HPV Và Ung Thư

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

HPV Và Ung Thư

    Ung thư là một căn bệnh đáng sợ nhất của loài người, cho đến nay chỉ có duy nhất ung thư cổ tử cung là đã có vaccine phòng ngừa. Bản chất của vaccine ngừa ung thư cổ tử cung là protein tái tổ hợp có tính chất giống virus HPV.

    Vậy HPV là gì? Khả năng sinh ung của HPV ra sao? Cách phòng ngừa và điều trị như thế nào?

    HPV LÀ GÌ?

    HPV (Human Papilloma Virus) là các virus ADN, hình cầu,không có vỏ, đường kính 52-55 nm. HPV gây bệnh cho các tế bào biểu mô: có ở da, cổ tử cung, âm đạo, dương vật, mũi, miệng, họng, lớp trong mí mắt.

    Virus HPV là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa lây nhiễm

    Ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)

    Hiện có hơn 150 type HPV. Trong đó hết ¾ là gây bệnh ở da, số khác gây bệnh ở bộ phận sinh dục - được gọi là HPV sinh dục. Các HPV sinh dục chia làm 2 loại: loại HPV nguy cơ thấp và loại HPV nguy cơ cao.

    • Loại HPV nguy cơ thấp không gây ung thư nhưng có thể gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng và họng của cả nam và nữ .Type 6, 11 gây đến 90% các mụn cóc sinh dục.
    • Loại HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư, hay gặp nhất là ung thư CTC.

    Có 16 type HPV nguy cơ cao đã được xác định, xếp theo mức độ nguy cơ từ cao đến thấp là:

    • H1: 16; 18; 35; 52
    • H2: 31; 33; 45; 58
    • H3: 39; 51; 56; 59; 66; 68; 73; 82.

    Trong đó type 16 và 18 là nguyên nhân của hầu hết các ung thư do HPV, và chiếm đến 70% nguyên nhân gây Ung thư cổ tử cung.

    TRIỆU CHỨNG NHIỄM HPV

    Phần lớn nhiễm HPV không có bất cứ triệu chứng gì và tự biến mất trong vòng 1 - 3 năm, tuy nhiên một vài trường hợp nhiễm HPV tồn tại trong nhiều năm.

    Các HPV gây bệnh ở da gây tổn thương da dưới dạng mụn cơm, mụn cóc.

    Nhiễm HPV nguy cơ cao tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến biến đổi tế bào bất thường, nếu không điều trị có thể dẫn đến ung thư.

    HPV NGUY CƠ CAO CÓ THỂ GÂY UNG THƯ GÌ

    Các type HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư:

    • Ung thư CTC: Hầu như tất cả các trường hợp ung thư CTC là do HPV gây nên.Type 16 và 18 gây ra hơn 70% các trường hợp.
    • Ung thư hậu môn: Khoảng 95% ung thư hậu môn là do HPV. Phần lớn do type 16.
    • Ung thư miệng - hầu (Oropharyngeal cancer: ung thư phần giữa họng bao gồm đĩa mềm, đáy lưỡi và amydan): Khoảng 70% trường hợp do HPV. Ở Mỹ hơn ½ ung thư miệng –hầu được chẩn đoán là do type 16.
    • Ung thư hiếm hơn: HPV gây khoảng 65% ung thư âm đạo, 50% ung thư âm hộ, 35% ung thư dương vật.Phần lớn những ung thư này là do type 16

    TIẾN TRÌNH GÂY UNG THƯ CỦA HPV NGUY CƠ CAO

    HPV xâm nhập các tế bào lớp đáy của tế bào biểu mô, tại đây HPV bắt đầu tạo ra các protein mà nó mã hóa. Hai protein mà các type HPV nguy cơ cao tạo ra là E6, E7. Các E6, E7 cản trở chức năng kiểm soát sự phát triển của tế bào. Điều này làm cho các tế bào biểu mô phát triển quá mức.

    Nhiều lúc các tế bào nhiễm HPV bị nhận diện bởi hệ thống miễn dịch và bị loại trừ. Tuy nhiên thỉnh thoảng chúng không bị tiêu hủy và kết quả là sự nhiễm HPV tồn tại dai dẳng. Khi các tế bào nhiễm HPV dai dẵng tiếp tục phát triển chúng sẽ gây ra những đột biến gen tế bào, điều này đẩy mạnh sự phát triển của tế bào bất thường nhiều hơn nữa, dẫn đến tạo thành một vùng tế bào tiền ung thư và cuối cùng là ung thư.

    Các nhà nghiên cứu thấy rằng mất khoảng 10 - 30 năm từ khi bắt đầu nhiễm HPV đến khi tạo thành khối u. Tuy nhiên ngay cả khi tế bào CTC có bất thường nặng (CIN3) thì cũng không phải luôn luôn sẽ dẫn đến ung thư. Tỉ lệ CIN3 tiến triển thành ung thư 50% hoặc ít hơn.

    NHIỄM HPV CÓ THỂ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH BẰNG XÉT NGHIỆM ADN HPV

    Không thể nuôi cấy virus HPV theo kiểu kinh điển và các test huyết thanh có độ nhạy rất thấp, nhiễm HPV được chẩn đoán bằng cách phát hiện bộ gen của nó (ADN HPV) trong mẫu bệnh phẩm từ cổ tử cung. Hiện tại chỉ phát hiện được nhiễm HPV của tế bào tại CTC. Chưa có xét nghiệm nhiễm HPV chung chung cho nam và cả nữ.

    Xét nghiệm nhiễm HPV dương tính có nghĩa bạn có nhiễm HPV chứ không có nghĩa bạn bị bệnh, hay bạn bị ung thư.

    Xét nghiệm HPV dương tính có nguy hiểm không? Cần làm gì?

    Ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)

    Trên thị trường hiện có 2 loại xét nghiệm HPV được FDA công nhận cho phép lưu hành và xử dụng trên thế giới và cũng đang được xử dụng tại Việt Nam: HPV Cobas Roche và HC2 High - Risk HPV DNA Test. Xét nghiệm HPV không cần thiết chỉ định cho phụ nữ dưới 30 tuổi trừ khi có kết quả pap bất thường.

    Xét nghiệm HPV có ý nghĩa rất lớn trong tầm soát ung thư CTC. Khuynh hướng hiện nay để tầm soát sớm ung thư CTC cho phụ nữ 30 tuổi trở lên không chỉ làm pap đơn thuần mà:

    • Papn + HPV TEST
    • HPV TEST. Nếu dương tính mới làm Pap.

    CÁC ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA HPV:

    • HPV có thể truyền từ người này qua người khác qua đường tiếp xúc da niêm mạc với vùng da niêm mạc bị nhiễm HPV.
    • Nhiễm HPV sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Tại Mỹ ước tính có khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV sinh dục mới mỗi năm.Theo CDC ước tính hơn 90% nam và 80% nữ có quan hệ tình dục có nhiễm ít nhất 1type HPV ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Và khoảng 1/2 là nhiễm HPV type nguy cơ cao.
    • HPV có thể lây truyền từ phần này đến phần khác trong cơ thể ví dụ nhiễm HPV bắt đầu ở CTC sau đó lan đến âm đạo hay âm hộ.
    • HPV có thể lây truyền trực tiếp từ mẹ sang con trong khi sanh nhưng rất rất hiếm.

    AI CÓ THỂ NHIỄM HPV?

    • Cho dù đã nhiều năm kể từ khi có quan hệ tình dục.
    • Cho dù chỉ có 1 bạn tình.
    • Cho dù không có dấu hiệu hay triệu chứng bất thường gì.

    10 điều ít người biết về HPV

    Ảnh sưu tầm (Nguồn: Internet)

    AI DỄ BỊ NHIỄM HPV?

    • Người có nhiều bạn tình.
    • Gay hay đàn ông lưỡng giới.

    DỰ PHÒNG NHIỄM HPV

    Tiêm phòng vaccine HPV:

    • Hiện nay FDA đã chấp thuận 3 vaccine Gardsil; Gardasil 9 và Cervarix để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Những vaccine này cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại sự nhiễm HPV mới chứ không có tác dụng điều trị các bệnh do HPV gây ra và điều trị các type HPV đã nhiễm trước đó.
    • Tiêm ngừa trước quan hệ tình dục sẽ giảm nguy cơ nhiễm các type HPV nguy cơ cao

    Bao cao su: BCS giúp bảo vệ tránh nhiễm HPV nhưng không bảo vệ tuyệt đối. Tuy nhiên nam dùng BCS thì ít nguy cơ nhiễm HPV và ít nguy cơ lây nhiễm HPV cho bạn tình. BCS nên được xử dụng mỗi một lần quan hệ và nên mang trước khi có tiếp xúc sinh dục và giữ cho đến khi kết thúc quan hệ tình dục.

    Không quan hệ tình dục thì hầu như không bao giờ nhiễm HPV sinh dục.

    QUAN NIỆM ĐIỀU TRỊ CHO NHỮNG NGƯỜI NHIỄM HPV

    • Hiện nay không có thuốc điều trị cho những trường hợp nhiễm HPV dai dẵng mà không có kèm biến đổi tế bào CTC bất thường.
    • Những mụn cóc sinh dục, u đường hô hấp lành tính,biến đổi tiền ung thư CTC và những ung thư do nhiễm HPV có thể điều trị.
    • Những phương pháp điều trị những biến đổi tiền ung thư CTC gồm: áp lạnh CTC, LEEP, khoét chóp, đốt laser, đốt điện.
    • Những người nhiễm HPV phát triển thành ung thư cũng được điều trị như những bệnh nhân bị ung thư nhưng không có nhiễm HPV.

    TÓM LẠI

    HPV là một loại virus gây u nhú ở người. Type HPV nguy cơ cao nếu nhiễm dai dẵng có thể gây ung thư (Cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hầu họng) Hầu hết ung thư cổ tử cung là do HPV.

    Điều kiện cần và đủ để HPV gây ung thư là:

    • Phải có nhiễm HPV nguy cơ cao.
    • Nhiễm dai dẵng.
    • Không phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư do HPV ra.

    Phòng ngừa ung thư CTC:

    • Tiêm ngừa vaccine HPV sớm trước khi có quan hệ tình dục.
    • Tầm soát HPV, Pap định kì.

    Trưởng Sản - Phụ Khoa, Bác sĩ Trần Thị Anh Lan

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Tôi Nên Làm Gì Để Phòng Ngừa Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung Và Các Bệnh Khác Do HPV Gây Ra?

    2. Tôi Nên Làm Gì Để Bảo Vệ Con Gái Mình Không Bị Ung Thư Cổ Tử Cung Và Các Bệnh Khác Do HPV Gây Ra?

    3. Ngăn Ngừa Và Tầm Soát HPV

    4. Quan Điểm Mới Về Chích Ngừa HPV

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

     

    Zalo