Đột quỵ là gì

PKĐKQT YERSIN một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nội soi tiêu hóa2 Tầm Soát Ung Thư Dạ Dày - Đại Tràng - Đại Trực Tràng - Ưu đãi tháng 112 GÓI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT - ƯU ĐÃI THÁNG 112
Đặt lịch hẹn khám

Đột quỵ là gì

    Đột quỵ não là căn bệnh cực kỳ đáng sợ, xảy ra đột ngột và có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu may mắn sống sót thì khả năng hồi phục não cũng không phải dễ dàng, có người bị liệt suốt đời. Cách xử lý khi có người bị đột quỵ rất quan trọng, vì nó có thể cứu sống một con người…

    Có lẽ không có gì đáng sợ bằng những tai hoạ đến đột ngột, khi con người hoàn toàn không ngờ đến, không có sự chuẩn bị nào. Những căn bệnh hầu như không có triệu chứng báo trước nhưng lại đến một cách bất ngờ, đột ngột cũng khiến người ta hoảng sợ như thế. Đột quỵ là một trong những căn bệnh đó.

    Đột quỵ là gì?

    Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một nhóm các bệnh não cấp xảy ra đột ngột do mạch máu não bị tổn thương, sau vài phút hay vài giờ xuất hiện các hội chứng thần kinh nặng, có thể phục hồi được.

    Theo nghiên cứu, căn bệnh này là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Đột quỵ thường được chia làm 2 nhóm: Thiếu máu cục bộ (chiếm 71%), xuất huyết (chiếm 26%) và 3% còn lại do nguyên nhân khác.

    Từ đột quỵ được áp dụng cho thiếu máu cục bộ não, dẫn đến tổn thương não không hồi phục. Quá trình này có thể do giảm tưới máu mô não, do huyết động suy giảm, huyết khối trong các mạch máu trong não hoặc sọ não, hoặc do thuyên tắc mạch.

     

    Xuất huyết não là do vỡ mạch máu trong não thứ phát, do tăng huyết áp hay do xơ vữa động mạch, do vỡ phình mạch hay vỡ dị dạng động tĩnh mạch, máu chảy vào trong não dần dần tạo thành khối máu tụ hoặc tràn vào não thất bên gây lụt não thất (tiên lượng rất nặng).

    Tác động mạch não là nhóm bệnh ít gặp nhất trong đột quỵ não, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào do bị mắc bệnh tim (hay nói cách khác đột quỵ não từ tim lên). Thủ phạm là từ huyết khối trong buồng tim trái (hẹp van 2 lá, viêm nội tâm mạc), hoặc từ mảng vữa xơ ở động mạch lớn ngoài sọ (nhất là ở quai động mạch chủ, động mạch cảnh gốc). Tắc mạch có thể là biến chứng của rung nhĩ, hay sau nhồi máu cơ tim, hoặc phẫu thuật tim hở.

    Nguy cơ và triệu chứng

    Có khoảng ¼ bệnh nhân trẻ hơn tuổi 55 bị đột quỵ, thường là do bệnh tim, do tắc mạch. Càng lớn tuổi, nguy cơ đột quỵ càng cao, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên. Bình thường thì nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới, nhưng trên 65 tuổi, tỷ lệ phụ nữ chết vì đột quỵ lại cao hơn.

     

    Đột quỵ cũng mang tính di truyền. Do bệnh sử gia đình có người đột quỵ hoặc biến chứng của các yếu tố nguy cơ thông thường do lối sống từ đời này sang đời khác. Đặc biệt là những người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, hoặc tiền sử gia đình có lipid cao.

     

    Nhiều loại bệnh khác cũng là nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến đột quỵ, như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch toàn thân, đái tháo đường (gây tăng xơ vữa động mạch, tổn thương vi mạch). Những người có bệnh tim (rung nhĩ bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết) cũng dễ bị đột quỵ.

     

    Cần lưu ý là những người từng có cơn thiếu máu cục bộ thoảng qua cũng có nguy cơ bị đột quỵ rất cao. Theo thống kê, có 5% bệnh nhân bị đột quỵ thực sự trong khoảng 1 tháng sau khi có cơn thiếu máu cục bộ thoảng qua.

