Bí ẩn về táo bón

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự2 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI2 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin2
Đặt lịch hẹn khám

Bí ẩn về táo bón

    Bạn nên đi tiêu mỗi ngày?

     

    Mỗi người có nhu cầu sinh hoạt khác nhau. Một số người đi tiêu 3 lần một ngày; số khác thì 3 lần một tuần. Tuy một ngày một lần là thường nhất, nhưng vài ngày mới đi một lần thì cũng chẳng sao. Táo bón là đi tiêu ít hơn 3 lần một tuần. Đi tiêu ít hơn một lần mỗi tuần được xem là bị bón nặng. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn đột nhiên bị bón hay bón kéo dài hơn 2 tuần.


    Táo bón gây ra độc tố và vấn đề sức khỏe?

     


    Một số người tin rằng táo bón làm cơ thể hấp thụ lại những độc tố trong phân. Người ta tin rằng bón gây ra những bệnh như viêm khớp, hen suyễn và ung thư đại tràng. Nhưng không có bằng chứng cho thấy phân chứa độc tố, cũng như việc rửa đại tràng, dùng thuốc nhuận trường, hoặc dung dịch thụt tháo có thể ngăn ngừa ung thư hay những bệnh khác.


    Táo bón nghĩa là tôi cần ăn nhiều chất xơ?

     


    Mặc dù ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm táo bón. nhưng táo bón mãn tính có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác. Bón có thể là dấu hiệu suy giảm chức năng tuyến giáp, tiểu đường, bệnh Parkinson (bệnh thoái hóa thần kinh), đột quỵ, hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Trong một số trường hợp hiếm, bón có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng hay bệnh tự miễn. Hãy đi gặp bác sĩ nếu tình trạng bón kéo dài hơn 2 tuần, thấy máu trong phân, đau khi đi tiêu, hay giảm cân không rõ nguyên do.


    Thực phẩm từ sữa có thể gây táo bón?


    Nếu bạn không hấp thụ được lactose, khi ăn những thực phẩm chế biến từ sữa có thể gây táo bón. Một nghiên cứu cho thấy việc không dung nạp lactose ở trẻ em có liên quan đến táo bón. Những người không dung nạp được lactose có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm từ sữa mỗi ngày nhưng bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ nếu như chỉ dùng chút ít, mà cũng gây bón.

     

    Nuốt kẹo cao su có thể gây tắc nghẽn?

     


    Đó là sự thật nhưng chỉ là một số trường hợp hiếm hoi, và hầu hết xảy ra ở trẻ em vì chúng không nhận thức được việc nuốt kẹo cao su. Đôi khi nuốt một lượng lớn kẹo cao su hay nhiều mẩu kẹo trong thời gian ngắn có thể tạo ra một khối làm tắc nghẽn ống tiêu hóa, nhất là khi nuốt kẹo chung với những thứ không tiêu hóa được. Tắc nghẽn có thể gây bón. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, phần không tiêu hóa được của kẹo cao su di chuyển qua đường ruột và từ từ thải ra ngoài cơ thể giống như các thực phẩm khác. Do đó, thỉnh thoảng nuốt phải vài miếng kẹo cao su thì vô hại.


    Những kỳ nghỉ làm bạn bị táo bón?


    Khi đi du lịch, thói quen hàng ngày và ăn uống bị thay đổi cũng góp phần gây táo bón. Tránh táo bón do thiếu nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt khi bạn đang ngồi máy bay. Bạn cũng nên di chuyển khi có thể – ví dụ trong khi chờ đợi đổi chuyến bay hay nghỉ dọc đường khi lái xe. Những mẹo khác khi du lịch là tập thể dục, hạn chế rượu bia, và tạo thói quen ăn trái cây và rau củ.


    Tâm trạng có thể ảnh hưởng việc đi tiêu đều đặn?

     


    Trầm cảm có thể gây ra táo bón hay làm tình trạng táo bón nặng hơn. Giảm stress bằng cách ngồi thiền, tập yoga, liệu pháp phản xạ sinh học, liệu pháp thư giãn, bấm huyệt hay massage kiểu shiatsu cũng hỗ trợ phần nào. Massage bụng cũng giúp thư giãn những cơ bắp, hỗ trợ tiêu hóa và kích thích nhu động ruột.


    Nhịn đi tiêu sẽ không đau?

     


    Bạn quá bận ở chỗ làm nên không có thời gian đi tiêu, hoặc sẽ đợi đến khi về nhà. Nhưng việc làm ngơ nhu cầu này không những làm bạn khó chịu về mặt thể chất mà nó sẽ làm tình hình nặng hơn vì nhịn lâu theo thời gian sẽ làm giảm “tín hiệu nhu cầu”. Một số người dành thời gian sau bữa sáng để đi tiêu hay sau bữa ăn khác. Ngoài ra, khi nào cảm thấy cần đi tiêu thì bạn nên đi ngay.


    Thuốc cũng gây táo bón?

     


    Một số loại thuốc giảm đau, thuốc trị trầm cảm, cao huyết áp, và bệnh Parkinson cũng liên quan đến táo bón. Quá nhiều calcium và sắt có thể gây ra táo bón. Chất bổ sung calcium, đặc biệt khi dùng chung với những chất bổ sung khác, thuốc khác làm phân dính kết, cũng là nguồn gốc vấn đề. Hãy tư vấn với bác sĩ nếu bạn lo ngại.


    Một chế độ ăn nghèo chất xơ gây táo bón?

    Không đủ chất xơ trong chế độ ăn thường gây bón. Để phòng tránh, nên ăn ít nhất 20g chất xơ mỗi ngày, tuy nhiều hơn nữa thì càng tốt. Nên ăn thêm các loại trái cây và rau quả; thay thế gạo trắng, bánh mì và mì ống bằng các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Tăng lượng chất xơ từ từ để tránh đầy hơi và chướng bụng. Đồng thời, do nước giúp phân di chuyển ra ngòai dễ hơn, do đó nên uống nước ít nhất 2 đến 4 ly lớn mỗi ngày. Tuy vậy, đừng nghĩ kết quả chỉ đến sau một đêm – phải sau một vài ngày hấp thụ chất xơ thường xuyên bạn sẽ thấy cải thiện rõ rệt.


    Tất cả các loại chất xơ đều như nhau?

     


    Thức ăn chứa chất xơ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Đặc biệt chất xơ không hòa tan giúp giảm táo bón bởi vì nó khó tiêu và không hòa tan trong nước. Nó làm tăng lượng phân và giúp phân di chuyển trong ruột nhanh hơn. Những thức ăn chứa chất xơ không hòa tan gồm bánh mì ngũ cốc, mì ống và ngũ cốc. Chất xơ hòa tan tan trong nước, là một phần của chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, chất xơ này giúp giảm nguy cơ tim mạch. Chất xơ hòa tan có trong các loại đậu hạt lớn, đậu nhỏ và một vài loại nông sản.


    Mận khô giúp bạn đi tiêu thường xuyên?

     


    Loại trái cây khô, nhỏ này rất hiệu nghiệm như một “phương thuốc tự nhiên” chữa trị táo bón. Mận khô giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện triệu chứng táo bón. Chúng chứa chất xơ không hòa tan tác dụng như thuốc nhuận trường tự nhiên và dihydrophenylisatin. Chất xơ hòa tan có trong mận cũng giúp giảm cholesterol. Đồng thời, ăn nhiều mận trong thời gian dài cũng an toàn. Trẻ nhỏ nếu không thích mận, để giảm mùi, có thể cho trẻ uống nước ép mận hoặc nước ép trái cây trộn với nước ép mận.


    Uống nước hỗ trợ đi tiêu?


    Uống nhiều nước giúp bạn tránh mất nước vì thiếu nước có thể dẫn đến táo bón. Chất lỏng giúp phân mềm, ngăn ngừa và giảm bớt táo bón. Hãy tư vấn bác sĩ bạn cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày. Giới hạn chất cafein hay thức uống có cồn – vì loại thức uống này làm bạn mất nước.


    Vận động giúp bạn đi tiêu đều đặn?


    Thiếu vận động cũng góp phần gây táo bón. Chính vì vậy mà tập thể dục giúp đi tiêu đều đặn và giảm stress. Hãy chờ ít nhất 1 tiếng sau bữa ăn no, rồi mới bắt đầu tập thể dục vì cơ thể cần thời gian tiêu hóa thức ăn. Vận động nào! Bạn nên thử một bài tập đi bộ khoảng 10-15 phút, nhiều lần trong ngày. Duỗi cơ và tập yoga có thể cải thiện tình trạng bón.


    Cà phê có thể chữa táo bón?


    Đúng là chất cafein trong cà phê có thể kích thích làm co thắt cơ của hệ tiêu hóa, giúp bạn đi tiêu. Vậy tại sao bác sĩ không khuyên dùng cà phê để trị táo bón? Thật ra cà phê làm phân cứng hơn bởi vì nó cũng là một loại thuốc lợi tiểu, nên nó hút chất lỏng khỏi phân. Nếu bạn đang bị bón, nên hạn chế uống cà phê, những chất lợi tiểu như thức uống có cồn, trà chứa cafein và nước cola.

    Thụt rửa đại tràng loại bỏ chất thải?


    Thụt tháo đại tràng có thể tạm thời loại bỏ chất thải khỏi cơ thể, nhưng cách này không phải là cách hiệu quả giúp ngăn ngừa và điều trị táo bón. Ngược lại, lạm dụng thụt tháo có thể gây táo bón ở người cao tuổi. Thục tháo thường được thực hiện bởi các nhân viên y tế, tuy nhiên, phương pháp này có thể làm tổn thương đại tràng và gây biến chứng. Hãy tư vấn với bác sĩ để hiểu thêm về phương pháp này.


    Thuốc nhuận trường có tác dụng tức thì?

    Tùy vào loại thuốc nhuận trường đang dùng, bạn có thể phải đợi vài phút hay một vài ngày để tạo ra nhu động ruột. Một viên thuốc nhét hậu môn có tác dụng trong vòng 1 tiếng. Nhưng bạn cần một sản phẩm tạo chất xơ mỗi ngày trong nhiều ngày để có kết quả. Tuy vậy, hầu hết các loại thuốc nhuận trường chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu lạm dụng, có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa khác. Táo bón chỉ kéo dài vài ngày và hiếm khi trở nặng. Hãy tư vấn với bác sĩ nếu bạn cần dùng thuốc nhuận trường nhiều hơn 2 tuần.


    Thuốc làm mềm phân là thuốc nhuận trường?

    Thuốc làm mềm phân ngăn ngừa táo bón bằng cách giúp phân hấp thụ nhiều nước trong ruột. Chúng ngăn không cho phân trở nên cứng – phân mềm thì dễ thải ra ngoài cơ thể. Giống các loại thuốc nhuận trường, thuốc làm mềm phân chỉ nên dùng ngắn hạn. Hãy tư vấn trước với bác sĩ khi muốn dùng thuốc này chung với thuốc nhuận trường hay những phương pháp chữa trị táo bón khác. Một số ca, bác sĩ kê toa thuốc làm mềm phân cho những bệnh phẫu thuật vì những bệnh nhân này không được rặng khi đi tiêu. Một số chế phẩm kết hợp thuốc làm mềm phân với thuốc nhuận trường giúp kích thích nhu động ruột.


    Dầu thầu dầu có thể chữa bá bệnh?

    Dầu thầu dầu là một loại thuốc nhuận trường mạnh. Nhưng giống như những loại thuốc nhuận trường khác, nó không nên sử dụng trong thời gian dài. Thuốc nhuận trường nếu sử dụng quá mức có thể tổn hại khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và một số loại thuốc. Dầu thầu dầu làm tổn thương các cơ tiêu hóa, tế bào thần kinh và các mô nếu bạn lạm dụng thuốc – tất cả những điều này gây ra táo bón. Chỉ sử dụng dầu thầu dầu với sự hướng dẫn của bác sĩ.


    Táo bón chỉ là tình trạng của người lớn tuổi?


    Người cao tuổi có nhiều khả năng bị táo bón do tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng kém, uống nhiều thuốc, hay ít hoạt động thể thao. Nhưng táo bón cũng là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp ở những nhóm tuổi khác. Và nó cũng thường xảy ra trong suốt thời gian mang thai hay sau khi sinh con hay sau khi phẫu thuật. Nên nhớ, nếu bạn đang mang thai và có ý định dùng thuốc trị táo bón, nên tư vấn bác sĩ trước khi dùng.


    Đi tiêu ra máu là chuyện bình thường?


    Tiêu ra máu không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ. Tiêu ra máu tươi thường do trĩ hay vết rách ở thành hậu môn còn gọi là nứt hậu môn. Táo bón hay rặn khi đi tiêu có thể là nguyên nhân. Máu màu đỏ sẫm, đen hay cục máu đông thường do chảy máu bên trong ống tiêu hóa. Tình trạng này khá nặng.
     


    Biên dịch từ nguồn WebMD
    Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Ung Thư Đại Trực Tràng

    2. Thông Tin Về Ung Thư Đại Trực Tràng

    3. Hướng Dẫn Tầm Soát Ung Thư Đại Trực Tràng

    4. Các Thực Phẩm Không Tốt Cho Hệ Tiêu Hóa

    5. Tiêu Hóa Tốt Thì Sống Mới Khỏe

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo