Khái niệm về lòng tự tôn là một khái niệm thường bị hiểu sai hoặc được biết đến một cách mơ hồ, chủ yếu liên quan đến những định nghĩa mơ hồ và cách xã hội chúng ta gắn cho “lòng tự tôn” những đặc điểm không hoàn toàn liên quan đến nó. Điều này đặc biệt phát sinh vấn đề khi chúng ta cần tự chăm sóc bản thân, trong những khoảng thời gian cuộc sống nhiều lắng lo hoặc đơn giản là khi chúng ta không thực sự coi trong bản thân. Ngoài ra, trong thời điểm như hiện nay, khi đại dịch buộc chúng ta phải ở nhà và luôn ở trong trạng thái cảnh giác liên tục, khiến chúng ta rất dễ cảm thấy rằng các mục tiêu tương lai đang bị trì hoãn, rằng chúng ta không đủ cố gắng. Hơn thế nữa, chúng ta còn liên tục bị tác động bởi những tin tức tiêu cực góp phần làm gia tăng sự lo lắng. Nỗi sợ mất đi những người xung quanh, sợ bản thân trở thành nạn nhân của tình huống này. Tóm lại, chúng ta đang cảm thấy thực sự sợ hãi cho tương lai của mình và tương lai của những người thân bên cạnh. Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một góc nhìn tổng quan và chân thực nhất về lòng tự tôn. Bên cạnh đó, bài viết sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi khi nào chúng ta nên gặp bác sĩ chuyên khoa cũng như cách đối phó với các tác động của đại dịch có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Lòng tự tôn được định nghĩa như thế nào?
Lòng tự tôn chính là cách mà bạn tự nhìn nhận và đánh giá về giá trị của bản thân
Từ góc nhìn tổng quát, lòng tự tôn có thể được định nghĩa là sự đánh giá của một cá nhân về giá trị của bản thân, tức là cách người đó nhìn nhận về bản thân, theo hướng tích cực hoặc người đó không xứng đáng với nhiều thứ khác nhau. Smith và Mackie định nghĩa lòng tự tôn là “những gì chúng ta nghĩ về bản thân; lòng tự tôn là những đánh giá tích cực hay tiêu cực về bản thân, cũng như cách chúng ta cảm nhận về nó”. Theo khái niệm về lòng tự tôn này, người có lòng tự tôn thấp là người tự coi mình là người không xứng đáng hoặc không thành công theo quan điểm riêng. Điều này về lâu dài sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ xung quanh và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang có lòng tự tôn thấp có thể là:
- Luôn có cảm giác mình không xứng đáng nhận được sự đối xử tốt và lòng trắc ẩn từ người khác.
- Trong khi làm việc, bạn luôn có quan niệm rằng dù có làm thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ thất bại.
- Việc giao tiếp, tương tác với mọi người trở nên khó khăn, chứng sợ xã hội thường xuyên hiện hữu, bạn cảm thấy bối rối và không thoải mái khi phải mở lòng vì sợ người khác nghĩ xấu về mình.
- Bởi vì bạn cho rằng mình không xứng đáng nên bạn cho phép mọi người vượt qua những ranh giới mà bình thường sẽ bị coi là “ đi quá giới hạn”.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID tới lòng tự tôn của chúng ta
Như đã được đề cập trước đó, đại dịch COVID đã làm gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng của người dân lên một cách nguy hiểm. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tình trạng phong tỏa liên tục có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu do vi-rút Corona gây ra. Có rất nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề này, phụ nữ đang là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Dân số ở Ấn Độ cho thấy khối lượng công việc gia tăng ở nhà, áp lực gia đình và việc thiếu tiếp cận với các nguồn tài nguyên vệ sinh là những yếu tố góp phần chính.
Cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy ít nhất 9 trong số 10 người tìm kiếm sự tư vấn trong suốt thời gian đại dịch. Cùng với đó, số lượng người mắc trầm cũng đang tăng mạnh. Các triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo là: mất hứng thú trong công việc, thiếu thốn tình cảm, ít hoặc không còn hy vọng cho tương lai, chu kỳ giấc ngủ thất thường, thói quen ăn uống không lành mạnh, thiếu năng lượng và đặc biệt là lòng tự tôn thấp.
