Xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT: Oral glucose tolerance test) giúp đo lường khả năng dung nạp glucose (năng lượng chủ yếu) của cơ thể. Xét nghiệm OGTT là xét nghiệm chẩn đoán tiền đái đường và bệnh đái đường, đồng thời là xét nghiệm phổ biến nhất để kiểm tra bệnh đái đường thai kỳ ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Tại sao phải làm xét nghiệm này?
Mục đích của xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT) là:
1. Kiểm tra đái đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai.
Có vài yếu tố nguy cơ như:
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
- Có chẩn đoán đái đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Dự đoán cân nặng thai nhi hơn 9lb (4,1kg)
- Phụ nữ dưới 25 tuổi và thừa cân trước khi mang thai
2. Chẩn đoán tiền đái đường và bệnh đái đường
Cần chuẩn bị gì khi làm xét nghiệm này?
Để chuẩn bị làm xét nghiệm dung nạp glucose bạn cần lưu ý:
- Có chế độ ăn cân bằng, ít nhất là 150gram carbohydrate mỗi ngày cho 3 ngày liên tiếp trước khi làm xét nghiệm. Một số thực phẩm có nguồn carbonhydrate tốt như: trái cây, ngũ cốc, các loại hạt, gạo, bánh quy, rau cũ (cà chua, đậu, bắp).
- Trước khi lấy mẫu máu đầu tiên, ít nhất 8 tiếng, bạn không nên ăn uống, hút thuốc hay vận động quá mức.
- Hãy cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang dùng vì có thể bạn sẽ được yêu cầu ngưng thuốc trước khi làm xét nghiệm này.
Làm nghiệm pháp dung nạp glucose có thể mất khoảng 4 giờ. Vì hoạt động của bạn có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nên trong quá trình làm xét nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu ngồi thư giãn tại chỗ, không được ăn, chỉ được uống nước lọc.
Hãy trao đổi với bác sĩ bất cứ băn khoăn nào liên quan đến các yêu cầu khi làm xét nghiệm, nguy cơ cũng như quá trình thực hiện.
Quá trình làm xét nghiệm
Vào ngày làm xét nghiệm, các bước sau sẽ được thực hiện:
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
- Khi bạn đến, bạn sẽ được lấy mẫu máu làm xét nghiệm đường huyết nhanh. Kết quả xét nghiệm này là cột mốc để so sánh với các kết quả khác.
- Sau đó, bạn được yêu cầu uống một dung dịch nước đường pha sẵn theo hàm lượng quy định. Tốt nhất là bạn nên uống nhanh. Với nghiệm pháp này, bạn sẽ uống khoảng 75 gram hoặc 100 gram đường.
- Sau uống dung dịch đường, khoảng 1, 2 hoặc đôi khi đến 3 tiếng, bạn sẽ được lấy máu làm xét nghiệm tiếp.
Mẫu máu có thể lấy sớm 30 phút hoặc sau 3 tiếng.
Xét nghiệm máu
Nhân viên lấy máu sẽ:
- Garo tay để dễ đâm kim.
- Dùng cồn xác khuẩn vị trí đâm kim. Lấy đủ lượng máu xét nghiệm.
- Tháo garo.
- Đắp gauze vô trùng lên vị trí tiêm khi rút kim.
- Ấn ngay ví trí đâm kim, sau đó dùng băng keo cá nhân băng lại.
Cảm giác như thế nào khi làm xét nghiệm?
Dung dịch nước đường có thể rất khó uống. Vài người thấy khó chịu và có thể bị nôn ói. Nếu bạn bị nôn sau khi uống dung dịch đường thì nghiệm pháp này có thể không hoàn tất được.
Mẫu máu xét nghiệm được lấy từ tĩnh mạch tay. Có thể khi lấy máu bạn có cảm giác hơi đau nhẹ như kiến cắn.
Mặc khác, do lấy máu nhiều lần trong ngày có thể làm bạn có cảm giác choáng nhưng lượng máu thấy thật ra rất ít, không đáng kể để làm bạn bị mất máu hay thiếu máu.
