Bạn Biết Gì Về Bệnh Tim?

MIỄN PHÍ 100% PHÍ KHÁM TẠI YERSIN - MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/20243 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa3 Tầm Soát Ung Thư Dạ Dày - Đại Tràng - Đại Trực Tràng - Ưu đãi tháng 113 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 113
Đặt lịch hẹn khám

Bạn Biết Gì Về Bệnh Tim?

    Tim là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng nhất trong cơ thể con người. Hàng năm, bệnh tim mạch vẫn là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Bạn đang sở hữu một trái tim khỏe mạnh hay đang mắc bệnh tim? Làm cách nào để phát hiện sớm bệnh tim?

    Nghe nói ai đó mắc bệnh tim, hẳn bạn không khỏi nhìn họ với chút thương xót, ái ngại, vì tim là cơ quan nội tạng quan trọng nhất trong cơ thể, và các bệnh về tim mạch luôn được liệt vào dạng bệnh nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của loài người.

    Dăm bảy đường bệnh

    Thế nhưng, bệnh tim thì cũng có năm bảy đường bệnh. Với bác sĩ, “bệnh tim” là một từ quá chung chung. Giới khoa học chia ra và phân biệt rõ các loại bệnh tim, thường gồm 6 loại bệnh: Bệnh động mạch vành hay còn gọi là Bệnh thiếu máu cơ tim, nếu trầm trọng thì xảy ra Nhồi máu cơ tim (vẫn thường gọi là Cơn đau tim); Bệnh van tim (Bệnh hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ, Hở van 2 lá,…); Rối loạn nhịp tim (Rung nhĩ, Nhịp nhanh kịch phát trên thất, Ngoại tâm thu,…); Bệnh cơ tim; Bệnh tim bẩm sinh (Thông liên thất, Thông liên nhĩ, Còn ống động mạch,….); Suy tim. Riêng Tăng huyết áp được xếp là bệnh mạch máu (động mạch), không phải bệnh tim.

    Cách phân biệt bệnh tim là theo từng nguyên nhân gây bệnh. Tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, “thấy mặt đặt tên” cho nó thì mới có thể chỉ định những cách chữa trị hoặc chung sống với bệnh cho phù hợp.

     

    Có thể bạn không biết…

    Câu chuyện một phụ nữ “chết hụt” khi tắm trắng khiến các bà các cô xôn xao lo lắng vì tác hại của việc tắm trắng. Nhưng đến bệnh viện, qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện thực ra cô gái bị bệnh tim bẩm sinh. Và việc thoa kem kín mít toàn thân khiến mồ hôi không thoát ra được, gây mệt, bệnh tim phát tác gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cô ấy. Đọc tin này không ít người giật mình, liệu mình có mắc bệnh tim mà không biết?

    Nếu bạn là người có những triệu chứng như môi tím, đầu ngón tay tím, hay mệt, khó thở, thỉnh thoảng hồi hộp, tim đập nhanh, nặng ngực… thì có thể bạn sẽ lo lắng và không chần chừ đi kiểm tra tim mạch. Nhưng rất nhiều trường hợp triệu chứng rất nhẹ, chỉ thoáng qua, không rõ ràng hoặc bạn không chú ý đến, đến khi bệnh tim có điều kiện phát tác thì bạn rất dễ “gục” vì không đề phòng trước.

    Tốt hơn hết, bạn nên khám sức khoẻ định kỳ để nếu phát hiện bệnh tim thì tìm cách xử lý sớm, hoặc ít nhất cũng biết để “lượng sức mình” trong những sinh hoạt thường ngày.

    Để sàng lọc bệnh tim mạch, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn làm các cận lâm sàng sau:

    Điện tâm đồ: Giúp phát hiện rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, dày thất…

    X quang tim phổi: Giúp đánh giá bong tim to hay nhỏ, các cung tim có bất thường hay không và có tổn thương phổi do tim gây ra hay không.

    Siêu âm tim: Khảo sát các van tim, các buồng tim, hoạt động co bóp của các thành tim, mức độ suy tim, phát hiện các dị tật bẩm sinh về tim.

