ĐIỀU TRỊ THAY THẾ

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

ĐIỀU TRỊ THAY THẾ

    Y học không chỉ là những cuộc mổ thần kỳ hay những viên thuốc, những chai dịch truyền óng ánh. Từ nhiều ngàn năm trước, loài người đã phải tìm cách đương đầu với bệnh tật bằng những phương thuốc hay những thủ thuật khó hiểu. Điều đáng ngạc nhiên là, cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều phương thức điều trị như thế được lưu truyền trong dân gian, được không ít người ủng hộ và truyền bá. Người bệnh, với tư cách là một người đi tìm phương pháp điều trị tối ưu cho mình, đôi khi cảm thấy lạc hướng giữa một rừng các thầy thuốc, phương thuốc được quảng bá.

    1. Y học chính thống và không chính thống.

    Một điều dễ nhận thấy là sẽ không ai tự nhận mình là “đồ dỏm” cả, và mỗi trường phái đều ra sức nhấn mạnh các ưu điểm của mình, xem đó là tiêu chuẩn vàng. Tuy nhiên, từ thế kỷ 19 đến nay, sự phát triển của Y học phương tây đã chiếm ưu thế gần như tuyệt đối nhờ vào vai trò của các kháng sinh – Vaccine, nhờ vào tác dụng của Y học chứng cứ và đặc biệt nhờ vào sự thống trị trên các phương tiện truyền thông.  Do đó, ngày nay khi nói đến Y học chính thống-hàn lâm-hiện đại… người ta muốn nói đến hệ thống tri thức và thực hành của Y học phương tây từ các nước Âu Mỹ. Như một hậu quả tất yếu toàn bộ hệ thống Y học cổ truyền của các nước phương Đông trở thành Y học không chính thống, Y học thay thế, Y học theo kinh nghiệm v.v… Tuy nhiên, ngay tại các nước phương tây vẫn tồn tại những hệ tư tưởng về Y học có nguồn gốc xa xưa, còn được áp dụng khá hạn chế và cũng bị xếp vào dòng “không chính thống”.

    Chi tiết hơn, Y học chính thống ngày nay là một hệ thống bao gồm các khoa học cơ bản nghiên cứu về sự sống (bao gồm giải phẫu, sinh lý, sinh học, sinh hóa, vi sinh,…), trên cơ sở đó để xây dựng các kiến thức về bệnh học và phát triển các phương thức điều trị hiệu quả được xác nhận bằng các chứng cứ khoa học. Các điều trị này có thể là thuốc (nội khoa) hay phẫu thuật (ngoại khoa) và nhiều phương pháp khác.

    Ngược lại, Y học thay thế thường có một nền tảng lý luận mơ hồ và các phương pháp điều trị không được kiềm soát bằng chứng cứ. Các hệ điều trị còn tương đối phổ biến này nay là liệu pháp vi lượng đồng căn (Homeopathy), điều trị bằng thảo dược (Herbal Medicine) và châm cứu bấm huyệt (Acupuncture). Trên thực tế, còn có nhiều hình thức điều trị thay thế khác như thôi miên (Hypnosis), điều trị bằng đức tin (Mind – Body Medicine), dùng “năng lượng sống” (Naturopathy), xoa bóp (Chiropractice). Một số người còn phát triển các môn Yoga, khí công, thiền,... lên thành một khoa học trị bệnh và đôi khi cũng được coi là nằm trong Y học thay thế.

    2. Các biện pháp điều trị thay thế.

    • Liệu pháp vi lượng đồng căn: Nói một cách đơn giản, liệu pháp vi lượng đồng căn được xây dựng trên nguyên lý dùng độc trị độc. Bệnh nhân thường được dùng các loại thuốc hay độc tố với liều thấp để gây ra những triệu chứng giống nhu căn bệnh mà họ đang mắc phải. Một ví dụ khá sinh động là hành, làm nước mắt nước mũi kèm nhèm, có thể dùng để trị các triệu chứng của cảm cúm chẳng hạn. Tuy lý thuyết thật mơ hồ nhưng ngay tại Âu Mỹ vẫn còn những phòng khám, bệnh viện chuyên trị bằng các yếu tố vi lượng. Kể cả các trường học và hiệp hội chuyên về vi lượng đồng căn cũng có mặt ở nhiều nơi, với đầy đủ mọi vẻ ngoài rất khoa học của nó. Trên thực tế, có khá nhiều bệnh có đáp ứng với các điều trị vi lượng này tuy cơ chế không rõ ràng.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

    • Liệu pháp thảo dược: Tuy phương tây cũng có dùng thảo dược để điều trị các bệnh nhưng đây là thế mạnh của Y học phương đông, cụ thể là các trường phái thuốc bắc và thuốc nam ở nước ta. Cả thuốc bắc (các phương thuốc và vị thuốc từ Trung quốc) và thuốc nam (các vị thuốc và bài thuốc trong nước) đều dựa trên cùng hệ thống lý luận về kinh lạc, tạng phủ cũng như điều hòa âm dương ngũ hành. Tuy không có sự liên hệ với nên tảng giải phẫu, sinh lý của Y học hiện đại, Y học cổ truyền dùng thảo dược có cơ sở khá chặt chẽ về các phương pháp chẩn đoán và phối hợp các vị thuốc để điều trị. Vì thế, liệu pháp thảo dược vẫn còn là một chọn lựa hàng đầu của số lớn người dân. Các điều trị về thảo dược cũng có thể chia thành hai nhóm: nhóm bài thuốc hoàn chỉnh đã được xác nhận, lưu truyền qua nhiều thế hệ và nhóm các bài thuốc dân gian được truyền miệng, phần nhiều chưa qua kiểm chứng.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

    • Châm cứu: Nếu như liệu pháp thảo dược điều trị bằng việc điều hòa âm dương, châm cứu là một ngành khác của Y học cổ truyền phát huy tác dụng nhờ kích thích và điều chỉnh hệ kinh mạch trong cơ thể. Tuy tác dụng hạn chế, châm cứu được dùng rất nhiều trong các bệnh về cơ xương khớp và thần kinh.

    Các hệ thống điều trị trên đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm và ít nhiều có hiệu quả. Trên thực tế, còn có vô số những biện pháp điều trị trời ơi đất hỡi nhưng vẫn được tô vẻ bằng những lời vàng ngọc và lừa bịp được không ít người như dùng nước tiểu của chính mình (niệu liệu pháp vang bóng một thời), dùng năng lượng vũ trụ (trường phái nhân điện), dùng nước lạnh hoặc dùng các biện pháp thô bạo như đâm kim, dẫm đạp. Ngoài ra, không ít trò mê tín dị đoạn được đội lốt bằng các thánh, các cô cũng ngang nhiên cho mình cái quyền cứu nhân độ thế.

     

    Câu hỏi đặt ra là: các biện pháp điều trị không dùng thuốc tây đó có hiệu quả hay không và lợi hại thế nào khi sử dụng?

     

    3. Y học thay thế có vai trò gì?

    • Có lợi cho bệnh nhân:

    Điều đáng ngạc nhiên là, bất kể việc các nhà khoa học khẳng định chúng chẳng có hiệu quả gì, đôi khi các biện pháp điều trị thay thế vẫn đem lại hiệu quả không ngờ. Người ta giải thích đó có thể là do hiệu ứng giả dược (placebo). Việc tin vào một biện pháp điều trị nào đó giúp cho người bệnh thay đổi nhận thức, hành vi hoặc thậm chí thay đổi một số hoạt chất sinh học trong cơ thể. Chính những điều này có thể là tác nhân đem lại hiệu quả điều trị. Xét cho cùng, điều trị bằng lòng tin cũng là một trong những yêu cầu quan trong trong tiếp cận điều trị của Y học hiện đại. Nói cách khác, mọi biện pháp điều trị thay thế đều có thể có một tác dụng nào đó, nếu được dùng đúng cách.

    Một khía cạnh khác, Y học cổ truyền thực sự có tác dụng và được chứng minh bằng các phương pháp của Y học hiện đại. Một ví dụ kinh điển là thuốc trị sốt rét Artemisinin chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng. Việc dùng lá thanh hao hoa vàng trị sốt rét đã có từ hàng nghìn năm nay nhưng các nhà khoa học Trung Quốc chiết xuất được hoạt chất chính là Artemisinin và chứng minh được hiệu quả, dược tính của nó, chính thức đưa phác đồ điều trị này vào Y học hiện đại. Câu chuyện này cho chúng ta thấy là không nên xem rẻ kinh nghiệm của những thầy lang hay những bài thuốc rẻ tiền trong dân gian. Rất có thể đang nằm sâu trong những cây cỏ dại, lá khô đó là những hoạt chất điều trị được các căn bệnh hiểm nghèo. Vấn đề hiện nay là chúng ta chưa tìm ra được và chưa chứng minh được mà thôi.

    Trên thực tế, Y học thay thế tỏ ra yếu thế về mọi mặt do cơ sở lý luận mơ hồ, thiếu vắng chứng cứ trong chẩn đoán và điều trị. Kinh nghiệm và uy tín là những chiêu bài thường được dùng để thuyết phục người bệnh. Ngoài ra, hầu hết các điều trị thay thế đều nhẹ nhàng để người bệnh dễ tiếp thu, chi phí thấp để người bệnh dễ chấp nhận. Đó cũng là một lý do để người bệnh lắc đầu với những cuộc mổ đau đớn hay những liều thuốc hóa trị đầy mệt mỏi mà vui vẻ đón nhận những liều thuốc nam, thuốc bắc.

