Nhồi máu cơ tim: Căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng

GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 92 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE SINH VIÊN2
Đặt lịch hẹn khám

Nhồi máu cơ tim: Căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng

    Bệnh nhồi máu cơ tim là một tình trạng nguy hiểm và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Cảnh giác trước những triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim để kịp thời phòng tránh và điều trị hiệu quả.

    Nhồi máu cơ tim là gì?

    Nhồi máu cơ tim là hiện tượng xảy ra khi một hoặc cả hai nhánh mạch máu chính của tim bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần. Tim là cơ quan quan trọng trong việc bơm máu để cung cấp dưỡng chất và oxy cho cơ thể. Động mạch vành phải và động mạch vành trái là hai mạch máu chính cung cấp máu cho tim.

    Nhồi máu cơ tim là gì?

    Nhồi máu cơ tim là gì?
     

    Khi xảy ra tắc nghẽn trong một hoặc cả hai nhánh mạch máu này, một phần hoặc toàn bộ vùng cơ tim không nhận được đủ máu. Điều này dẫn đến tổn thương và chết một phần của cơ tim. Khi một vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, chức năng bơm máu của tim bị ảnh hưởng và không hoạt động hiệu quả như trước. Tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như suy tim, sốc tim và thậm chí đột tử do tim.

    Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp?

    Nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim thường là do xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích tụ dần của mảng xơ vữa trên thành mạch máu, bao gồm cholesterol, canxi và mảnh vỡ tế bào.
    Quá trình hình thành và phát triển mảng xơ vữa thường bắt đầu từ độ tuổi 30 và diễn ra trong một khoảng thời gian từ vài năm đến vài chục năm.
    Những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu và đái tháo đường có khả năng cao và dễ gây tổn thương mạch máu theo thời gian. Những rối loạn này làm cho thành mạch máu dễ bị các phân tử cholesterol lắng đọng và bám vào.
    Khi mảng xơ vữa bám vào thành mạch, nó có thể gây viêm và tạo ra các vết nứt và bong tróc. Điều này dẫn đến hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu, làm tắc nghẽn chảy máu. Khi mạch máu bị tắc nghẽn, vùng cơ tim nằm phía sau không nhận được đủ máu, gây tổn thương và chết vùng cơ tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim.

    Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp

    Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra một cách đột ngột, tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể có các dấu hiệu cảnh báo trước đó trong thời gian từ vài giờ đến hàng ngày, hàng tuần. Bạn nên cảnh báo các dấu hiệu sau đây:

    Nhồi máu cơ tim gây ra những cơn đau thắt ngực

    Nhồi máu cơ tim gây ra những cơn đau thắt ngực


    •    Cơn đau thắt ngực: Thường xảy ra trong trường hợp của hội chứng động mạch vành cấp. Đau thắt ngực có thể được mô tả là cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong vùng ngực, sau xương ức hoặc phía trái ngực. Đau thường có mức độ nặng, xảy ra khi người bệnh đang nghỉ ngơi và kéo dài hơn 15 phút. Có thể cảm nhận đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, ra mồ hôi, cảm giác hoảng sợ hoặc ngất xỉu. Đau không giảm sau khi sử dụng thuốc nitrate.
    •    Triệu chứng tương đương: Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không gặp đau ngực, nhưng có thể có các triệu chứng tương đương như khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc huyết áp giảm xuống dưới mức 90/60 mmHg.
    Cần lưu ý rằng không phải tất cả mọi người đều có cùng các triệu chứng. Một số người có thể gặp đau nhẹ, trong khi người khác có đau nặng. Một số trường hợp khác có thể xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.

    Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp

    Nhồi máu cơ tim có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe do cơ tim bị tổn thương. Các biến chứng thường gặp như:

    1. Nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp

    Tổn thương do nhồi máu cơ tim gây ra có thể ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu diện di trong tim, gây ra nhiều thay đổi về nhịp tim của người bệnh. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra nguy hiểm đến tính mạng, gọi là đột tử.

    2. Sốc tim

    Đây là một tình trạng hiếm gặp khi tim bất ngờ không thể bơm máu đủ, thường xảy ra khi tổn thương cơ tim chiếm hơn 40% thể tích tim.

    3. Suy tim

    Tổn thương mô cơ tim nặng có thể làm cho tim không thể bơm máu đủ. Suy tim có thể xuất hiện dưới dạng tạm thời (suy tim cấp) hoặc kéo dài (suy tim mãn tính).

    4. Viêm màng ngoài tim

    Đôi khi nhồi máu cơ tim có thể gây ra một phản ứng miễn dịch lỗi trong cơ thể, gây viêm màng ngoài tim và gọi là hội chứng Dressler.

    5. Ngưng tim

    Đây là tình trạng tim đột ngột ngừng đập mà không có dấu hiệu báo trước. Sự thay đổi đột ngột trong hoạt động điện của tim có thể dẫn đến ngừng tim. Nhồi máu cơ tim cấp tăng nguy cơ và đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến tử vong (đột tử tim) nếu không được điều trị kịp thời.

    Nhồi máu cơ tim có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

    Nhồi máu cơ tim có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

    Ai có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp?

    Có những nhóm người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim cấp, bao gồm:
    •    Người cao tuổi, đặc biệt là nam giới trên 50 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.
    •    Người có các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn.
    •    Người có rối loạn mỡ máu di truyền.
    •    Những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
    •    Có tiền sử gia đình với nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não ở thành viên trực hệ (cha, mẹ, anh chị em ruột) xảy ra sớm trước 55 tuổi (đối với nam) hoặc trước 65 tuổi (đối với nữ).
    •    Người mắc các bệnh lý miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, vẩy nến, xơ cứng bì...
    •    Sử dụng các chất kích thích như cocaine, amphetamine có tác động làm co thắt động mạch vành.

    Chẩn đoán nhồi máu cơ tim

    Để xác định chẩn đoán nhồi máu cơ tim, các phương pháp chẩn đoán sau thường được sử dụng:
    •    Điện tâm đồ (ECG): Đây là xét nghiệm đầu tiên thường được thực hiện để chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Điện cực được đặt trên ngực, cánh tay và chân để ghi lại các tín hiệu điện từ tim. Kết quả được in ra trên giấy hoặc hiển thị trên màn hình. Điện tâm đồ có thể cho thấy sự tổn thương tim hiện tại hoặc tiền sử bệnh tim.
    •    Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể kiểm tra mức độ tăng các protein troponin trong máu. Những protein này được giải phóng khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim, và việc đo lượng troponin trong máu có thể giúp xác định mức độ tổn thương tim.
    •    Chụp X-quang ngực: X-quang lồng ngực được sử dụng để xem tình trạng và kích thước của tim và phổi, cũng như để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau ngực.
    •    Siêu âm tim: Siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh của tim. Qua đó, nó có thể xem cách máu di chuyển qua tim, kiểm tra chức năng van tim và đánh giá chức năng co bóp của tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem vùng tim có bị tổn thương hay không.
    •    Chụp mạch vành: Phương pháp này thực hiện bằng cách đưa một ống mỏng và dài (ống thông) vào một động mạch, thường là ở tay, và dẫn nó đến tim. Một chất cản quang được tiêm qua ống thông để làm nổi bật hình ảnh của các động mạch trong quá trình chụp mạch vành, giúp xem rõ hơn các động mạch vành.
    Các phương pháp chẩn đoán này giúp xác định chính xác nhồi máu cơ tim và đánh giá mức độ tổn thương tim, từ đó định hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

    Chuẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim

    Chuẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim

    Điều trị nhồi máu cơ tim cấp

    Điều trị tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn cấp cứu
    •    Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (streptokinase, rt-PA): Được sử dụng khi bệnh nhân đến bệnh viện sớm và không có phòng thông tim.
    •    Chụp mạch vành và đặt stent: Bác sĩ sử dụng một ống thông nhỏ, dài, mềm để đưa vào động mạch vành thông qua động mạch cánh tay hoặc đùi. Sau đó, stent được đặt vào vị trí động mạch vành bị tắc để mở rộng và khôi phục lưu thông máu bình thường.
    •    Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch máu từ một vị trí khác trong cơ thể và tạo một cầu nối phía trước và phía sau chỗ tắc trong động mạch vành. Điều này giúp máu vượt qua chỗ tắc bằng cách sử dụng cầu nối mới. Phẫu thuật bắc cầu thường được thực hiện khi tắc nghẽn mạch vành nặng và không thể đặt stent.
    Điều trị lâu dài sau nhồi máu cơ tim cấp
    •    Thay đổi lối sống: Bệnh nhân cần tuân thủ một lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu cần thiết, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu và nước ngọt, giảm tiêu thụ muối và thức ăn không lành mạnh, tăng cường ăn trái cây, rau, củ, quả và hạt, và tránh căng thẳng.
    •    Uống thuốc và tái khám định kỳ: Bệnh nhân cần tuân thủ liệu pháp thuốc được chỉ định bởi bác sĩ, bao gồm thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin 2, chẹn bêta, thuốc chống kết tập tiểu cầu (như aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel) và statin. Đối với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, việc sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu là cần thiết trong vòng 1 năm, sau đó duy trì ít nhất một loại thuốc này lâu dài. Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật bắc cầu hoặc đặt stent, việc sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài là cần thiết để ngăn ngừa hình thành huyết khối trong stent hoặc tái hẹp mạch vành.
    •    Điều trị các bệnh đi kèm: Bệnh nhân cần được điều trị tích cực nếu có các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh khác.
    Điều trị lâu dài và tuân thủ lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ tim và ngăn ngừa tái phát nhồi máu cơ tim và biến chứng sau này.

     

     

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

    (Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

    Tham khảo những bài viết liên quan: 

    1. Giải Đáp Thắc Mắc Về Bệnh Siêu Vi Viêm Gan B

    2. Các Loại Thực Phẩm Tốt Cho Gan

    3. Viêm Gan A Và Những Điều Cần Biết

    4. Tầm Soát Ung Thư Gan - Sống Khỏe Không Âu Lo

    5. Gan Nhiễm Mỡ Không Do Rượu Và Ung Thư Gan Nguyên Phát

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.com
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo