Ở Mỹ, Chlamydia là một trong những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Bệnh lây dễ vì thường không có biểu hiện triệu chứng và người bệnh lây cho bạn tình một cách vô ý thức. Trên thực tế, khoảng 75% phụ nữ và 50% nam giới không có triệu chứng khi bị nhiễm Chlamydia.
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhận biết khi bị nhiễm Chlamydia?
Thật không dễ dàng để chẩn đoán có bị nhiễm Chlamydia vì các triệu chứng biểu hiện thường không rõ ràng. Tuy nhiên, khi nhiễm Chlamydia, trong vòng 1 đến 3 tuần có thể xuất hiện các triệu chứng:
Với phụ nữ:
- Dịch âm đạo bất thường, có thể có mùi.
- Ra huyết giữa chu kỳ kinh.
- Đau trong chu kỳ kinh.
- Đau bụng có sốt đi kèm.
- Đau khi giao hợp.
- Ngứa rát xung quanh âm đạo.
- Đau khi đi tiểu.
Với phái nam:
- Có ít dịch trong hoặc trắng đục ở đầu dương vật.
- Đau khi tiểu tiện.
- Ngứa rát xung quanh đầu dương vật.
- Đau và phù nề quanh tinh hoàn.
Chẩn đoán
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Có vài xét nghiệm để chẩn đoán Chlamydia. Có thể bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch ở đầu dương vật (nam), ở cổ tử cung (nữ) để làm xét nghiệm. Ngoài ra, cũng có thể lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm tìm vi trùng.
Điều trị
Nếu bị nhiễm Chlamydia, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống. Một số kháng sinh thường dùng trong điều trị Chlamydia là azithromycin (Zithromax) hoặc Doxycycline. Mặc khác, “người kia” cũng được yêu cầu điều trị để tránh tái nhiễm và lây lan.
Nếu được điều trị, tình trạng nhiễm Chlamydia sẽ khỏi trong 1 hoặc 2 tuần. Quan trọng là bạn phải tuân thủ uống kháng sinh đủ liều theo phác đồ, thậm chí khi bệnh đã diễn tiến tốt hơn.
Với trường hợp nhiễm Chlamydia nặng ở phụ nữ, bệnh nhân có thể được yêu cầu nhập viện, tiêm thuốc kháng sinh và giảm đau. Sau khi uống thuốc kháng sinh, bạn nên thử lại xét nghiệm để chắc chắn tình trạng nhiễm trùng đã được điều trị khỏi. Vấn đề đặc biệt quan trọng là nếu bạn không chắc chắn “người kia” đã khỏi bệnh hoàn toàn chưa thì không nên quan hệ tình dục, cho đến khi cả hai bên đảm bảo đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Nếu bị nhiễm Chlamydia nhưng không điều trị thì sao?
Nếu không điều trị, có thể dẫn đến những nguy cơ:
1. Phụ nữ: Nếu không điều trị Chlamydia có thể gây nhiễm trùng phần phụ, dẫn đến tổn thương ống dẫn trứng gây vô sinh, tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Hơn thế, Chlamydia có thể gây sinh non, dễ lây nhiễm cho thai nhi trong lúc sinh, và là nguyên nhân gây nhiễm trùng mắt, mù, viêm phổi cho trẻ sơ sinh.
2. Phái nam: Nếu nam giới bị nhiễm Chlamydia mà không điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu, ống dẫn tinh và cả viêm trực tràng.
Phòng ngừa
Nhằm giảm nguy cơ nhiễm Chlamydia cần:
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh.
- Nếu nghi ngờ nhiễm Chlamydia thì nên tránh quan hệ tình dục và nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.
Khi có bất kỳ biểu hiện khác thường ở bô phận sinh dục như: tiết dịch, rát buốt đường tiểu, nổi mẫn hoặc đau, bạn nên ngừng quan hệ, nên đến gặp bác sĩ ngay.
Nếu bạn đang điều trị Chlamydia hoặc một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nào đó, bạn nên khuyên “người kia” đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Vì khi nhiễm Chlamydia thường không có triệu chứng, có thể người bị nhiễm cũng không biết. Do đó, các bác sĩ đề nghị rằng, những người có “nhiều mối quan hệ” thì nên xét nghiệm Chlamydia thường xuyên dù không có triệu chứng.
Biên dịch từ nguồn WebMD
Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
Tham khảo những bài viết liên quan:
1. Tôi Nên Làm Gì Để Phòng Ngừa Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung Và Các Bệnh Khác Do HPV Gây Ra?
4. Quan Điểm Mới Về Chích Ngừa HPV
5. 5 Triệu Chứng Thường Gặp Khi Nhiễm Nấm
YERSIN INTERNATIONAL CLINIC
Số 10 Trương Định, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Số GPHĐ: 00001/SYT-GPHĐ cấp ngày 24/08/2012
Người chịu trách nhiệm chuyên môn: Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam
Thời gian hoạt động: Từ thứ 2 đến thứ 7 ( 7:30 - 12:00, 13:00 - 17:00 )Tel: 028.39336688 Hotline: 0933 6688 27