    Các đại diện của Y học hiện đại cũng không dám bài xích thẳng thừng các điều trị thay thế. Tuy nhiên, các bệnh nhân được cung cấp thông tin về căn bệnh của họ với chứng cứ và những cam kết phù hợp với bệnh trạng. Ngược lại, đến với đông y, bệnh nhân thường nhận được những lời hứa có cánh hoặc những thông tin về một vài trường hợp nào đó được điều trị thành công, mà không có một minh họa rõ ràng về bệnh trạng cùa mình. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường được khuyên là đi theo Y học hiện đại. Các điều trị khác nếu được dùng, chỉ nên coi là bổ sung.

    Một trường hợp khá đặc biệt và gặp không ít trên lâm sàng, là “bác sĩ cho về uống thuốc nam”. Khá nhiều các ung thư giai đoạn cuối đã vượt quá khả năng điều trị của Tây Y. Thuốc nam được hiểu như một giải pháp điều trị tạm bợ có hay không cũng được, nhằm trấn an tinh thần. Xét theo một nghĩa nào đó, bệnh nhân như đang tham gia vào những thử nghiệm lâm sàng cho những bài thuốc dân gian, tuy việc đánh giá và rút kinh nghiệm không hoàn toàn chính xác. Tuy vậy, có không ít thông tin về những trường hợp kỳ diệu về các bệnh nhân hồi phục từ các bài thuốc khác nhau. Điều đáng tiếc là các kết quả tốt này có vẻ chỉ tản mạn trên một vài ca và thường thì không lập lại được.

    • Có hại cho bệnh nhân:

    Ngoài những điều trị phản khoa học gây tổn thương trước mắt cho bệnh nhân, những người điều trị bằng các phương pháp này có thể gây hại cho bệnh nhân bằng việc trì hoãn hay cản trở những biện pháp điều trị phù hợp của Tây Y. Chích lễ loạn xạ gây nhiễm trùng huyết, cắt giác hay châm cứu gây lây nhiễm do không khử trùng dụng cụ, điều trị ung thư bằng những bài thuốc vô hiệu làm bệnh nhân mất đi thời gian vàng có thể phẫu thuật v.v… Hầu như mỗi ngày chúng ta đều có thể gặp những ca như thế trên thông tin đại chúng. Vấn đề ở đây là các thông tin mà Y học thay thế cung cấp cho bệnh nhân thường không được kiểm chứng, cũng không được kiểm soát. Bởi vậy, không lạ gì khi ta có thể thấy các bác lang vườn mạnh miệng tuyên bố trị khỏi ung thư 100% hoặc trị khỏi AIDS v.v… Bệnh nhân không có đủ thông tin hay giúp đỡ để quyết định điều gì là tốt cho mình. Có những người chọn tốt và khỏi bệnh, nhưng cũng có những chọn lựa xấu làm tiền mất tật mang hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

     

    4. Áp dụng vào thực tế

    Chọn lựa một phương pháp điều trị nói chung phải dựa vào kết quả dự đoán, chi phí điều trị, mức độ thương tật và các tác dụng phụ. Việc ngã theo tây y, mổ hay dùng thuốc, hay là đi theo đông y – dù thuốc bắc hay thuốc nam là quyết định của mỗi người. Khó có thể có một lời khuyên chung cho tất cả các bệnh. Giải pháp duy nhất là bệnh nhân cần tỉnh táo xem xét các lựa chọn khác nhau và tránh bị ảnh hưởng bởi các thông tin không được kiểm chứng (các quảng cáo không trung thực hoặc thông tin về một vài ca lâm sàng). Nói chung, mọi phương pháp điều trị thay thế đến nay chủ yếu giải quyết các căn bệnh nhẹ và tỏ ra khá yếu ớt trong điều trị các bệnh ung thư và nhiễm trùng. Trên tinh thần đó:

    • Nên ưu tiên chọn lựa Y học hiện đại nếu là những căn bệnh có khả năng đe dọa tính mạng, đặc biệt là những bệnh cấp tính như nhiễm trùng, ung thư, tim mạch. Điều trị thay thế không nên được coi là phương pháp điều trị chủ yếu tuy nó có thể được dùng để hỗ trợ. Khi thời gian là yếu tố sống còn, không nên trì hoãn các phương pháp điều trị cần thiết.
    • Đối với những bệnh mãn tính, đặc biệt liên quan đến cơ xương khớp, các bệnh dinh dưỡng và chuyển hóa, có thể lựa chọn Y học hiện đại hay Y học cổ truyền. Cả hai có thể kết hợp và hổ trợ lẫn nhau.
    • Khi Y học hiện đại đã không còn tác dụng, việc sử dụng Y học thay thế có thể là giải pháp cuối cùng.

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Thuốc GENERIC - Tại Sao Không?

    2. Thuốc Không Phải Là Kẹo

    3. Tương Tác Thuốc Với Rượu

    4. Tản Mạn Về Cái Tâm Của Người Thầy Thuốc

    5. Những Điều Cần Biết Ngay Về "Kháng Kháng Sinh"

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.com
    • Website: www.yersinclinic.com

     

    Zalo