    Ngoài ra, bạn có thể làm một số xét nghiệm cơ bản để tầm soát nguy cơ bệnh tim mạch: xét nghiệm mỡ máu (Cholesterol, Cholesterol có lợi, Cholesterol có hại, Triglyceride), đường huyết lúc đói; bên cạnh đó bạn cũng nên làm những xét nghiệm cơ bản như công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm chức năng thận,…

    Ngóc ngách trái tim

    Tùy theo nhận định của bác sĩ khám bệnh, khi phát hiện bạn mắc các bệnh về tim mạch, họ sẽ áp dụng cho bạn thêm một số kỹ thuật, nghiệm pháp tim mạch giúp thăm dò tim mạch sâu hơn:

    Điện tâm đồ gắng sức: Là một nghiệm pháp theo dõi thay đổi điện tim của bạn trong suốt quá trình gắng sức. Bạn được hướng dẫn đạp xe đạp và tăng sức cản lên dần. Bác sĩ sẽ theo dõi khi gắng sức hết mức như vậy có lộ ra những dấu hiệu thiếu máu cơ tim trên điện tâm đồ hay không (vì nhiều trường hợp thiếu máu cơ tim mức độ nhẹ và vừa sẽ không thấy dấu hiệu gì trên điện tâm đồ). Điện tâm đồ gắng sức là một nghiệm pháp góp phần giúp chẩn đoán thiếu máu cơ tim.

    Siêu âm tim gắng sức: Về mặt ý nghĩa, siêu âm tim gắng sức cũng tương tự như điện tâm đồ gắng sức. Bạn được truyền một loại thuốc làm tăng nhịp tim từng bước, bác sĩ sẽ siêu âm khảo sát xem có rối loạn vận động của cơ tim khi tim tăng hoạt động dần dần đến tối đa, nhằm kết luận về bệnh thiếu máu cơ tim. Siêu âm tim gắng sức cũng là một nghiệm pháp góp phần giúp chẩn đoán thiếu máu cơ tim.

    Holter Huyết áp: Là một máy đo huyết áp liên tục suốt 24 giờ, giúp đánh giá huyết áp trong ngày – kể cả thời gian bạn làm việc ở cơ quan và thời gian bạn ở nhà. Máy gọn nhẹ như máy điện thoại, bạn có thể mang về nhà. Holter huyết áp giúp nhận định các trường hợp nghi ngờ có cao huyết áp, hiện tượng “áo choàng trắng” hoặc đánh giá hiệu quả thuốc hạ áp trong những trường hợp cao huyết áp phức tạp, khó điều trị.

    Holter nhịp tim: là một máy nhỏ gọn hơn cả Holter huyết áp, giúp theo dõi nhịp tim liên tục trong suốt 24 giờ. Công cụ này giúp nhận định chính xác các trường hợp rối loạn nhịp tim mà điện tâm đồ trong một khoảnh khắc nào đó không thể ghi nhận được, bỏ sót. Việc ghi điện tim liên tục 24 giờ giúp phát hiện những trường hợp rối loạn nhịp nguy hiểm.

    CT Tim: Giúp phát hiện vôi hóa mạch vành, khảo sát các mạch máu lớn của tim, khảo sát các cầu nối sau phẫu thuật bắc cầu, đánh giá bất thường các buồng tim, thành tim, các bệnh tim bẩm sinh.

    MRI tim: Giúp đánh giá tưới máu cơ tim, tính sống còn cơ tim, nhất là các trường hợp tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, MRI tim cũng giúp kiểm tra kích thước buồng tim và độ dày thành tim, khảo sát các mạch máu chính của tim

    Nghiệm pháp bàn nghiêng: là một nghiệm pháp đặc biệt giúp chẩn đoán nguyên nhân của các trường hợp ngất tái diễn không rõ nguyên nhân. Nghiệm pháp bàn nghiêng giúp xác định các trường hợp ngất do phản xạ nhạy cảm bất thường của hệ tuần hoàn

    Cần lưu ý rằng khi bạn chưa có triệu chứng rõ ràng liên quan bệnh tim mạch nhưng có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch: quá cân, ít vận động, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim, công việc nhiều căng thẳng, stress,… thì bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn làm các nghiệm pháp cần thiết để tầm soát các bệnh về tim.

    Bác sĩ Yersin

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

    Tham khảo những bài viết liên quan: 

    1. Bệnh Tim Mạch Là Gì?

    2. 12 Dấu Hiệu Nghi Ngờ Của Bệnh Tim Mạch.

    3. Khám Tim Mạch Là Khám Những Gì?

    4. Khám Tim Mạch Ở Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin Bao Gồm Những Xét Nghiệm Nào

    5. Đột Tử Do Bệnh Tim

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

     

    Zalo