Trẻ đi học lần đầu hay đau ốm, nên ngoài việc vượt qua tâm lý phải xa con, bạn còn cần chuẩn bị tinh thần để kiên trì cho con đi học. Đó cũng là cách giúp cơ thể bé tạo cơ chế miễn dịch, làm quen với môi trường bên ngoài.
Ai đã từng nuôi con cũng đều không quên được cảm giác đếm tháng đếm ngày, mong con lớn. Ngày con đi học lần đầu có thể xem là một cột mốc đánh dấu sự phát triển của bé, khi bé đã có thể rời xa cha mẹ, bước vào môi trường mới. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui con đi học, các ông bố bà mẹ cũng thường canh cánh nỗi lo con đau ốm, đặc biệt là những trẻ xưa nay ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Bệnh từ trường học
Bệnh ở trẻ khi đi học mẫu giáo thì rất nhiều. Nhẹ nhất là húng hắng ho, rồi hắt hơi, sổ mũi… do trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường công cộng bên ngoài với nhiều người qua lại, mang nhiều nguồn bệnh từ nhiều nơi đến. Trẻ tập trung lại trong một lớp học cũng dễ lây chéo bệnh, và vì thế, đôi khi trường học trở thành nơi khởi phát một dịch bệnh, nguy cơ trẻ bị lây nhiễm rất cao. Một trẻ bệnh mà không cách ly, đa phần trẻ khác sẽ bệnh theo.
Các bệnh thường lây lan nhất là nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm siêu vi, như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm họng, viêm kết mạc… Ngoài ra còn có một số bệnh đường ruột như tiêu chảy cấp, cùng một số bệnh truyền nhiễm khác như trái rạ, quai bị, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết… cũng như các bệnh về da và mắt…
Đó là chưa kể trẻ có sự thay đổi trong cuộc sống nên tâm lý trẻ cũng thay đổi, có bé khàn giọng, thậm chí viêm họng chỉ do… gào khóc quá nhiều.
Gặp lúc thời tiết giao mùa nắng mưa thất thường, hoặc vào mùa đông ở khu vực miền Bắc, trẻ đi học cũng khó có điều kiện ủ ấm được kỹ lưỡng như ở nhà nên cũng dễ nhiễm lạnh, viêm hô hấp trên, thậm chí để lâu sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi…
Một điểm đáng lưu ý là trẻ đi học cũng có nhiều khả năng bị táo bón hoặc/và nhiễm trùng tiểu, đặc biệt là các em gái. Đó là do trẻ chưa quen cô, quen bạn, chưa quen với môi trường mới nên ngại đi vệ sinh, ít uống nước. Lớp đông trẻ nên cô cũng không thể chăm sóc từng bé như ở nhà. Uống nước ít, nín tiểu, lại chưa tự vệ sinh cá nhân được kỹ lưỡng nên bé cũng dễ bệnh.
Cơ thể cũng phải… học
Hầu hết các bà mẹ đều than thở, con mới đi học được chừng một tuần là về thấy đủ thứ bệnh. Các mẹ xót con quá lại cho ở nhà ít bữa cho hết bệnh. Sau đó, bé đi học lại, lại tiếp tục bệnh, lại ở nhà…, cứ thế lặp đi lặp lại tạo nên một vòng tròn lẩn quẩn không dứt. Thậm chí có bé còn được cho nghỉ học luôn, bởi “học mẫu giáo mà quan trọng gì!”.
Thực ra, học mẫu giáo theo đúng giáo trình bài bản rất quan trọng. Các cô giáo đã được đào tạo để dạy bé các kỹ năng sống, các hoạt động thể chất, tinh thần… Và hơn nữa, không chỉ bé cần học mà chính cơ thể bé cũng phải… học. Khi tiếp xúc với môi trường, cơ thể bé sẽ “học” nhận diện các loại vi sinh vật khác nhau và tạo ra những kháng thể để chống lại chúng. Đó là cách cơ thể bé tự “chích ngừa”, tăng sức đề kháng cho mình.
Thế nên, ngoài việc vượt qua tâm lý phải xa con, các mẹ còn phải chuẩn bị tinh thần khi con ốm, cần kiên định với việc cho con đi học, không cho con nghỉ khi bé chỉ mới cảm xoàng, bé sẽ không cảm nhận được việc đi học là nghiêm túc. Thay vào đó, trước khi bé bắt đầu chính thức đi học, bạn nên tăng cường sức đề kháng cho bé với trái cây và rau xanh, chuẩn bị một thành trì vững vàng cho cơ thể bé “chiến đấu” với môi trường mới. Nên cho bé chích ngừa đầy đủ để cơ thể tạo cơ chế miễn dịch, tránh được tối đa các bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, cũng nên dạy bé cách tự vệ sinh cá nhân và tạo cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể, biết rửa tay trước khi ăn cũng như sau khi đi vệ sinh. Nhấn mạnh với con tầm quan trọng của việc uống nước để bé biết tự xin nước uống khi ở trong lớp. Nếu trường có giờ tập thể dục chung, bạn nên khuyến khích bé tham gia. Đây cũng là cách giúp bé nâng cao sự dẻo dai của cơ thể, lưu thông hô hấp và tuần hoàn, cũng như tạo nên thói quen tốt cho bé về sau này.
Khi bé bị bệnh, nếu chỉ cảm ho húng hắng thông thường, mẹ chỉ nên chăm sóc bé kỹ hơn hoặc xin phép cho bé đi khám bệnh nhanh rồi quay lại trường học, không nghỉ học quá nhiều tạo thói quen xấu cho bé. Sau khi khám bệnh, tuân thủ theo hướng dẫn và thuốc bác sĩ chỉ định, gởi thuốc lại cho cô và nhờ cô chú ý chăm sóc bé, gọi điện thoại cho cha mẹ ngay nếu có triệu chứng gì bất thường.
Nếu bé bị bệnh nghiêm trọng hơn hoặc sốt cao, nên giữ bé ở nhà để tự chăm sóc được kỹ lưỡng hơn. Ngoài ra, khi bé được chẩn đoán mắc các bệnh có tính lây lan như cúm, sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu, tay chân miệng…, nên cách ly bé ở nhà và thông báo cho trường học biết để có biện pháp phù hợp như cách ly lớp - nhóm học của bé hoặc vệ sinh môi trường, khử khuẩn…
Khi con lớn, con bắt buộc phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài, và trường học là bước đi đầu tiên của con. Vì bạn không thể nuôi con trong một ống nghiệm vô trùng nên cách tốt nhất là chuẩn bị cho con một tâm lý và thể chất thật vững vàng để tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bắt đầu từ việc đi học.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hồng Thê
Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Tham khảo những bài viết liên quan:
6. Cách Nhận Biết Và Phòng Bệnh Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ Em
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com