Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự báo sự thay đổi về mô hình bệnh tật trong thế 21, các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người, chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong, nhóm bệnh nhiễm trùng sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu chỉ chiếm 16% nguyên nhân gây tử vong. Theo ước tính của TCYTTG hàng năm trên thế giới có khoảng 11 triệu người mắc bệnh ung thư và 6 triệu người chết do ung thư. Dự báo vào năm 2015 mỗi năm thế giới sẽ có 15 triệu người mới mắc bệnh ung thư và 9 triệu người chết do ung thư, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Các số liệu thống kê của ngành Y tế Việt Nam đã xác nhận xu hướng gia tăng này trong những năm gần đây. Tỉ lệ mới mắc chung của ung thư ở nam giới VN ước tính năm 2010 là 181,3/100.000, cao hơn nhiều so với năm 2000 là 146,6/100.000. Ở nữ giới, tỉ lệ này gia tăng nhanh không kém khi ước tính năm 2010 là 134,9/100.000, trong khi năm 2000 là 101,6/100.000. Tính trung bình qua số liệu thống kê qua ghi nhận ung thư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư, con số này có xu hướng ngày càng tăng.
Chương trình phòng chống ung thư của nước ta trong khoảng 2006-2020 đưa ra một số mục tiêu chính yếu, trong đó có giảm tỷ lệ tử vong của những ung thư hàng đầu hiện nay: vú, cổ tử cung, hầu họng, trực tràng và da. Các yêu cầu bao gồm tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong các nhóm ung thư kể trên, ung thư vú có thể phát hiện sớm nhờ khám vú và chụp nhũ ảnh định kỳ mỗi năm. Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm cũng nhờ khám phụ khoa định kỳ và làm PAP mỗi năm. Đáng tiếc, các ung thư đại trực tràng hiện vẫn còn nằm trong vùng tối vì việc khám đại trực tràng hay nội soi định kỳ đang bị bỏ qua, cả do bệnh nhân lẫn do thầy thuốc. Phần lớn các ung thư đại trực tràng hiện nay chỉ được phát hiện ở giai đoạn trễ với việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật kèm với xạ hay hóa trị, khó khăn, tốn kém nhưng hiệu quả không cao và kèm nhiều di chứng. Đây thật sự là một điều đáng tiếc vì ung thư đại trực tràng vốn là một bệnh có thể phòng ngừa, có thể phát hiện sớm và điều trị khỏi hẳn với chi phí rất thấp: chỉ cần thực hiện nội soi đại tràng định kỳ mỗi 3-5 năm. Vấn đề nằm ở chỗ người bệnh hoặc bác sĩ vẫn còn sợ và e ngại với thủ thuật này. Vì sao và cần làm gì để thay đổi các định kiến?
Bi ơi, đừng sợ đau
“Bỗng nghe tiếng thét vang trời,
Hỏi ra mới biết rằng …soi đại tràng”
Đau, có thể nói là e ngại lớn nhất của bệnh nhân khi nghĩ về soi đại tràng. Hai câu thơ trên là “hậu quả” của một bác sĩ soi khi nhớ về những năm đầu trong nghề. Thật vậy, nội soi đại tràng bắt đầu phát triển lại ở nước ta vào những năm 80. Lúc đó, việc đưa một cái ống dài loằng ngoằng vào hết ruột già là cả một kỳ công mà bác sĩ thường thở phào sau mỗi ca thành công. Cuộc soi thường gồm một người quan sát, một người đẩy ống. Việc đẩy, đẩy, đẩy … khi gặp khó khăn ở các đoạn đại tràng gập góc làm cho bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội. “ Đau còn hơn đau đẻ”, một bệnh nhân đã cho biết cảm tưởng của mình như thế. Chưa hết, các ca soi khó khăn khiến cho bác sĩ phải bơm thật nhiều không khí vào ruột để cố gắng tìm đường đi. Các chỗ gập góc có tác động như van ruột xe làm cho không khí chỉ vào mà không ra được. Vì thế, nhiều bệnh nhân ra khỏi phòng soi với bụng to như cái trống và cảm giác ậm ách khó chịu, nhiều khi kéo dài cả ngày sau đó. Không trách được nếu như sau đó có bệnh nhân thề là thà chết cũng được chứ không quay lại phòng soi.
Nội soi không đau
Sự thay đổi lần thứ nhất xảy ra khá sớm và liên quan đến kỹ thuật soi. Sau một thời gian làm quen với máy soi, các bác sĩ Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với kỹ thuật soi mới “không đau”. Thay vì dùng phương pháp cổ điển (đẩy, đẩy nữa, tiếp tục đẩy vào …), kỹ thuật mới dựa trên việc kéo máy ra và nắn máy thẳng để vượt qua các chỗ gập góc nhanh chóng, không gây đau và không cần bơm hơi nhiều. Thời gian soi nhanh và bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi ê ẩm mà không đau nhiều như trước. Ngày nay, hầu như tất cả các bác sĩ soi đều dùng kỹ thuật kéo và nắn máy, thời gian soi nhanh hơn và không còn cảnh “đau như đau đẻ“ nữa.
Nội soi hoàn toàn không đau
Tuy vậy, nhiều bệnh nhân vẫn cảm thấy khó chịu khi có vật lạ đang “ngọ ngoạy” trong người và các bác sĩ vẫn không thể đảm bảo 100% không đau vì vẫn có những khó khăn không dự đoán trước được. Một quy trình soi hoàn toàn không đau được áp dụng với sự hỗ trợ của các thuốc an thần nhẹ . Nhờ đó, bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy gì trong toàn bộ cuộc soi mà chỉ như một giấc ngủ ngắn. Tuy vậy, do có bơm hơi, một số bệnh nhân vẫn có cảm giác đầy bụng, khó chịu sau khi soi.
Nội soi thật sự không đau
Một số phòng khám chuyên về soi đại tràng đã sử dụng máy bơm khi CO2 thay vì khí trời trong nội soi đại tràng. Khí CO2 có đặc điểm khuếch tán nhanh nên hoàn toàn không gây cảm giác đầy bụng khó chịu sau soi. Bệnh nhân không chỉ không cảm thấy gì trong khi soi mà hoàn toàn không thấy gì khác lạ trong người sau khi soi.
Tại thời điểm này, các bác sĩ có thể mạnh dạn cam kết với bệnh nhân về sự e ngại đau trong khi nội soi.
Bi ơi, đừng sợ hôi
“Bên kia em soi đại tràng
Hương đồng gió nội … bay sang bên này”
Cách đây 20 năm, soi đại trực tràng là một cực hình không chỉ với bệnh nhân mà cả với các bác sĩ và y tá. Không nói về chuyện đau, người bệnh còn rất ái ngại vì sự dơ bẩn và hôi hám của thủ thuật. Việc chuẩn bị thời đó được thực hiện chủ yếu bằng việc “thụt –tháo” và được y tá thực hiện. Bệnh nhân được đưa một ống vào hậu môn, qua đó y tá sẽ “thụt” vào khoảng 1000 ml nước ấm. Nhiệt độ ấm và sự căng trực tràng sẽ làm bệnh nhân bị kích thích và muốn “tháo”. Việc này được lập lại nhiều lần cho tới khi sạch phân, thường khoảng 3 lần . Khá nhiều bệnh nhân không kiểm soát được và làm tung tóe khắp nơi. Khá nhiều bệnh nhân yếu đến mức không thể ngồi dậy để làm phần việc của mình. Cũng có khá nhiều y tá nản lòng trước sự không hợp tác của bệnh nhân và để lại cả một kho vàng cho bác sĩ nội soi phải chịu đựng. Hậu quả tất yếu là cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cảm thấy áy náy nhưng không thể làm gì khác hơn. Phòng soi lúc nào cũng bốc mùi khó chịu và không ít lần bác sĩ hay kỹ thuật viên gặp nạn vì các vật lạ không mong muốn. Những bệnh nhân đã trải qua cuộc soi theo cách này không bao giờ muốn lập lại lần nữa. Các bác sĩ khi nhớ về một thời ”đi đào vàng” cũng mếu cả miệng và chỉ biết cười trừ.
Hiện nay, việc chuẩn bị cho nội soi tuy có chút phức tạp nhưng đã trở nên “văn minh” và sạch sẽ rất nhiều. Việc chuẩn bị dựa trên các chế độ ăn nhẹ để hạn chế lượng phân và các dung dịch uống để rửa ruột. Tuy lượng dịch uống khá nhiều nhưng hầu hết các bệnh nhân đều thực hiện được khá dễ dàng và việc làm sạch ruột diễn ra một cách nhẹ nhàng cho đến khi lòng ruột hoàn toàn sạch và chẳng còn mùi gì cả. Chỉ đến lúc này, người bệnh mới cảm thấy soi đại tràng cũng chỉ là một loại xét nghiệm như các xét nghiệm thường quy khác và không cảm thấy bối rối hay khó xử trong quá trình chuẩn bị.
