện cục huyết khối. Cũng có thể bạn sẽ được đề nghị làm thêm một số xét nghiệm máu, thường là xét nghiệm d-dimer.
10. Thuốc chống đông
Thuốc làm loãng máu, hay còn gọi là thuốc chống đông máu là cách điều trị huyết khối phổ biến nhất. Mặc dù được gọi là thuốc “làm loãng” máu, chúng không thật sự làm loãng máu của bạn. Thay vì vậy, chúng làm giảm độ kết dính của máu giúp ngăn chặn việc hình thành các cục huyết khối mới. Ngoài ra, thuốc không thể làm các cục máu đông đã có tan đi, nhưng chúng giúp cơ thể chúng ta có thời gian để tự làm việc đó. Thuốc có dạng uống hoặc tiêm.
11. Tác dụng phụ của thuốc chống đông
Bệnh nhân dùng thuốc chống đông thường có các vết bầm máu hoặc dễ chảy máu. Khi bạn dùng thuốc, hãy cẩn thận lựa chọn thực phẩm phù hợp. Ngoài ra, bạn cần xét nghiệm máu thường xuyên để chắc chắn rằng bạn dùng thuốc đúng liều lượng. Đối với các thuốc thế hệ mới hơn, không đòi hỏi bạn phải xét nghiêm máu thường xuyên. Tuy nhiên, các thuốc này sẽ làm bạn dễ bị chảy máu khi bạn gặp tai nạn.
12. Xuất huyết nội
Thuốc chống đông có thể gây xuất huyết nội, là dạng cháy máu bên trong cơ thể mà bạn không nhìn thấy. Xuất huyết trong ổ bụng sẽ gây đau, nôn ra máu đỏ tươi hoặc nâu đen hoặc tiêu ra phân đen. Ngoài ra, thuốc cũng có khả năng gây xuất huyết não, bạn có thể nhận biết qua các triệu chứng đau đầu dữ dội, giảm thị lực, mất thăng bằng và lơ mơ. Nếu bạn thấy mình có bất kỳ triệu chứng trên, hãy nhanh chóng đến phòng cấp cứu.
13. Bộ lọc tĩnh mạch chủ
Nếu bạn không thể dùng thuốc chống đông hoặc có dùng nhưng thuốc không đáp ứng, có thể bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp đặt bộ lọc vào tĩnh mạch chủ dưới. Bộ lọc này sẽ bắt giữ các cục máu đông tróc ra từ các tĩnh mạch chân và ngăn chúng không cho đến tim và phổi. Dụng cụ này không có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông mới, cũng không có tác dụng điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu, nhưng nó sẽ ngừa được tình trạng thuyên tắc phổi.
14. Thuốc làm tan cục máu đông
Là thuốc có tác dụng làm tan khối máu đông. Tuy nhiên thuốc này có thể gây chảy máu nhiều đột ngột nên chỉ được dùng trong trường hợp cấp cứu để giải quyết tình trạng thuyên tắc phổi đang đe dọa tính mạng của người bệnh. Thuốc này thường được tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện.
15. Vớ ép
Những loại vớ đặc biệt này sẽ siết nhẹ chân bạn giúp máu lưu thông. Vớ có tác dụng ngăn sự hình thành cục máu đông cũng như giảm phù nề và cảm giác khó chịu ở vùng chân có huyết khối tĩnh mạch. Bạn có thể mua vớ này dễ dàng không cần toa thuốc trừ một số loại có áp suất cao hơn phải cần toa bác sĩ. Để có hiệu quả tốt, ở nhà bạn cũng cần mang chúng.
16. Kê cao chân
Nếu được, bạn nên chú ý tư thế ngồi, kê cao chân và thả lỏng thoải mái. Động tác này có thể giúp máu lưu thông về tim dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể giúp giảm phù nề và cảm giác khó chịu ở phần chân bị huyết khối.
17. Hậu quả lâu dài
Khi cục máu đông không còn, trong một vài trường hợp, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể để lại những di chứng khó chịu. Bạn có thể bị phù nề kéo dài hoặc vùng da phần chân huyết khối bị sạm màu, có thể kèm đau. Những triệu chứng này thường xảy ra sau tình trạng bị huyết khối, đôi khi các di chứng này có thể kéo dài cả năm.
18. Tập thể thao
Vận động cơ bắp giúp tăng tuần hoàn máu. Đặc biệt, bạn nên tập luyện cơ bắp phần cẳng chân. Những lúc bạn ngồi tại bàn làm việc không vận động, bạn nên bỏ ít thời gian để kéo giãn chân. Hoặc, bạn có thể đứng lên, giành ít thời gian bước ra ngoài. Tập luyện thường xuyên ngoài việc sẽ giúp bạn giữ được cân nặng lý tưởng, còn giúp bạn giảm yếu tồ nguy cơ gây huyết khối.
19. Khi đi du lịch
Khi bạn đi du lịch, phải ngồi tàu xe quá 4 giờ, bạn nên tránh mặc những bộ đồ chật và nên uống nhiều nước, nên đứng dậy và đi lại sau mỗi vài giờ. Trong khi ngồi, bạn cũng có thể tập động tác kéo dãn và di chuyển chân. Tập co duỗi bắp chân và đùi, hoặc đứng trên sàn nhà, giữ các ngón chân rồi nhấc gót chân lên xuống. Khi đi tham quan, nên đi bộ nhiều nếu có thể được.
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Nguồn WebMD
(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)
Tham khảo bài viết liên quan:
1- Ngạc Nhiên Về Nguyên Nhân Gây Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com