Đại dịch Covid có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của chúng ta
Các dấu hiệu của lòng tự tôn thấp liên quan đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Tuy nhiên, đại dịch hiện nay gây ra tình trạng trì trệ liên tục, đôi khi chúng ta có thể nhầm lẫn những triệu chứng này với những triệu chứng của sự buồn chán hay thậm chí là trầm cảm. Theo nguyên tắc chung, chúng ta cần có sự tư vấn của các chuyên gia trị liệu bất cứ khi nào cảm thấy hành vi của mình bị thay đổi nhiều so với nhịp độ thông thường. Tuy nhiên, đôi khi những thay đổi diễn ra chậm đến mức chúng ta khó có thể xác định chính xác được. Một số dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn có thể đang cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia về sức khỏe tâm lý như sau:
- Luôn có cảm giác choáng ngợp, giận dữ khi bị người khác phớt lờ hoặc bị những người xung quanh hay đồng nghiệp của bạn lợi dụng.
- Trong vài tuần vừa qua, bạn đã trải qua những thay đổi tâm trạng đột ngột
- Bạn gặp khó khăn khi bắt đầu, hoàn thành các nhiệm vụ hoặc công việc thường lệ; điều này có thể xảy ra ở nơi làm việc, trường học hoặc chỉ đơn giản là việc tự chăm sóc bản thân.
- Gần đây bạn cảm thấy cô đơn, lạc lõng và không thể tìm ra cách nào để tự giúp mình.
- Bạn không ngừng cố gắng thay đổi bản thân để sửa chữa hoặc làm những gì bạn cho là đúng theo những gì người khác nói, để họ thích bạn hoặc đồng ý với bạn, ngay cả khi nó trái với ý muốn của bạn.
Bạn nên làm gì khi có dấu hiệu của lòng tự tôn thấp?
Như bạn có thể thấy, hầu hết các triệu chứng này đều khó nhận thấy ngay từ ban đầu hoặc khó chẩn đoán. Trong trường hợp đó, bạn nên tham vấn người thân hoặc bạn bè của mình xem họ có nhận thấy tâm trạng thay đổi thất thường của trong những tuần qua hay không; hoặc hỏi đồng nghiệp của bạn xem họ có cảm thấy bạn làm việc không được hiệu quả như mọi khi hay không. Đồng thời, việc luôn ý thức được cách cư xử của mình trước mặt người khác là điều quan trọng để nhận biết liệu chúng ta có đang hành động theo ý muốn của mình hay đang vô tình "điều chỉnh" cách cư xử của mình theo ý thích của mọi người. Bạn có thể cảm thấy rằng việc kiểm tra sức khỏe bản thân mỗi ngày rất mệt mỏi. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của chúng ta vậy; một người có thể bị ảnh hưởng bởi người xung quanh bởi vì chúng không phải là "những cá thể riêng biệt".
Bài viết này đã cung cấp cho bạn một góc nhìn tổng quan về lòng tự tôn và cách xác định khi chúng ta không nhận thức được lòng tự tôn thấp cũng như là tác động của đại dịch đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. Cần nhấn mạnh một điều rằng rằng bài viết trên đây không phải là hướng dẫn chẩn đoán bệnh, mà là một bản tóm tắt ngắn về lòng tự tôn và những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe tinh thần. Lời khuyên dành cho những độc giả thân mến, nếu bạn đang cảm thấy có điều gì đó không ổn trong cách mà bạn đang tự nhìn nhận về bản thân thì nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về tâm lý học để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt, không khuyến khích nên tự chẩn đoán và điều trị bệnh tại nhà. Như đã nói trong bài, sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của bạn và chúng ta nên quan tâm chú ý nhiều đến cả hai.
Nguồn:
2. Smith, ER; Mackie, DM (2007). Tâm lý xã hội ( Tái bản lần thứ ba). Hove: Nhà xuất bản Tâm lý học. ISBN 978-1-84169-408-5 .
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)
Tham khảo những bài viết liên quan:
1. Khám Sức Khỏe Định Kỳ Để Hiểu Cơ Thể Cần Gì!
2. Rối Loạn Ăn Uống Có Thể Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe
3. Béo Phì Và Gan Nhiễm Mỡ - Mối Họa Tiềm Ẩn Cho Sức Khỏe Cộng Đồng
4. 8 Loại Trái Cây Nhiệt Đới Tốt Cho Sức Khỏe
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.com
- Website: www.yersinclinic.com