Giới nữ luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. May mắn thay, căn bệnh này tuy dễ nhiễm nhưng luôn có thể ngăn ngừa và tầm soát để phát hiện sớm, nâng cao khả năng chữa trị.
Ung thư cổ tử cung là bệnh gây tử vong hàng đầu của ung thư. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời chữa khỏi gần 100% các trường hợp. Vì vậy, phụ nữ nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung, khám phụ khoa định kỳ và thử Pap mỗi năm một lần mặc dầu không có triệu chứng gì cả.
“Cấm cửa” HPV
Vì HPV là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung nên trước hết, chúng ta cần “cấm cửa” HPV. Bạn hãy xem cơ thể mình nói chung và cổ tử cung nói riêng là một lãnh thổ cần bảo vệ. Khi ấy, những con virus HPV là kẻ địch cần ngăn chặn triệt để bằng cách lập nên một đội ngũ “lính biên phòng” với việc tiêm ngừa HPV.
HPV có khoảng 120 type khác nhau, trong đó có 30 - 40 type HPV liên quan đến tổn thương đường sinh dục. Nhiễm HPV type 16, 18 là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo. Nhiễm HPV type 6 và 11 dễ gây mụn cóc sinh dục.
Văcxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung chủ yếu phòng ngừa nhiễm HPV dễ gây ung thư cổ tử cung (type 16, 18), có loại văcxin phòng ngừa cả mụn cóc sinh dục (type 6, 11).
Vì HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, nên để việc phòng ngừa có hiệu quả cao, cần tiêm ngừa trên những người chưa quan hệ tình dục.
Theo khuyến cáo của Hội Ung thư Hoa Kỳ, tiêm ngừa HPV thường quy được khuyên dùng cho bé gái 11-12 tuổi, tuy nhiên có thể tiêm từ 9 - 18 tuổi, khi chưa quan hệ tình dục.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa cho bé gái và phụ nữ trẻ là trước khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục, ở bất cứ lứa tuổi nào.
Lịch tiêm ngừa văcxin tứ giá Gardasil (ngừa nhiễm HPV type 6, 11, 16, 18) mỗi người là ba mũi, mũi thứ hai nhắc lại sau hai tháng, mũi thứ ba nhắc lại sau sáu tháng. Tuy nhiên, không tiêm ngừa trong thời gian mang thai.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Với những người “đã lỡ” qua thời kỳ lý tưởng để chích ngừa HPV, chẳng còn cách nào hơn là phải tầm soát để phát hiện bệnh. Mà cho dù có tiêm ngừa HPV rồi vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phương pháp PAP smear vì có nhiều nguyên nhân khác gây ung thư cổ tử cung ngoài nhiễm HPV. Nhưng, PAP smear là gì?
PAP smear là phương pháp thử nghiệm tế bào cổ tử cung. Cách thử nghiệm này rất đơn giản và không làm bệnh nhân đau. Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ dùng một que gỗ để lấy tế bào cổ tử cung, rồi gởi đi thử nghiệm để xem bệnh nhân có bị ung thư cổ tử cung hay không. Nhờ thử nghiệm này mà 90-95% trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm. Phần đông những người chết vì ung thư cổ tử cung là vì họ chưa bao giờ đi thử Pap. Nếu những người đó thử Pap theo định kỳ, có thể họ sẽ không bị chết vì bệnh này.
Tất cả phụ nữ đã quan hệ tình dục cần phải thử Pap và khám phụ khoa mỗi năm một lần. Một số trường hợp có thể đã bị ung thư cổ tử cung rồi nhưng không hay biết, vì trong giai đoạn đầu ung thư cổ tử cung không có triệu chứng gì cả. Vì vậy, chị em chúng ta nên khám phụ khoa định kỳ và thử Pap mỗi năm một lần mặc dầu không có triệu chứng gì cả. Điều cần nhớ là nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm thì gần như 100% trường hợp sẽ được chữa khỏi.
Để thử Pap, bạn nên chuẩn bị trước để bác sĩ thực hiện thử nghiệm vào lúc bạn không có kinh. Trước ngày thử Pap, bạn không nên quan hệ và đặt bất kỳ loại thuốc nào.
Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
- Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục
- Thực hiện tình dục an toàn
- Khám phụ khoa và xét nghiệm tế bào cổ tử cung định kỳ
- Tránh xa thuốc lá
- Tiêm phòng HPV
Bác sĩ La Hằng, Bác sĩ CK Sản - Phụ Khoa
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Tham khảo những bài viết liên quan:
1. Tôi Nên Làm Gì Để Phòng Ngừa Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung Và Các Bệnh Khác Do HPV Gây Ra?
3. Tôi Nên Làm Gì Để Bảo Vệ Con Gái Mình Không Bị Ung Thư Cổ Tử Cung Và Các Bệnh Khác Do HPV Gây Ra?
4. Quan Điểm Mới Về Chích Ngừa HPV
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com