Hiểu đúng để đối phó với Zika virus - Phần 1

GÓI TẦM SOÁT UNG THƯ VÚ - ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT2 THÁNG 10 NƠ HỒNG - ĐỒNG HÀNH CÙNG 2 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 102
Đặt lịch hẹn khám

Hiểu đúng để đối phó với Zika virus - Phần 1

    Những thông tin gần đây của loại virus mới “ăn não” hay “gây teo não” đã làm không ít người lo sợ và đặt câu hỏi về sự an toàn của người dân Việt Nam trước nguy cơ dịch bệnh đe doạ nhiều nơi trên thế giới. Trên thực tế, vấn đề của virus Zika khá đặc biệt và có thể nói là hoàn toàn khác biệt với các tác nhân gây bệnh từ trước đến giờ. Cần hiểu đúng các nguy cơ của bệnh để có biện pháp đối phó phù hợp.

    1. Tóm tắt về virus Zika (ZIKV)

    Virus Zika là một họ hàng gần của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, gặp chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với vectơ truyền bệnh tương tự là muỗi vằn thuộc nhóm Aedes. Virus cũng có thể lây bằng đường máu, qua nhau-ối và qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, số ca ghi nhận nhiễm bằng các đường lây này chỉ chiếm số ít.

    Khi gây bệnh ở người, 4/5 số ca không có biểu hiện và 1/ 5 chỉ có vài biểu hiện nhẹ như sốt, nổi mẩn, nhức đầu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân là phụ nữ có thai, thai nhi có thể bị dị tật đầu nhỏ. Tuy virus có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng bệnh đang gặp ở hơn 20 nước và bùng phát thành dịch ở các nước Nam Mỹ. Do chưa có thuốc chữa hay vaccine phòng ngừa, cách hạn chế dịch hiện nay chủ yếu nhằm vào vectơ truyền bệnh là muỗi.

    2. Không nên hù doạ bằng cái tên virus ăn não người

    Trước hết, khái niệm ăn não hay teo não là không phù hợp. Virus gây tác động trực tiếp vào quá trình phát triển của thai nhi ở giai đoạn sớm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, dẫn đến hậu quả là một tình trạng đầu có kích thước nhỏ hơn bình thường. Tình trạng này không phải do xương sọ nhỏ, mà do bộ não kém phát triển nên kích thước hộp sọ không tăng trưởng như bình thường. Nói cách khác, không có huỷ hoại mô não (như là amib ăn não Naegleria fowleri), cũng không có sự thoái hoá và thu nhỏ khối lượng mô não (như teo não ở người già chẳng hạn). Vì vậy, gọi là virus ăn não hay teo não thì đều sai cả.

    Dị tật đầu nhỏ có thể gặp do nhiều loại virus gây bệnh khác. Tuy nhiên, đầu nhỏ gây ra do virus Zika có sự khác biệt đặc trưng bởi việc không hình thành các nếp nhăn, hồi não và cả bộ não chỉ là một khối tròn trụi như hòn sỏi. Hậu quả trực tiếp của việc kém phát triển não là sự suy giảm chức năng vận động, chức năng trí tuệ và tăng tỷ lệ tử vong sau sinh. Trên thực tế, mối liên hệ đầu nhỏ-virus Zika chỉ được đưa ra từ tháng 8/2015. Thế hệ trẻ bị dị tật này cho đến nay còn chưa tròn một tuổi. Vì thế, ngoài vấn đề đầu nhỏ và bệnh lý viêm đa rễ thần kinh (Guillain Barre), có thể vẫn còn nhiều rủi ro mà chúng ta chưa nhìn thấy hết được.

    3. Virus Zika nguy hiểm tới mức nào?

    Virus Zika không phải là một tác nhân gây bệnh mới xuất hiện. Nó được phát hiện lần đầu vào năm 1947 tại khu rừng rậm Zika của Uganda (Africa) trên khỉ. Bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm virus Zika vào năm 1967 với các mô tả đơn giản về biểu hiện và cách điều trị. Cho đến năm 2015, virus Zika chỉ là một tác nhân gây bệnh loại xoàng, ít người để ý vì mức độ nguy hại không đáng kể và việc điều trị đơn giản. Vì thế, chẳng mấy ai quan tâm đến việc chẩnđoán (cho đến nay chưa có test thương mại nào để phát hiện bệnh), điều trị (không có thuốc điều trị đặc hiệu) cũng như phòng ngừa (chẳng ai nghĩ đến việc bào chế vaccine). Câu chuyện trở nên khác biệt vào tháng 8/15 khi mà lần đầu tiên mối liên hệ dị tật đầu nhỏ và virus này bị nghi ngờ bởi một phòng khám nhi của gia đình bác sĩ Van Linden. Mối nghi ngờ này nhanh chóng được xác nhận và trở thành báo động đỏ trong hệ thống y tế của Brazil.

    Trong giới chuyên môn, virus Zika đặt ra khá nhiều vấn đề mới. Mô hình bệnh gây nguy hiểm gián tiếp cho thai nhi thay vì trực tiếp cho bệnh nhân.Tuy nhiên, virus Zika  không phải là tác nhân gây bệnh đầu tiên có khả năng này. TORCH là một khái niệm quen thuộc của các bác sĩ Sản dùng để chỉ những tác nhân có nguy cơ tương tự (Toxoplasma, Other, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes Simplex Virus- trong đó Other là một nhóm bao gồm nhiều loại khác như Treponema, Cosackievirus, HBV, HIV, HPV, Varicella). Với sự “hung hãn” của virus Zika, hầu như chắc chắn là nó sẽ được nhanh chóng bổ sung vào sách vở và đổi tên TORCH thành TZORCH hay TORCHZ chẳng hạn.

    Chúng ta vẫn chưa thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của virus Zika cao đến mức nào vì số người bị nhiễm và bị bệnh khó có thể được đánh giá đúng. Một số báo của ta đã đưa thông tin sai lệch về số bệnh nhân như:  Brazil hiện đã phát hiện 4.000 trường hợp nghi nhiễm virus Zika…. hoặc:  có hơn 40 ca tử vong do nhiễm virus Zika…. Trên thực tế, con số 4180 ca là số trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ được phát hiện trong năm 2015 và nhà chức trách Brazil cho rằng  số người nhiễm bệnh có thể lên đến 100.000. Cũng vậy, con số tử vong hơn 40 ca  cũng không phải là tử vong do nhiễm virus mà là do sự suy giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương, hậu quả của nhiễm virus Zika nhiều tháng trước đó. Một điều khá rõ ràng là ngay cả khi con số chính xác chưa được xác định, những số liệu hiện tại cũng đủ để đặt toàn bộ các hệ thống y tế trên toàn thế giới lên mức cảnh giác cao nhất.

    Mặt khác, nguy cơ của virus Zika không nằm ở thì hiện tại, mà ở tương lai của cả một đất nước hay một dân tộc. Thật vậy, các tác nhân nhóm TORCH có thể gây dị tật sơ sinh, nhưng đó chỉ là những ca lẻ tẻ với số lượng không đáng kể. Chưa bao giờ người ta ghi nhận cơn “dịch về dị tật sơ sinh” cả. Tổ chức y tế thế giới ước tính đến cuối năm nay, cả châu Mỹ có thể có khoảng 4 triệu người bị nhiễm virus Zika, vậy sẽ có bao nhiêu ca đầu nhỏ bị sinh ra, 50.000 hay 150.000? Nói thật, chỉ nghĩ cũng không dám!

    Không nói đến số trẻ chết ngay sau sinh, chừng ấy trẻ bị dị tật sẽ là một gánh nặng về kinh tế và chăm sóc y khoa sẽ làm hao tốn bao tài nguyên của gia đình và xã hội? Bởi thế, một khuyến cáo chưa bao giờ có tiền lệ trong lịch sử y tế thế giới đã được đưa ra: các chị em trong vùng dịch chú ý chầm chậm lại, khoan hãy sinh con trong 2 năm, chờ  tìm ra thuốc trị hay vaccine phòng ngừa  rồi hãy tính nhé! Một lời khuyên nghe thật buồn cười nhưng không đáng cười một chút nào.

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

     

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Hiểu Đúng Để Đối Phó Với Zika Virus - Phần 2

    2. Virus Zika Lây Qua Đường Tình Dục

    3. Việt Nam Siết Chặt Kiểm Dịch Cửa Khẩu Để Phòng Dịch Zika

    4. Trung Quốc Tạo Muỗi Đực Gây Vô Sinh Muỗi Cái Để Chống Virus Zika

    5. Phụ Nữ Vùng Dịch Zika Được Phát Thuốc Phá Thai

    6. Tranh Cãi Virus Zika Hay Thuốc Trừ Sâu Gây Bệnh Đầu Nhỏ Ở Trẻ

    7. Virus Zika Bị Nghi Gây Mù Lòa

    8. WHO Ban Bố Tình Trạng Khẩn Cấp Toàn Cầu Về Virus Zika

    9. Virus Zika Tràn Vào Việt Nam Như Thế Nào?

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo