Creatinine là sản phẩm thải sinh ra từ vận động thường nhật của mô cơ. Khi creatinine sản sinh, nó được lọc qua thận và thải ra ngoài qua nước tiểu. Các bác sĩ đánh giá chức năng thận bằng cách đo nồng độ creatinine trong máu. Khả năng xử lý creatinine của thận được gọi là độ thanh lọc creatinine, qua đó giúp ước tính độ lọc cầu thận (GFR) –lưu lượng máu chảy qua thận.
Chức năng thận bình thường và GFR
Toàn bộ máu trong cơ thể lưu thông qua thận hàng trăm lần mỗi ngày. Thận đẩy phần dịch của máu qua những màng lọc nhỏ (gọi là cầu thận – đơn vị chức năng của thận), sau đó tái hấp thụ hầu hết toàn bộ dịch vào trong máu. Phần dịch và chất thải mà thận không tái hấp thụ sẽ được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.
Lưu lựơng máu qua thận được gọi là độ thanh lọc vi cầu thận, hay GFR. (Các bó vi mạch cầu thận nằm bên trong cầu thận, là phần cực kỳ quan trọng của hệ thống lọc). Độ thanh lọc vi cầu thận không thể đo trực tiếp mà được tính gián tiếp qua creatinine và độ thanh lọc creatinine.
Creatinine và độ thanh lọc creatinine là gì?
Creatinine là chất thải được sản sinh thường xuyên trong suốt quá trình phân hủy cơ bắp thông thường. Thận lọc creatinine từ máu và thải vào nước tiểu, và hầu như không tái hấp thụ phần nào chất thải này.
Lượng máu mà thận có thể hoàn toàn lọc hết creatinine trong đó mỗi phút gọi là độ thanh lọc creatinine. Độ thanh lọc creatinine ở một người trẻ khỏe mạnh khoảng 125 ml mỗi phút – nghĩa là cứ mỗi phút, thận của người này loại bỏ hết creatinine trong 125 mL máu. Tỷ lệ lọc cầu thận khác nhau tùy theo độ tuổi, giới tính và kích cỡ người. Nói chung, độ thanh lọc creatinine là một ước lượng tốt của độ lọc vi cầu thận.
Đo lường độ thanh lọc creatinine và chức năng thận
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Bác sĩ dùng xét nghiệm creatinine và độ thanh lọc creatinine để kiểm tra chức năng thận. Xét nghiệm tỷ lệ thanh lọc creatinine cho biết khả năng lọc máu của thận. Khi chức năng lọc của thận giảm sút, mức thanh lọc creatinine cũng giảm.
Có 2 cách chính để bác sĩ xét nghiệm creatinine nhằm kiểm tra chức năng thận:
- Độ thanh lọc creatinine có thể được đo lường chính xác bằng cách kiểm tra lượng creatinine trong mẫu nước tiểu thu thập trong hơn 24 giờ. Để thực hiện phương pháp này bạn cần đi tiểu hoàn toàn trong 1 bình nhựa trong 1 ngày, sau đó mang nó đến phòng xét nghiệm. Mặc dù phương pháp kiểm tra creatinine trong nước tiểu không thuận tiện nhưng đó là cách cần thiết để chẩn đoán tình trạng thận.
- Người ta cũng có thể ước tính GFR bằng cách sử dụng một mẫu máu chứa creatinine và bác sĩ sẽ dùng công thức để đo. Có nhiều công thức khác nhau có sẵn trong đó có các yếu tố như giới tính, độ tuổi, và đôi khi cân nặng và chủng tộc cũng được xét đến. Nồng độ creatinine càng cao thì mức độ ước lượng GFR và độ thanh lọc creatinine càng thấp.
Vì những lý do thực tế, để kiểm tra độ thanh lọc creatinine thì phương pháp xét nghiệm máu để đo mức lọc cầu thận được sử dụng nhiều hơn so với xét nghiệm nước tiểu trong vòng 24 giờ.
Tìm hiểu về kết quả xét nghiệm creatinine bất thường
Mức độ lọc cầu thận hay độ thanh lọc creatinine thấp chứng tỏ bị bệnh thận. Chức năng thận suy giảm có thể do cấp tính (mang tính đột ngột, thường hồi phục) hay mãn tính (dài hạn và không hồi phục). Việc lặp đi lặp lại xét nghiệm GFR hay đo lường độ thanh lọc creatinine theo thời gian giúp xác định bệnh thận là cấp tính hay mãn tính.
Chức năng thận và độ thanh thải creatinine tự nhiên suy giảm theo độ tuổi. Tin tốt là thận có công suất dự trữ lớn.
Hầu hết con người có thể mất hơn một nửa chức năng thận mà vẫn không có triệu chứng hay vấn đề nghiêm trọng.
Bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh thận mãn tính dựa trên hệ thống giai đoạn sử dụng phương pháp GFR:
Giai đoạn 1: GFR >= 90 (chức năng thận bình thường)..
Giai đoạn 2: GFR 60-90 (chức năng thận giảm nhẹ).
Giai đoạn 3: GFR 30-59 (chức năng thận suy giảm vừa phải).
Giai đoạn 4: GFR 15-29 (chức năng thận suy giảm nghiêm trọng).
Giai đoạn 5: GFR <15 (suy thận, chạy thận thường xuyên).
Những người trên 60 tuổi có thể mức creatinine trong máu bình thường, nhưng mức GFR và độ thanh lọc creatinine vẫn thấp. Phương pháp xét nghiệm nước tiểu trong 24 giờ hay một trong những phương pháp đo GFR (độ lọc cầu thận) có thể xác định chính xác sự suy giảm chức năng thận.
Bạn nên làm gì khi mức độ thanh thải creatinine thấp
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Nếu độ lọc cầu thận hay mức thanh lọc creatinine thấp, bác sĩ sẽ lên kế hoạch cùng người bệnh tìm ra ngọn nguồn vấn đề.
Những nguyên nhân chính của bệnh thận mạn tính là cao huyết áp và tiểu đường. Nếu bạn có những bệnh trên, bước đầu tiên là kiểm soát bệnh bằng cách cải thiện chế độ ăn, vận động và uống thuốc. Nếu bạn không có những bệnh trên, bạn cần tiếp tục làm xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân bệnh thận.
Kiểm tra độ lọc cầu thận (GFR) định kỳ hay độ thanh lọc creatinine giúp bạn và bác sĩ theo dõi nếu có bất kỳ sự suy giảm chức năng thận qua thời gian. Bác sĩ có thể cần điều chỉnh toa thuốc của bạn do suy giảm chức năng thận.
Đa số mọi người không cần lọc máu cho đến khi GFR và độ thanh lọc creatinine giảm đến mức rất thấp. Tuy nhiên, chức năng thận suy giảm dần theo độ tuổi, nên quan trọng là bạn cần phát hiện sớm để có thể duy trì toàn bộ chức năng thận.
Biên dịch từ nguồn WebMD
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
1. HỆ THỐNG XÉT NGHIỆM VI KHUẨN HP 13C (BREATHID) QUA HƠI THỞ VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI
3. Tầm Soát Ung Thư Vú Bao Gồm Những Xét Nghiệm Gì
4. Phân Biệt Xét Nghiệm Pap Smear Và Thinprep Pap Trong Tầm Soát Ung Thư Cổ Từ Cung
5. Khám Tim Mạch Ở Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin Bao Gồm Những Xét Nghiệm Nào
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com