Tim khỏe để yêu

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự4 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin4 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI4 PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa4 DỊCH VỤ NỘI SOI AN TOÀN KHÔNG ĐAU TẠI PKĐKQT YERSIN4
Đặt lịch hẹn khám

Tim khỏe để yêu

    Trái tim là bộ phận kỳ lạ của cơ thể. Trong suốt cuộc đời, trái tim phải hoạt động không hề ngơi nghỉ. Mỗi ngày tim co bóp trên 100.000 lần, bơm gần 7.500 lít máu đi nuôi cơ thể. Sự sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào trái tim nhỏ bé.

    Những năm gần đây, các nước công nghiệp phát triển đã có những thành tựu đáng kể trong công tác phòng ngừa bệnh tim mạch. Tỷ lệ chết vì các bệnh tim mạch đã giảm 20-30% so với những năm 70 của thế kỷ trước. Ngược lại, ở Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của đô thị hóa, sự phát triển của khoa học và công nghệ... đặc điểm cuộc sống của người dân đã thay đổi khá nhiều: tĩnh tại, ít vận động, căng thẳng thần kinh - tâm lý và chế độ ăn uống thừa calo. Vì thế, số người bị thừa cân, béo phì, bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch…. tăng nhanh.

     

    Tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ chết do các bệnh này đang chiếm vị trí số một tại Việt Nam. Vì thế, để có thể sống khỏe mạnh thì chúng ta cần phải giữ gìn, bảo vệ trái tim. Làm thế nào để có một trái tim khỏe mạnh? Dưới đây là 8 lời khuyên cho bạn:

     

    1. Không hút thuốc lá

    Thuốc lá là “kẻ thù” hàng đầu của bệnh tim mạch. Khói thuốc là nguyên nhân khiến các chất béo bám lại trên thành các động mạch, gây nghẽn mạch và gây đột quỵ hay đau tim. Chất nicotin và khí CO trong khói thuốc làm tổn thương hệ thống tim mạch - làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim do làm co thắt mạch vành tim -  thúc đẩy sự phát triển xơ vữa động mạch và hình thành tắc nghẽn mạch máu.

     

    Nếu mỗi ngày bạn “đốt” từ 25 điếu thuốc lá trở lên thì nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao gấp 15 lần so với những người bình thường khác. Hút thuốc làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim 1,5-6,5 lần, tỷ lệ bệnh mạch vành ở người hút thuốc cao hơn 2-3 lần so với những người không hút thuốc

     

    Thuốc lá là "kẻ thù" hàng đầu của tim mạch

     

    2. Thường xuyên tập thể dục

    Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng vì nó giúp ngăn chặn bệnh tim mạch. Một bài tập nhỏ cũng có thể giúp chúng ta duy trì một trái tim khỏe. Bạn có thể chơi tennis, cầu lông, chạy bộ, bơi lội hoặc đi bộ...

     

    Mỗi ngày, bạn nên luyện tập từ 30 đến 60 phút và mỗi tuần nên luyện tập tối thiểu 4 lần. Bạn cũng có thể tập luyện những môn thể dục dùng nhiều sức trong thời gian ngắn như chạy nước rút. Một cách đơn giản có thể giúp bạn kiểm tra tình trạng sức khỏe tim mạch hiện tại của mình là sau những bài tập dùng nhiều sức, bạn hãy để ý bạn phải cần bao nhiêu thời gian để nhịp tim của mình ổn định trở lại? Nếu thời gian đó càng ngắn thì sức khỏe tim mạch của bạn càng tốt. Bạn càng tập luyện chăm chỉ thì khả năng phục hồi nhịp tim sau khi tập càng được cải thiện.

     

    Tập luyện thường xuyên giúp bạn “sở hữu” một trái tim khoẻ mạnh, giúp tăng hàm lượng cholesterol HDL có ích cho cơ thể, điều hoà huyết áp, tiêu hao năng lượng dư thừa và đem lại cho bạn cảm giác sảng khoái. Các công trình nghiên cứu cho thấy, trái tim của những người 60 tuổi tập luyện thường xuyên hoạt động như trái tim của người 40 tuổi mà không tập luyện gì.

     

    Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

    3. Chế độ ăn uống hợp lý

    Một chế độ ăn uống mạnh khỏe không chỉ giúp bảo vệ trái tim chúng ta mà còn làm giảm lượng cholesterol xấu và điều chỉnh huyết áp. Bạn nên ăn nhiều rau quả và trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể, ăn nhiều cá, uống nước hoa quả. Bạn nên tự chuẩn bị các bữa ăn trong gia đình, điều này cho phép bạn kiểm soát được bữa ăn của mình và có thế đảm bảo những thứ mình ăn đều là những thứ ngon nhất, hợp vệ sinh nhất.

     

    Bạn cần hạn chế chất béo vì việc dư thừa cholesterol có hại sẽ dẫn đến xơ vữa động mạch. Cố gắng giữ cholesterol dưới mức 200mg%. Không ăn thịt mỡ, cần nhớ rằng trong thịt nạc thăn đã chứa tới 10-15% mỡ; ăn không quá 3-4 quả trứng/tuần, ăn cách ngày, vì trong trứng có chứa nhiều cholesterol; giảm ăn phô-mai vì phô-mai làm tăng hàm lượng chất béo bão hòa trong máu. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý một số loại chất béo có lợi cho cơ thể như chất béo omega-3 từ các loại cá giúp làm giảm lượng cholesterol xấu cho cơ thể.

     

    4. Hạn chế các thức uống có cồn và cafein

    Để bảo vệ trái tim, bạn cũng nên hạn chế việc uống các thức uống có cồn và cafein đến mức tối thiểu. Cũng như khói thuốc, rượu và các thức uống có cafein có thể gây hại hệ thống mạch máu của bạn, dần dần sẽ gây ra các cơn đột quỵ hay đau tim.

    Uống rượu cũng gia tăng nguy cơ cao huyết áp. Tuy nhiên, nếu uống rượu đúng cách sẽ có tác dụng tốt vì sẽ làm tăng lượng HDL, một loại cholesterol tốt bảo vệ trái tim chúng ta. Nữ chỉ nên uống 1 ly nhỏ/ngày, riêng với nam giới thì có thể uống 2 ly nhỏ/ngày.

    Nên hạn chế rượu và cà phê

    5. Giữ cân nặng ổn định

    Để có một trái tim mạnh khỏe, bạn nên duy trì một trọng lượng ổn định. Một người béo phì thường có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì thế, nếu bạn dư cân, hãy cố gắng giảm bớt để tránh các vấn đề về tim mạch trong tương lai. Theo các chuyên gia, chỉ số cân nặng chuẩn tính theo BMI nên từ 18,5 đến 24,5kg/m2

     

    6. Kiểm tra huyết áp thường xuyên

    Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp phát hiện sớm những thay đổi về huyết áp của bạn để điều trị kịp thời, nhất là khi bạn bước sang độ tuổi 40.

     

    7. Giữ tinh thần sảng khoái

    Stress cũng chính là “thủ phạm” gây nên các bệnh về tim. Hãy giữ cho tinh thần của bạn luôn sảng khoái, tránh những lo âu và căng thẳng không cần thiết. Hãy luôn tươi cười, ngủ đủ giờ, hít thở sâu và lắng nghe những giai điệu chậm rãi.

     

    8. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

    Dù bạn là một người hoàn toàn khỏe mạnh, bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời điều chỉnh những thay đổi bất lợi cho sức khỏe của bạn. Ngoài 40 tuổi, bạn cần kiểm tra huyết áp, đo điện tim, làm các xét nghiệm: cholesterol máu (cholesterol toàn phần, HDL, LDL), đường máu… mỗi năm một lần.

    Bài: Bác sĩ CKI Vũ Minh Đức

    Tham khảo những bài viết liên quan: 

    1. Bệnh Tim Mạch Là Gì?

    2. 12 Dấu Hiệu Nghi Ngờ Của Bệnh Tim Mạch.

    3. Khám Tim Mạch Ở Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin Bao Gồm Những Xét Nghiệm Nào

    4. Đột Tử Do Bệnh Tim

    5. Bạn Biết Gì Về Bệnh Tim?

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com

     


     

    Zalo