Hiểu đúng để đối phó với Zika virus - Phần 2

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam được Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ sắc phong Tiến sĩ danh dự2 ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT MỪNG MÙA LỄ HỘI2 Ưu Đãi Đặc Biệt Tặng 5% Giá Trị Thẻ Thành Viên Yersin2
Đặt lịch hẹn khám

Hiểu đúng để đối phó với Zika virus - Phần 2

    Chiều 29/1/ 2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết Việt Nam chưa có ca nào bị nhiễm Zika. Một mặt, đây là tin mừng làm yên lòng các chị em đang hay sắp mang thai. Mặt khác, đằng sau thông báo này là khá nhiều vấn đề không đơn giản. Thật vậy, khi nói Việt Nam chưa có cả nào nhiễm Zika, cần nói chính xác hơn là chưa có ca nào ĐƯỢC GHI NHẬN TRONG ĐỢT DỊCH ĐANG BÙNG PHÁT TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY. Nói cách khác, có thể có ca nhiễm nhưng chưa ghi nhận hoặc cũng có ca nhiễm, nhưng đã lâu rồi, ngoài đợt dịch này.

    *** Trước hết, cần phân biệt  lây nhiễm mới và cũ. Bản đồ phân bố dịch bệnh hiện nay của CDC Mỹ ghi nhận hình ảnh đang nóng của 21 nước, là những nước đang có ca bệnh cấp tính và đang có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng (active transmission). Ngược lại, có một bản đồ dịch tễ khác ghi nhận những nước có bằng chứng về sự hiện diện của virus Zika. Trong bản đồ này, nhiều nước Châu Phi, vùng Đông Nam Á và các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương đều được đánh dấu, kể cả Việt Nam.

    *** Làm sao phân biệt mới và cũ? Cách đáng tin cậy nhất là nhờ đến các phòng xét nghiệm. Trong trường hợp bệnh đang tiến triển, xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) sẽ tìm thấy dấu vết trực tiếp của bộ gen virus trong máu người bệnh hoặc đôi khi ở những vị trí khác như não của thai hoặc trong nước ối của phụ nữ mang thai. Ngược lại, khi bệnh đã hết, dấu vết của virus chỉ còn lại là các kháng thể đặc hiệu tìm thấy trong máu. Khi đó, các phản ứng ngưng kết huyết thanh sẽ cho kết quả dương tính dù bệnh nhân không còn mắc bệnh nữa. Các nghiên cứu về dịch tễ dùng huyết thanh chẩn đoán đã xác nhận virus Zika ở vùng Đông Nam Á (bao gồm Thái lan, Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Philippin và ViệtNam) từ nhiều năm trước đây.

    *** Để hiểu thêm về giá trị của hai loại xét nghiệm, có thể lấy ví dụ sau. Có một nhà kia bị trộm. Chủ nhà nhớ loáng thoáng khuôn mặt của anh trộm. Vài bữa sau, cảnh sát tóm được anh trộm này nhưng làm thế nào để khẳng định?

    - Cách thứ nhất, thường thấy trong phim ảnh, sắp hàng 4 - 5 khuôn mặt khả nghi và yêu cầu khổ chủ nhận diện thủ phạm.

    - Cách thứ hai, nếu tìm được dấu tay của trộm tại hiện trường, chỉ cần so sánh với đối tượng tình nghi là được.

    Cách nhận diện kẻ gian đưa vào mắt thường cũng giống như làm phản ứng huyết thanh. Thông thường là chính xác nhưng đôi khi vẫn cố nhầm lẫn nếu có hai anh hơi bị giống nhau (ví dụ như virus Zika và virus sốt xuất huyết chẳng hạn). Ngược lại, cách dựa vào vân tay là đặc hiệu cũng như phản ứng PCR, không thể lầm. Nói chung, cả hai loại xét nghiệm trên đều dựa trên nguyên tắc chung và các thiết bị thông thường. Vấn đề là cần phải có những mẫu thử đặc hiệu cho virus định truy tìm. Cho đến nay, chưa có phòng xét nghiệm nào ở Việt Nam nhận thử vì chưa có mẫu. Viện dịch tể trung ương cũng cho biết đang chờ sự giúp đỡ từ phía Mỹ.

    *** Vậy thật sự là Việt Nam không có virus Zika? Đáng tiếc, điều này hơi khó tin.

    Trước hết, phải khẳng định ngay là Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành “đất lành” của virus Zika vì có đủ những điều kiện cần thiết: khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém với nhiều nguồn nước tù đọng, sự hiện diện phổ biến của tác nhân truyền bệnh là muỗi Aedes.

    Về mặt lâm sàng, nhắc lại là 80% bệnh nhân nhiễm Zika không có triệu chứng. 20% còn lại chỉ có cảm sốt nhẹ, nổi mẩn đỏ chút ít. Vậy nếu ta có 1000 ca nhiễm Zika, có bao nhiêu ca đi khám bệnh? Trong số ít ỏi người bệnh đi khám, có bao nhiêu ca bác sĩ nghĩ đến Zika để cho đi xét nghiệm? Cuối cùng, chưa hề có một ca nào được đi thử virus Zika (vì vốn là chưa hề có nơi nào thử được mà), thì làm thế nào để chắc chắn không có ca bệnh?

    Bởi vậy, hãy tự an ủi mình đôi chút nhưng đừng lơ là cảnh giác với bầy muỗi đói chung quanh ta vì mối hiểm họa có vẻ còn đang lơ lửng quanh đây. Ít nhất, Việt Nam không phải là nước đang có báo động nên khuyến cáo về hoãn mang thai chưa cần áp dụng ở nước ta.

    Những câu hỏi khác

    Một trong những câu hỏi làm đau đầu giới chuyên môn quan tâm là vì sao Brazil? Vì sao lại là 2015? Điều gì đã làm cơn dịch bùng phát như hiện nay? Có thể có một câu trả lời  cho qua chuyện là  đất lành virus đậu… và Brazil, 2015 chẳng qua là hậu quả của một môi trường phù hợp sau khi virus Zika cập bến vào năm 2014. Tuy nhiên, không rõ vì sao những yếu tố về thời tiết, khí hậu đó có thể gặp ở nhiều nước nhiệt đới khác mà không đưa đến hậu quả nghiêm trọng.

    Cũng có giả thuyết nêu lên vai trò của World cup 2014 như một dịp Festival của họ nhà muỗi vằn trước đám đông chen chúc trong một đô thị chật hẹp? Tuy không có cơ sở khoa học rõ ràng nhưng cũng đã có ý kiến nghi vấn về ảnh hưởng của Olympic 2016 lên tình hình dịch bệnh vào năm tới.

    Một giả thuyết khác cũng đang được xem xét là vai trò của quần thể muỗi biến đổi gen OX513A của công ty Oxitec. Vốn được thiết kế để giảm số lượng nhóm muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, các nhà điều tra đang nghi ngờ là việc biến đổi gen này có thể làm xuất hiện giống” siêu muỗi” thế hệ F1 với khả năng sống sót và truyền bệnh mạnh mẽ hơn muỗi cha muỗi mẹ. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng, cũng cần biết là công ty Oxytec cho biết họ đã được phép nhập khẩu và rải thử nghiệm muỗi OX513A ở Việt Nam.

    Cuối cùng, trong hàng loạt những tin tức nặng nề, một vài số liệu gần đây khác làm nhẹ đi nỗi lo lắng về tình trạng dị tật đầu nhỏ của thai và trẻ sơ sinh. Trước hết, để xác định đầu nhỏ do virus Zika, không chỉ  nhìn bằng mắt thường mà cần số đo chính xác và so sánh với tuổi, giới thai-trẻ. Trong con số 4180 ca đầu nhỏ được báo cáo ban đầu, hơn 700 ca được khám chi tiết cẩn thận, chỉ có 270 ca được xác nhận có dị tật còn 462 ca còn lại đã được loại trừ. Tuy 3448 ca còn lại vẫn còn đang được điều tra nhưng rõ ràng con số trẻ đầu nhỏ thực sự sẽ thấp hơn công bố ban đầu khá nhiều.

    Mặt khác, trong 270 ca được xác nhận dị tật, chỉ có 6 ca có bằng chứng nhiễm virus Zika. Vì thế, giới chuyên môn đang tỏ ra nghi ngờ về việc thổi phồng số liệu, thông tin sai lệch làm đánh giá quá lố các rủi ro thực tế. Việc xác định lại các thông tin này có thể phải cần thêm thời gian và việc tiếp tục cập nhật thông tin là vô cùng cần thiết.

    Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

    Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

    Tham khảo những bài viết liên quan:

    1. Virus Zika Lây Qua Đường Tình Dục

    2. Việt Nam Siết Chặt Kiểm Dịch Cửa Khẩu Để Phòng Dịch Zika

    3. Trung Quốc Tạo Muỗi Đực Gây Vô Sinh Muỗi Cái Để Chống Virus Zika

    4. Phụ Nữ Vùng Dịch Zika Được Phát Thuốc Phá Thai

    5. Tranh Cãi Virus Zika Hay Thuốc Trừ Sâu Gây Bệnh Đầu Nhỏ Ở Trẻ

    6. Hiểu Đúng Để Đối Phó Với Zika Virus - Phần 1

    7. Virus Zika Bị Nghi Gây Mù Lòa

    8. WHO Ban Bố Tình Trạng Khẩn Cấp Toàn Cầu Về Virus Zika

    9. Virus Zika Tràn Vào Việt Nam Như Thế Nào?

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.vn
    • Website: www.yersinclinic.com
    Zalo