Thú vui nguy hiểm

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

Thú vui nguy hiểm

    Có người cả đời chẳng bao giờ đụng đến cái tai, nhưng có nhiều người vài ba ngày không ráy tai là không chịu được, thậm chí, đó còn là thú vui, là thời gian thư giãn của một số người. Thú vui này lợi, hại, hay vô thưởng vô phạt?

    Đối với nhiều người, “tứ khoái” với việc ăn, ngủ, yêu đương và bài viết vẫn chưa gom đủ hết cái sự sung sướng trên đời, bởi còn một thú vui luôn mang đến cho họ cảm giác cực kỳ thống khoái: lấy rái tai.


    Đơn giản là thư giãn?


    Như với anh Q. (Q. Bình Thạnh), việc nằm nghiêng người trên chiếc ghế dài cho thợ soi đèn vào tai, dùng tăm bông ngoáy tai, nghe tiếng kêu rột rột cùng cảm giác vừa nhồn nhột vừa đã ngứa, thật là “yo-most” ! Hoặc chí ít, không đến thợ thì tự lấy ráy tai ở nhà với những chiếc móc tai bằng kim loại như chiếc thìa tý hon mà mấy ông bán dạo vẫn đi rao 2 nghìn một chiếc. Muốn êm ái hơn thì dùng tăm bông ngoáy cho đã ngứa, hay tiện nhất là thò ngón tay út vào khua khoắng trong tai. Có đủ cách, đủ mọi cung bậc để những người mê ráy tai thỏa mãn thú vui đặc biệt của mình, thậm chí coi đó là thời gian thư giãn nhất. Nhưng thực ra, cách thư giãn này có an toàn, hay ẩn náu nhiều nguy cơ?


    Trước hết, phải biết rằng ráy tai không hẳn là “rác” của cơ thể để bạn cảm thấy khó chịu và khăng khăng đòi “trục xuất” chúng bất cứ khi nào chúng xuất hiện. Ráy tai được sinh ra bởi các hạch nhỏ trong ống tai ngoài. Chúng liên tục bơm ra một chất lỏng như nước. Chất này giúp “gom” lông tai rơi rụng cũng như các lớp da chết trong tai. Chúng chính là những tác nhân bảo vệ, làm trơn và kháng khuẩn cho tai bạn. hãy tưởng tượng bụi bặm cũng như các hạt nhỏ khác hoặc côn trùng rơi vào tai bạn, chúng sẽ gây nguy hại thế nào cho màng nhĩ nếu không có một lớp “khiên” bảo vệ là ráy tai ? Ráy tai cũng có khả năng tự làm sạch, và nếu chúng đã nhiều và dư thừa, các chuyển động của hàm như nhai, nói … sẽ giúp ráy tai tự rơi ra ngoài, kéo theo bụi bặm phía bên ngoài. Một cơ chế thật thông minh của cơ thể !


    Thứ 2, việc ngoáy tai – dù bằng những thứ mềm như tăm bông – chưa chắc đã giúp lấy được ráy tai mà ngược lại, dồn thành cục sâu bên trong tai và bít một phần ống tai.

     

    (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

    Thứ ba, bạn không thể tự mình nhìn thấy bên trong tai của mình và những người thợ cũng không thể nhìn được toàn bộ phần trong của tai. Đó là chưa kể, cả bạn và thợ đều chưa có kiến thức về cơ thể học để biết cấu tạo của tai như thế nào. Những động tác “mò mẫm” bên trong tai với các loại móc tai sắc nhọn có thể gây tổn thương cho tai của bạn, nhẹ thì phần bên ngoài – cũng đem đến khả năng viêm tấy, nhiễm trùng rất cao, nặng thì có thể làm thủng màng nhỉ, gây điếc. Đừng nghĩ rằng bạn sẽ thật cẩn thận. Những sự cố bắt ngờ trượt tay, ngã, có người quẹt vào tay bạn … cũng có thể gây nên những tai họa đáng tiếc cho tai.


    Cuối cùng việc sử dụng những dịch vụ công cộng này với các dụng cụ dùng chung là cơ hội tốt để lây lan các bệnh truyền nhiễm, từ nấm đến các bệnh ngoài da khác. Bạn có nên mạo hiểm sức khỏe của tai mình vì một thú vui ?


    Lấy ráy tai an toàn


    Bạn sẽ hỏi, những ráy tai nhiều quá gây ngứa ngáy khó chịu, nghe tiếng được, tiếng mất phải làm sao. Đúng thực là ở một số người, ráy tai cũng gây rắc rối. Khi đó, bạn cũng nên lấy ra nhưng đúng cách để bảo đảm an toàn.


    Trước khi lấy ráy tai nên dùng cồn lau qua dụng cụ, sau đó nhỏ vào tai một vài giọt thuốc lấy ráy tai (có ở hiệu thuốc), hoặc nước muối sinh lý hay dầu ô-liu để làm mềm ráy tai. Nhớ để sát vào gờ ống tai và nhỏ. Ráy tai khô thường bám chặt vào vách ống tai, nếu không làm mềm chúng trước mà cố công sức cạo chúng ra, bạn rất dễ làm tổn thương tai mình.


    Nếu ray tai đã bị dồn sâu vào bên trong, không nên cố tự lấy mà phải nhờ đến bác sĩ tai mũi họng. Với chuyên môn của mình cùng kính khuếch đại và những dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ có khả năng gắp những cụ ráy tai to ra khỏi tai bạn một cách nhẹ nhàng và an toàn.

     

    (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


    Nói chung, không nên thường xuyên lấy ray tai trừ khi cần thiết. Đừng làm cho mình “nghiện” ráy tai đến mức vài ngày không làm thì ngứa ngáy khó chịu. Nếu thấy ngứa tai thường xuyên, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra xem nguyên nhân thật sự là do ráy tai hay do viêm nhiễm khác. Cũng đừng cho rằng ray tai là những thứ dơ bẩn đến mức bạn ngại ngùng không dám chìa cho bác sĩ một cái tai đầy ráy. Sự xuất hiện nhiều ray tai không có nghĩa là bạn thiếu vệ sinh.


    Cũng nên chú ý nếu bạn thường xuyên nghe tai nghe, dùng máy walkman hay bạn có đeo máy trợ thính. Những vật cản này có thể ngăn cản tiến trình tự rơi ra khỏi tai của ráy tai.


    Tóm lại, ráy tai có chức năng sinh lý của nó, và tốt hơn hết, bạn nên để cơ thể tự làm công việc của mình, đừng nhún mũi vào tiến trình tự nhiên nếu không có lý do xác đáng. Mà thú vui của bạn nhất định không phải là lý do xác đáng rồi.


    Bác sĩ CKI Lữ Thị Hoàng Oanh
    Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan:
    1. Sự Thật Về Viêm Mũi Xoang

    2. Điều Trị Chảy Máu Mũi

    3. Lai Rai Như Tai Mũi Họng

    4. Giải Đáp Thắc Mắc Về Viêm Mũi Do Dị Ứng Phấn Hoa

    5. Thuốc Vệ Sinh Mũi

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo