Viêm gan siêu vi - Phần 2

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự2 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI2 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin2
Đặt lịch hẹn khám

Viêm gan siêu vi - Phần 2

    Xét nghiệm tầm soát rất quan trọng đối với những người có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt với người nghiện dùng thuốc tiêm và người có nhiều bạn tình. Những người dân gốc Á cũng nên đi làm xét nghiệm. Trung tâm Gan Châu Á của Đại học Standford ước tính 1/10 người gốc Á sống ở Mỹ đang bị viêm gan B mãn tính. Phần đông có lẽ bị nhiễm ngay từ lúc mới sinh.


    Ngoài ra, Bộ phận Y Tế Dự Phòng Hoa Kỳ đề nghị các phòng khám nên chú ý kiểm tra viêm gan C cho những người sinh trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1965.


    Nếu xét nghiệm dương tính ?

     


    Nếu kết quả xét nghiệm bạn bị nhiễm viêm gan siêu vi, bạn có thể thực hiện những bước sau để bảo vệ người thân của mình.

    • Đối với viêm gan A: Nhớ rửa tay thường xuyên.
    • Đối với viêm gan B và C: Không dùng chung đồ cắt móng tay, dao cạo hoặc bàn chải đánh răng. Viêm gan B, C có thể lây qua quan hệ tình dục.
    • Hãy đảm bảo mọi người trong nhà đều được tiêm ngừa viêm gan B.
    • Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn, điều trị.

     

    Điều trị:
    1. Viêm gan A

     

    Viêm gan A hầu như sẽ tự khỏi và không cần uống thuốc điều trị. Nếu bạn bị khó chịu do buồn nôn, thay vì ăn 3 bữa chính, hãy chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày. Uống nước, nước ép hay nước uống bổ sung khoáng để tránh mất nước. Tránh tập thể dục quá sức cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.


    2. Viêm gan B mạn tính

     

     

    Mục tiêu của điều trị viêm gan B mạn tính là kiểm soát nồng độ virus để tế bào gan không bị phá hủy. Việc điều trị thường sẽ bắt đầu bằng việc theo dõi định kỳ tình trạng gan. Có thể dùng thuốc kháng virus trong điều trị nhưng phải đúng thời điểm. Bạn nên tư vấn kỹ với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của các loại thuốc đặc trị này.


    3. Viêm gan C mạn tính

     


    Loại thuốc mới nhất được dùng để điều trị viêm gan C là Harvoni. Thuốc dạng viên, là kết hợp của Sovaldi và Ledipasvir, uống 1 viên mỗi ngày. Hầu hết bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi trong vòng 8 đến 12 tuần dùng thuốc. Một phác đồ điều trị khác là kết hợp dùng Sovaldi, Olysio, interferon và/hoặc ribavirin. Do thuốc đặc trị viêm gan C rất đắt, bạn nên tư vấn với bác sĩ để lựa chọn  thuốc phù hợp với bạn và mức phí bảo hiểm chi trả.


    Theo dõi bệnh viêm gan mạn tính

    Để kiểm soát bệnh viêm B, C mạn tính, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm máu thường xuyên để đánh giá gan của bạn có hoạt động tốt hay không. Siêu âm và chụp CT có thể phát hiện dấu hiệu tổn thương gan. Nếu virus không gây tổn hại gan, bạn không cần điều trị. Quan trọng là bạn phải kiểm tra thường xuyên để theo dõi những thay đổi. Đáp ứng điều trị tốt nhất nếu các biến chứng được phát hiện sớm.


    Biến chứng

    1. Xơ gan

     

    Một trong những biến chứng thường gặp của viêm gan mạn tính là xơ gan. Người ta có thể phát hiện xơ hóa ở gan bằng phương pháp sinh thiết. Xơ gan làm gan mất chức năng hoạt động, dẫn đến suy gan, đe dọa mạng sống người bệnh. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, sụt cân, sưng phù ở vùng bụng và ở chân. Tình trạng nặng, bệnh nhân có thể bị vàng da và lơ mơ.


    2. Ung thư gan


    Viêm gan do virus là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Do đó, những người bị viêm gan B và C mạn tính cần được theo dõi cho dù họ cảm thấy khỏe mạnh. Xét nghiệm máu có thể phát hiện những protein mà chỉ khi bị ung thư gan mới có. Siêu âm, chụp CT và chụp MRI phát hiện những tổn thương bất thường ở gan. Bác sĩ sẽ lấy mẫu sinh thiết để xác định vị trí này có ung thư không. Các khối u nếu được phát hiện sớm có thể phẫu thuật cắt bỏ, nhưng hầu hết các ca ung thư gan đều khó điều trị.


    Ghép gan


    Gan là một bộ phận quan trọng hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, giải độc, và sản xuất nhiều protein cần thiết cho cơ thể. Nếu một phần lớn của gan bị tổn hại đến mức không cứu chữa được, gan sẽ không còn thực hiện được các chức năng quan trọng kể trên. Con người không thể sống với một lá gan không hoạt động. Trong trường hợp này, ghép gan là hi vọng tốt nhất. Giải pháp này giúp bệnh nhân có được một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.


    Vaccine viêm gan A và viêm gan B

     

     

    Hiện có vaccine phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B. Cục Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) khuyến cáo dùng vaccine viêm gan A cho tất cả trẻ em từ 12 đến 23 tháng tuổi, cho người lớn có ý định đi du lịch hay làm việc ở khu vực có dịch viêm gan A và  những người có yếu tố nguy cơ khác. Người bị viêm gan B hoặc C mạn tính cũng nên tiêm phòng viêm gan A nếu như họ chưa có miễn dịch. Tất cả trẻ mới sinh và người lớn (nếu có nguy cơ mắc bệnh) đều được tiêm vaccine viêm gan B. Hiện chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan C.

     

    Bảo vệ gan
    Nếu bị viêm gan mạn tính, muốn giúp gan mau hồi phục bạn nên tuân thủ một số bước.

    • Tránh rượu bia, những chất này làm có thể làm gan tổn thương lần nữa.
    • Hãy tư vấn bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào hay thực phẩm chức năng vì một số thuốc có thể tổn thương gan hoặc không an toàn cho những người bị bệnh gan.
    • Quan trọng nhất, bạn nên theo dõi sức khỏe thường xuyên. Quan sát những thay đổi của gan để can thiệp sớm, hạn chế diễn tiến phức tạp.

     

    Biên dịch từ nguồn WebMD

    Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

    Xem thêm những bài viết liên quan:

    1. Viêm Gan Siêu Vi - Phần 1

    2. Viêm Gan Siêu Vi B Mạn Tính - Những Lo Lắng Và Thắc Mắc Thường Gặp

    3. Viêm Gan Siêu Vi

    4. Phòng Ngừa Lây Nhiễm Viêm Gan Siêu Vi B

    5. Đột Phá Mới Trong Điều Trị Viêm Gan Siêu Vi C
     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688                  Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo