Chúng tôi, những người thầy thuốc rất cần một tấm lòng, nhưng không phải để gió cuốn đi mà để giữ lại những đồng cảm, những chia sẻ với bệnh nhân của mình. Không có nó, những người thầy thuốc rồi cũng chỉ trở thành những cỗ máy trị bệnh, rút tiền bệnh nhân và hoàn thành trách nhiệm của mình một cách lạnh lùng, vô cảm. Đó có lẽ không phải là điều chúng ta muốn nhưng lý do tại sao và cần làm gì để thay đổi, chúng tôi hy vọng một vài câu chuyện sau đây có lẽ sẽ gợi lên ít nhiều suy nghĩ.
1. Câu chuyện của một sinh viên ngành Y ở Mỹ:
Nhiều năm trước đây, chúng tôi vẫn thường tự sướng là sinh viên Y/ bác sĩ ở Việt Nam không hề thua kém trên thế giới. Để vào trường Y, chúng tôi phải vượt qua kỳ thi tuyển hết sức gian nan và khó khăn. Ngược lại, ở Mỹ chẳng hạn, để thành sinh viên trường Y bạn chỉ cần nộp đơn xin vào học, không cần phải thi tuyển gì cả! Tất nhiên, mỗi nơi có những đặc thù khác nhau về nền tảng văn hóa và kinh tế nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên, về sau này, khi tìm hiểu sâu về hệ thống đào tạo của Mỹ, chúng tôi mới biết mình sai đến thế nào.
Ở Việt Nam, một chương trình đào tạo bác sĩ Y khoa kéo dài 6 năm. Một học sinh tốt nghiệp trung học và qua được kỳ thi tuyển, cố gắng “sống sót“ qua 6 năm đại học là nghiễm nhiên thành “ông bác sĩ” . Thậm chí, khi tìm được nơi công tác ở một chuyên khoa nào đó của một bệnh viện, lập tức trở thành bác sĩ chuyên khoa dù chẳng cần thêm bằng cấp. Muốn thành bác sĩ chỉ đơn giản là thế!
Ở Mỹ, để thành một bác sĩ gia đình với bằng cấp cơ bản nhất, cần khoảng 11 năm. Một học sinh trung học sau tốt nghiệp muốn vào trường Y cần phải có một nền tảng vững chắc về Y khoa cơ sở, thường là các ngành liên quan. Các thuật ngữ Pre-Med, Pre-Health, Pre-Professional hay được dùng để chỉ giai đoạn này. Các ngành được chọn sẽ bao gồm những tín chỉ cần thiết cho chương trình đào tạo Y khoa sau này. Sinh viên có thể chọn bằng cấp Bachelor hay Master trong những ngành như sinh học (Biology), Sinh hóa (Biochemistry), Y sinh học (Bio engineer) v.v.. Chương trình cơ sở này thường kéo dài khoảng 4 năm. Sau khi có bằng cấp, sinh viên có thể bắt đầu nộp đơn xin dự tuyển vào các trường Y. Như đã nói, việc xét tuyển vào trường Y mang tính cá nhân hóa rất cao và không phải là một cuộc thi tuyển. Mỗi người dự tuyển đều được xét nghiêm ngặt theo những tiêu chí khác nhau. Hầu hết các trường Y ở Mỹ đều xét tuyển dựa vào các yếu tố sau đây.
a/Quá trình học tập thể hiện qua bảng điểm ở trường cơ sở trước Y khoa, thường gọi là điểm GPA (General Point Average). Phải nói ngay là phần lớn trường Y đều có yêu cầu điểm GPA rất cao, thường là > 3.5(Hệ điểm 4). Ngoài ra, một điểm để tham khảo khác là điểm MCAT (Medical College Admission Test). Xét trên phương diện nào đó, kỳ thi MCAT gần giống như thi tuyển đại học ở ta. Điểm khác biệt là điểm MCAT chỉ được dùng như một tiêu chuẩn sàng lọc ban đầu và đóng vai trò khá yếu trong toàn bộ quá trình xét tuyển. Tất nhiên, để được xét thì điểm MCAT cũng phải rất cao.
b/Đánh giá trực tiếp về chính bản thân người dự tuyển: Đây chính là sự đánh giá rất cá nhân về yếu tố “con người” đặt trong bối cảnh chung của xã hội và cộng đồng. Thông qua sự đánh giá này, các nhà quản lý trường Y xác định người dự tuyển có “thích hợp” với ngành thầy thuốc hay không? Các yếu tố được dùng để đánh giá bao gồm:
• Quá trình làm thiện nguyện (volunteer) của sinh viên: Tuy việc thiện nguyện là một khái niệm rất phổ biến từ học sinh tiểu học, trung học, đại học, người đang đi làm và cả người đã về hưu nhưng quá trình thiện nguyện là một yếu tố bắt buộc và được chú ý hơn nhiều nếu có ý định vào ngành Y. Thường thì sinh viên có một quá trình làm thiện nguyện nhiều tháng, nhiều năm ở một vài bệnh viện. Công việc có thể rất đơn giản như đẩy bệnh nhân, nói chuyện cho bệnh nhân đỡ buồn, ngồi tiếp tân, giao nhận giấy tờ, mẫu bệnh phẩm, hiến máu v.v.. Chi tiết của quá trình cũng giúp sinh viên cảm thấy mình có hợp với ngành hay không và giúp xây dựng sự đồng cảm trong môi trường Y tế.
• Yêu cầu về việc quan sát hoạt động y tế (shadowing), thường khoảng vài chục giờ. Người xin tuyển phải đi theo một bác sĩ để xem công việc hàng ngày diễn ra như thế nào, cũng như giúp cảm nhận được mối quan hệ đặc biệt giữa bệnh nhân-thầy thuốc.
• Đánh giá về khả năng giao tiếp và tương tác với xã hội, môi trường chung quanh. Những người dự tuyển có hoạt động xã hội tích cực với các chương trình ngoại khóa, các môn thể thao, các môn năng khiếu v.v.. thường được ưu ái, đặc biệt nếu có thể chứng tỏ được tinh thần vì cộng đồng.
• Đánh giá về ý thức của người dự tuyển đối với ngành Y. Mỗi sinh viên thường được yêu cầu viết 1 đến 2 bài luận để trình bày cảm nhận của mình về ngành, những lý do vì sao muốn trở thành thầy thuốc, kể cả những đam mê và ray rứt trong cuộc sống. Cần chú ý là không hề có “bài văn mẫu” mà mỗi sinh viên, bằng ngòi bút của mình phải thuyết phục được người xét tuyển hiểu được và tán đồng với quyết định của mình.
• Các trường đại học cũng cần thư giới thiệu từ những người đang hoạt động trong ngành Y cho đánh giá về cá nhân người xin tuyển. Thường cần khoảng 3 lá thư giới thiệu, nêu lên được điểm mạnh yếu của người dự tuyển.
c/Tất cả những yếu tố trên chỉ dùng để sàng lọc. Một khi hội đồng xét tuyển tìm được một cá nhân phù hợp, sẽ có thư mời phỏng vấn để người dự tuyến đến gặp và trao đổi trực tiếp “mặt đối mặt” với hội đồng. Hình thức phỏng vấn có thể khác nhau tùy trường nhưng nói chung đây là cơ hội của người tuyển trao đổi trực tiếp để có được đánh giá chính xác nhất. Một số trường còn tạo hiện trường “bệnh nhân giả” để xem người dự tuyển tiếp xúc với bệnh nhân như thế nào.
Sau cuộc một phỏng vấn một vài tháng, người dự tuyển sẽ nhận được thư chúc mừng được nhận vào trường hoặc một thư từ chối. Đương hiên, lý do từ chối không phải vì “không đủ điểm” mà vì ứng viên “không thích hợp” với trường, hoặc trường không đủ chỗ dành cho trường hợp dự tuyển… Sẽ không bao giờ có một lời giải thích rõ ràng vì sao người dự tuyển thất bại !
Sau khi vào trường Y, các sinh viên phải qua 4 năm đào tạo chính thức. Khi tốt nghiệp trường Y (sau 8 năm), các “tân bác sĩ” vẫn chưa được hành nghề mà bắt buộc phải qua 3 năm nội trú, hành nghề dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chính thức. Chỉ sau 3 năm nội trú (sau 11 năm) và hoàn thành cuộc thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia (USMLE) thì họ mới đuộc chính thức hành nghề bác sĩ gia đình. Những ai muốn tiếp tục trở thành bác sĩ chuyên khoa, cần phải được đào tạo thêm chuyên khoa đó trung bình từ 2-4 năm nữa.
Quá trình đào tạo bác sĩ ở Mỹ không hẳn đơn giản như trên mà còn nhiều chi tiết phức tạp khác liên quan đến việc tìm trường, tìm nơi nội trú, các bước thi lấy bằng v.v.. nhưng chúng tôi chỉ nêu lên những bước chính để chúng ta thấy sự khác biệt giữa hai hệ thống, chưa nói đến khía cạnh chi phí của đào tạo. Ở Việt Nam, chúng ta chọn một người trở thành bác sĩ dựa trên “ĐIỂM” trong khi hệ thống của Mỹ chọn bác sĩ dựa trên yếu tố “CON NGƯỜI”. Bằng những yếu tố nhân văn, họ hy vọng chọn ra những người có nhiệt huyết với ngành, có sự đồng cảm với bệnh nhân và có khả năng tiếp cận chuyên môn tốt nhất. Nói cách khác, họ chọn những người có cả con tim và khối óc, chứ không chỉ là những con điểm số vô hồn.
Chúng tôi không ca ngợi hệ thống đào tạo của Mỹ vì hệ thống nào cũng có ưu khuyết điểm của nó. Chúng tôi chỉ muốn nêu một nhận xét: vì sao chúng ta mãi than phiền nhiều nhân viên y tế không quan tâm đến bệnh nhân, vì sao một số người không có cái “TÂM” của người thầy thuốc. Dường như chúng ta đã bỏ quên điều đó ngay từ bước đầu khi cho phép một người được khoác lên tấm áo trắng cao quý.
2. Câu chuyện chiếc vòng can đảm
Đây là câu chuyện của một bệnh nhân vừa trải qua cuộc mổ cấp cứu vì ung thư và đang trong quá trình xạ trị, hóa trị tại một bệnh viện nước ngoài.
Ngày thứ nhất sau khi vào cấp cứu và trải qua cuộc mổ an toàn, bệnh nhân được cho biết về tình trạng khối u và đang trong tình trạng lo lắng, buồn phiền. Người y tá đi vào và cho biết có một món quà được gửi đến, một chiếc vòng tay đơn giản với dòng chữ Courage (Can đảm). Tuy không biết người gửi là ai nhưng trong khoảnh khắc bất an đó, chiếc vòng đã mang lại một niềm tin kỳ diệu và giúp bệnh nhân bình tĩnh lại khi nghĩ về căn bệnh của mình. Nhiều ngày sau đó, người gửi được biết chính là người bác sĩ trực cấp cứu đã nhận bệnh và chẩn đoán sơ bộ trước khi bàn giao cho bác sĩ phẫu thuật, người mà thậm chí không ai nhớ tên vì chỉ tiếp xúc vài lần trong lúc bệnh nhân và gia đình đang lo lắng và sợ hãi.
Về chiếc vòng, sau đó được biết là có nguồn gốc từ tổ chức John Wayne Cancer Foundation, một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ được thành lập để kỷ niệm diễn viên John Wayne và cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của ông. Phương châm của tổ chức này là đem lại sự can đảm, sức lực và niềm tin cho cuộc chiến chống ung thư cho các bệnh nhân.
Vài ngày sau mổ, bệnh nhân được gửi đến một trung tâm hóa trị cách nhà khá xa. Người bác sĩ hóa trị đã rất ngập ngừng và muốn từ chối tiếp nhận trường hợp này, không phải vì ngại vấn đề chi phí, cũng không phải vì bệnh quá khó, lại càng không phải vì không có phong bì , phong bao… Chỉ đơn giản vì ông không muốn người bệnh phải di chuyển một quãng đường khá dài như thế, vì ông biết người bệnh sẽ rất mệt trong quá trình xạ và hóa trị. “ Ít di chuyển một chút thì người bệnh đỡ mệt một chút”, ông nói như thế. Vị bác sĩ đó chỉ đồng ý nhận điều trị sau khi cố gắng liên hệ một số trung tâm xạ trị gần hơn nhưng không thành công vì lý do bảo hiểm.
Sau một tuần, đợt xạ trị bắt đầu làm bệnh nhân cảm thấy rất mệt và khó chịu. Các kỹ thuật viên và y tá phụ trách không động viên bệnh nhân một cách đơn thuần. Họ kể lại những trải nghiệm của chính bản thân họ, một người bị ung thư não, một người bị ung thư buồng trứng, một người bị ung thư vú … Tất cả họ đều đang làm việc và đang khỏe mạnh. Họ kể lại những gì họ đã trải qua trong suốt thời gian xạ trị và hóa trị, những nỗi đau và niềm vui. Mỗi câu chuyện đều có những nét riêng của nó nhưng câu cuối của họ đều giống nhau: “Hãy cố lên, bạn sẽ làm được !”.
Những chi tiết nhỏ như thế làm bệnh nhân cảm thấy ấm áp, cảm thấy là chính mình đang được quan tâm và điều trị, chứ không phải là căn bệnh đang được điều trị. Đó cũng là điều mà hiện nay một số không ít nhân viên ngành Y của chúng ta đang bỏ quên. Chúng ta quên là chúng ta đang điều trị bệnh nhân, một con người chứ không phải một căn bệnh. Chỉ cố gắng “ hoàn thành nhiệm vụ”, không nghĩ về những cảm thụ và suy nghĩ của người bệnh, phần nào đó chính là sự vô tâm hay vô cảm.
3.Câu chuyện về một chiếc cầu ở Việt Nam:
Nói chính xác hơn, đó là một chiếc cầu vượt khá nổi tiếng gần đây- Chiếc cầu vượt ở Bệnh viện K Tân Triều. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết bức xúc về sự cần thiết của cây cầu, cũng như hoàn toàn ủng hộ ngài bộ trưởng về quyết định dứt khoát, hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, trong lúc suy tư, chúng tôi bỗng có một vài băn khoăn thật khó nói.
Trước hết, thật đáng buồn khi vấn đề lại được đặt ra bởi một người ngoài cuộc mà không phải từ ban giám đốc bệnh viện, hoặc đơn giản hơn là từ một nhân viên y tế đang công tác bệnh viện. Có phải khi bệnh nhân đã bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện thì số phận của họ đã không còn dính líu gì đến những người bên trong? Có phải chuyện “tai nạn“ của bệnh nhân là vấn đề của ngành giao thông chứ không phải của ngành y tế?
Thứ hai, chúng tôi nhớ lại câu hỏi cái trứng có trước hay con gà có trước. Trong trường hợp này, một bệnh viện đông đúc và một con đường nhộn nhịp vốn là hai khái niệm không nên đi với nhau. Thế thì cái sự đông đúc của bệnh viện có trước hay là cái sự nhộn nhịp của con đường có trước … để đưa đến sự kết hợp oái ăm mà ngài bộ trưởng phải ký tờ giấy “hợp pháp hóa” để kết nối hai bờ nỗi nhớ? Ai cũng biết con đường đã có trước và sự cố này chỉ xảy ra khi bệnh viện được nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa. Vấn đề nằm ở chỗ vì sao cổng chính bệnh viện thì cứ phải mở ra con đường lớn nhất, con đường nhộn nhịp nhất, hoành tráng nhất? Khi xem mặt bằng bản đồ, chúng tôi thấy bệnh viện nằm trên một khu đất trống trải và hai bên hông hoàn toàn trống trải. Tất nhiên, văn hóa kinh doanh sẽ làm cho bất cứ nơi nào cổng bệnh viện mở ra trở nên sầm uất với hàng loạt hàng quán, cơ sở dịch vụ, nhà nghỉ, phòng khám, nhà thuốc… Câu hỏi đặt ra là vì sao phải đặt gánh nặng đấy lên con đường tỉnh lộ 70 vốn đã quá tải. Vì sao không thể làm đường rẽ một bên và xây cổng vào bệnh viện ở một nơi trống trải và yên tĩnh hơn? Có phải là vì phong thủy, vì hướng cửa, hướng bàn hướng ghế không thay đổi được?
Thứ ba, thay vì tìm cách tạo điều kiện cho bệnh nhân ”đi qua đường”, chúng ta có nên suy nghĩ tìm cách giúp bệnh nhân “không cần đi qua đường”? Để trả lời câu hỏi này, chúng tai cần phải trả lời câu hỏi bệnh nhân qua đường để làm gì? Thì đấy, trong bài viết ban đầu tác giả cũng nêu lên câu trả lời quá rõ ràng: chỉ để mua vài vật dụng thiết yếu hay chỉ để “hòa vào cuộc sống hàng ngày, để quên đi nỗi đau đang day dứt, để tạm xa bệnh viện – nơi chỉ toàn thuốc men và bệnh tật “ (Trích). Chúng tôi cảm thấy điều này thật khó khăn ở các bệnh viện nội thành, nơi tấc đất tấc vàng và việc để thêm một quầy giải khát cũng là cả một vấn đề. Ngược lại, nếu nhìn vào bản đồ (Goggle map – chúng tôi không có điều kiện đi thực tế tại bệnh viện), chúng ta sẽ thấy quỹ đất mênh mông chung quanh bệnh viện. Việc tổ chức một vài khu dịch vụ, giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi có thể trong bệnh viện hay cạnh bệnh viện ở những nơi được quy hoạch .. chúng tôi cho là sẽ không có quá nhiều khó khăn. Thậm chí, việc kết hợp các dịch vụ để tăng chất lượng phục vụ cho bệnh nhân nội trú, ví dụ: đặt cơm, thuê sách, mướn phim, mướn laptop, massage tại chỗ v.v.. hoàn toàn khả thi nếu như những người có trách nhiệm không chỉ có trách nhiệm, mà còn có cái tâm.
Cuối cùng, đã có lời hứa cho chiếc cầu vượt sẽ mọc lên sau 10 ngày. Chúng tôi muốn nói là xây một cây cầu vượt qua một con đường thì chỉ mất 10 ngày, còn muốn xây cây cầu vượt qua những nhận thức thâm căn cố đế thì mất bao lâu? Chúng ta đã thấy cầu vượt của Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Phụ Sản TPHCM, giờ là Bệnh viện K Tân Triều. Có lẽ sẽ đến một lúc nào đó cần cấp cầu vượt cho mỗi bệnh viện để hợp pháp hóa tình trạng đông đúc, thay vì tìm cách làm cho nó bớt đông đúc? Riêng nói về bệnh viện K, các bệnh nhân ung thư già yếu xem ra khó có khả năng leo lên leo xuống các bậc thang của chiếc cầu vượt cao ngất. Những bạn trẻ thân nhân luôn lên tiếng ủng hộ cầu vượt nhưng có chắc là sẽ xử dụng nó thay vì chỉ “xẹt một cái “ là sang đường, lại còn được chơi trò chơi mạo hiểm trước đầu xe ô tô? Trong một video clip gần đây của báo Dân trí khi phản ảnh về thực trạng ở bệnh viện K, hình ảnh các bạn trẻ ngang nhiên băng qua giữa đường dù vạch dành cho người đi bộ (mới) chỉ cách đó vài mét. Mà cũng phải thôi, vì chẳng có chiếc xe nào chịu ngừng lại để nhường đường cho người đi bộ. Chúng tôi chợt nghĩ, một cây đèn đỏ ngay ở vạch đi bộ này có lẽ còn thiết thực hơn so với cây cầu hoành tráng kia.
Thay lời kết
Đã có lúc chúng ta đề cao vai trò của tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày. Phải chăng việc “làm tốt những gì được giao“, “làm đúng những gì được yêu cầu” là đã đủ để coi là “hoàn thành công tác xuất sắc”. Có thể như thế với các lĩnh vực khác, nhưng không phải là trong ngành Y. Khi đối diện với những vấn đề của bệnh nhân, tất cả các giấy tờ, thủ tục và quy định có lẽ chỉ là thứ yếu. Như người ta thường nói, từ trái tim đến trái tim. Khi làm việc với một tấm lòng vì bệnh nhân thì đó là một người thầy thuốc. Nếu không có, e rằng đó chỉ là một công chức trị bệnh mà thôi.
TS.BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
1. Thuốc GENERIC - Tại Sao Không?
4. Những Điều Cần Biết Ngay Về "Kháng Kháng Sinh"
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com