Bi ơi, đừng sợ quê
“Đường đường một đấng anh hào
Hiên ngang mặc váy đi vào … phòng soi”
Một trong những điều bệnh nhân e ngại khi đi làm nội soi đại tràng là sự thiếu vắng yếu tố “riêng tư”. Có nhiều chi tiết làm bệnh nhân cảm thấy xấu hổ tuy không nói ra. Đó có thể là những chiếc váy dùng chung cho nam nữ với phần dưới trống hoắc nhằm tạo thuận lợi cho bác sĩ soi. Có thể đó sự thiếu thốn số phòng vệ sinh khiến bệnh nhân phải ôm quần chạy vòng quanh. Có thể đó là những “âm thanh không mong muốn” không ngừng phát ra sau khi soi chỉ vì bác sĩ bơm qua nhiều hơi, mà họ không thể kiểm soát được. Cũng có thể là do bố trí các phòng soi, nơi nhiều nhân viên thường xuyên qua lại mà không để ý đến bệnh nhân vẫn đang phơi bày vòng ba. Thậm chí, một số phòng soi không có cả nơi thay đồ dành riêng cho bệnh nhân và bệnh nhân buộc phải làm điều đó trong một không gian công cộng…
Có rất nhiều điều như thế xảy ra trong một nền y tế “lấy nhân viên y tế làm trung tâm” và ít quan tâm đến những suy nghĩ và cảm thụ của người bệnh. Không lạ gì nếu như các bệnh nhân nữ đặc biệt phản cảm với thủ thuật soi đại tràng và tránh nghĩ đến nó nếu có thể được. Thật may là chúng ta đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây. Với định hướng “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, đã có rất nhiều thay đổi trong cách tiếp cận với thủ thuật và bệnh nhân cần nội soi đại tràng. Những thay đổi có thể nhắc đến như thay đổi thiết kế quần áo bệnh nhân mặc (chỉ cần 1 lổ thật nhỏ vừa đủ đặt máy soi), thiết kế các phòng soi (hệ thống thông khí, số lượng các phòng vệ sinh), cũng như tạo ra các không gian riêng tư để thay đồ, hồi phục v.v… Tất cả những thay đổi đó nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy nội soi cũng chỉ là một xét nghiệm “thông thường” như đi thử máu, thử nước tiểu mà không phải là một cái gì đó “thật đáng ghét!”.
Bi ơi, đừng sợ dơ
Bệnh nhân có thể sợ soi đại tràng vì cảm thấy nó dơ, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. “Dơ” có thể xảy ra ngay từ lúc chuẩn bị (bằng thụt tháo) hay cho đến lúc soi (từ ngữ chuyên môn gọi là đại tràng chưa sạch hay chuẩn bị chưa tốt!). Một số bệnh nhân có ý thức thì quan ngại về vấn đề “dơ” trong quá trình xử lý, khử khuẩn máy soi. Việc thiếu thốn máy soi là khá phổ biến trong khi công tác xử lý máy soi thường là sau màn nên bệnh nhân ít khi có cơ hội làm rõ về độ an toàn của thiết bị sắp được sử dụng trên cơ thể của mình. Trong bối cảnh không chắc chắn về sự an toàn của thủ thuật, sự chọn lựa “thông minh” của nhiều người là tránh đi việc thực hiện thủ thuật đó. Chỉ là, nếu không may, cuộc soi đó vốn là cơ hội để phát hiện sớm một khối ung thư đang phát triển âm thầm bên trong.
Ngày nay, sự minh bạch đang trở thành một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của dịch vụ y tế. Các phòng khám có quyền và có trách nhiệm cung cấp thông tin cho bệnh nhân về quy trình xử lý thiết bị của mình khi có yêu cầu. Việc sử dụng các thiết bị rửa tự động giúp tiêu chuẩn hóa quy trình xử lý và đảm bảo độ an toàn cho bệnh nhân về vấn đề chống lây nhiễm. Do đó, đừng ngần ngại đưa ra những câu hỏi về quy trình xử lý máy soi và độ “sạch” của thiết bị trước khi đồng ý thực hiện cuộc soi. Đừng vì sợ máy “dơ” mà bỏ qua thời gian vàng để phát hiện và điều trị sớm một khối ung thư đại tràng.
Bi ơi, đừng sợ hao
“Đi soi thì được bảo hành
Lại còn khuyến mại, nhanh nhanh đi nào!”
Bệnh nhân ở ta thường than phiền về chi phí y tế quá cao và ngày càng cao mà không biết là chi phí y tế ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới, kể cả về con số thật lẫn chi phí bình quân so với thu nhập. Chi phí nâng cấp điện thoại hàng năm không làm người tiêu dùng ngần ngại nhưng chỉ định soi đại tràng định kỳ mỗi 5 năm lại thường xuyên bị chê là quá đắt. Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta vui vẻ chấp nhận mua xe hơi, xe máy, máy tính, điện thoại với giá bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của thế giới nhưng lại không đồng ý với các chi phí y tế dù nó thấp hơn mặt bằng chung từ 5 đến 10 lần. Lấy ví dụ, một cuộc soi đại tràng ở Mỹ có chi phí trung bình là 3000 usd. Ngay cả với chi trả 80% của bảo hiểm y tế thì người dân vẫn phải trả phần của mình khoảng 600 usd (chi phí của Kaiser năm 2015 là 555 usd). Bởi vậy, khá nhiều việt kiều đến làm soi đại tràng trong nước vì ngay cả khi phải trả 100% chi phí, họ cũng chỉ tốn khoảng 150-250 usd ở các phòng khám tốt nhất. Ngược lại, người dân trong nước với túi tiền eo hẹp vẫn có thể được soi ở các phòng khám, bệnh viện với chi phí chỉ vài trăm ngàn. Chú ý là dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, thủ thuật được thực hiện VỚI CÙNG MỘT LOẠI THIẾT BỊ VÀ CÙNG NHỮNG LOẠI THUỐC CHUẨN BỊ. Nói chung, chi phí vài trăm ngàn hay một vài triệu thật ra là quá thấp so với chi phí cao gấp trăm lần nếu như bỏ qua căn bệnh và để nó diễn tiến đến giai đoạn trễ.
Hãy tin tưởng
Trong những năm đầu tiên, thủ thuật nội soi đại tràng bị phê phán rất nhiều vì “nguy hiểm, khó chịu và vô ích“. Tuy nhiên, sau khi người ta chứng minh được sự liên hệ giữa polyp và ung thư đại tràng, việc soi đại tràng định kỳ và thủ thuật cắt polyp nhanh chóng chứng minh được ích lợi của nó trong việc phòng ngừa ung thư. Đến nay, các hướng dẫn thực hành đều khẳng định chỉ định nội soi đại tràng định kỳ cho người trên 5o tuổi sau mỗi 5 -10 năm, có thể sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hay tiền sử polyp.
Nền y tế Việt Nam có những đặc thù riêng trong quá trình phát triển của nó. Một trong những hậu quả trong quá trình phát triển đó là sự dè dặt và phản cảm của người bệnh đối với thủ thuật nội soi nói chung và nội soi đại tràng nói riêng. Có nhiều lý do để biện hộ cho thái độ này nhưng tất cả những lý do đó hầu như đã bị loại trừ trong những năm gần đây. Vì thế, đừng ngại dơ hay sợ hôi, đừng sợ quê hay ngại tốn và trên hết, đừng sợ đau vì ngày nay, nội soi đại tràng là không đau. Hãy tin tưởng vào những lợi ích mà thủ thuật này có thể đem lại, hợp tác tốt với các bác sĩ và cuối cùng bạn có thể thở phào: hóa ra cũng không tệ lắm nhỉ!
TS.BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
1. Đã Đến Thời Nội Soi Dễ Chịu Chưa?
2. Nội Soi Với Bệnh Lý Đường Tiêu Hóa
3. Thông Tin Về Nội Soi Đại Tràng
4. Nội Soi Không Đau Và Những Phương Pháp Làm Tăng Hình Nổi
5. Hiệp Hội Tiêu Hóa Mỹ (AGA): Khuyến Cáo Mới Về An Toàn Của Máy Nội Soi
6. Nội Soi Dạ Dày Tiền Mê Và Những Điều Cần Lưu Ý
7. Tầm Quan Trọng Của Nội Soi Đại Tràng
8. Nội Soi Đại Tràng - Tiêu Chuẩn Vàng Trong Tầm Soát Ung Thư
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com