Bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự4 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin4 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI4 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa4 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN4
Đặt lịch hẹn khám

Bệnh viêm màng não do não mô cầu

    Gần đây, Bộ Y tế đưa ra thông báo về  bệnh viêm màng não gây ra do não mô cầu. Hầu hết các báo và các trang mạng đều đăng hoặc đặng lại các bài viết về viêm màng não mũ do não mô cầu. Ở đây, chỉ xin nhắc lại một số chi tiết quan trọng mà các bạn có thể không tìm thấy ở những bản tin khác.

    1. Vấn đề người lành mang trùng và việc phòng ngừa bệnh


    Vi khuẩn gây bệnh là Neisseria Menigitidis, có hơn 13 nhóm nhỏ trong đó 6 nhóm gây bệnh chính là A, B, C, W135, X và Y. Bệnh cảnh thể hiện dưới 3 dạng khác nhau: viêm hầu họng đơn thuần, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ.


    Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua các đồ dùng, dụng cụ hàng ngày như  ly, tách, điện thoại….Các môi trường  tiếp xúc gần gũi như các khu tập thể, khu cắm trại, trường học có nguy cơ gây lây truyền cao.


    Trong điều kiện bình thường, có khoảng 5-10% dân số có mang vi khuẩn Neisseria Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý. Trong số này có thể có chủng gây bệnh hoặc chủng lành tính. Tuy người mang khuẩn không có biểu hiện bệnh lý nhưng trong một số trường hợp, việc lây nhiễm vi khuẩn này sang người khác có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh. Việc lây truyền trên lý thuyết không thật sự dễ dàng trên thực tế. Chỉ có khoảng 3-4% người sống chung nhà với bệnh nhân nhiễm não mô cầu bị nhiễm thứ phát. Tuy nhiên, nếu ca bệnh đã được khẳng định thì việc phòng ngừa bằng thuốc cần được tiến hành ngay trên các đối tượng có tiếp xúc  với bệnh nhân trong vòng vài ngày đầu sau khi phát bệnh.


    Phòng ngừa bằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu tiên bị phơi nhiễm, có thể dùng ciprofloxacin 500mg liều duy nhất hoặc Azithromycine 10mg/kg (tối đa 500mg) liều duy nhất. Sau 14 ngày, việc phòng ngừa bằng kháng sinh trở nên vô hiệu hoặc vô ích.


    Các loại vaccine chỉ giúp phòng ngừa khoảng 85-90% các trường hợp, chưa kể đến việc phức tạp trong chọn lựa các loại phân nhóm để sử dụng. Trong khi đang có dịch, việc chú ý đến các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng tỏ ra hữu hiệu để phòng ngừa lây gián tiếp.


    •    Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn
    •    Súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
    •    Tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt
    •    Tránh các tiếp xúc gần gũi với người khác, nếu có thể.
    •    Tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng.
    •    Nếu bạn có triệu chứng nhiễm bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế.

    Nếu ở các cơ sở y tế, việc sử dụng các dung dịch khử khuẩn tay trước và sau tiếp xúc với mỗi ca bệnh giúp hạn chế việc lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.

     

    2. Vấn đề chích ngừa
     

    Các bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa bằng tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phù hợp lại là những vấn đề khác. Cho đến nay, chưa có loại vaccine nào đảm bảo gây miễn dịch đủ cùng lúc cho cả 6 loại vi khuẩn não mô cầu A,B,C,X,Y và W135. Việc chọn lựa vaccine thường dựa vào đặc điểm của vùng dịch tể để có loại phù hợp.

    Trên thị trường hiện nay có loại vaccine nhị liên cho nhóm A,C như Mevac AC hoặc nhóm C và Y kèm Hib như MenHibrix.


    Ngoài ra, có loại tứ liên có tác dụng gây miễn dịch cho 4 nhóm A,C,Y và W-135, có thể là loại polysaccaride như  Menomune, hoặc là loại conjugate như Menactra, Menveo.


    Vaccine chuyên dành cho nhóm B chỉ mới được đưa vào sử dụng gần đây: Bexsero và Trumenba.


    Ở Việt Nam cũng có dạng vaccine kết hợp cho hai nhóm B và C: VA-Mengoc BC.


    Cần chú ý:


    -Vaccine nhóm nào chỉ có thể phòng ngừa nhóm đó và không có tác dụng phòng ngừa chéo cho các nhóm khác. Ở vùng đông nam Á, nhóm A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Ở Việt Nam, một số ca gây bệnh nhóm B và C đã được ghi nhận.


    -Khá nhiều trang mạng ghi nhận không có vaccine phòng ngừa nhóm B. Điều này hiện nay không đúng vì vaccine nhóm B mới được đưa vào sử dụng gần đây. Trumenba được FDA Mỹ cấp phép vào tháng 10/2014 và Bexsero được cấp phép vào tháng 1/2015. Ở Việt Nam, để đảm bảo phòng ngừa cả ba nhóm A,B,C, phải chủng ngừa cả hai loại vaccine.


    -Vaccine não mô cầu A-C nằm trong lịch tiêm chủng quốc gia nhưng thuộc nhóm không bắt buộc và có thể phải trả chi phí thêm. Việc chủng ngừa thường được thực hiện lúc 18 tháng tuổi và lập lại mỗi 3 năm.


    Do bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, việc chủng ngừa có thể áp dụng cho cả trẻ em lẫn người lớn.
     

    3. Vấn đề chẩn đoán sớm


    Việc chẩn đoán và điều trị não mô cầu đã được Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn. Điều cần nhấn mạnh là bệnh lý gây ra do não mô cầu có thể rất nặng, diễn tiến nhanh và có thể đưa đến tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh. Do đó, việc chờ đợi những triệu chứng điển hình như ban xuất huyết hay cứng cổ có thể là quá trễ. Mặt khác, việc soi/cấy ra vi khuẩn không giúp phân biệt được người mang khuẩn hay bệnh nhân thực sự. Do đó, chẩn đoán sớm chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tể học và kinh nghiệm của bác sĩ lâm sàng.


    Về phía bệnh nhân, cần biết là có khá nhiều trường hợp nhiễm siêu vi khác có biểu hiện tương tự nhưng diễn tiến và dự hậu khác rất nhiều. Trên nguyên tắc, khi một người có các biểu hiện sốt, nhức đầu, việc tự điều trị bằng các thuốc cảm sốt không ghi toa (OTC) là hợp lý và bệnh nhân luôn được khuyên là đi khám bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 48-72 giờ. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm não mô cầu, đây có thể là khoảng thời gian vàng trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nặng. Vì thế, không nên chần chừ khi có nghi vấn, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ tiếp xúc bệnh nhân trước đó.    
     

    TS.BS Võ Xuân Quang

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Viêm Não Nhật Bản Nguy Hiểm Như Thế Nào?

    2. Vắc-Xin Phòng Ngừa Viêm Màng Não Mô Cầu A, C, W, Y Thế Hệ Mới

    3. Bảo Vệ Bé Yêu Khỏi Các Bệnh Viêm Màng Não, Nhiễm Trùng Huyết, Viêm Phổi Và Viêm Tai Giữa Do Phế Cầu


     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.com
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo