Bác sĩ CKII - GĐ Y Khoa Yersin - Trần Ánh Tuyết giải đáp thắc mắc về Tiêu hóa - Gan mật

MIỄN PHÍ 100% PHÍ KHÁM TẠI YERSIN - MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/20243 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa3 Tầm Soát Ung Thư Dạ Dày - Đại Tràng - Đại Trực Tràng - Ưu đãi tháng 113 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 113
Đặt lịch hẹn khám

Bác sĩ CKII - GĐ Y Khoa Yersin - Trần Ánh Tuyết giải đáp thắc mắc về Tiêu hóa - Gan mật

Viêm gan siêu vi A lây nhiễm qua đường ăn uống và chỉ gây viêm gan cấp, có thể viêm gan nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có 1 số ít trường hợp gây viêm gan cấp nặng hoặc tối cấp dẫn đến tử vong.

    Khi đã có tuổi, chúng ta thường gặp phải vấn đề kém hấp thu dẫn tới các triệu chứng: ăn không ngon miệng, đầy bụng chướng hơi…

    Bộ máy tiêu hóa sau mấy chục năm hoạt động không ngơi nghỉ, giờ cũng bị teo niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, táo bón. Các quý ông thì thường gặp bệnh về gan: men gan cao, xơ gan do bia rượu lâu ngày… Nói chung là độ tuổi trung niên có rất nhiều vấn đề bất ổn ở cái bụng.

    - Mạnh Cường - Cầu Giấy, Hà Nội

    Chào bác sĩ,

    Thỉnh thoảng tôi có uống rượu và được chẩn đoán là viêm hang vị dạ dày. Mấy tuần gần đây, tôi uống rượu liên tục nên sau khi ăn cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hóa. Mặc dù tôi vẫn ăn như bình thường nhưng có bị sút cân, người mệt mỏi.

    Khi đi ra hiệu mua thuốc tiêu hóa thì dược sĩ có nói là do tôi uống nhiều rượu, gan không thải được kịp nên sinh ra axit. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng, liệu tôi có thể mắc ung thư gan không thưa BS, tôi không có tiền sử về các loại viêm gan. Tình trạng của tôi như vậy thì nên điều trị như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào Bạn Mạnh Cường,

    Trước tiên việc thường xuyên uống rượu sẽ gây tổn hại cả 2 cơ quan dạ dày ruột và gan: như viêm hoặc loét dạ dày tá tràng - viêm đại tràng - viêm gan rượu - xơ gan và đôi khi dẫn đến ung thư gan.

    Triệu chứng bạn nêu: chướng bụng, đầy hơi khó tiêu sụt cân mệt mỏi vừa có thể bệnh lý của dạ dày và cũng không loại trừ bệnh viêm gan do rượu. Vì vậy BS khuyên bạn nên đến khám chuyên khoa tiêu hóa - gan mật ở các cơ sở y tế để được soi dạ dày.

    Nếu bạn đã được chẩn đoán viêm hang vị qua nội soi, cần được xác định có do nhiểm vi khuẩn Helicobacter. Pylori hay không để được điều trị thích hợp.

    Ngoài ra, bạn cần được xét nghiệm về chức năng gan, tầm soát về siêu vi viêm gan B và C, siêu âm bụng đề khảo sát hình ảnh về gan; viêm gan - gan nhiễm mỡ, xơ gan - tụy, qua phương tiện này cũng giúp bạn xác định có ung thư gan hay không?

    Việc điều trị cụ thể cần được BS chỉ định sau khi thăm khám và chẩn đoán chính xác. Và một yếu tố hết sức quan trọng là bạn cần hạn chế bia rượu để bảo vệ sức khỏe, như vậy mới giúp mau lành bệnh.

     

    - Vĩnh Hưng - quận 12, TP.HCM

    Xin chào BS Tuyết,

    Ba tôi 66 tuổi, vừa mổ dạ dày nội soi (để cắt vết loét) được gần 1 tuần, cả tuần nay ông chỉ ăn cháo thịt, bây giờ chuyển sang ăn cơm được chưa ạ? Ba tôi cũng thích đi lại vận động. Vậy xin hỏi, đi lại như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Nếu được phép đi bộ thì ông được đi bao lâu và bao xa? Cảm ơn BS Tuyết rất nhiều!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Trường hợp của ba bạn vừa mổ dạ dày nội soi nên ăn thức ăn mềm, lỏng trong vòng 2 tuần rồi mới chuyển sang ăn thức ăn đặc dần và có thể ăn cơm sau 1 tháng để dạ dày được ổn định sau mổ.

    Việc vận động sớm cũng cần thiết để mau lành vết mổ do đó, bác có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà. Việc đi bộ ra ngoài chỉ có thể thực hiện sau 1 tháng.

    - Thành Trí - Quy Nhơn

    Mẹ cháu năm nay 57 tuổi. Tuần trước mẹ cháu đi siêu âm được bác sĩ kết luận là có nốt vôi ở nhu mô gan. Xin bác sĩ giải đáp giúp cháu nối vôi ở nhu mô gan là gì, nó có phải là sỏi gan không ạ? Bệnh của mẹ cháu phải điều trị như thế nào ạ?

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào em,

    Trong trường hợp của mẹ em được siêu âm có kết luận là có nốt vôi ở nhu mô gan, đây là hình ảnh lành tính không phải bệnh lý mà là sự vôi hóa của mô cơ thể qua thời gian chứ không phải là sỏi gan. Vì vậy không cần điều trị, em nhé.

     


     

    - Ánh Nguyệt - moon…@gmail.com

    Thưa bác sĩ,

    Tôi thấy có 3 bệnh viêm gan A, B và C thì bệnh nào nguy hiểm nhất ạ? Tôi có thể xét nghiệm tầm soát 3 bệnh này cùng lúc được không? Nếu đi xét nghiệm máu tìm bệnh viêm gan thì có cần nhịn ăn sáng không ạ? Cảm ơn BS rất nhiều!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Viêm gan siêu vi gồm các loại siêu vi được đặt tên như sau: A, B, C,D, E, G... Riêng 3 loại siêu vi viêm gan A, B và C là thường gặp nhất.

    Viêm gan siêu vi A lây nhiễm qua đường ăn uống và chỉ gây viêm gan cấp, có thể viêm gan nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có 1 số ít trường hợp gây viêm gan cấp nặng hoặc tối cấp dẫn đến tử vong.

    Viêm gan siêu vi B, C đều lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và mẹ lây truyền qua con và gây viêm gan cấp và mãn tính. Trường hợp viêm gan B, C cấp có thể nhẹ và tự khỏi nhưng cũng có 1 số ít trường hợp gây viêm gan cấp nặng hoặc tối cấp dẫn đến tử vong như viêm gan A. Siêu vi này thường gây viêm gan mãn tính kéo dài trong nhiều năm dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

    Bạn có thể tầm soát 3 bệnh này cùng lúc: Anti HAV, HBsAg, Anti HCV và để làm các xét nghiệm này không cần nhịn ăn sáng.

    - Lâm Nhật - nhatlam…@gmail.com

    Thưa bác sĩ,

    Tháng 12/2013, em đi thổi bong bóng xác định viêm dạ dày HP +, em uống thuốc 1 tháng, sau đó xét nghiệm lại HP âm tính.

    Nhưng tháng 4 vừa rồi em thường bị chướng bụng, đêm ợ nhiều, đi nội soi và xét nghiệm bong bóng thì bị viêm da dày và HP+. Em rất hoang mang vì bệnh tái phát. BS cho em hỏi hai vấn đề:

    1/ Viêm dạ dày HP là tiền ung thư (nghe bác sĩ nói vậy) nhưng trị không hết có nguy hiểm không ạ?

    2/ Trong toa thuốc có thuốc Sotamic ghi uống trước khi ăn 30-60 phút, nếu quên uống thì không được uống bù liều, em chưa hiểu lắm.Vậy nếu quên uống trước khi ăn thì mình phải bỏ luôn cữ thuốc đó hay sao BS?

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Theo thông tin cho biết thì bạn bị viêm dạ dày HP đã được trị khỏi sau đó tái phát do lây nhiễm qua đường ăn uống.

    1. Việc tái phát của bệnh này có thể điều trị bằng phác đồ kháng sinh thích hợp.

    2. Vi khuẩn HP có 2 nhóm chủng: chủng có Cag A(-) chủng này không gây ung thư dạ dày và Cag A (+) có khả năng gây ung thư dạ dày. Vì vậy không phải tất cả trường hợp nhiễm HP đều có biến chứng ung thư dạ dày.

    Việc điều trị viêm dạ dày HP không hết có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây ra các biến chứng loét dạ dày, thủng dạ dày và xuất huyết tiêu hóa vì vậy cần được điều trị triệt để.

    Đối với tất cả các phác đồ có kháng sinh điều trị HP, cần được uống đủ liều lượng trong ngày, không nên bỏ cữ.

    - Ngọc - Bắc Giang

    Thưa bác sĩ,

    Cách đây 1 năm tôi đã nằm viện điều trị viêm loét dạ dày, tình hình đã ổn. Gần đây tôi lại thấy tức bụng, âm ỉ đau nhẹ, khó chịu ở bụng. Tôi đã đi nội soi dạ dày, kết quả: viêm trợt niêm mạc dạ dày (hang vị), HP âm tính, Test Urease:âm tính. BS đã kê đơn: Ventinat, Zyom.

    Đó là thuốc bảo hiểm nên tôi nghĩ sẽ không hiệu quả cao. Tôi nhờ BS tư vấn giúp về tình trạng bệnh của tôi hiện nay có nặng không, tôi có thể dùng thuốc nào hiệu quả hơn? Cảm ơn BS!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Như thông tin bạn cho biết bạn bị viêm loét dạ dày không bị nhiễm HP, tình trạng bệnh không nặng và có thể điều trị khỏi với phác đồ thích hợp, thời gian điều trị phải từ 6-8 tuần. Các thuốc bạn đã sử dụng cũng giúp ích cho việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu điều trị không bớt thì bạn nên tái khám với BS chuyên khoa tiêu hóa.

    - Nguyễn Thị Năm - Tiền Giang

    Thưa bác sĩ,

    Tôi đã từng điều trị HP cách đây hơn 1 năm và được chẩn đoán là dứt hẳn. Tuy nhiên, gần đây, dạ dày tôi có triệu chứng đau nặng hơn, vậy tôi có nguy cơ nhiễm HP lại không?

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Bạn đã được điều trị và chẩn đoán sạch vi khuẩn. Bệnh viêm dạ dày là bệnh mãn tính, vì vậy nếu bạn có triệu chứng đau lại sẽ có 2 tình huống:

    1. Viêm dạ dày mạn không còn vi khuẩn
    2. Tái nhiễm HP

    Do đó, bạn cần kiểm tra lại việc tái nhiễm HP bằng nội soi hoặc test hơi thở để được điều trị tiếp.

    - Dương Thị Quỳnh Trang - Nghệ An

    Thưa bác sĩ,

    Cháu bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đã chữa trị gần 1 năm nay nhưng cháu chỉ đỡ hơn chứ không khỏi hoàn toàn. Khi đi bộ, lên cầu thang, xách đồ hay là nói cháu vẫn bị buồn nôn, như kiểu nôn khan thôi ạ. Hôm nay lên trả lời câu hỏi ở lớp mà mới nói được 1 câu cháu đã bị nôn khan rồi, cháu thấy buồn lắm ạ.

    Cháu đã điều trị 3 lần ở bệnh viện. Lúc đi khám cháu có gặp 1 chị cũng bị bệnh này và chị ấy bảo chị ấy bị 7, 8 năm rồi mà chưa khỏi và BS ở đó nói trị bệnh này rất khó thậm chí là sẽ theo ta đến suốt đời. Lâu lâu cháu còn bị đầy hơi, khó tiêu nữa ạ.

    Thực sự thì bệnh này không gây đau đớn gì, nội soi cũng cho thấy dạ dày cháu hoàn toàn bình thường nhưng mà nó gây khó chịu lắm. Trong giao tiếp cháu không thể nói nhiều, có khi mới được 1-2 câu cháu đã bị nôn khan rồi. Cháu dần khép kín hơn, không nói chuyện được nhiều, không chạy nhảy vận động nhiều như trước. Cháu nghe nhiều người bảo nếu tây y không chữa khỏi thì có thể chuyển sang đông y.

    Cháu muốn hỏi là bệnh này có thể chữa khỏi hoàn toàn được không ạ, chứ cháu thấy nó gây ảnh hưởng đến rất nhiều cuộc sống của cháu. Bây giờ cháu còn đi học nhưng sau này cháu còn đi làm, cháu muốn giao lưu, gặp gỡ, muốn đi nhiều nơimà tình trạng sức khỏe thế này thì thực sự chán lắm ạ. Còn về lối sống cháu cũng đã cố thay đổi thật tốt nhưng mà nó chỉ làm cháu đỡ hơn thôi. Cháu cảm ơn BS!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Quỳnh Trang,

    Theo thông tin bạn cho biết bạn bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản đã được điều trị tại BV và đã được nội soi ghi nhận niêm mạc bình thường, tuy nhiên bạn cần phải được xác định có nhiễm vi khuẩn HP không vì ở Việt Nam phần lớn bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay đi đôi với viêm dạ dày do vi khuẩn HP.

    Nếu có nhiễm HP thì bạn cần phải điều trị diệt HP mới thay đổi được triệu chứng. Nếu là bệnh trào ngược dạ dày thực quản đơn thuần thì 50% có thể tái phát. Trong tình huống tái phát phải sử dụng các thuốc ức chế tiết acid như: omeprazol, Pantoprazol, Rabeprazol kéo dài từ 8 - 10 tuần, phối hợp với các thuốc tăng co thắt thực quản: Donperidon. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cần xem xét yếu tố về tâm lý vì stress cũng có thể làm cho triệu chứng trào ngược khó khỏi.


    - Hữu Duyên Hà - hahuud…@gmail.com

    Chào bác sĩ ạ,

    Em năm nay 21 tuổi, BS cho em hỏi là mấy tháng gần đây em ăn cơm được khoảng 2 chén, sau đó có cảm giác buồn ói, nôn, nhưng không nôn được, chỉ ợ hơi ra, sau đó không muốn ăn nữa.

    Khoảng 2 năm trước em cũng bị vậy nhưng không thường xuyên, còn bây giờ hầu như bữa nào cũng bị vậy. Khi đó thì khi đói hay no em đều bị đau bụng nhưng bây giờ thì không còn nữa. Có người chỉ em là nên ăn nghệ đen, vậy BS cho em hỏi là có nên dùng không và nên dùng nghệ đen cách nào, và còn cách nào nữa không ạ? Em xin cám ơn.


    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Các triệu chứng bạn cho biết: cảm giác buồn nôn, nôn sau ăn, ợ hơi, đau bụng có thể là biểu hiện của viêm loét dạ dày tá tràng, vì vậy bạn cần được đi khám ở 1 cơ sở y tế để được soi dạ dày và xét nghiệm tìm vi khuẩn HP để được điều trị thích hợp. Việc sử dụng nghệ đen chỉ nhằm hỗ trợ cho cơ thể chứ không có thể có hiệu quả cho bệnh dạ dày hoàn toàn, bạn nhé.
    - Phạm Quang Đức - TP.HCM

    Chào bác sĩ,

    Em có triệu chứng ho dai dẳng, hay nhợn nôn, đi khám BS thì được chẩn đoán là trào ngược dạ dày, BS kê toa trong 1 tuần gồm: Esomeprazol, Motilium-M, Telfast, NeoCodion.

    Em uống đến còn 2 ngày thuốc thì bị cảm sốt cao, nhức đầu, sổ mũi, viêm họng, ê ẩm toàn thân, tiêu chảy do siêu vi với kèm viêm xoang. Đi khám BS tiếp được kê toa gồm Levofloxacin, AlphaChoay, Paracetamol, Berocca, Telfast, Oresol. Em ngưng uống thuốc ở toa đầu để uống toa sau, uống được 2 ngày thì đỡ nhiều triệu chứng cảm sốt.


    Nhưng giờ em ăn uống gì là ói ra, thậm chí bao tử không còn gì vẫn ói, bụng rất khó chịu, nhợn nôn, miệng tiết nhiều nước bọt, trong 2 ngày uống thuốc em cũng bị như vậy, phải cố nhịn để không ói mất thuốc, mong BS tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Quang Đức,
    Theo thông tin bạn nêu, bạn có 2 vấn đề như sau:

    1. Triệu chứng của bệnh lý dạ dày (viêm loét dạ dày hoặc trào ngày dạ dày đơn thuần)

    2. Bạn vị viêm họng, viêm xoang và rối loạn tiêu hóa mới xảy ra và đã được điều trị ổn định
    Như vậy, việc điều trị bệnh lý dạ dày cần được tiếp tục với những thuốc Esomeprazol, Motilium-M đã có và sau đó nên tái khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được soi dạ dày và tìm vi khuẩn HP nhằm được điều trị thích hợp hơn.
    - Nguyễn Thanh Bình - TP.HCM

    Thưa bác sĩ,

    Cháu năm nay lớp 9. Khi học lớp 7, 8 rất ít khi ăn sáng. Thời gian gần đây, bụng cháu lúc nào cũng cồn cào, cổ họng nghẹn, cảm giác như đói mặc dù ăn cách đó 1-2 tiếng, đặc biệt là buổi tối (cháu ăn nhanh, khoảng 5-10 phút vì không có nhiều thời gian). Mong BS tư vấn giúp cháu, cháu cảm ơn.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:
    Chào cháu Thanh Bình,

    Những triệu chứng mà cháu nói: cồn cào, cổ họng nghẹt, cảm giác đói sau ăn là triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày. Cháu nên đến khám ở cơ sở y tế để được xét nghiệm để tìm vi khuẩn HP: thử máu, xét nghiệm huyết thanh HP IgG hoặc test hơi thở và khám bác sĩ chuyên khoa.

