Ho và hắt xì đúng cách

GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ VÚ - ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT2 THÁNG 10 NƠ HỒNG - ĐỒNG HÀNH CÙNG 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 102
Đặt lịch hẹn khám

Ho và hắt xì đúng cách

    Trong nhiều khuyến cáo phòng bệnh về hô hấp, đặc biệt là trong cơn dịch MERS đang đe dọa thế giới hiện nay, có hai chi tiết chúng ta nên lưu ý và tìm hiểu thêm. Điều này nói ra thật khó tin nhưng một số lớn người trưởng thành đang có những hành vi sai lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và đang góp phần làm các căn bệnh lây lan.

    1. Cách thức phổ biến mà các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp lây truyền là theo hai con đường:


    -Trực tiếp: Qua những giọt nước li ti bắn ra khi ho hay hắt xì. Trung bình, mỗi lần hắt xì, ta bắn ra từ 2000 đến 5000 giọt li ti … chứa đầy mầm bệnh. Cho dù các số liệu có chút khuyếch đại (vận tốc giọt bắn lên đến 100 mph)  hay dè dặt hơn chỉ khoảng 35 mph thì đại khái nó cũng bay được khoảng hàng chục m mỗi giây. Hình tượng một chút, nếu ta đang ở trong vùng nguy hiểm (theo định nghĩa của CDC là 2m/6 feet) và đối mặt với một cú hắt xì bất chợt … nói chung là không thể tránh nổi.

     

    Do đó, giải pháp hợp lý là bịt, bịt nó lại, bịt ngay bằng KHĂN.

     


    -Gián tiếp: Nếu không may một ai đó bị ho hay hắt xì, không may là không mang theo khăn tay, và càng không may là lại đang bị bệnh … thì rất nhiều rủi ro là bàn tay của ai đó đang dính đầy vi khuẩn nguy hiểm. Nếu bàn tay này chạm vào chốt cửa, tay cầm điện thoại, công tắc quạt, nút máy fax v.v… nói chung là các vật dụng thông thường trong công sở, thì nạn nhân kế tiếp sử dụng các vật dụng đó, nếu không may, thì sẽ có hân hạnh rước con vi khuẩn đó vào người. Đặc biệt nguy cơ cao nếu đối tượng không may có những thói quen xấu như chặm nước bọt, dụi mắt hay ngoái mũi….


    Hai con đường lây này, tuy hai mà một, tuy một mà hai vì chúng có chung điểm xuất phát và kết thúc. Việc dùng khăn sẽ phần nào giảm thiểu nguy cơ lan truyền giữa các cá thể trong nhóm.


    2.Các sai lầm thường gặp


    a. Dùng khăn vải cũng tốt nhưng không phải là một biện pháp thật tốt. Lý do là những ai có ý đồ dùng khăn vải, đương nhiên sẽ dùng lại. Chỉ cần qua vài lần, chiếc khăn tự động trở thành ổ vi khuẩn thứ thiệt không cần giấy chứng nhận. Kế đến, việc dùng bàn tay móc ra, nhét vào là biện pháp hữu hiệu để biến bàn tay của chính mình thành ổ lây nhiễm kế tiếp. Việc che mũi miệng bằng khăn có vẻ sạch nhưng sau đó, nếu quên rửa tay mà dùng bàn tay dơ để sờ mó các thứ … Nói chung chẳng giúp phòng ngừa được gì.


    b. Không có khăn thì dùng hai bàn tay che lại. Trước hết, đây thực sự là một động tác rất “duyên dáng” mà phái nữ thường dùng trên kịch, phim. Đáng tiếc, việc dùng bàn tay mình làm lá chắn nhưng sau đó không rửa hay sát khuẩn ngay thì cũng là gián tiếp biến bàn tay này thành thanh gương, chuẩn bị xỉa cho người khác một nhát. Đôi khi, không phải là không có khăn nhưng cái hắt xì nó nhảy ra quá đột ngột nên ta chỉ có đủ thời gian để “bụm nó lại” nếu không muốn để văng tung tóe khắp nơi. Nói chung, cũng là ý định tốt.


    c.Một số người xui xẻo bị ho hay hắt xì không ngừng và đành phải cầu đến sự giúp đỡ của cái khẩu trang. Điều đáng nói, họ quên là hai mặt khẩu trang không dùng lẫn với nhau được và việc đeo lên đeo xuống lẫn lộn mặt trước mặt sau sẽ làm mất đi tác dụng bảo vệ của nó.


    3.Điều nên làm:


    a. Nếu cảm thấy có nguy cơ ho hay hắt xì thường xuyên, đừng dùng khăn vải mà nên đặt hộp khăn giấy kế bên mình. Sau khi ho hay hắt xì, nên thủ tiêu ngay khăn giấy vào thùng rác thay vì tiết kiệm… để dành xài tiếp. Nếu cẩn thận, sau mỗi lần ho hay hắt xì, có thể dùng gel sát khuẩn để rửa tay. Nếu tần suất ho và hắt xì trở nên nghiêm trọng và việc rửa tay trở nên quá ngán ngẩm, đó là thời điểm tốt để xin nghĩ, chờ đến khi tình trạng sức khỏe khá hơn.


    b. Nếu không có khăn giấy, hoặc không kịp lấy khăn giấy, đừng ho hay hắt xì vào bàn tay mà hãy dùng tay áo, tốt nhất là vùng khuỷu tay. Lý do của việc này là bạn có rất ít cơ hội sờ mó vào vùng này, các giọt dịch tiết hay vi khuẩn sẽ nằm ở đó mà ít có cơ hội đồng hành với bàn tay của bạn để đi tìm “chân trời mới”. Đây là một thói quen rất tốt nên dạy cho các trẻ từ tuổi nhỏ.


    TS.BS Võ Xuân Quang
    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Giải Đáp Thắc Mắc Về Test Hơi Thở C14

    2. HỆ THỐNG XÉT NGHIỆM VI KHUẨN HP 13C (BREATHID) QUA HƠI THỞ VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI

    3. Oanh Vàng Không Thánh Thót

    4. Nhiễm Trùng Xoang Hàm Có Thể Bị Gây Ra Bởi Bệnh Lý Do Răng?

    5. Đau Đầu Do Xoang
    6. Sự Thật Về Viêm Mũi Xoang

    7. Điều Trị Chảy Máu Mũi

    8. Lai Rai Như Tai Mũi Họng

    9. Giải Đáp Thắc Mắc Về Viêm Mũi Do Dị Ứng Phấn Hoa

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo