Đôi khi bạn tự hỏi không biết tim mình có đập tốt không? Có thể nó đập quá chậm, hay bạn lo lắng vì nó đập quá nhanh? Sự thật là bạn nghe quá nhiều lời đồn sai lệch về nhịp tim. Đây là lúc phải tìm hiểu rõ ngọn ngành của mọi thứ.
Nhầm lẫn 1: Nhịp tim bình thường là 60-100 nhịp mỗi phút.
Đó là tiêu chuẩn cũ. Nhiều bác sĩ cho rằng nhịp tim phải thấp hơn nữa. Theo như Trưởng khoa tim-nữ tại Bệnh viện Lenox Hill, Bác sĩ Suzanne Steinbaum thì khoảng 50-70 nhịp đập mỗi phút là lý tưởng. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trong khi bạn đang nghỉ ngơi mà có nhịp tim cao hơn 76 nhịp mỗi phút thì có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn. Cơ thể càng khỏe thì nhịp tim càng thấp khi bạn không vận động. Lúc bạn nghỉ ngơi, nhịp tim 80 lần/phút là tạm ổn, nhưng điều này không có nghĩa là bạn khỏe mạnh.
Nhầm lẫn 2: Nhịp tim không đều có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Khi tim bạn đập với nhịp bất thường, bạn sẽ có cảm giác đánh trống ngực. Bạn có thể cảm nhận nhịp tim bị mất một nhịp hay đập sớm. Bạn cũng có thể có cảm giác tim đập loạn nhịp trong giây lát hay tim đập thình thịch trong lồng ngực.
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
Theo một bác sĩ tim mạch tại Trung tâm North Shore-LIJ ở Manhasset, New York, ông Apoor Patel, hầu hết những triệu chứng như vậy đều không đe dọa đến tính mạng.
Tình trạng đánh trống ngực có thể do:
• Rượu
• Chất caffein
• Vận động
• Căng thẳng
• Mất nước
• Do dùng thuốc
• Phát sốt
• Rối loạn tuyến giáp
• Hút thuốc
• Thực phẩm chức năng như thảo dược từ cây hải cẩu vàng, trúc đào, ích mẫu thảo, hoặc chi ma hoàng.
Nếu nhịp tim của bạn không đều, không có nghĩa là bạn đang bị nhồi máu cơ tim. Nhưng nếu đây là 1 triệu chứng mới, có kèm đau ngực hay khó thở thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Nhầm lẫn 3: Nhịp tim nhanh là biểu hiện của stress.
Stress chỉ là một nhân tố có thể làm tim đập nhanh. Nhịp tim cũng có thể tăng nếu như bạn vận động, phấn khích, bồn chồn hoặc buồn bã. Khi bạn đứng, mạch của bạn có thể tăng từ 15 đến 20 giây trước khi nó trở lại bình thường. Ngay cả thay đổi thời tiết như nhiệt độ cao hay độ ẩm cũng làm tăng nhịp tim. Nếu bạn uống thuốc điều trị tuyến giáp, nhịp tim nhanh có thể là một biểu hiện bạn đang dùng quá liều. Tốt nhất bạn nên tư vấn với bác sĩ.
Nhầm lẫn 4: Nhịp tim bình thường thì huyết áp sẽ tốt.
Đôi khi nhịp tim và huyết áp luôn đồng hành với nhau. Ví dụ, khi bạn vận động, tức giận hoặc sợ hãi, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng. Tuy nhiên, nhịp tim và huyết áp không phải luôn luôn cùng đi với nhau. Nếu nhịp tim bình thường, huyết áp có thể không bình thường. Huyết áp có thể quá cao hay quá thấp mà bạn vẫn không nhận ra.
Do đó, dù nhịp tim của bạn bình thường, bạn vẫn phải thường xuyên đo huyết áp.
Nhầm lẫn 5: Nhịp tim chậm là biểu hiện tim yếu.
Sự thật không phải vậy. Nhịp tim chậm có thể là biểu hiện của một cơ thể khỏe mạnh. Tim của một vận động viên khỏe hơn hơn nên tim không phải làm việc nhiều như người bình thường.
Nói chung, nhịp tim chậm chỉ đáng lo nếu bạn có biểu hiện bất tỉnh, chóng mặt hay khó thở hoặc thậm chí là đau ngực. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ một trong những triệu chứng trên.
Biên dịch từ nguồn WebMD
(Nhóm biên dịch y khoa - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)
Tham khảo những bài viết liên quan:
2. 12 Dấu Hiệu Nghi Ngờ Của Bệnh Tim Mạch.
3. Khám Tim Mạch Ở Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin Bao Gồm Những Xét Nghiệm Nào
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com