    Thông thường, để giảm bớt triệu chứng, cháu có thể tạm thời uống các thuốc như: Esomeprazol (1 viên/ngày), Motilium-M (1 viên/3 lần).

    - Trần Trọng Nam - TP.HCM

    Kính chào bác sĩ,

    Em 22 tuổi, là lập trình viên, phải ngồi hàng giờ trên ghế. Dạo này có 1 vấn đề, đó là hay mắc đi cầu. Có khi mắc rất nhiều, chạy vô nhà vệ sinh ngồi rất lâu nhưng không đi cầu được. Nhiều khi đi được 1 ít rồi thôi. Trước giờ em chưa từng bị như vậy, cho em hỏi em bị gì, và nên đi khám ở đâu hoặc uống thuốc như thế nào ạ? Thân chào và cảm ơn các BS.


    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Trọng Nam thân mến,

    Triệu chứng bạn nêu có thể bạn bị táo bón do rối loạn vận động đại tràng, một phần cũng có thể do nghề nghiệp của bạn ngồi lâu, ít vận động. Để cải thiện được triệu chứng này, bạn nên tăng cường vận động, uống nhiều nước, tăng khẩu phần ăn với rau xanh, chất xơ.
    Tạm thời, bạn có thể sử dụng một số thuốc để điều hòa vận động ruột như sau: Trimebutin, Mebeverin, BAR, Lactomin (hoặc L-Bio) Nếu dùng những thuốc trên không cải thiện thì bạn cần đi khám để bác sĩ khảo sát đại tràng.

     

    - Bùi Thị Mỹ Diễm - TP.HCM

    Bác sĩ cho con hỏi:

    Con bị đau bụng (giữa bụng, quanh rốn) đau âm ỉ, có khi nhói lên 1 tí khoảng 2 - 3 ngày rồi. Ngày đầu tiên có buồn nôn, tức bụng, ăn vào là đi ngoài (phân lỏng, nước). Con nghĩ mình bị chướng bụng, không tiêu... nhưng uống viên sủi vẫn không khỏi. Mấy ngày sau thì chỉ đau âm ỉ, và đi ngoài (phân lỏng, nước). Bụng lúc nào cũng to. BS tư vấn giúp con với! Con cảm ơn rất nhiều ạ!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào Mỹ Diễm,

    Triệu chứng của em: đau bụng âm ỉ, quanh rốn, buồn nôn... là biểu hiện của bệnh viêm dạ dày có thể đi kèm với sự kích thích của đại tràng, vì vậy em cần đến khám ở cơ sở y tế để được nội soi dạ dày và xem xét có nên soi đại tràng hay không. Qua đó, BS chuyên khoa tiêu hóa sẽ có chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị thích hợp với em.

    - Dương Hoàng Nam - Khánh Hòa

    Chào bác sĩ,

    Em có đi xét nghiệm ở viện Pasteur Nha Trang và có kết quả như thế này: HbsAg định tính âm tính 0.421 (S/CO < 1),  antiHbs âm tính < 2.00 (< 10) IU/L, anti HCV định tính âm tính 0.066 (S/CO < 1).

    Em không hiểu chỗ kết quả < 2.00 là gì và dấu < này là gì tại sao kết quả HBSAg 0.421 và anti HCV 0.066 lại không có, không biết có ảnh hưởng đến tất cả kết quả không ạ? Mong BS giải thích cho em, cám ơn BS.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Hoàng Nam,

    Các xét nghiệm bạn cho biết: HBsAg định tính âm tính 0.421 (S/CO < 1),  antiHBs âm tính < 2.00 (< 10) IU/L, anti HCV định tính âm tính 0.066 (S/CO < 1) có nghĩa là bạn không bị nhiễm viêm gan siêu vi B và chưa có kháng thể của siêu vi B, không có nhiễm viêm gan siêu vi C.

    Việc xác định âm tính hay dương tính của một kết quả dựa vào ngưỡng bình thường của xét nghiệm đó. Dấu < có nghĩa là thấp hơn. Ví dụ, ngưỡng S/CO < 1 của HBsAg có nghĩa là kết quả có giá trị thấp hơn 1 là âm tính. Vậy con số 0.421 thấp hơn 1 nên HBsAg âm tính. Các kết quả kia cũng tương tự.

    - Hải Định - thegio…@gmail.com

    Chào bác sĩ,

    Em có những triệu chứng sau đây: đi cầu phân nát, có nhầy sống phân; đau bụng lâm râm dưới rốn (ở giữa) vào buổi sáng (thiếu ngủ hoặc stress hay bị đau) - són phân và hay bị "xì hơi". Buồn đi cầu nhưng lúc đi chủ yếu "xì hơi" và đi cầu được 1 ít. BS cho em hỏi là những triệu chứng đó là của bệnh gì? Xin cám ơn BS.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Hải Định,

    Các triệu chứng của bạn: cầu phân nát, có nhầy sống phân; đau bụng lâm râm dưới rốn xuất hiện nhiều khi thiếu ngủ hay stress là triệu chứng rối loạn đi tiêu của bệnh lý đại tràng, vì vậy bạn cần được khám và nội soi đại tràng để xác định đại tràng có bị 1 trong các tổn thương sau: viêm - loét, polyp, đồng thời để tầm soát sớm ung thư đại tràng.

    Nếu soi đại tràng có kết quả bình thường thì có thể bạn bị hội chứng đại tràng kích thích do stress. Trước mắt, bạn có thể điều chỉnh stress bằng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi điều độ và có thể dùng 1 số thuốc như sau: Trimebutin, Mebeverin, Lactomin (hoặc L-Bio). Nếu không cải thiện thì nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

    - Nguyễn Thanh Bình - TP.HCM

    Chào bác sĩ,

    Cháu 15 tuổi, cả tuần này bụng cháu cứ xót, cồn cào, như đói mặc dù đã ăn no trước khoảng nửa tiếng.

    Cháu ra tiệm thuốc người ta nói bị đau dạ dày và cho thuốc uống, uống thuốc thì thấy đỡ nhưng lát sau lại xót, và cồn cào lại. Cháu không có triệu chứng nôn hay ợ chua, chỉ xót ruột vậy thôi.Mong BS tư vấn giúp cháu cho mau khỏi. Cảm ơn BS!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào Thanh Bình,

    Các triệu chứng cháu nêu là do viêm hoặc loét dạ dày, cháu nên đến khám để xét nghiệm xác định có nhiễm vi khuẩn HP không và được bác sĩ cho thuốc điều trị thích hợp. Tạm thời, cháu có thể sử dụng Zantac 150mg (1viên x 2 lần/ngày), Phopholugel (1 gói x 3 lần/ngày) để giảm bớt triệu chứng. Tốt nhất là cháu nên đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị khỏi bệnh.

    - Chinh - ntchin…@yahoo.com.vn

    Chào bác sĩ,

    Em là Chinh năm nay 35 tuổi. Năm 2007 em bị ngứa. Đi xét nghiệm máu BS ở BV Hoà Hảo kết luận bị nhiễm kí sinh trùng giun đũa chó và kê thuốc uống, trong đó có 30 viên thuốc tẩy giun và chỉ định uống mỗi ngày 1 viên.

    Sau thời gian đó chừng nửa năm thì hết ngứa. Tuy nhiên em cảm thấy cơ thể có đổi khác. Đó là càng ngày đi cầu càng không như trước. Ăn đồ biển thì đau bụng tiêu chảy. Và đến năm 2008 em bị viêm xung huyết hang vị dạ dày. Em cũng đi khám và uống thuốc mấy năm trời.

    Tuy nhiên, một hôm đi khám ở BV Hoàn Mỹ, BS cho nội soi đại tràng và kết luận em không bị tổn thương gì trong đại tràng, kết luận em bị mắc hội chứng ruột dễ kích thích. Em tìm hiểu về bệnh này và biết Tràng phục linh plus là loại thực phẩm chức năng tốt nên đã uống được 2 tháng nay. Do hay bị tiêu chảy nên em rất gầy, cá tôm đều không ăn được vì đau bụng.

    Kính mong BS hãy cho em một lời khuyên về bệnh tình của mình. Em nên đến chữa bệnh này ở đâu? Em chân thành cảm ơn BS.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Bạn có 2 vấn đề sau:

    1. Nhiễm ký sinh trùng Toxocara canis (giun đũa chó) đã được điều trị, bạn cần xét nghiệm máu kiểm tra lại đã khỏi chưa.

    2. Các biểu hiện rối loạn đi tiêu đã được khảo sát bằng nội soi dạ dày và đại tràng và xác định bạn bị viêm dạ dày gây kích thích đại tràng (chưa có thông tin về nhiễm vi khuẩn HP). Bệnh này có thể chữa khỏi được nếu bạn tuân thủ phác đồ điều trị từ 6 - 8 tuần với viêm dạ dày đơn thuần không nhiễm HP. Nếu tình trạng bệnh của bạn chưa khắc phục được, bạn cần tầm soát việc nhiễm khuẩn HP để điều trị hiệu quả hơn.

    - Trần Thị Thu Thủy

    Thưa bác sĩ,

    Trước đây 1 tuần, em bị đau bụng âm ỉ, cảm giác muốn đi đại tiện nhưng khi đi thì không đi được, chỉ ra chấy nhầy đồng thời thấy nóng trong bụng và hậu môn. Khi đi đại tiện được thì rất ít và kích thước bị nhỏ đi rất nhiều, chỉ như ngón tay út, đồng thời thường xuyên bị chướng bụng.

    Em xem trên mạng và có hỏi BS gần nhà thì được biết là bị viêm đại tràng. Em đã uống 5 ngày men tiêu hóa, viên chống đầy bụng và thuốc Cap Thyos (vừa có kháng sinh nhẹ, vừa chứa men tiêu hóa) thì thấy hết đau bụng. Tuy nhiên em không thể đi đại tiện nổi (không có cảm giác buồn vệ sinh) và bụng ngày một chướng.

    Hết thuốc uống, em đi mua thuốc nhuận tràng, uống thì thấy nhẹ bụng phần nào. Sau ngày uống thuốc nhuận tràng, em bị đau bụng lại và đau hơn lần trước, đau phía bên trái trên rốn, khi hóp bụng vào thì bên phải xẹp xuống, bên trái phồng lên. Mong BS chẩn đoán giúp em. Em cảm ơn BS.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Thu Thủy,

    Các triệu chứng mà bạn đã nêu có thể vừa là bệnh lý dạ dày vừa là bệnh lý đại tràng, cần được xác định bằng kỹ thuật nội soi dạ dày và đại tràng, đồng thời tìm vi khuẩn HP. Qua đó, BS sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Các loại thuốc bạn đã sử dụng chỉ là cách giảm triệu chứng tạm thời chứ không điều trị dứt điểm được bệnh. Chính vì vậy, BS khuyên bạn nên đến cơ sở y tế để được khám đầy đủ.

    - Nguyễn Hồng Mỹ Dung - Đồng Nai

    Thưa bác sĩ,

    3 tuần trước em có đi khám bệnh ở BV Đại học y dược và được chẩn đoán là bị viêm dạ dày. Thuốc em đang điều trị là: Rabicad 20, Meyer Lanta, Mebsyn. Em uống thuốc đầy đủ nhưng hôm nay em bị tiêu chảy phân đen 4 lần. Xin hỏi BS có phải em đang bị xuất huyết tiêu hoá không? Em có nên tiếp tục dùng thuốc này nữa không? Và em phải điều trị ra sao? Cám ơn BS!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Mỹ Dung,

    Bạn đã được chẩn đoán bị viêm dạ dày (BS không rõ bạn đã được nội soi dạ dày để xác định tổn thương viêm hay loét). Các thuốc bạn đang điều trị không làm phân có màu đen. Vì vậy, nếu bạn bị tiêu chảy và đi phân đen 4 lần, cần xác định có bị xuất huyết tiêu hóa không bằng triệu chứng sau: nếu bạn có chóng mặt, vã mồ hôi sau khi đi tiêu, phân đen hòa trong nước có màu đỏ có nghĩa là bạn bị xuất huyết tiêu hóa. Trong trường hợp này, ban nên đi khám tại bệnh viện. Nếu không có các triệu chứng trên thì bạn có thể tiếp tục dùng thuốc và tái khám theo hẹn.

    - Huỳnh Thị Lai - Đắc Lắc

    Chào bác sĩ!

    Em bị bệnh dạ dày đi nội soi trên BV Thiện Hạnh (Đắc Lắc) thì bị nhiễm vi khuẩn HP dương tính, BV cho 2 toa thuốc:

    1: + pms- Phsrmox 500mg +Tinidazol 500mg + Biclary 500 500mg + Barole 20 20 mg + Gastropulgite 3g

    2: +Barole 20mg + Sulpide 50mg + Phosphalugel 20g +Trimebutin 100mg

    Sau đó vô BVĐại học y dược TP.HCM, BS cho toa thuốc: + Esomepra 40mg +Amoxicilin 500mg + Levofloxacin 500mg +Bismuth 300mg

    Đến ngày thứ 4 uống thuốc thì: 2 bàn chân nổi 2 cục hạch theo đường gân, ngày thứ 6, thứ 7 thì 2 lòng bàn tay nhức và đau quanh vòng thắt lưng.Cho em hỏi có nên uống thuốc nữa không, như vậy là có triệu chứng gì?

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,


    Theo thông tin, bạn bị viêm dạ dày và nhiễm vi khuẩn HP, đã được điều trị 2 đợt bằng kháng sinh diệt HP.

    Phác đồ thứ 2 có: + Esomepra +Amoxicilin+ Levofloxacin +Bismuth. Sau uống thuốc bạn có triệu chứng đau gân cơ có thể là do tác dụng phụ của Levofloxacin, vì vậy bạn cần tạm thời ngưng thuốc này và đến tái khám lại.


    - Minh Hạnh - minhhanhtran...@gmail.com

    Xin chào bác sĩ Tuyết,

    Tuần trước tôi khám sức khỏe cùng cơ quan, kết quả xét nghiệm máu HBsAg là 0.420, tức là tôi không bị viêm gan B, nhưng có đủ kháng thể để chống lại bệnh này suốt đời hay không thì chưa biết.

    Vậy tôi nên làm thêm xét nghiệm gì để biết mình có kháng thể hay chưa? Nhiều năm trước tôi có chích ngừa nhưng không nhớ là ngừa bệnh thủy đậu hay viêm gan B.  Xin tư vấn giúp tôi ạ. Cám ơn BS Tuyết rất nhiều!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Để xác định bạn đã có kháng thể chống siêu vi B chưa (vì bạn không nhớ rõ đã chích ngừa hay không) bạn cần làm thêm xét nghiệm Anti HBs. Nếu kết quả dương tính < 10 thì bạn không cần chích ngừa nữa. Nếu kết quả âm tính thì bạn nên chích ngừa đủ 3 mũi theo lịch trình.


    - Vũ Thanh - Bình Chánh, TP.HCM

    Chào bác sĩ,

    Em bị đau dạ dày đã 4 năm nay. Em cao 1m6, nặng 48kg, nội soi dạ dày 4 lần, lần gần đây nhất là tháng 5/2014, kết quả viêm đỏ rải rác, sung huyết nhẹ, hang vị, triệu chứng cơ bản nhất là ợ chua, ợ hơi, nóng rát dạ dày, thỉnh thoảng có đầy hơi khó tiêu, vài lần bị nôn, các triệu chứng này giảm khi em uống thuốc tây kê đơn của bệnh viện,ngưng uống lại bị lại ngay dù em tuân thủ cũng như kiêng cữ tốt.

    Em làm siêu âm tổng quát 3 tháng trước cho kết quả bình thường. Em đã nội soi đại tràng 2 năm trước, kết quả bình thường, hiện chưa nội soi lại. Đường ruột em cũng không tốt, hay bị rối loạn phân (đi lỏng, táo, sống...).

    Gần đây em có đọc thấy hội chứng zollinger-ellison có phần giống triệu chứng của em như trên (do khối u ở vị trí bất kỳ làm tăng tiết axit không đỡ), BS cho em hỏi có khả năng em bị hội chứng đó không? Em có cần làm các chẩn đoán chuyên sâu khác để biết chính xác hơn? Em đang rất lo lắng, mong sớm nhận được phản hồi của BS, em xin cảm ơn!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Theo như thông tin bạn nêu, bạn bị viêm dạ dày mãn tính đã được xác định qua nội soi không có tổn thương loét do đó BS nghĩ bạn chỉ bị viêm dạ dày đơn thuần chứ không phải hội chứng zollinger-ellison. Vì hội chứng này gây ra tổn thương rất nhiều ổ loét của dạ dày và tá tràng. Nếu đã điều trị viêm dạ dày nhiều năm mà không khỏi thì cần đi khám lại để xác định có nhiễm vi khuẩn HP không, từ đó để có điều trị thích hợp hơn.


    - Nguyễn Anh - nguyenanh…@gmail.com

    Chào bác sĩ,

    Cháu là con gái, năm nay cháu 19 tuổi. Cháu thường bị đau hậu môn mỗi khi đi ngoài. Nó đau một lúc rồi hết, nhưng vẫn để lại cảm giác khó chịu, sau một ngày mới hết. Thường thì không chảy máu, hiếm lắm mới thấy một ít máu chảy ra khi bị táo quá.

    Từ hồi học cấp hai, cháu cũng hay bị táo bón, khoảng 2, 3 ngày mới đi một lần. Tuy bị táo bón nhưng cháu đi vệ sinh không khó khăn, chỉ rặn nhẹ lúc đầu còn lúc sau thì nó tự ra. Cháu không bị đau bụng, không sút cân, mọi thứ đều rất bình thường.

    Cháu lo sợ không biết có phải mình bị trĩ không, nhưng tại vì cháu bị thế này từ lâu rồi mà cũng không có biến chứng, không có gì sa ra ngoài giống bệnh trĩ. Cháu cũng có tìm hiểu trên mạng thì thấy triệu chứng của mình giống bệnh nứt kẽ hậu môn hơn. Cháu đã ăn nhiều rau xanh uống nhiều nước nhưng vẫn thế, cháu cũng không sử dụng bất kì loại thuốc nào. Cháu cũng cố tập đi vệ sinh đúng giờ nhưng không thực hiện được.

    Cháu cũng muốn đi khám nhưng bảo hiểm y tế của cháu ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế của trường, cháu lại là con gái nên rất ngại đi khám về bệnh này. Xin BS cho cháu lời khuyên! Cháu xin cảm ơn ạ!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào em,

    Triệu chứng của em là đau và khó chịu vùng hậu môn khi đi tiêu kèm táo bón, vì vậy em cần được xác định tổn thương ở hậu môn, có thể là trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn như em lo lắng bằng cách soi trực tràng. Vì vậy, bác sĩ khuyên em nên đến khám ở cơ sở y tế có nội soi.

    Tạm thời, ngoài chế độ ăn nhiều rau xanh, chất xơ và uống nhiều nước, em có thể dùng các thuốc nhuận tràng như: BAR, Lactomin (hoặc L-Bio). Trong trường hợp có đau hậu môn thì nên đặt viên thuốc Proctolog.


    - Thu Thảo - Lâm Đồng

    Chào bác sĩ,

    Ba tôi năm nay 65 tuổi, ít uống rượu nhưng bị chẩn đoán xơ gan và nhiễm viêm gan B, vậy có biến chứng gì nguy hiểm không thưa bác sĩ? Bệnh này có di truyền hay có lây không ạ? Vì nhà tôi còn có 2 cháu nhỏ nên tôi cũng hơi lo lắng, làm sao để phòng tránh cho các cháu ạ? Cảm ơn BS rất nhiều!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Trường hợp của ba bạn đã được chẩn đoán xơ gan do viêm gan B, bệnh này nếu không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan nặng, suy tế bào gan, có thể hôn mê gan và một số ít trường hợp là ung thư gan. Vì vậy, bác cần được điều trị tích cực với chuyên khoa gan mật.

    Viêm gan siêu vi B là bệnh lây nhiễm không phải di truyền, đường lây nhiễm qua máu, qua quan hệ tình dục và mẹ lây cho con khi sinh chứ không lây trực tiếp qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc trong gia đình.

    Điều quan trọng là chính bạn cần được xác định có nhiễm siêu vi viêm gan B không bằng cách xét nghiệm HBsAg. Nếu kết quả là dương tính có nghĩa là bạn cũng bị nhiễm từ mẹ. Trong tình huống này bạn phải xét nghiệm cho các cháu nhỏ. Để phòng tránh không lây nhiễm chỉ có bằng cách không tiếp xúc với những vật dụng gây chảy máu cùng với người nhiễm bệnh.


    - Minh Đức - ducminh…@gmail.com

    Tôi bị men gan cao, dương tính với viêm gan B. Tôi nghe nói cây diệp hạ châu có thể chữa trị tốt chứng bệnh này... Xin hỏi bác sĩ về cách dùng diệp hạ châu hiệu quả? Tôi nên mua sản phẩm chế biến sẵn (thực phẩm chức năng) hay nấu nước uống? Nghe nói là nếu nấu nước thì rất đắng, khó uống nhưng mà rất tốt. Xin cảm ơn BS!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn Minh Đức,

    Bạn có men gan cao đi kèm với HBsAg dương tính như vậy có khả năng bạn bị viêm gan B, vì vậy bạn cần phải tiếp tục đến khám với BS chuyên khoa gan mật để được tư vấn kỹ và theo dõi vì nếu bệnh không điều trị và kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến biến chứng xơ gan và ung thư gan.

    Diệp hạ châu chỉ có tác dụng bảo vệ tế bào gan, chưa được chứng minh đầy đủ có hiệu quả cho việc điều trị viêm gan B. Trong trường này bạn có thể sử dụng để hỗ trợ cho điều trị bệnh gan.


    - Như Quỳnh - Q. Phú Nhuận, TP.HCM

    Chào bác sĩ,

    Trước đây tôi đã chích ngừa viêm gan siêu vi B nhưng không nhớ chính xác năm nào và cũng chưa đủ 3 mũi. Gần đây tôi đi xét nghiệm lại để xem có chích ngừa nữa không thì BS bảo tôi bị nhiễm viêm gan siêu vi C. Vậy là sao ạ? Tôi cần làm những xét nghiệm chuyên sâu nào để biết chính xác mình bị gì, mong bác sĩ trả lời giúp tôi. Cảm ơn BS ạ!

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Đầu tiên, viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C là 2 bệnh khác nhau do nhiễm 2 loại siêu vi khác nhau. Vì vậy, bạn đã từng chích ngừa viêm gan siêu vi B nhưng chưa đủ thì cần xét nghiệm Anti HBs để xem có đủ kháng thể chưa. Nếu AntiHBs < 10 thì nên chích ngừa lại.

    Để chẩn đoán có nhiễm viêm gan siêu vi C là xét nghiệm Anti HCV dương tính (BS không biết trước đây bạn đã thực hiện xét nghiệm này chưa). Nếu trong tình huống xét nghiệm này dương tính có nghĩa bạn đã từng nhiễm viêm gan siêu vi C và có 2 khả năng:

    1. Bạn đã nhiễm viêm gan siêu vi C nhưng hiện nay khỏi rồi (chỉ có 15% trường hợp)
    2. Bạn vẫn còn đang nhiễm viêm gan siêu vi C (75 - 85% trường hợp).

    Do đó, bạn cần làm thêm xét nghiệm HCV RNA định lượng để xem xét bạn có đang nhiễm hay không và nên đến chuyên khoa gan mật để được BS tư vấn.

    - Tuyết Hồng - Q. Bình Tân, TP.HCM

    Xin chào bác sĩ,

    Tôi bị táo bón hơn 10 năm nay, thường xuyên đau nhiều phần bụng và phần hông bên trái. Tôi đã đi khám và bác sĩ kết luận mắc hội chứng ruột kích thích (K58) bón. Tôi có uống thuốc theo đơn của bác sĩ gồm: Trimafort 10ml, Decolic-F 200mg, Biolactyl 1 tỉ vi khuẩn/1g, Opirid 25mg và Duphalac 15mg. Nhưng khi uống được 4-5 lần và bị tiêu chảy mấy ngày liên tục nên không dám tiếp tục uống. Mong BS tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Bạn bị táo bón hơn 10 năm và đau vùng bụng hông trái có thể là triệu chứng của các bệnh lý sau: viêm dạ dày gây kích thích ruột hoặc rối loạn vận động đại tràng đơn thuần. Vì vậy cần được nội soi dạ dày và soi đại tràng để xác định chẩn đoán.

    Các thuốc bạn sử dụng nhằm điều chỉnh triệu chứng, riêng thuốc Duphalac gây tiêu chảy, vì vậy nếu tiêu chảy nhiều lần bạn có thể tạm ngưng thuốc này và nên tái khám để khảo sát nội soi như đã nêu.

    - Trần Đức Trung - Bình Thuận

    Tôi là nam giới, 46 tuổi, đi siêu âm thì thấy có sỏi túi mật 7mm. Xin hỏi tôi nên điều trị như thế nào? Cám ơn bác sĩ.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Bạn đã siêu âm ghi nhận có sỏi túi mật 7mm. Nếu có các triệu chứng sau: đau vùng dưới sườn phải, sốt thì sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt túi mật, nếu không triệu chứng có thì chỉ theo dõi.


    - Lê Thị Mỹ Dung - mydungng…@gmail.com

    Chào bác sĩ,

    Mẹ tôi bị ung thư gan và đã mất cách đây 2 năm. 5 chị em tôi đi xét nghiệm thì có 2 người bị viêm gan B, trong đó có tôi. Tôi có 2 cháu, ngay sau khi sinh đã được chích ngừa văcxin viêm gan B. Xin hỏi liệu sau này các cháu có bị ảnh hưởng gì không ạ?

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào bạn,

    Theo thông tin bạn cho biết có mẹ bị ung thư gan có khả năng là do viêm gan siêu vi B, vì vậy sẽ lây nhiễm siêu vi cho các người con khi mang thai.

    Trường hợp mẹ mang thai có nhiễm viêm gan siêu vi B cần được điều trị vào tháng thứ 6 để giảm siêu vi và tiêm ngừa vắc xin sớm cho trẻ trước 24h sau sinh sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm. Các bé có thể tầm soát lại HBsAg lúc 5 tuổi để kiểm tra việc lây nhiễm.


    - Minh Đạt - Bình Dương

    Xin chào bác sĩ,

    Tôi năm nay 35 tuổi bị viêm gan B, đang  điều trị từ tháng 8 năm 2014 và uống thuốc liên tục từ đó đến giờ. Toa thuốc tôi thường xuyên uống là Lamivudin. Hiện nay men gan của tôi bình thường, hàm lượng HBeAg là 1.000.

    Tôi có nghe bạn bè nói rằng điều trị viêm gan B 13 tháng phải ngừng sau đó điều trị tiếp. Uống thuốc liên tục quá 13 tháng là không nên. Tôi rất phân vân, không biết có đúng như vậy không? Mong BS tư vấn giúp tôi ạ.

    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin:

    Chào Minh Đạt,

    Bạn cho biết bị viêm gan B và đang điều trị với Lamivudin. Hiện nay, việc điều trị viêm gan B bằng thuốc uống nhằm mục đích kiểm soát siêu vi viêm gan B không phát triển để ngăn ngừa diễn biến xơ gan và ung thư gan.

    Việc điều trị sạch hoàn toàn viêm gan siêu vi B với thuốc uống còn khó khăn với tỉ lệ thấp từ 1 đến vài %. Do đó, cần điều trị nhiều năm để siêu vi không bùng phát (quan niệm uống thuốc liên tục không quá 13 tháng là không đúng).

    Người điều trị cần tuân thủ liệu trình không được ngưng thuốc đột ngột dễ làm bùng phát siêu vi. Sau điều trị mỗi 3 tháng cần được xét nghiệm HBV DNA định lượng và HBsAg định lượng để đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc và theo dõi kháng thuốc.

    Thuốc kháng siêu vi viêm gan B được chọn là Tenofovir và Entecavir vì 2 thuốc này ít bị vi khuẩn kháng thuốc. Bên cạnh đó, việc điều trị với thuốc chích Peginterferon hiện nay được khuyến cáo dùng cho viêm gan siêu vi B để kết thúc điều trị sớm. Tuy nhiên, điều trị với thuốc này giá thành còn cao và nhiều tác dụng phụ.


    --------------
    BS.CK2 Trần Ánh Tuyết đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong ngành y về các lĩnh vực Hồi sức cấp cứu - Nội khoa - Chuyên khoa Tiêu hóa Gan mật và Nội soi ống tiêu hóa.

    Bác sĩ Ánh Tuyết công tác lâu năm ở BV Nhân dân Gia Định TP.HCM và từng đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa Nội tiêu hóa - Gan mật. Hiện nay, bác sĩ Ánh Tuyết giữ chức vụ Giám đốc y khoa - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin (số 10 Trương Định, phường 6, quận 3, TP.HCM).

    --------

     

    Chương trình do Ongbachau.vn phối hợp với Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin cùng thực hiện.

    Ongbachau.vn

    (Nguồn http://ongbachau.vn/song-khoe/bsck2-tran-anh-tuyet-tra-loi-ve-benh-tieu-hoa-gan-mat-c916a20150729110352521.htm)

     

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Bác Sĩ CKII Trần Ánh Tuyết Giải Đáp Các Thắc Mắc Về Tiêu Hóa Gan Mật

    2. Giải Đáp Thắc Mắc "Phòng Ngừa Tầm Soát Ung Thư Đại Trực Tràng Và Các Phương Pháp Nội Soi Tiêu Hoá"

    3. Nội Soi Với Bệnh Lý Đường Tiêu Hóa

    4. Hiệp Hội Tiêu Hóa Mỹ (AGA): Khuyến Cáo Mới Về An Toàn Của Máy Nội Soi

    5. Các Thực Phẩm Không Tốt Cho Hệ Tiêu Hóa

    6. Tiêu Hóa Tốt Thì Sống Mới Khỏe

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo