Xe và bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự4 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin4 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI4 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa4 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN4
Đặt lịch hẹn khám

Xe và bệnh nhân

    Cách đây vài tháng, chúng tôi có dịp giải thích cho thắc mắc của một bạn đọc trên vnexpress. Câu hỏi thật thú vị, đại khái như sau: Vì sao thực phẩm ăn vào chỉ được bài tiết ra khoảng 25%, số còn lại đã biến đi đâu mất? Còn nhớ  câu trả lời lúc đó thật đơn giản: Hãy hình dung cơ thể mình như một chiếc xe, xăng có đổ vào thì  xe mới chạy. Xe hết xăng thì nằm ì. Vậy, thử hỏi xăng biến đi đâu ngoài việc biến thành khói xả ra ngoài?

    Về sau này, những lúc rãnh rỗi chợt suy nghĩ, hóa ra bệnh nhân và xe ô tô có rất nhiều điểm tương đồng!


    1.Xe có bảo hiểm xe. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Xe cũng vậy mà người cũng vậy. Mua bảo hiểm thì dễ, thanh toán bảo hiểm thì khó. Bởi vậy, xe mà bị cọ quẹt sơ sơ thì ra ngoài sửa mà bệnh nhân ấm đầu cảm cúm thì ra nhà thuốc tự xử.


    2.Xe có bảo dưỡng định kỳ. Bệnh nhân có khám định kỳ. Xe đến kỳ bảo dưỡng, xe nào cũng đi khám. Bệnh nhân đến khám định kỳ, chẳng ai muốn đi. Xe không bảo dưỡng định kỳ, đến khi đổ bệnh thì sửa cũng trần ai. Bệnh nhân không khám định kỳ, tới chừng có triệu chứng thì nhiều khi đã là “giai đoạn cuối”.


    3.Xe có phụ thu xăng dầu. Bệnh nhân có phụ phí xã hội hóa y tế. Phụ thu xăng dầu thì đúng là phụ nhưng phụ phí y tế  thì đa số lại nhiều hơn chính. Để trả phụ phí, nhiều khi bệnh nhân phải xin phụ trợ, đa phần từ các bậc phụ huynh. Bởi thế, để không phụ lòng các nhà đầu tư y tế, nhiều nơi đã cắt quách cái chữ “phụ” ấy mà chỉ gọi là “ phí xã hội hóa”.


    4.Xe hư thì đi garage. Bệnh nhân không khỏe thì đi phòng khám. Xe chạy lâu ngày cũ thì đi tân trang, lại mới. Bệnh nhân lâu ngày xuống sắc thì đi thẩm mỹ. Xe hư thay phụ tùng thì tốt như xe mới. Bệnh nhân hư, thay “phụ tùng” xong vẫn cọc cạch như cũ. Xe hư quá tệ thì mua xe mới, bệnh nhân quá tệ thì đi Bình Hưng Hòa.


    5.Xe có 4 bánh, thiếu 1 bánh cũng không chạy được. Bệnh nhân có 2 tay 2 chân, thiếu 1 cái vẫn chạy tốt. Nói chung, xe có cấu trúc thật hoàn hảo, thiếu cái chi cũng không được. Bệnh nhân tuy là một kiệt tác của thiên nhiên nhưng lại có lắm thứ thừa: ruột thừa, túi thừa, mỡ thừa, da thừa v.v…  Nói chung, cái chi thừa đều có thể cắt bỏ được.


    Xe độ được. Bệnh nhân không độ được. Xe độ xong thì chạy bốc hơn, bề ngoài hoành tráng hơn. Bệnh nhân mà thử đi độ thì phần nhiều đi chầu diêm vương.


    6.Xe có cái khung sườn. Bệnh nhân không những có khung sườn mà còn có cái khung cột sống. Cái khung sườn xe không thay được mà cái khung xương sống cũng không được thay. Xe chạy lâu năm, cái gì cũng rệu nhưng khung sườn thì thường là tốt. Bệnh nhân lớn tuổi, thấy cái gì cũng tốt nhưng cái cột sống đa phần không xẹp thì xốp, không vẹo thì gù, không mọc gai thì cũng có vài cái hốc.


    7.Xe có 2 đèn. Bệnh nhân có 2 mắt. Xe xài lâu thì đèn mờ. Bệnh nhân lớn tuổi thì bị đục thủy tinh thể. Đèn mờ thì thay bóng. Đục thủy tinh thể thì mổ thay thủy tinh thể nhân tạo. Ngoài ra, xe có may mắn là không bị cận thị. Tuy nhiên, bệnh nhân cầm lái mà bị cận thị thì xe cũng “thôi rồi lượm ơi!”.


    8.Xe là mồi ngon của kẻ trộm. Bệnh nhân là đối tượng phục vụ của bác sĩ. Xe là bà hai của anh xã. Bệnh nhân là anh hai của bà xã, hoặc chị hai của anh xã.


    9.Xe chỉ ăn mỗi xăng. Bệnh nhân thì có thể ăn đủ thứ từ cơm bình dân đến cháo từ thiện, phở cũng xong mà cháo lòng cũng tốt. Một số bệnh nhân mắc “bệnh đặc biệt “ thì có thể ăn cả gạch đá xi măng lẫn bê tông cốt thép. Các “siêu bệnh nhân” có thể ăn cả đất đai, dự án mà không bị bội thực. Xe cháy máy vì thiếu nhớt. Bệnh nhân cháy máy vì thừa rượu, thuốc lá. Xe có thể dùng nhiều chất phụ gia vào xăng để máy bền, mạnh. Bệnh nhân chỉ có thể dùng vitamin hay thực phẩm chức năng.


    10.Xe có bảng số. Bệnh nhân có bằng lái. Xe phải treo bảng số bên ngoài để ai cũng thấy nhưng bằng lái thì có thể cất vào bóp. Bảng số có thể làm giả, bằng lái cũng có thể làm giả. Bệnh nhân có bằng lái thì có thể lái xe nhưng xe có bảng số thì  không thể lái bệnh nhân được. Bảng số giả thì nguy cơ gặp cảnh sát còn bằng lái giả thì nguy cơ gặp bác sĩ nhiều hơn.

    TS.BS Võ Xuân Quang

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Nghề Đoán Bệnh Qua Ảnh

    2. Gan Nhiễm Mỡ Và Siêu Âm

    3. Siêu Âm

    4. Máy Siêu Âm Siemens Acuson Juniper

    5. Em Rờ Ai?

    6. Khi Nào Nên Sử Dụng MRI?

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

     

    Zalo