Những nguy cơ
Một số người có thể bị hạ đường huyết khi được lấy mẫu máu cuối cùng. Tuy nhiên, vài người sẽ có cảm giác bị hạ đường huyết nhưng thật sự đường huyết không bị hạ. Triệu chứng của hạ đường huyết là: mệt mỏi, đói bụng, vã mồ hôi, cảm giác bồn chồn, bứt rứt. Khi các triệu chứng này có xu hướng tăng trong quá trình làm xét nghiệm, bạn sẽ được thử đường huyết bằng máy thử đường nhanh tại chỗ. Nếu kết quả đường huyết bị thấp thì nghiệm pháp này sẽ được ngưng.
Nguy cơ khi lấy máu
- Có thể bạn sẽ bị vết bầm ngay vị trí lấy máu. Để hạn chế bị vết bầm, bạn nên ấn chặt chỗ tiêm vài phút sau khi rút kim.
- Vài trường hợp hiếm hoi, tĩnh mạch bị viêm sau lấy máu. Tình trạng này gọi là viêm tĩnh mạch. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, chỉ cần chườm ấm vài lần mỗi ngày lên vùng này thì tình trạng sẽ thuyên giảm.
- Chảy máu rỉ rả khó cầm thường xuất hiện ở những người bị rối loạn đông máu. Aspirin và những thuốc kháng đông sẽ gây chảy máu nhiều hơn. Do đó, nếu bạn bị rối loạn đông máu, huyết khối, hoặc đang uống thuốc kháng đông, bạn nên nói rõ với bác sĩ để họ lưu ý nhiều hơn khi lấy máu xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm
Nhiều nguyên nhân có thể làm thay đổi nồng độ glucose trong máu. Bác sĩ sẽ tư vấn kết quả xét nghiệm kết hợp với biểu hiện lâm sàng và tiền sử bệnh của bạn.
Yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm:
- Hút thuốc.
- Uống rượu.
- Gần đây có phẩu thuật, bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng.
- Ăn kiêng để giảm cân.
- Có thời gian dài nằm nghỉ tại giường do nằm viện hay bệnh.
Xét nghiệm đó có giá trị gì?
Khi tầm soát đái đường thai kỳ, bạn sẽ làm một xét nghiệm trước khi thực hiện uống 100 gram đường cho xét nghiệm dung nạp glucose. Với xét nghiệm đầu, bạn không cần vội vàng, bạn chỉ cần uống khoảng 50 gram glucose, sau 1 giờ bạn sẽ được lấy máu. Nếu nồng độ glucose cao hơn 140 mg/dl (7,8 mmol/l), bạn sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm lần 2 (100 gram glucose).
Mặc dù đái đường thai kỳ có thể biến mất sau khi bạn sinh con, bạn vẫn có nguy cơ bị đái đường thai kỳ cho lần mang thai kế tiếp hoặc có thể bị đái tháo đường type 2 sau này. Bạn nên làm lại nghiệm pháp dung nạp glucose, 6 đến 12 tuần sau sinh hoặc sau khi ngưng cho con bú. Nếu kết quả lần này bình thường, bạn nên tiếp tục tầm soát bệnh đái đường ít nhất mỗi 3 năm.
Trích dịch từ nguồn WebMD
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Xem thêm những bài viết liên quan:
1. BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
2. Trong Tương Lai Bạn Có Bị Đái Tháo Đường?
4. Đường Huyết Cao Và Bệnh Đái Tháo Đường
5. Giải Đáp Thắc Mắc Về Bệnh Tiểu Đường Type 2
6. Nội Soi Với Bệnh Lý Đường Tiêu Hóa
7. Mối Liên Quan Giữa Đái Tháo Đường Và Gout
8. Đối Tượng Dễ Mắc Tiểu Đường & Nguy Cơ Theo Từng Độ Tuổi
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN
- Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 39 33 6688 Hotline: 0903.800.551
- Email: info@yersinclinic.vn
- Website: www.yersinclinic.com