Hút Thuốc Thụ Động

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự2 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI2 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin2
Đặt lịch hẹn khám

Hút Thuốc Thụ Động

    Có đến 73,1% người không hút thuốc vẫn bị tiếp xúc với khói thuốc ngay ở nhà mình và 55,9% người không hút thuốc vẫn phải vô tư hít khói ở nơi làm việc.

    Số liệu từ GATS(Global Adult Tobacco Survey), một thăm dò toàn cầu về thuốc lá từ 2010 cho biết Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc và là quốc gia đứng thứ 15 về tiêu thụ thuốc lá trên thế giới. Đáng sợ hơn, có đến 73,1% người không hút thuốc vẫn bị tiếp xúc với khói thuốc ngay ở nhà mình và 55,9% người không hút thuốc vẫn phải vô tư hít khói ở nơi làm việc. Tính cả hút thuốc chủ động và thụ động, Việt Nam ta rất có thể có vinh hạnh là một trong các nước đứng đầu bảng.

    Các loại khói

    Khói thuốc có thể là do người hút thở ra, gọi là dòng chính. Trong trường hợp này, tác hại của nó giảm bớt một phần do người hút đã “hưởng thụ” phần lớn. Khói thuốc cũng có thể lan tỏa trực tiếp từ điếu thuốc đang cháy khi được cầm hay đặt trên gạt tàn, gọi là dòng phụ. Tuy gọi là phụ nhưng khói này độc hại hơn nhiều vì thành phần các hóa chất còn nguyên vẹn. Trong vòng bán kính 1m, người ta không cách nào “né” khỏi hai dòng khói này cả. Ngoài ra, những năm gần đây, người ta còn nghiên cứu về dạng khói độc thứ ba, các cặn bả của khói thuốc bám trên quần áo, đồ vật. Nói một cách đơn giản, quần áo của người nghiện thuốc thường bị chúng ta nhăn mặt phê phán là “ám mùi khói thuốc…”. Các hóa chất bám trên quần áo đó được chứng minh là có thể khuếch tán trở vào không khí và gây tác hại một lần nữa.

    Nguy hiểm của hút thuốc thụ động

    Ai cũng biết thuốc lá là nguy hiểm. Có khoảng 7000 hóa chất khác nhau trong khói thuốc, trong đó khoảng 250 chất là độc hại và 69 chất là có khả năng gây ung thư, không chỉ ung thư phổi mà cả ở nhiều cơ quan khác như hầu họng, tiêu hóa, tiền liệt ….Người hút thuốc biết rõ nguy cơ nhưng vì nhiều lý do, họ chấp nhận sống với các nguy cơ đó. Ngược lại, người hút thuốc thụ động bị tiếp xúc với khói thuốc dù họ không hề muốn, và đôi khi không biết rõ các nguy cơ của mình. Nói cách khác, họ là nạn nhân và là người vô tội, đặc biệt khi đó là phụ nữ và trẻ em. Nguy hiểm của hút thuốc thụ động nằm ở chỗ người ta không biết đến nó và không có ý thức bảo vệ bản thân và con em mình.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

    Khái niệm hút thuốc thụ động được nhấn mạnh từ cuối những năm 90 nhưng cho đến nay, thực trạng chung cho thấy nó vẫn đang bị đánh giá thấp. Những ông chồng, ông bố vẫn vô tư nghĩ là đóng kín cửa phòng và mở cửa sổ là có thể vui vẻ với làn khói mơ màng. Những chàng trai ngồi tán gẫu với bạn gái vẫn cho rằng điếu thuốc trên tay làm cho mình tăng bản lĩnh đàn ông. Các nhân viên nhà hàng vẫn cho là đám khói thuốc mịt mùng đằng kia là chuyện của ai khác, chẳng hề dính líu đến mình.

    Đã có nhiều nghiên cứu nêu lên các bệnh liên quan đến hít khói thuốc. Ở người lớn, 3 nguy cơ lớn là tăng tỷ lệ bệnh mạch vành, ung thư phổi và tai biến mạch máu não. Ở trẻ em, khói thuốc làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tai và đường hô hấp, khởi phát cơn suyển và tăng rủi ro bị đột tử trẻ em. Thậm chí, trẻ em chưa ra đời cũng gặp họa vì thuốc lá. Người ta thấy phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với khói thuốc thì trẻ sinh ra có thể bị nhẹ cân và phổi kém phát triển. Điều đáng lo ngại là các rủi ro này không liên quan đến mức độ và thời gian tiếp xúc với khói thuốc. Nói cách khác, không có ngưỡng an toàn trong việc hít khói thuốc thụ động. Chỉ cần có tiếp xúc, là đã có nguy cơ. Mặt khác, cách duy nhất có hiệu quả trong phòng ngừa hít khói thuốc thụ động là tránh xa người hút thuốc. Không có biện pháp nào như phòng hút riêng, mở cửa sổ, lắp lọc gió .v.v… cho thấy có hiệu quả.

    Phòng chống thuốc lá kém hiệu quả

    Sự thật đáng buồn là Việt Nam đang được đánh giá như một quốc gia thân thiện với thuốc lá. Ngày này, miếng trầu không còn là đầu câu chuyện mà là mời nhau điếu thuốc. Các động tác phòng chống thuốc lá là rất kiên quyết, nhưng chỉ trên giấy tờ mà không đem lại kết quả rõ rệt trong thực tế. Những con số được Bộ Y Tế cung cấp trong Hội thảo Phổ biến kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam vào ngày 06/9/2016 tại Hà Nội có thể chứng minh điều đó.

     

     

    Năm 2010

    Năm 2015

    Tỷ lệ người hút thuốc trong dân số (>15t)

    23,8%

    22,5%

    Tỷ lệ hút thuốc thụ động ở địa điểm công cộng

    55,9%

    42,6%

    Tỷ lệ hút thuốc thụ động ở nhà

    73,1%

    62%

    Tỷ lệ hút thuốc thụ động ở nơi làm việc

    55,9%

    42%

    Tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam vào ngày 06/9/2016 tại Hà Nội (Bộ Y Tế)

     

    Điều đáng nói là chúng ta có luật phòng chống thuốc lá hẳn hoi, ban hành lần 1 vào năm 2009 và lần 2  năm 2013 quy định rất rõ ràng và nghiêm khắc. Rất tiếc, những quy định đó chỉ được coi như trò đùa và không ai bận tâm là trên thực tế, thuốc lá được hút tràn lan ở các nơi công cộng, đặc biệt ở những nơi như vũ trường, nhà hàng … tỷ lệ hút thuốc thụ động lên đến 80%.

    Thế giới ngày nay ý thức rất rõ về nguy cơ của thuốc lá. Các lợi nhuận của thuốc lá không đủ để chi cho nhửng căn bệnh và những cái chết mà nó mang lại. Nhiều nơi đang có những biện pháp ngày càng nghiêm khắc chống lại thuốc lá. Tổ chức y tế thế giới đã đề nghị các giải pháp chống thuốc lá bằng công cụ MPOWER:

    M: Monitor: Điều hòa các chính sách sử dụng và ngăn dùng thuốc lá

    P: Protection: Bảo vệ người dân khỏi tác hại của khói thuốc.

    O: Offer: Giúp đỡ các chương trình giúp bỏ thuốc

    W: Warning: Báo động về các nguy cơ của thuốc lá

    E: Enforce: Tăng cường ngăn cấm các dạng tài trợ, quảng cáo cho thuốc lá

    R: Raise: Tăng thuế thuốc lá

    Những chính sách để bảo vệ của ta là chưa đủ vì tỷ lệ hút thuốc thụ động qua điều tra vẫn rất cao. Các chương trình giúp người nghiện bỏ thuốc không có hoặc chỉ là một vài tư vấn cai nghiện miễn phí của một vài bệnh viện hay tổ chức thiện nguyện-một hạt cát so với cái  biển  15 triệu người đang hút. Công tác báo động về nguy cơ thuốc lá chẳng hiệu quả vì phần đông các bà mẹ, bà vợ vẫn thản nhiên để các ông phì phèo trước mặt con mình. Ngay cả giải pháp có vẻ nặng nề nhất là tăng thuế thuốc lá cũng chẳng ảnh hưởng chút nào đến dân nghiện vì giá thuốc vẫn rẻ như bèo. Tỷ lệ thuế trên giá sĩ một gói thuốc hiện nay vẫn chưa đến 50% trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 66-80%.

    Tự cứu mình trước khi trời cứu

    Hút thuốc chủ độngthụ động đều có những nguy cơ rõ ràng. Biện pháp duy nhất để loại trừ nguy cơ này là phải tránh xa người hút thuốc. Các bà vợ cần ý thức điều này và dùng nó làm vũ khí để để giúp chồng mình cai thuốc và giúp con mình khỏe mạnh. Vì tương lai của con trẻ, phải làm cho ngôi nhà của mình không có khói thuốc - Đó là một thông điệp mạnh mẽ mà mỗi người phụ nữ cần thực hiện.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

    • Không cho ai hút thuốc trong nhà của mình, không ngoại lệ.
    • Không cho ai hút thuốc trong xe, dù là có mở cửa sổ xe
    • Không chọn những nhà hàng, khách sạn lỏng lẽo trong vấn đề kiểm soát thuốc lá
    • Chọn những trường học, nhà trẻ có chính sách rõ ràng, nói không với thuốc lá
    • Dạy con tránh xa những nơi có khói thuốc

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan: 

    1. Khối U Giấu Mặt

    2. HƯỚNG DẪN VỀ UNG THƯ PHỔI

    3. Bảo Vệ Bé Yêu Khỏi Các Bệnh Viêm Màng Não, Nhiễm Trùng Huyết, Viêm Phổi Và Viêm Tai Giữa Do Phế Cầu

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
     

     

    Zalo