    Bệnh cảnh đột quỵ xảy ra là rất khác nhau, có những trường hợp được báo trước do có thể đã nhiều lần có cơn thiếu máu cục bộ thoảng qua trước đây. Tai biến có thể xảy ra cả ban ngày lẫn ban đêm, nói chung bất cứ lúc nào và thường là đột ngột. Thường biểu hiện bằng một trong những triệu chứng sau đây:

     

    • Đột ngột đau đầu dữ dội.
    • Đột ngột buồn nôn, tức ngực khó thở, tim đập nhanh rồi ú ớ, nói ngọng và liệt nửa người hoặc đi vào hôn mê.
    • Cảm giác tê bì nửa mặt hoặc nửa người, cảm giác nặng một chân khi nâng chân lên, nói ngọng méo miệng.
    • Choáng, chóng mặt, mất thăng bằng, mờ mắt, nhìn đôi giảm thị lực 1 mắt hoặc 2 mắt, đột ngột u ám, lẫn lộn... là những dấu hiệu đột quỵ xảy ra ngay tức thì.

    Cấp cứu đột quỵ

    Khi thấy ai đó có những triệu chứng trên, ngay lập tức khẩn trương giúp đỡ cứu chữa cho họ bằng cách:

    • Đỡ bệnh nhân nhẹ nhàng lên giường hoặc một nơi sạch sẽ thoáng mát nào đó, tránh để bệnh nhân té ngã sẽ làm nặng thêm nếu đột quỵ do xuất huyết não.
    • Cho người bệnh nằm nghiêng sang một bên nếu bệnh nhân nôn ói, móc và lau hết đờm dãi trong miệng bệnh nhân cho bệnh nhân dễ thở.
    • Không tự ý cho uống hay nhỏ thuốc hạ huyết áp hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác. Không cho bệnh nhân uống nước, sữa hoặc ăn cháo, vì có nguy cơ làm cho bệnh nhân bị sặc, nghẹn.
    • Không cạo gió, xoa dầu, giác hút hoặc khấn vái, đuổi tà ma…
    • Không chờ xem bệnh nhân có khỏe hay tỉnh lại không, nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới phòng khám, bệnh viện, hoặc trung tâm y tế gần nhất để xử trí cấp cứu tiếp.

    Nói chung, trong đa số trường hợp, đột quỵ là một cấp cứu nội khoa, do đó càng chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bởi vì sau đột quỵ hay có những biến chứng nặng nề đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

    Ngày nay đã có nhiều thành tựu quan trọng về xử trí đột quỵ, cứu sống nhiều bệnh nhân, đó là nhờ các thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, đường động mạch và các kỹ thuật cơ học qua da. Các thuốc này phải được xử trí sớm trước 3 giờ đầu mới có hiệu quả. Vì thế, chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, trung tâm y tế càng sớm thì càng tận dụng được khoảng thời gian vàng để cứu chữa bệnh nhân.

    Phòng tránh đột quỵ

    • Theo dõi và điều trị cao huyết áp, giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
    • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác nhất là tăng lipid máu, nghiện thuốc lá.
    • Điều trị bệnh tiểu đường, kiểm soát tốt đường huyết và điều trị vữa xơ động mạch kèm theo, dùng thuốc chống đông đối với bệnh nhân thay van nhân tạo hay bệnh nhân bị rung nhĩ (aspirin 80-300mg/ngày).
    • Tránh táo bón, đặc biệt ở người già.
    • Ăn uống điều độ, sống lạc quan yêu đời, tránh stress.
    • Thường xuyên vận động và tập thể dục, thể thao, nhưng không quá sức, tránh lao động nặng, gió lùa.

    Cần chú ý, cơn thiếu máu cục bộ thoảng qua là một dấu hiệu báo trước cực kỳ quan trọng để khuyến cáo người bệnh đặt vấn đề dùng thuốc chống đông sớm.

    Bài: BS. CKII Đặng Đình Trọng

     

    Tham khảo những bài viết liên quan: 

    1. Đau Nửa Đầu Và Đột Quỵ

    2. Chuyện Xảy Ra Khi Đột Quỵ

    3. Nguy Cơ Ung Thư Sau Đột Quỵ

    4. 9/10 Các Trường Hợp Đột Qụy Có Thể Ngăn Ngừa Được

    5. Nấc Cục Cảnh Báo Nguy Cơ Đột Quỵ Ở Phụ Nữ

    6. Ô Nhiễm Là Nguyên Nhân Hàng Đầu Gây Đột Quỵ

    7. Sống Khỏe Để Ngăn Ngừa Đột Qụy

    8. Tìm Hiểu Về Đột Qụy

    9. Đột Quỵ Thoáng Qua, Chớ Nên Coi Thường

    10. Đột Quỵ, Căn Bệnh Nguy Hiểm Không Phải Chỉ Ở Người Lớn Tuổi

    11. Đột Quỵ - Để "Hung Thần" Không Ghé Thăm

     

     

    PHÒNG KHÁM ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN

    • Địa chỉ: Số 10 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh
    • Điện thoại: 028 39 33 6688       Hotline: 0903.800.551
    • Email: info@yersinclinic.com
    • Website: www.yersinclinic.com

     

    Zalo