Nào, Chúng Ta Cùng… Chụp!

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự4 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin4 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI4 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa4 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN4
Đặt lịch hẹn khám

Nào, Chúng Ta Cùng… Chụp!

    Ung thư phổi là một trong những bệnh khó điều trị, thường do phát hiện quá trễ khi khối u đã lan tràn và di căn. Luôn đứng trong những hạng đầu, chết do ung thư phổi chiếm tổng cộng khoảng ¼ tất cả cái chết do ung thư

    Bất chấp những tiến bộ mới về chẩn đoán hình ảnh và các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm nói chung chỉ khoảng 17% - thấp hơn nhiều so với các loại ung thư phổ biến khác như vú, đại tràng, tiền liệt… Tỷ lệ này khác biệt rất lớn theo giai đoạn. Đối với giai đoạn 1 nhóm ung thư không phải tế bào nhỏ (NSCLC), tỷ lệ sống 5 năm gần 50% trong khi đối với nhóm IV, tỷ lệ này chỉ khoảng 1%. Do đó, tìm cách phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm luôn là một câu hỏi nhức nhối cho ngành y tế.

    Tầm soát ung thư phổi

    Từ hàng chục năm nay, chẩn đoán hàng đầu bệnh phổi vẫn là X quang. Ngay cả khi có những phương pháp chẩn đoán mới hơn như CT, nội soi… bác sĩ thường vẫn chỉ định X quang đầu tiên. Nội soi tuy chính xác nhưng chi phí cao và có thể có biến chứng. CT có hình ảnh rõ nét nhưng chi phí cũng không thấp và ăn tia nhiều. Bởi vậy, bệnh nhân mới đến khám lần đầu… chụp, bệnh nhân khám định kỳ hàng năm…. chụp, bệnh nhân cần mổ… lại chụp. Nhiều bệnh nhân chụp mỗi năm hay nhiều lần trong năm.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

    Đối với người trong độ tuổi lao động, khám định kỳ hàng năm theo yêu cầu của Bộ Y tế đều có chụp X quang phổi. Các phòng khám đưa ra các gói khám khác nhau, hầu hết đều có X quang phổi vì nó nhanh, rẻ, đơn giản và không biến chứng. Bởi vậy, dần dần người dân nhầm tưởng là khám định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh sớm, x quang phổi là đủ để tìm thấy ung thư.

     

    Đáng tiếc, những nghiên cứu số lượng lớn cho thấy X quang phổi hoàn toàn không có giá trị tầm soát sớm ung thư. Để thấy rõ trên X quang, khối u thường phải khá lớn, thường đã là trễ và điều trị không còn hiệu quả. Do đó, trong khám định kỳ hàng năm ở các nước tiên tiến, người ta không còn chỉ định X quang phổi.

     

    Cơ sở của quyết định này là một nghiên cứu rất lớn của Viện ung thư Mỹ (NCI) từ năm 2002, theo dõi hơn 5 năm trên 53454 người. Kết quả của nghiên cứu này là việc sử dụng CT liều thấp trong tầm soát giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi giảm 20% so với dùng X quang quy ước. Trên cơ sở nghiên cứu này, năm 2013, các nhà quản lý Mỹ đã đưa ra khuyến cáo mới về tầm suất ung thư phổi bằng CT liều thấp trên các đối tượng có nguy cơ. Cho đến nay, khuyến cáo này đã được phổ biến và chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Đối tượng tầm soát (nhóm nguy cơ) là bệnh nhân khỏe mạnh từ 55 - 74 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá  hơn 30 đơn vị (1 gói mỗi ngày trong 30 năm hay 2 gói mỗi ngày trong 15 năm), còn đang hút hay chỉ mới ngưng trong vòng 15 năm, được làm CT liều thấp mỗi năm 1 lần. Kết quả dương tính sẽ được bác sĩ cân nhắc theo dõi tiếp hay làm chẩn đoán xác định và xử trí.

    CT liều thấp so với liều tiêu chuẩn và X quang quy ước

    Ứng dụng CT liều thấp là một giải pháp trung hòa cái lợi và hại của hai phương pháp chẩn đoán kinh điển là CT và X quang. X quang có cái lợi là rẻ và chịu tia thấp nhưng hại là chẩn đoán quá trễ. CT có cái lợi là chẩn đoán sớm hơn nhưng lại đắt và chịu tia nhiều. Một phim X quang phổi làm bệnh nhân nhận một lượng tia phóng xạ là 0,1mSv (millisievert) bằng với độ phơi nhiễm 10 ngày trong tự nhiên. Một lần chụp CT tương ứng với 7mSV, bằng với 7 năm trong điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, chụp CT liều thấp chỉ có 1,5 mSv tương ứng với 6 tháng trong tự nhiên. Tất nhiên, hình ảnh khi chụp CT liều thấp sẽ không đẹp và chi tiết như CT tiêu chuẩn nhưng đủ để phát hiện các nốt trong phổi từ khi rất nhỏ.

     

    Một điều khác cần chú ý là CT liều thấp vẫn chưa phải là một phương pháp lý tưởng để tầm soát ung thư phổi. Lý do rất đơn giản là nó không giúp chẩn đoán ung thư, mà nó chỉ phát hiện một tổn thương trong phổi. Điều này dẫn đến nguy cơ chẩn đoán quá lố và các hệ lụy của nó. Thật vậy, trong nghiên cứu gốc, có 24,2% bệnh nhân trong nhóm chụp CT có tổn thương ở phổi trong khi nhóm chụp X quang chỉ có 6.9% có tổn thương. Tuy nhiên, hơn 90% các bệnh nhân này đều được xác định không có ung thư sau đó. Việc loại trừ ung thư hoặc bằng theo dõi liên tục bằng CT, bệnh nhân phải chịu lo lắng trong một thời gian dài và phải chịu tăng liều chịu tia. Hoặc phải tiến hành nhiều biện pháp thăm dò khác xâm lấn hay không xâm lấn, thêm tốn kém và thêm biến chứng, thậm chí có thể tử vong. Tất cả những rối rắm đó, bệnh nhân có thể không cần có, nếu như… không đi chụp CT.

    Các hạn chế của khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hiện tại

    Tuy dựa trên một nghiên cứu rất có giá trị nhưng khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng nó cũng phải dè dặt do sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, các đặc thù của ngành y tế cũng như các đặc tính dịch tễ học của nhóm dân số liên quan.

     

    Trước hết, việc tầm soát ung thư phổi còn khá mù mờ trên nhóm đối tượng ít nguy cơ (không hút thuốc hay hút ít) hoặc có nguy cơ nhưng không liên quan đến thuốc lá (liên quan hóa chất, phóng xạ chẳng hạn). Câu hỏi đặt ra là không cần tầm soát hay vẫn dùng CT liều thấp trên nhóm người này và các lợi ích hy vọng là gì? Chưa có câu trả lời. Kế đến, các rủi ro có thể do việc chẩn đoán quá lố đã làm e dè các nhà thực hành lâm sàng, dẫn đến ý kiến nên đưa quyền quyết định cho bệnh nhân – đồng ý hay không đồng ý thực hiện tầm soát. Cuối cùng, cần nhấn mạnh lại là CT liều thấp cũng chỉ giúp phát hiện sớm một tổn thương, tương đương với gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Câu chuyện sau đó là làm thế nào để xác định có đúng là ung thư hay không lại là một câu chuyện khá dài và phức tạp, cần một quy trình tốt và một đội ngũ chuyên môn có năng lực. Điều này thì không phải ở đâu cũng có được.

     

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

    Tầm soát ung thư phổi ở Việt Nam

    Các hướng dẫn của Hiệp hội ung thư Mỹ được chấp nhận trên khắp thế giới. Thế nhưng ngành Y Việt Nam lại có những đặc thù không giống ai, nên việc áp dụng các khuyến cáo này không tránh khỏi có nhiều trục trặc.

     

    1. Quan điểm về sự an toàn của bệnh nhân khác biệt

    Mọi dịch vụ y tế đều nên cân nhắc đến sự an toàn của bệnh nhân trước tiên. Ở Mỹ, CT liều thấp được khuyến cáo vì muốn đảm bảo mức độc hại thấp nhất của người bệnh. Ngược lại, mọi dịch vụ y tế của ta thường có ưu tiên cao nhất là yêu cầu của các bác sĩ. Bởi vậy, CT tiêu chuẩn thường được ưa chuộng vì hình ảnh đẹp, dễ đánh giá dù bệnh nhân phải chịu tia nhiều hơn và chi phí cao hơn. Một ví dụ khác là yêu cầu khám định kỳ của Bộ Y Tế chỉ cần X quang phổi khi cần bác sĩ khám chỉ định. Trên thực tế, chụp X quang phổi khi khám sức khỏe của các công ty đều thực hiện 100% trước khi gặp bác sĩ.

     

    2. Chi phí y tế khác biệt

    Vấn đề của tầm soát là đối tượng của nó, một nhóm dân số chứ không phải một vài cá nhân. Vì thế các nhà quản lý rất dè dặt khi đưa ra những khuyến cáo ở tầm quốc gia. Một khuyến cáo quá chặt chẽ sẽ làm sót nhiều ca và tăng tỷ lệ tử vong do bệnh. Ngược lại, một khuyến cáo quá rộng rãi sẽ làm lãng phí nguồn lực ngành Y tế và gây hại cho người bệnh. Do đó, ngoài các chi tiết về chuyên môn và dịch tễ, khuyến cáo của Mỹ luôn nhấn mạnh vấn đề chi phí. Tuy dao động khá nhiều nhưng nói chung phí cho X quang phổi ở Mỹ từ 100-200 usd, CT liều thấp từ 300-400 usd trong khi CT ngực tiêu chuẩn từ 600-1000 usd.

    Ở Việt Nam, không có một chương trình tầm soát ung thư phổi ở mức cộng đồng. Việc chọn lựa tầm soát thường ở mức cá nhân do bệnh nhân có yêu cầu hoặc do các bác sĩ gia đình khuyến cáo. Trong đa số trường hợp, bệnh nhân thường không ngại vấn đề chi phí nên bác sĩ cũng ưa thích dùng CT tiêu chuẩn hơn là CT liều thấp.

     

    3. Quản lý y tế khác biệt

    Tầm soát ung thư phổi ở Mỹ không phải là chương trình quốc gia nhưng được thực hiện bởi các bác sĩ gia đình. Các khuyến cáo thường được thực hiện nghiêm túc vì bị ràng buộc bởi chi trả của bảo hiểm. Việc thực hiện không đúng sẽ bị từ chối chi trả và bị khiếu kiện của bệnh nhân do hành nghề không phù hợp. Ở Việt Nam, vấn đề khám sức khỏe định kỳ hàng năm bị xem nhẹ, không chỉ bởi bác sĩ mà kể cả bởi bảo hiểm y tế. Trên thực tế, bảo hiểm y tế Việt Nam chỉ chi trả khi đi khám bệnh, mà không trả khi đi khám … khỏe, còn gọi là khám sức khỏe định kỳ.

    Những năm gần đây, người ta nghi ngờ các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường là những yếu tố làm cho ung thư ở Việt Nam bùng phát từ những độ tuổi rất trẻ. Chưa có công trình nào chứng minh điều đó và cũng khó mà có nghiên cứu nào chứng minh được sự liên hệ giữa thực trạng xã hội và các hậu quả mà ngành y tế phải gánh chịu. Cái mà chúng ta đang thấy là việc tầm soát bị thả lỏng còn công tác phòng chống thuốc lá thì không triệt để. Vì vậy, những cái chết trẻ vì ung thư phổi như một-nam-ca-sĩ-Việt đang là những dấu hiệu cảnh báo về một tương lai bất trắc của căn bệnh này.

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Nghề Đoán Bệnh Qua Ảnh

    2. Gan Nhiễm Mỡ Và Siêu Âm

    3. Siêu Âm

    4. Máy Siêu Âm Siemens Acuson Juniper

    5. Em Rờ Ai?

    6. Khi Nào Nên Sử Dụng MRI?

    7. Cắt Lát ... Cơ Thể

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
     
    Zalo